Thứ sáu, sau CN VII PS – “Con có mến Thầy không?”

“Con có mến Thầy không?”

Ga 21, 15-19

1. ĐGS tâm sự với ông Phê-rô

– Dùng bữa xong, Chúa muốn “tâm sự” với ông Phêrô. Ngài gọi ông bằng tên “cúng cơm”, có gốc có nguồn rõ ràng: “Simon, con ông Gioan”. Chúng ta có thể tự do đoán ra nội dung cuộc tâm sự này; và có lẽ về cuối cuộc tâm sự, ĐKT mới đặt câu hỏi.

– Chúa cũng muốn “tâm sự” với mỗi người chúng ta lúc này đây. Và chúng ta có thể kể cho Ngài nghe tất cả những gì Ngài “đã làm” (Đấng Toàn Năng “đã làm” cho tôi biết bao điều cao cả) cho mỗi người chúng ta trong những ngày vừa qua, trong giai đoạn vừa qua, trong hành trình ơn gọi và trong cả cuộc đời.

2. Tình yêu và sứ mạng

a. Tình yêu

Ai cũng hiểu, ba lần hỏi của Chúa ứng với ba lần chối Thầy của Phêrô. Điều này quả thực đã đụng đến “vết thương lòng”, nên nghe hỏi lần thứ ba về cùng một điều, ông Phêrô “buồn” (c. 17). Đức Giêsu còn “thâm” hơn khi kín đáo nhắc lại một chuyện khác,  một thứ “bệnh” khác không kém nghiêm trọng của Phêrô trong câu hỏi đầu tiên: “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” Ông Phêrô đã từng so sánh lòng gắn bó của mình đối với Đức Giêsu hơn những anh em khác: “dù mọi người sa ngã vì Thầy, con sẽ không sa ngã!” Ông Phêrô đã hiểu “thâm ý“ của Thầy, nên trong câu trả lời, ông không còn dám so sánh tình yêu của mình với tình yêu của các anh em khác: “Thưa Thầy vâng, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Không chỉ là tình yêu đậm đà lúc này, nhưng quá khứ thăng trầm của tình yêu này và tương lai đầy bất trắc của tình yêu này (truyền thuyết Quo vadis).

Tại sao Chúa lại khơi ra “vết thương” quá khứ làm đau lòng ông Phêrô, đúng vào lúc nên quên đi tất cả, xí xóa tất cả để hướng về tương lai? Bởi vì tình yêu của chúng ta đối với Chúa phải khởi đi từ chính những gì chúng ta là trong sự thật. Gợi lại quá khứ, gợi lại những gì chúng ta đã là, thật là đau lòng, nhưng đó lại là “liều thuốc đắng” có khả năng chữa lành chúng ta. Bởi vì tình yêu của chúng ta có với Chúa, việc chúng ta được gọi theo Chúa, việc chúng ta được trao sứ mạng, là hoàn toàn dựa vào lòng thương xót của Chúa, vào tình yêu nhưng không và bao dung của Chúa.

Giáo Hội được xây dựng trên đá tảng Phêrô, nhưng tảng đá Phêrô lại dựa trên lòng thương xót. Điều này cũng hoàn toàn đúng cho chúng ta, các linh mục và tu sĩ nam nữ của Giáo Hội. Quên điều này, chúng ta sẽ không thể chu toàn được sứ mạng, hay ít nhất là không thể chu toàn theo cách mà Đức Giêsu ước mong.

Chúa dẫn chúng ta đi mỗi người mỗi cách. Con đường Chúa dẫn chúng ta đi cũng có những kinh nghiệm tương tự như những kinh nghiệm của các môn đệ trong trình thuật chúng ta đang suy niệm: “Suốt đêm thâu” – “Trời đã sáng” – “Các con đến mà ăn”. Và lúc này đây, trong bầu khí thân mật và thân ái của cuộc gặp gỡ mà chính Chúa qui tụ và hiện diện, Chúa hỏi riêng mỗi người chúng ta: “con có mến Thầy không?” Ai cần bao nhiều lần, Chúa cũng sẽ hỏi chừng ấy lần! Sau mỗi lần tuyên xưng lòng mến – Ở đây, Chúa cần tuyên xưng lòng mến hơn là “tuyên xưng đức tin” – Chúa mới trao sứ mạng, mỗi người một sứ mạng. Bởi vì chúng ta chỉ có thể lãnh nhận và đảm nhận sứ mạng của Chúa bằng tình yêu chúng ta dành cho Chúa mà thôi, một tình yêu đã trải qua bao thăng trầm, một tình yêu chỉ biết cậy vào lòng thương xót của Chúa, như tình yêu của thánh Phê-rô.

b. Sứ mạng

– Sứ mạng: chăm sóc chiên con của Thầy; chăn dắt chiên của Thầy (sát nghĩa: hãy là mục tử cho chiên của Chúa); và chăm sóc chiên của Thầy.

– Chúa chú ý trước tiên đến “chiên con”; trong thực tế chiên con là những ai, thành phần nào, trong hoàn cảnh nào? Những ai là “chiên con” mà chúng ta được Chúa giao phó để chăn dắt? Chúng ta có thể dừng lại để đi vào ý nghĩa của hai động từ: chăm sóc, hãy là mục tử. Cách tốt nhất là chiêm ngắm Chúa, cách Chúa đã chăm sóc ta, là mục tử của ta.

– Đoàn chiên, chiên con và chiên lớn, là của Chúa; chứ không phải của mình. Chúng ta nữ tì là tôi tớ thôi. Vì thế, để chu toàn không gì có thể thay thể được tương quan thiết thân với Chúa, tình yêu đối với Chúa. Và lòng mến Chúa đến từ hành trình dài và khó như thế, lòng mến đầy bất ổn, lòng mến chỉ dựa vào lòng thương xót và tin tưởng nhưng không của Chúa.

3. Số phận

– Chúa biết hết về những gì Phêrô sẽ trải qua, và đến lượt chúng ta, chúng ta cũng sẽ trải qua. Chúa biết, đơn giản là vì Chúa đã trải qua tất cả, đã mang lấy tất cả, vác lấy tất cả để tôn vinh Thiên Chúa, để làm cho con người nhận ra rằng Thiên Chúa là Tình Yêu và chỉ là Tình Yêu mà thôi. Và điều Ngài muốn mời gọi chúng ta bây giờ là: “Hãy theo Thầy”.

– Chúng ta được mời gọi theo Chúa trong tình yêu tín thác, vì Chúa biết mọi sự (tình yêu và cuộc đời sẽ đến của chúng ta), và Chúa cũng trải qua mọi sự. Để có thể yêu thương và bao dung chúng ta.

 

Kiểm tra tương tự

Chống lại chủ nghĩa đắc thắng và tinh thần thế tục – Kỳ 2: “Những nhân vật chính” của cuộc chiến

Nhìn bề ngoài, chủ nghĩa đắc thắng có vẻ giống như mọi cơn cám dỗ …

Chúa có là Sự Sống, là Con Đường và là Sự Thật của đời bạn không ?

Chính Thầy là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (Ga 14,1-12) Chúa …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *