TRÌNH THUẬT CUỘC THƯƠNG KHÓ
Dẫn vào Cuộc Thương Khó
Mc bắt đầu trình thuật cuộc Thương Khó từ “Hai ngày trước lễ Vượt Qua và lễ Bánh không men”. Hai lễ này kết nối với nhau: Ngày 14 tháng Ni-xan, dọn men ra khỏi nhà và trưa thì đưa con chiên Vượt Qua để được sát tế do tay các tư tế, đến tối (tức là sang ngày 15) thì ăn thịt chiên với rau đắng và bánh không men theo từng nhà, hoặc chung nhau. Tám ngày liên tiếp phải ăn bánh không men. [Tôi sử dụng bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ, bản in năm 2008, nhưng đôi chỗ tôi xin mạn phép thay đổi, theo sát bản Hy Lạp hơn]
Hai ngày trước tức là ngày 13: các thượng tế và kinh sư bàn mưu tính kế bắt Đức Giê-su mà giết. Trong âm mưu có tính toán cả thời gian: “đừng làm vào dịp lễ, kẻo dân náo động”.
Chuyện xảy ra trong bữa ăn tại Bê-ta-ni-a
Đang khi ấy thì Chúa Giê-su ở làng Bê-ta-ni-a, tại nhà ông Si-mon cùi… dĩ nhiên phải hiểu là ông đã được khỏi. Mc không trực tiếp liên kết ông Si-mon cùi này với người cùi đã được Chúa chữa ở chương thứ nhất, nhưng để cho người nghe / đọc tự liên kết. Chuyện chữa người cùi dẫn tới liên kết với người Tôi Tớ Đau Khổ, còn hôm nay khi Chúa đang ở nhà ông Si-mon cùi thì cái chết của Chúa đã được quyết định do chính những người có nhiệm vụ giết chiên Vượt Qua. Họ cũng tính toán làm sao cho dân chúng khỏi náo động.
Câu chuyện xảy ra đang bữa ăn:
“Có một người phụ nữ đến, mang theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm cam tùng nguyên chất, thứ đắt tiền, Cô đập vỡ bình bạch ngọc, đổ dầu thơm trên đầu Người”.
Mc không cho ta biết tên tuổi, chân dung người phụ nữ này. Xin đừng ai “xào chung” các sách Tin Mừng để thỏa sự tò mò về những điều tác giả không nói; làm như thế là vẽ rắn thêm chân, làm hỏng bức tranh. Tốt hơn là hãy chú ý tới chính lời người kể, sự tương phản giữa lời mô tả chai dầu: bình bạch ngọc, dầu thơm, cam tùng,nguyên chất, thứ đắt tiền – và hành động: cô đập vỡ bình bạch ngọc, đổ dầu thơm lên đầu Chúa. Lời mô tả chai dầu kết bằng một chuỗi từ liên hoàn cho thấy chai dầu quý giá chừng nào; còn hành động thì nhanh gọn, như cho thấy con tim nổ tung vì yêu mến quyết liệt, trọn vẹn.
Phản ứng của người chung quanh: vài người thấy thế thì lấy làm bực tức, lên mặt làm thầy khôn và nhân nghĩa: “Phí dầu thơm như thế để làm gì? Dầu thơm đó có thể bán được trên ba trăm quan tiền mà cho người nghèo”. Thật là giọng điệu của kẻ không bao giờ biết hát như chàng trai, cô gái Việt Nam: “Anh còn có mỗi cây đàn, anh đem bán nốt anh theo cô nàng”; hay: “Yêu nhau cởi áo cho nhau, về nhà mẹ hỏi?… – rằng qua cầu gió bay”.
Chúa Giê-su thì trân trọng đón nhận cử chỉ quảng đại này như là nghĩa cử cuối cùng người ta có thể làm cho Chúa và chỉ có thể làm một lần thôi, bởi lẽ Chúa chỉ chết có một lần. Và Chúa tuyên bố từ nay chuyện “người phụ nữ với bình bạch ngọc “ này sẽ gắn liền với Tin Mừng: “Tin Mừng được loan báo ở đâu trong khắp thiên hạ, thì người ta cũng sẽ kể lại việc này mà nhớ tới cô”. Người phụ nữ không tên lại trở thành có tên, cả câu chuyện này là tên của cô. Cô trở thành hình tượng của người môn đệ biết đáp lại tình yêu của Chúa. Mc đặt câu chuyện này ở đầu trình thuật Cuộc Thương Khó như một lời dẫn nhập, chỉ cho chúng ta biết phải nghe, đọc trình thuật này với tâm tình nào: Chúa hiến mạng vì tôi, tôi đập vỡ con tim trút hết tình yêu cho Chúa.
Câu chuyện « người phụ nữ với bình bạch ngọc » xen kẽ giữa sát kế của các thượng tế và mưu phản của Giu-đa cho thấy hai bên đều sẵn sàng: những kẻ muốn giết Chúa đã sẵn sàng ra tay, Chúa Giê-su đã để cho mình được tẩm liệm trước bằng dầu thơm; sự phản kháng của ông Phê-rô (8,32) đã được thay bằng một trái tim môn đệ sẵn sàng đón nhận Chúa chết cho mình.
Chuyện xảy ra trong bữa Tiệc Vượt Qua tại Giê-ru-sa-lem.
Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế Chiên Vượt Qua, Chúa sai hai môn đệ vào thành chuẩn bị lễ Vượt Qua. Lời căn dặn cho thấy Chúa đã đích thân chuẩn bị nơi ăn tiệc Vượt Qua: “sẽ có một người mang vò nước đón gặp các anh. Cứ đi theo người đó. Người đó vào nhà nào, các anh hãy thưa với chủ nhà: Thầy nhắn: Thầy sẽ ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ ở phòng nào?” Như vậy là Chúa đã thu xếp với chủ nhà trước rồi, thậm chí còn có cả ám hiệu để các môn đệ nhận ra nhà nào: một người đàn ông mang vò nước, [đàn bà đi lấy nước thì mang vò, đàn ông mang bầu da đựng được nhiều hơn]. Cứ đi theo người ấy! như vậy là cứ thinh lặng đi theo, không nói gì cả, vào nhà rồi mới hỏi chủ nhà – cứ như phim trinh thám vậy! Chúa còn cho biết phòng ấy ở đâu và bày biện như thế nào nữa. Chúa chủ động chuẩn bị ăn lễ Vượt Qua, cũng như Chúa chủ động lên Giê-ru-sa-lem để đón cái chết trên thập giá.
Chiều xuống, Chúa đến cùng với nhóm Mười Hai: chiều xuống tức là tới giờ ăn lễ Vượt Qua, Mc cho thấy hình ảnh Chúa đến cùng với nhóm Mười Hai, rồi sẽ cho thấy sự tan rã từ từ xảy ra. Giữa cảnh sum họp của bữa ăn Chúa bắt đầu tiết lộ sự mưu phản của một ngừơi trong Nhóm khiến các ông hoang mang, nhưng Chúa không cho cho các ông biết kẻ đó là ai. Rồi Chúa đi trước kẻ phản nộp một bước, khi Chúa tự tay trao ban Mình và Máu Chúa trong bí tích Thánh Thể và nêu rõ ý nghĩa cái chết của Chúa: Máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người. Giao Ước Sinai được lập bằng máu các con vật đã sát tế, nay Máu Chúa Giê-su đổ ra là Máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người. Vậy thì Chúa Giê-su lấy Máu mình mà lập Giao ước, nên là Giao Ước Mới, mở ra cho muôn dân chứ không dành riêng cho dân đã qui tụ ở núi Sinai. “Máu đổ ra vì muôn người” gợi lên cái chết của người Tôi Tớ trong sách Isaia 53,1-12.
Trên đường ra núi Ô-liu
Hát Thánh vịnh là phần kết thúc tiệc Vượt Qua. Các Ngài đi ra núi Cây Dầu : Chúa Giê-su và Nhóm Mười Hai, nhưng bản hy Lạp dùng đại từ ngôi thứ ba số nhiều : “họ” [Các Ngài], không phân biệt. Điều này không phải không quan trọng, chúng ta không biết ộng Giu-đa có còn đó để cùng đi hay không, lát nữa chúng ta sẽ bất ngờ thấy ông cầm đầu bọn người đến bắt Chúa. Trên đường, Chúa Giê-su báo trước sự ứng nghiệm lời sách Thánh: đàn chiên tan tác (Da-ca-ri-a 13,7) đồng thời với việc bắt đầu lại ở Ga-li-lê sau khi Chúa trỗi dậy. Ông Phê-rô, người đã phản kháng khi nghe Chúa báo trước cuộc Thương Khó, bây giờ lên tiếng cam đoan không bỏ Thầy. Chúa nói rõ hơn ông sẽ chối Chúa nhanh hơn gà gáy. Ông cam đoan thà chết không bỏ Thầy. Tất cả các ông đều nói như vậy.
Núi Ô-liu đã được nhắc đến trong chuyện vua Đavit: khi hoàng tử Ap-sa-lom làm phản, vua Đavit ra lệnh cho triều đình và quân đội rút khỏi Giê-ru-sa-lem, “Vua Đa-vit lên dốc núi Ô-liu, vừa đi vừa khóc” (2S 15, 30). Hôm trước khi Chúa vào Giê-ru-sa-lem, tới triền núi Ô-liu thì Chúa cỡi lừa con, dân chúng cầm ngành lá ra đón, tung hô Chúa:”Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Đavit, tổ phụ chúng ta” (Mc 11,10). Sau đó, một hôm từ Đền Thờ đi ra, Chúa Giê-su loan báo Đền Thờ sẽ bị phá hủy, rồi “lúc Chúa Giê-su ngồi trên Núi Ô-liu, đối diện với Đền Thờ, các ông Phê-rô, Gia-cô-bê, Gioan và An-rê hỏi riêng Người: Xin Thầy nói cho chúng con biết: bao giờ các sự việc đó xảy ra…” (Mc 13,1-4). Chúa bắt đầu nói với các ông về số phận của Giê-ru-sa-lem và cả về ngày Chúa đến phán xét. Cảnh này lại gợi tới sách E-de-kiên, chương 11 kể thị kiến Vinh Quang Thiên Chúa cất lên khỏi thềm Đền Thờ, phán xét Giê-ru-sa-lem rồi “lên khỏi thành và dừng lại trên núi ở phía Đông của thành” (tức là núi Ô-Liu). Như vậy ở chương 11 dân chúng đón rước ở núi Ô-liu và tung hô Chúa Giê-su là triều đại vua Đavit, ở chương 13 thì Chúa Giê-su ngồi trên núi Ô-Liu phán xét Giê-ru-sa-lem, còn ở chương 14 thì Chúa Giê-su lại như vua Đavit bị mưu phản đi lên núi Ô-liu. Nhưng Đavit băng qua núi Ô-liu để trốn đi, còn Chúa Giê-su dừng lại trong thửa vườn có tên là Ghết-se-ma-ni.
(xin mời đọc trang tiếp theo)