Trở về (31.3.2019 – Chúa nhật 4 Mùa Chay năm C)

Lời Chúa: (Lc 15,1-3.11-32)

1 Tất cả những người thu thuế và những người tội lỗi thường đến gần Ðức Giêsu mà nghe Người. 2 Còn những người thuộc phái Pharisêu và các kinh sư thì lẩm bẩm: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng”.

3 Ðức Giêsu mới kể cho họ dụ ngôn này: 11 “Một người kia có hai con trai. 12 Người con thứ nói với cha rằng: “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng”. Và người cha đã chia của cải cho hai con. 13 Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình. 14 “Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, 15 nên phải đi ở cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. 16 Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. 17 Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! 18 Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, 19 chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy”.

20 Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. “Anh ta còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm chồm anh ta và hôn lấy hôn để. 21 Bấy giời người con nói rằng: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa…” 22 Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, 23 Rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng ! 24 Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy”. Và họ bắt đầu ăn mừng.

25 “Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, 26 liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. 27 Người ấy trả lời: “Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì được lại cậu ấy mạnh khoẻ”. 28 Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. 29 Cậu trả lời cha: “Cha ơi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. 30 Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!”

31 “Nhưng người cha nói với anh ta: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. 32 Nhưng chúng ta phải ăn mừng và hoan hỷ, vì em con đây đã chết, nay lại sống, đã mất, nay lại tìm thấy”.

Suy Niệm

Người cha không đi tìm đứa con út như tìm chiên lạc.
Nó đã dùng tự do để quyết định ra đi,
và người cha tôn trọng quyết định đó.
Nhưng ông vẫn ngong ngóng chờ con.
Niềm hy vọng vẫn không ngừng nhen nhúm.
Người cha thấy con trước khi nó kịp thấy cha.
Con ốm yếu, hôi hám, bội bạc, chẳng làm cha xa tránh.
Tình thương trào dâng khiến bước chân cha vội vã.
Vòng tay cha lớn quá, nụ hôn cha nồng nàn.
Áo đẹp, dép mới, nhẫn đeo tay, ca nhạc, tiệc tùng, múa nhảy:
tất cả chỉ để thông báo cho mọi người biết rằng
đây là con tôi, vẫn là con vì chưa bao giờ không là con.

Nhưng người cha không chỉ thương con út.
Con cả mới là đích nhắm của câu chuyện này.
Anh quá hiếu thảo, quá vâng phục cha từng li từng tí.
Anh không đi hoang, không ăn chơi, chỉ chăm lo đồng áng.
Ai cũng thấy anh là người con mẫu mực.
Nhưng biến cố đứa em trở về đã làm lộ con người thật của anh.
Tuy luôn ở trong nhà cha, nhưng anh lại ở ngoài tim cha.
Anh không hiểu được tại sao cha lại nhu nhược đến thế,
bao dung đến độ bất công với anh.
Ðãi tiệc với thịt bê béo để mừng đứa con hoang đàng,
còn anh, một con dê để lai rai với bạn bè cũng không có.
Anh không thể vui với cha, càng không thể vui với em.
Anh tức giận vì thấy quyền lợi mình bị xâm phạm.
Rốt cuộc anh không chịu vào nhà!
Hóa ra cả hai người con vừa khác, lại vừa rất giống nhau.
Cả hai đều ở ngoài nhà cha, chấp nhận chịu đói.
Con út không thấy hạnh phúc bên cha nên ra đi.
Con cả không chia sẻ được hạnh phúc của cha nên không vào.
Sám hối là trở về với tình cha.
Cả hai người con đều cần trở về, trở vào.
Sám hối là trở lại với tình yêu, niềm vui, sự sống.

Nhưng trở về chẳng phải là chuyện dễ dàng.
Chẳng ai muốn nhận là mình đã đi lầm đường.
Người anh cả cần dẹp bỏ tự ái để vui vẻ vào nhà.
Người em út cần khiêm tốn mới gặp cha và gia nhân
trong tình trạng thân tàn ma dại.
Ðể trở về cần đứng lên hay bỏ chỗ mình đang đứng.
Từ bỏ thì đớn đau nhưng hạnh phúc thật tuyệt vời.
Hạnh phúc lớn nhất không phải là tài sản vật chất,
mà là khám phá ra mình có chỗ trong trái tim cha.
Cha yêu mình dù mình hư hỏng, bất trung.
Cha yêu mình không phải vì mình ngoan ngoãn, được việc.
Cha yêu mình chỉ vì mình là con.
Cha không muốn mất một đứa con nào.

Trở về với Cha đòi ta giang tay đón lấy người em.
Ðó không phải là “thằng con của cha”, nhưng là “em của con”.
Trở về với Cha, với tha nhân cũng là trở về với mình.
Tôi chợt nhận ra mình quá ư giàu có.

 Cầu Nguyện

Lạy Cha,
người con thứ đã muốn tự định đoạt lấy đời mình.
Chúng con vẫn rơi vào tội của người con thứ,
khi coi Cha như người cản trở hạnh phúc của chúng con.
Chúng con thèm được tự do bay nhảy
ngoài vòng tay của Cha.
nhưng tự do ấy lại biến chúng con thành nô lệ.
Hạnh phúc do thế gian ban tặng thì bọt bèo.
Như người con thứ,
chúng con bỗng thấy mình tay trắng,
rơi xuống chỗ cùng cực và bị cái chết đe dọa.

Lạy Cha đầy lòng bao dung,
xin kéo chúng con trở về với Cha mỗi ngày,
giúp chúng con điều chỉnh những đam mê lệch lạc.
Xin nâng chúng con đứng lên trong niềm vui
vì tin rằng tình Cha lớn hơn tội chúng con vạn bội.

Ước gì những vấp ngã khiến chúng con lớn lên,
thấy mình mong manh, thấy Cha rộng lượng.
Ước gì sau mỗi lần được Cha tha thứ,
chúng con lại thấy mình hiền hoà hơn với tha nhân.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

 

Kiểm tra tương tự

Manna T5TT: Phải rửa chân cho nhau

    LỜI CHÚA:  Ga 13, 1-15 1 Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết …

Manna T4TT: Chẳng lẽ con sao?

  Lời Chúa: Mt 26,14-25  14 Bấy giờ, một người trong Nhóm Mười Hai tên …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *