Vai trò của Nguyễn Huệ trong chế độ quân chính Tây Sơn

Là quan Tây-Sơn nên sào huyệt của họ ở ngay trên đất Việt. Khi Nguyễn-Ánh tiến đánh thì họ bỏ thuyền chạy lên bộ để bị bắt sống. Phạm-vi hoạt động của họ rất rộng và danh tiếng cướp biển của họ lan xa đến nỗi Nguyễn-Ánh lần đầu bắt được thuyền Tề-ngôi vội-vã sai sứ đem cho Xiêm vương để tuyên dương công-trạng của mình ! Kỹ-thuật thuỷ chiến tinh vi nên Tây-Sơn dùng họ chống đánh thuỷ quân Nguyễn-Ánh. Ngay từ trước khi Nguyễn-Huệ chết, hơn 40 thuyền Tề-ngôi men theo ven biển Bình-Khang, Bình-Thuận vào khuấy rối. Trận đánh cuối cùng dữ-dội nhất ở Trấn-Ninh (1802), thuỷ quân Tây-Sơn gồm toàn các thuyền Tề-ngôi. Đó chỉ vì chiến-tranh càng kéo dài ra, thuỷ quân Tây-Sơn hoặc phải đồng hoá các đơn-vị Tề-ngôi thuyền hoặc phải tổ-chức như họ. Cho nên trong trận Đà-Nẵng, Võ-Tánh bắt được hơn 20 Tàu Ô và tướng của họ — Không phải Tống-binh — mà là Đô-đốc Nguyễn-văn-Ngũ.

Vai trò bổ-túc của họ quan-trọng đến thế nên không phải chỉ vùng Nguyễn-Huệ mới có Tề-ngôi, thuyền Nguyễn-Nhạc cũng phải để cho họ phụ giúp kiểm-soát vùng biển Qui-Nhơn: thuyền Tề-ngôi mà Nguyễn-Ánh bắt được đem khoe với Rama I là ở ngoài khơi Thị-Nại của Nguyễn-Nhạc.

Giữa lúc Tây-Sơn miền Bắc dựa vào Trung-châu Nhĩ-Hà cùng một vài khu-vực khác để nỗ-Iực phát-triển trong những điều-kiện khó khăn thì Nguyễn-Ánh cũng vội vã lo củng-cổ thế-lực ở một vùng đất mới chưa được tận dụng hết khả-năng: đồng-bằng miền Nam.

Có thể nói Nguyễn-Huệ đã dùng hào-quang của mình mà che-chở cho chế-độ, khi phong-trào Tây-Sơn đưa ông lên đài danh-vọng. Bởi chế-độ Tây-Sơn quả đã phải đứng bấp-bênh vì xây dựng trên một mâu-thuẫn. Chúng ta đã nói rằng phong-trào Tây-Sơn xuất-hiện vì sự giao thoa của hai nguồn năng-lực lấy từ hai biến chuyển, một bên trong là tiến-trình Nam-tiến kéo dài mấy trăm năm và một bên ngoài là sự khích động của văn-minh kỹ-thuật Âu Tây đến đất Đại-Việt.

Trong lịch-sử của họ, Tây-Sơn đã xô đổ Nam-hà rồi không tìm được đồng-minh ở bên ngoài, bên trong lại hãnh-diện vì sức mạnh quân-lực, họ không tìm được cách tổ-chức, khai thác những khả-năng của địa-phương để tâm phục dân chúng. Quay ra Bắc-Hà họ lại chui dần vào trong cái rối-rắm mà người trước đã gỡ không ra vì sự cằn-cỗi của đất đai, vì không-khí bảo thủ đã lâu đời khó tẩy phá của sinh-hoạt vua quan, dân chúng.

Chúng ta đã thấy cố gắng dung-hoà giữa Tây-Sơn và cựu thần Lê Nguyễn. Nhưng sự vá-víu ấy quả là tạm bợ. Bên dưới nền tảng chế- độ vẫn chưa có sự hoà-hợp. Nguyễn-Thiếp chẳng hạn, tuy thấy được lối đào-tạo nhân tài theo kiểu trích-cú, tầm-chương không có ích-lợi thiết-thực nên hô-hào phục cổ ? Nhưng cái giọng «tuần tự nhi tiến» quả cũng chỉ là giọng kinh-văn. Không thể đòi hỏỉ ở Nguyễn-Thiếp một khi còn tồn-tại cái không-khí truyền-thống nho giáo để hãnh diện có một Ngô Nho chẳng hạn khẳng-khái nói « đại thần vì nước gánh việc kẻ sĩ vì người tri-kỷ mà chết, đều là nghĩa nên như thế, ngoài ra tôi không biết có sự gì khác». Chính bọn nho-sĩ bảo thủ nầy đi chê cười bọn nho-sĩ cải-cách và riễu-cợt lối học chữ nôm của Quang-Trung chủ trương. Quân tướng Qui-Nhơn cũng không chịu để lôi kéo xa. «Theo Chu-Tử» nhưng phải dịch Kinh Truyện ra chữ nôm, thi cử lời nôm, dụ tướng-sĩ bằng chữ nôm, điếu tang viết bằng lời nôm[33]. Chúng ta đã thấy các bức thư chữ nôm của Nguyễn-Ánh viết ra, nghe lời dụ ban cho tướng-sĩ ở Gia-Định- (1800)[34] nhưng đó chỉ là những phương cách tạm bợ nhất thời đối với họ Nguyễn. Trong khi đó Tây-Sơn phải dùng chữ nôm như phương-tiện diễn đạt ý-tưởng chánh-thức. Có những tờ chiếu, tờ sắc thần[35] bằng chữ Hán trong triều-đại họ là một mỉa-mai cho quá khứ của họ nhưng cái thế cô-lập với ảnh hưởng phương Nam mà từ đó họ xuất phát khiến họ phải đi dần vào trong các không-khí trào cũ.

Sự lưỡng-lự đó làm nên yếu kém của Tây-Sơn. Tất nhiên việc Chiêu-Thống còn ở bên Tàu, việc Nguyễn-Ánh hùng cứ ở Gia-Định ảnh hưởng phần nào vào sự quyết định hợp-tác với Tây-Sơn của các cựu thần Lê-Nguyễn. Nhưng bản chất bấp-bênh của chế-độ Tây-Sơn cũng làm cho người ta ngần-ngại hợp-tác — nếu không nói  là chống đối lại.

Triều-đại Tây-Sơn do đó có bản-chất quân phiệt và chỉ có thể tồn-tại được bằng chế-độ quân chính của họ thôi. Sự thực ra, đám võ tướng cũng chứng tỏ được họ là những người kiểu-mẫu của thời-đại mới. Kiêu-căng, quen dùng uy-quyền để đàn áp họ khiến cho những người Anh đến thăm năm 1793 phải phàn-nàn cho đời sống người dân. Nhưng phái bộ Macartney cũng phải công bình mà nhận rằng bọn võ tướng ít hư-hỏng hơn bọn văn quan[36]. Rõ bên dưới sự thanh liêm tương đối của quân-đội là một tình-trạng suy đồi xã-hội mà những sức phản-kháng tích-trữ có thể lợi dụng được.

Nhưng bọn võ tướng từng vào sinh ra tử vốn chịu phục tòng người chỉ huy của họ mà thôi, Nguyễn-Huệ cùng trưởng-thành với họ, với thiên-tư, với tài-năng đã cai-trị họ cũng như thần dân bằng sức mạnh của khiếp phục. Do uy-quyền đó mà Nguyễn-Huệ đã thi-hành những cải-cách quan-trọng có khi động chạm đến cả đời sống tinh-thần của dân-chúng như khi tiếp tục thi-hành « phụng truyền » của Nhạc phá các chùa chỉ để mỗi tầng một mà thôi[37]. Giáo-sĩ Labartette ở Bố-chính, hơn ai hết, có đủ những điều mắt thấy tai nghe để phán-đoán về chế-độ Tây-Sơn. Ông nói « một ông vua dù có dụng ý đến đâu đi nữa đối với tôn-giáo, có lẽ cũng thi-hành một cách nhẹ-nhàng vì những lý lẽ chính-trị. Ông chắc phải sợ bất mãn gây ra loạn lạc. Không bao giờ ông có thể có đủ sức lực và mạnh-mẽ để làm những điều mà bọn này (Tây-Sơn) đã làm. Chỉ trong một khoảng thời-gian ngắn, họ đã quét sạch xứ sở khỏi những lạm dụng nhơ-nhuốc: Không ai dám rục-rịch hết. »[38]

Có lẽ biết đến vai trò — Không chắc quyết định — nhưng quan-trọng của ông trong sự sinh-tồn của triều-đại, nên Quang-Trung, “trước khi mất ngày 29 tháng 7 Nhâm-Tý giờ Dạ-Tý (11-12 giờ khuya 16-9-1792)[39] đã đòi Trần-quang-Diệu về trối-trăn dặn chôn cất cho mau nội trong một tháng rồi dời Kinh về Phượng-Hoàng Trung-đô «Nếu không, quân Gia-Định kéo tới, các người sẽ không có chỗ chôn đâu.»[40]

Đứa bé mới lên 9, «đồ sự du hí», làm gì biết đến sự cần-thiết của những biện-pháp khắt-khe. Cho nên bãi lệnh mang tín bàỉ, bỏ lệnh bắt dân lâu[41], việc làm tuy tiếng là nhân-ái nhưng kỳ thực Tây-Sơn đã lùi một bước dài quan-trọng.

Chế độ phân phong cho anh em đã chứng tỏ nhược điểm ở Trung-Quổc là khi trung-ương không mạnh thì quốc-gia dễ tan rã. Cho nên vào năm 1793 ai cũng biết là Quang-Thuỳ muốn độc-lập với Quang-Toản. Rồi loạn lạc nổi lên, nhất là ở Bắc-hà “Xứ xứ tịnh khởi”, thật sử quan vẽ được trong lời sức phản-động bày tỏ khi Nguyễn-Huệ chết. Ở Gia-Định, tháng 7-1792 người ta còn hoảng-hốt vì «tên giặc ở Huế mạnh hơn bao giờ hết và chắc hẳn sẽ bóp chẹt vua »[42] nhưng cùng tháng năm sau, người ta vui mừng « kẻ thù vẫn còn nhưng lực-lượng họ yếu kém thấy rõ.»[43]

Cho nên Ngọc-Hân than khóc chồng mà như thay cả triều-đại Tây-Sơn khóc chúa tể :

 

Nghe trước có đấng vương Thang, Võ,

Công-nghiệp nhiều, tuổi thọ thêm cao

Mà nay áo vải, cờ đào,

Giúp dân dựng nước, xiết bao công trình…

Công dường ấy mà nhân dương ấy,

Cõi thọ sao hẹp bấy hoá công!

Rộng cho chuộc được tuổi rồng,

Đồi thân ắt hẳn bỏ lòng tôi ngươi

(AI TƯ VÃN)


 

 


[1] Một số bài của Tạ Chí Đại Trường đăng trong số báo này là trích từ tập tiểu luận Cao-học của ông Lịch-sử Nội chiến ở Việt Nam từ 1771 — 1802.

[2] Thực lực chính biên I, q.5, 2a, q.7, 13a, 14b, q. 9, 1…. Đó là trường hợp của Vũ-bá-Diên hay Đặng-trần-Thường, Nguyễn-bá-Xuyến và những người do Nguyễn-Sinh-Đắc chiêu mộ ở Bắc.

[3]V. Imbert, Le séjour en Indochine de l’ambassade de lord Macartney (1793) IDEO, Hanoi, .1924, tr. 260.

[4] Hoàng Lê nhất thống chí, bản dịch Ngô-Tất-Tố, Sài-gòn, Tự do tái bản, 1958, tr. 240.

[5] Trịnh-hoài-Đức kể (Aubaret 189) Kinh Đôi Ma chạy tư chợ Rạch-Kiển (Long-An) vào sông Vàm cỏ Đông.

[6] Việt diện u linh tập, Lê-hữu-Mục sao, dịch, Khai-Trí xuất- bản, Sàigon 1962, Truyện Thiên cổ địa chủ Xã-Tắc đế quân-trang 218 — Ông Lê-hữu-Mục, trang 57 dịch là «Chó có lợi cho Xã-Tắc)).

 

[7] Hoàng Lê… tr. 208

[8]Chữ trong thơ cảm hoài của Phan-huy-Ích trích nơi Hoa-Bằng, Quang-Trung Nguyễn Huệ, anh hùng dân tộc, Sài gòn, Bốn Phương, 1958, tr. 275.

[9] Hoàng-xuân-Hãn, La Sơn phu tử, Paris, Minh Tàn, 1952 tr. 144, 145, 146.

[10] Sớ bằng chữ nho, lược dẫn bởi Hoa-Bằng, sđd, 277.

[11] Chiếu lập Sùng chính thư viện. La Sơn Phu tử 147 — Chu-tử là Chu-Hy, một Tống nho cố danh, nằm trong phong-trào Tàn Khổng-Giáo Thuyết cách vật trí tri của ông lấy trong chữ Đại-học, không phải hiểu theo nghĩa thực-nghiệm, mà là nghĩa trong kinh sách xưa, nhưng cũng rõ ra cái ý-thức phục cổ, ý-thức đẩy mạnh sự xuất hiện của Vương học, vừa là phản ứng vừa là tiếp nối Chu học.

[12] Lời nhắc việc làm sổ đinh trong tờ sứ về việc thâu thuế lâm sản dân Tổng Hữu Đạo Huyện Thượng Du — Nghệ An. Quang-Trung năm thứ ba, 25-3 (9-4-1790). Cũng tìm được một lúc ở Nghệ An sổ loại khai ruộng đất công tư của Xã Võ Liệt — Thái Đức tháng 7 năm thứ 11 (1788 rõ là của Quang Trung lúc chưa lên ngôi) và sổ nhân số của xã Võ-Liệt (1782) (Tin Đặc Biệt Miền Bắc của Nhật báo Tự do  19-1-1963).

[13] Hoàng Lê… 270

[14] Liệt truyện chính biên, q. 30, 40b.

[15] Hoàng-xuân-Hãn, La Sơn phu tử, sđd, 141, 142.

[16] V. Imbert, Le séjour.., sđd 28.

[17] Hoa-Bằng, Quang-Trung Nguyễn-Huệ, sđd, 310-15, 320-29 trích thư đòi sáu châu, biểu cầu hôn, chiếu sai Vũ-văn-Dũng đi sứ. Sứ bộ Macartney cũng nói Nguyễn-Huệ «có nhiều mộng lớn, mà 1 là chiếm lấy 1 phần nước Tàu không ngần-ngại tìm đủ mọi cách để thành-công (sđd, 17) — Hoàng Lê… 271.

[18]Lương-đức-Thiệp, Việt-Nam tiến-hoá sử, Liên hiệp tái bản 1950, 102-105.

[19]Hoàng Lê … 256

[20]Hoàng Lê… 262, 263, 264, 265 Liệt truyện chính biên, q. 30,. 35b-39a.

[21]Liệt truyện, q. 30, 42b. Hoàng-Lê… 267, 268, 270, 271.

[22] Thực lục chính biên, q. 6, 3a.

[23] V. Imbert, Le séjour — sđd, 23, 24, 25, 40. Hoàng-Lê… 270. Trước đó, khi ra Bắc-Hà chuyến đầu, Nguỵễn-Huệ đã biết tìm cách thu dụng giới tiểu công-nghệ để góp sức vào việc gia-tăng tiềm lực quân sự, chế-tạo vũ khí — Hoàng-Lê… 100 có nói việc Huệ (sai tìm thợ sắt).

[24] A. Launay, de la Société des Mission Étrangères Documents historiques sur la Mission de Cochinchine (1771-1823) t. III, Paris 1925 p. 278. Thư Le Labousse ở Gia-Định gởi ngày 13-12-1790 nói về tình hình Hoàng-tử cảnh.

[25] Hoa-Bằng, Qaang-Trung… 222, 224, 226.

[26] Liệt truyện chính biên, q. 33, 27a, 28b. Hoàng-Lê… 269.

[27] Hoa-Bằng, Quang-Truug… 308 dẫn lời Ngô-thời.Nhậm ghi trong Bang giao hảo thoại của ông.

[28] V. Imbert, Le séjour de l’ambassade… 15, 17, 24.

[29] Thư giáo-sĩ Labartelte gởi cho Letondal 6-10-1797 A. Launay- III, 244.

[30] V. Imbert — Le séjour… sđd, 22, 23, 27.

[31] Hoàng-Lê… 269, Thực lục chánh biên q. 4, 14b.

[32] Thực lục chính biên I, q. 6, 5b, 7b, la, q. 10, 3a, 6ab, 38b… Ô tàu hải phỉ là tên gọi của Liệt truyện q. 30? 41b. Ngoài ra ở q. 7, 13b, q.11, 4b… vẫn gọi là Tề ngôi hải phỉ.

 

[33]Hoàng-xuân-Hãn, La-Sơn phu tử, sđd, 1952; Hoàng-Thúc Trâm Quốc-văn đời Tây-Sơn, Vĩnh-Bảo, Saigon, 1950.

[34] Do An-Khê sao lục Nam-Phong Tạp-chí t. XIV số 80 Février 1924 có trích ở Dương-quảng-Hàm, VN Văn-học sử yếu, BQGGD xuất- bản, Saigon, 1956, 73, 74, 75.

[35] La sơn phu tử, sđd, đạo sắc phong thần ĐS-Công-Đại-Vương. trưng bày ở Hội chợ HN 1941-42.

[36]V. Imbert, Le séjour de l’ ambassade, sđd, 28.

[37] Thư Giáo-sĩ Le Roi ở kẻ Vĩnh (Ninh-Bình; 6-12-1786 BEFEO 1912/7, 8 Tờ phụng truyền được dịch trong Le Peuple Annamite, E.Langlet-Berger Levrault Eđ. Paris Nancy 1912. 50, 51.

[38] Thư Labartette 12-5-l787. c. B. M. Documents sur l’etat du Cambodge, de la Cochinchine et du Tonkin de 1182-1786 RI t. XIV Juillet-Décembre 1910-44.

[39] Hoàng-xuân-Hãn, La Sơn phu tử sđd, 160.

[40] Liệt truyện q. 30, 47b, Thực lục q. 6, 7b, 8a.

[41] Hoàng lê… 272. Liệt truyện q. 30, 45b. Quang-Toản tên là Trát. Thư các Giáo sĩ vẫn ghi là Hoàng-trot (Họ cho ta biết ông sinh năm 1783). Ta giải thích sai biệt bằng cách đọc theo giọng Quảng chữ Trát.

[42]Thư J. Liot T&n-Triệu 18-7-1792.

[43]Thư Lavoue Saigon 31-7-93.

Kiểm tra tương tự

Hiện tượng luận về việc chọn lựa: Gieo hành động – gặt nhân cách

Tính nghịch lý của sự phức tạp Mặc dù chúng ta ngày càng có nhiều …

Tìm lại ý nghĩa đích thực của Mùa Vọng

  Đôi khi, chúng ta nỗ lực hoàn thành danh sách những việc phải làm …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *