Thánh I-nhã : Tự do để yêu mến và phục vụ (VIII)

Phụ trang 24

 

Phong trào Nhân Văn

 

Khởi đầu từ Ý vào thế kỷ XIV, phong trào Phục Hưng lan rộng khắp Châu Âu vào thế kỷ XVI, khai sinh một nền văn hóa mới và ảnh hưởng đáng kể trên đời sống Hội Thánh.

Vào thời Trung Cổ, toàn bộ Châu Âu theo Kitô giáo, phía đông là Giáo Hội Chính Thống, phía tây là Giáo Hội Công Giáo. Ngôn ngữ chính của phương đông là tiếng Hylạp, ngôn ngữ chính của phương tây là tiếng Latinh. Ở phương tây, thần học Kinh Viện được coi là đã đạt tới đỉnh cao của trí tuệ loài người. Tuy nhiên, với cái nhìn duy siêu nhiên, nhấn mạnh đến ơn cứu độ linh hồn và đời sau, đời sống con người và những giá trị nhân bản phần nào bị lãng quên. Qua những cuộc viễn chinh của Đạo Binh Thánh Giá và những cuộc xâm lăng của người Arập, rồi những trao đổi thương mại qua đường hàng hải, vào cuối thời Trung Cổ, một số bản văn và học giả phương đông được giới thiệu với giới trí thức phương tây. Người ta khám phá ra giá trị nhân bản của các tác giả và tác phẩm Hylạp và Latinh trước Kitô giáo. Linh hồn của phong trào Phục Hưng là chủ nghĩa nhân bản. Có thể nói người khởi xướng là Francesco Petraca (1304-1374), một nhà thơ Ý, người đã tìm kiếm lại những bản văn Hylạp cổ và thấy ở đó những giá trị nhân văn phần nào bị thời Trung Cổ lãng quên. Dần dần, phong trào Phục Hưng ảnh hưởng đến nhiều lãnh vực trong đời sống xã hội như kiến trúc, nghệ thuật, văn chương và khoa học. Vào đầu thế kỷ XV, Leonardo Bruni nói: “Tôi có cảm tưởng thời đại của Cicero và Demosthenes gần tôi hơn thời gian 60 năm vừa qua nhiều.”

Ban đầu, phong trào này có tính cách hoàn toàn nhân văn, không đụng chạm gì đến tôn giáo. Tuy nhiên, áp dụng vào thần học, người ta muốn đọc chính bản văn nguyên thủy bằng tiếng Hilạp hay tiếng Hipri của Kinh Thánh, học hỏi bản văn nguyên thủy bằng tiếng Hilạp và tiếng Latinh của các Giáo Phụ chứ không chỉ dừng lại ở những vấn đề phần nào giả tạo và từ chương của Kinh Viện. Tiếng Latinh của Kinh Viện bị các nhà nhân văn coi là quê mùa; các nhà thần học Kinh Viện bị các nhà nhân văn coi là trí thức rởm. Các nhà nhân văn khẳng định sự cao cả và phẩm giá con người dựa trên nguồn gốc thần linh và tính bất tử. Nếp sống Kitô giáo vụ hình thức và theo thói quen không đáp ứng lòng đạo của những tín hữu muốn sống đức tin sâu xa.   Thực ra, Francesco Petraca muốn cứu vãn các giá trị Rôma và Kitô giáo, chứ không có ý đả phá. Không bao giờ các nhà nhân văn tấn công Hội Thánh với tư cách là một định chế xuất phát từ Thiên Chúa. Họ cũng không đòi sửa Kinh Thánh hay thay đổi Tin Mừng, chỉ muốn sửa bản dịch cho trung thành hơn và viết lại bằng Latinh chính xác hơn và văn vẻ hơn. Tuy nhiên, vì nóng lòng muốn cải tổ, một số nhà nhân văn đã chỉ trích Hội Thánh khá nặng nề, khiến những người lãnh đạo Hội Thánh lo ngại.

Người nổi tiếng nhất của phong trào Nhân Văn là linh mục học giả Erasme (1466/69-1536), người có 15 đến 20 triệu cuốn sách được in, được Rabelais coi “vừa là cha vừa là mẹ” và được Voltaire gọi là vua không ngai của Châu Âu thế kỷ XVI. Sinh trưởng tại Hà Lan và thọ giáo với các Anh Em Đời Sống Chung theo linh đạo Devotio Moderna, sau đó ông gia nhập dòng Kinh sĩ Thánh Âutinh và thụ phong linh mục năm 26 tuổi. Không phải là một tu sĩ hay linh mục xấu, nhưng ông không hề là một tu sĩ hay linh mục nhiệt thành. Ông thích thơ văn nên bị phong trào Nhân Văn thu hút. Năm 27 tuổi, ông bắt đầu đi chu du khắp Châu Âu, vừa để gặp gỡ và học hỏi với các nhà nhân văn, vừa để phổ biến phong trào. Ông đến Paris năm 29 tuổi và theo học tại học viện Montaigu. Không đồng ý với đường lối tu đức khắc khổ của Jan Standonck, ông tiếp tục đi đây đó và viết sách. Năm 1500, cho xuất bản tại Paris cuốn Châm Ngôn ông muốn dung hòa đức tin Kitô giáo với nền văn hóa Hilạp và Latinh. Năm 1504, cuốn Thủ Bản Chiến Sĩ Đức Kitô được phát hành tại Bỉ. Năm 1508, cuốn Châm Ngôn được ông bổ túc và tái bản. Từ đây ông được coi là nhà trí thức hàng đầu ở Châu Âu. Đồng thời giọng văn châm biếm nếp sống của tu sĩ và giáo sĩ của ông cũng bị nhiều người chỉ trích. Năm 1511, ông phát hành cuốn Ca ngợi sự điên rồ: đây là cuốn sách được in nhiều nhất từ khi có máy in. Năm 1516, ông xuất bản cuốn Tân Ước, trong đó ông chú giải theo các Giáo Phụ chứ không theo các nhà Kinh Viện. Có thể tóm tắt tư tưởng của ông bằng chính từ ông dùng: triết học của Đức Kitô. Theo ông, Hội Thánh đã không trung thành với Tin Mừng, nên kêu gọi mọi người trở về với Tin Mừng. Cách thức của ông là chỉ trích một cách châm biếm và cay độc những lạm dụng trong Hội Thánh[137]. Ông được nhiều người hâm mộ nhưng cũng bị nhiều người kết án. Mặc dầu cách sống của ông không được coi là mẫu mực, những tư tưởng của ông gần như lay động Hội Thánh lúc ấy đang mơ màng.

            Vì sợ phong trào Cải Cách Tin Lành, người ta e ngại phong trào Nhân Văn dọn đường cho lạc giáo. Tại Paris, phong trào Nhân Văn thu hút được không ít trí thức, đứng đầu là Jacques Lefèvre d’Étaples, một linh mục thông thái và đạo đức. Tuy nhiên, lúc ấy phong trào bị khuynh hướng thủ cựu ngự trị tại học viện Sorbonne, đứng đầu là Noel Bédier, chống đối và kết án. Năm 1526 và 1527, hai lần đại học Paris kết án Erasme. Ông bị người Công Giáo tẩy chay và cuối cùng toàn bộ tác phẩm của ông bị Hội Thánh kết án năm 1559. Về phía Tin Lành, người ta giữ thái độ dè dặt hơn. Tuy nhiên, sau khi đoạn tuyệt với Luther, ông cũng bị người Tin Lành gạt bỏ. Năm 1530, vua Francois I thiết lập Collège Royal de France không nằm dưới quyền đại học Paris để cổ võ việc đổi mới theo phong trào Nhân Văn. Sau này nền giáo dục Dòng Tên sẽ tiếp thu những kết quả tích cực của phong trào.

 

 

Kiểm tra tương tự

Giới thiệu sách mới: VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI TU – MỘT ĐÓNG GÓP CỦA LINH ĐẠO I-NHÃ

Sự vâng phục là một trong ba lời khấn mà các tu sĩ phải tuân …

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *