Vâng Phục Thánh Ý Thiên Chúa

Cầu nguyện với thánh Inhã (bài 4)

Chủ đề: Việc vâng phục Thánh ý Thiên Chúa đã định hình cuộc sống của thánh I-nhã.
Những đặc tính ứng trực, di động, là những biểu hiện đức vâng phục nơi thánh Inhã.

Tiền nguyện: Lạy Chúa từ nhân, xin cho con một trái tim biết vâng phục. Xin hãy mở tai con để con biết lắng nghe và đáp lại lời Ngài trong đời sống của con.

Đôi Nét về Thánh I-Nhã

Thánh Inhã cầu nguyện tại Manresa (Tháng 3/1522 – tháng 2/1523)

Ngay lúc ban đầu trên hành trình thiêng liêng của mình, thánh I-nhã đã học được bài học này: “Vâng lời thì trọng hơn của lễ?” (1Sm 15,22). Sau khi dâng mình cho Chúa, thánh I-nhã đã học vâng phục ngang qua cuộc chiến đấu với những cám dỗ.

“Ðến đây, kẻ ấy bắt đầu bị khuấy động mạnh vì các bối rối. Mặc dầu ở Montserrat, kẻ ấy đã xưng tội chung rất cẩn thận, viết hết ra giấy như đã nói, đôi khi kẻ ấy thấy như còn gì đó chưa xưng thú, nên bị dằn vặt nhiều. Mặc dầu có xưng thú hết rồi, kẻ ấy vẫn chưa yên lòng. Vì vậy, kẻ ấy bắt đầu đi tìm những người đạo đức để chữa trị bệnh bối rối. Nhưng uổng công. Cuối cùng, một người thông thái ở nhà thờ Chính Tòa, một người rất đạo đức, thường giảng ở nhà thờ ấy một hôm, trong tòa giải tội, bảo kẻ ấy viết ra tất cả những gì nhớ được. Kẻ ấy làm theo, nhưng sau khi kẻ ấy xưng tội, các bối rối trở lại mỗi lần một tinh vi hơn, nên kẻ ấy hết sức khổ tâm. Kẻ ấy biết là các bối rối ấy làm hại mình nhiều, nên phải xua đuổi đi, nhưng không sao xua đuổi được. Ðôi khi kẻ ấy nghĩ là muốn chữa trị được, cha giải tội phải nhân danh Chúa Giêsu ra lệnh cho kẻ ấy không được xưng lại bất cứ điều gì trong quá khứ nữa. Kẻ ấy mong nhận được lệnh như vậy, nhưng không dám đề nghị với cha giải tội.” (Tự Thuật, số 22).

“Tuy nhiên, mặc dầu kẻ ấy không nói với cha giải tội, ngài đã ra lệnh cho kẻ ấy không được trở lại với quá khứ, trừ phi có gì rất rõ. Khốn nỗi đối với kẻ ấy cái gì cũng rất rõ, nên lệnh ấy chẳng đem lại ích lợi nào. Day dứt vẫn nguyên.” (xem Tự Thuật, số 23).

“Trong lúc đang miên man với những ý tưởng ấy, các cơn cám dỗ dồn dập tấn công… Lúc ấy, kẻ ấy nhớ đến chuyện một vị thánh, vì muốn xin Chúa ban một ơn vị ấy rất mong ước, nên đã nhịn đói nhiều ngày cho tới khi nhận được ơn. Nghĩ đi nghĩ lại, cuối cùng kẻ ấy quyết định cũng làm như vậy: tự nhủ sẽ không ăn không uống gì cho tới khi Chúa giải cứu, hoặc thấy mình đã gần đất xa trời. Vì nếu thấy mình bị nguy tử, nghĩa là nếu không ăn thì chẳng bao lâu nữa sẽ chết, kẻ ấy sẽ xin bánh mì để ăn. (Làm như lúc nguy tử còn xin và ăn được!). (Tự Thuật, số 24).

“Một hôm Chúa Nhật, sau khi rước lễ, kẻ ấy bắt đầu nhịn đói. Suốt một tuần, không bỏ một miếng gì vào miệng, nhưng kẻ ấy vẫn giữ các việc đạo đức thường lệ như dự các giờ kinh thần vụ, quì gối cầu nguyện, thức dậy nửa đêm v.v… Chúa Nhật sau đó, kẻ ấy đi xưng tội như thường làm. Vì vẫn quen trình với cha giải tội chi li mọi điều mình làm, nên kẻ ấy cũng cho cha biết suốt tuần chưa ăn gì. Cha giải tội ra lệnh cho kẻ ấy chấm dứt việc nhịn đói. Mặc dầu thấy mình vẫn khỏe, kẻ ấy vâng lời cha. Hôm ấy và hôm sau, kẻ ấy thấy mình thoát được các bối rối.” (Tự Thuật, số 25).

Phản tỉnh: Hãy suy xét xem tôi có tâm tình nào về từ ngữ “vâng phục”. Đức vâng phục có vị thế nào trong cuộc sống của  tôi.

Trích Lời Thánh I-Nhã

Trong một bức thư, thánh Inhã gửi cho anh em Giêsu hữu vào ngày 26/3/1553, thánh I-nhã viết như sau:

“Điều mà Thiên Chúa, Chúa chúng ta ban cho tôi là ao ước thấy được anh em trở nên trổi vượt trong đức vâng phục một cách đặc biệt hơn bất cứ nhân đức nào khác. Vì chẵng những Kinh Thánh đã khẩn thiết giới thiệu giá trị đặc biệt của nhân đức ấy, qua những gương lành và ngôn từ của Cựu Ước và Tân Ước, mà còn vì như lời thánh Grêgoriô nói: “Đức vâng phục là nhân đức duy nhất làm phát sinh và bảo tồn mọi nhân đức khác trong linh hồn.” (Thánh Grêgoriô Cả, Moralia, 1.35, c.14, n.28, PL. 76, 765B). Chừng nào đức vâng phục triển nở, các nhân đức khác cũng sẽ phát triển theo, và sẽ sinh hoa trái  như tôi hằng mong ước cho anh em và như Chúa hằng đòi hỏi nơi anh em. Chúa đã dùng chính việc vâng phục để cứu thế gian vì tội bất tuân.” (Inhã, Thư về Vâng phục, số 2).

“Tôi cầu nguyện cho anh em, vì tình yêu Đức Kitô Chúa chúng ta, Đâng không những đã ban cho chúng ta huấn lệnh phải vâng phục mà con đi trước chúng ta bằng chỉnh mẫu gương Ngài, tôi khân khoản xin tất cả anh em cổ gắng tự thắng mình cho thật vẻ vang, nghĩa là chiến thắng phần cao quí và khó khăn nhất trong anh em, là chính ý muốn và phán đoán của anh em. Như vậy sự hiểu biết và tình yêu đích thực của Thiên Chúa, Chúa chúng ta, sẽ làm chủ và điều khiển hoàn toàn linh hồn anh em trong suốt cuộc đời lữ thứ trần gian, và rồi sẽ hướng dẫn anh em cùng với nhiều người khác, mà chính gương sáng của anh em đã lôi cuốn được, tới cứu cánh tối hậu và sũng mãn, tới hạnh phúc trường sinh.” (Inhã, Thư về Vâng phục, số 30).

Suy gẫm

Hạn từ “vâng phục” phát xuất từ một từ Latinh có nghĩa là lắng nghe. Thánh I-Nhã đã lắng nghe Chúa nói qua vị giải tội và nơi trái tim của Ngài. Khi vâng lời là ngài quảng đại phó dâng ý mình theo ý Chúa, trái tim của I-Nhã đã trải qua một cuộc biến đổi. Sau hết, ý Chúa muốn chúng ta yêu Ngài, yêu anh chị em mình và yêu chính bản thân mình. Nhờ vâng lời cha giải tội, thánh I-Nhã giải phóng mình khỏi các bối rối, ngài nhận ra tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình. Biến cố này trở thành một tiêu chuẩn cho toàn bộ cuộc đời của I-Nhã. Trong câu chuyện cuộc đời ngài, ta nhận thấy nhiều thí dụ khác nữa về việc I-Nhã lắng nghe và làm theo ý Chúa.

Qua sự vâng phục của ngài, sự sung mãn của Thánh Thần có thể hoạt động trong I-Nhã. Thật nghịch lý, khi I-Nhã quy phục ý muốn của Chúa được nói qua Kinh Thánh, qua những vị hướng dẫn thiêng liêng, qua những đấng bản quyền của Giáo Hội, qua những kinh nghiệm và nơi con tim của riêng ngài, ngài có thể bước từng bước đầy tự tin trên hành trình thiêng liêng.

Bằng cách nào chúng ta nghe được ý muốn của Chúa? Khi nào chúng ta biết vâng lời? Hãy nhớ rằng Thiên Chúa muốn chúng ta phải biết yêu thương vì chính chúng ta đã được yêu thương, muốn chúng ta được đầy tràn niềm tin và hy vọng, và muốn chúng ta bước vào cuộc sống sung mãn. Bạn hãy tự hỏi bản thân mình câu hỏi sau đây, và viết câu trả lời cho từng câu hỏi; hãy để những ý tưởng và những mẫu gương tự do tuôn chảy từ trí nhớ, trí tưởng tượng và trí hiểu của bạn:

  • Ai là những người tôi yêu, và ai là những người yêu tôi?
  • Tôi đặt niềm tin vào ai và vào điều gì? Đâu là ánh sáng soi dẫn đức tin của tôi trong cuộc sống?
  • Những nguồn hy vọng của tôi là gì?
  • Đã bao giờ tôi xem việc tôi đáp lại những người này và những nguồn tin, cậy mến như việc vâng theo Thánh Ý của Thiên Chúa chưa?
  • Có bao giờ tôi khước từ sự vâng phục lời mời gọi của Chúa để yêu thương, tin tưởng, và hy vọng vào Ngài?

Trong cầu nguyện, hãy tạ ơn Chúa về bao lần bạn đã vâng theo ý Chúa để yêu thương, tin tưởng và được chứa chan hy vọng. Cầu xin lòng tha thứ của Chúa vì những lần bạn đã không sống theo Thánh ý của Ngài.

Suy niệm về những cách thức mà bạn có thể vâng phục ý Chúa hơn và có thể kiên quyết, lắng nghe và vâng theo ý Chúa một cách toàn tâm toàn ý hơn.

Hãy vẽ một bức tranh về một khu vườn. Chính giữa khu vườn của bạn, hãy vẽ một biểu tượng cho đức vâng phục. Xung quanh biểu tượng đó, hãy phát họa những biểu tượng nữa tượng trưng cho kinh nghiệm của bạn về sự vâng phục.

Suy niệm với bức tranh của bạn. Bạn thấy những tâm tình của mình ra sao về đức vâng phục được trình bày trong bức tranh? Phải chăng hoa trái sự vâng phục của bạn rất rõ nét?

Đặt tên cho bức tranh của bạn bằng một câu trích từ Kinh Thánh bao gồm lời mời gọi và ý nghĩa của sự vâng phục đối với bạn.

Hãy mời Đức Giêsu dạo bước cùng bạn trong khu vườn đó. Hãy chia sẻ và thưởng thức hoa trái trong khi vườn của bạn với Đức Giêsu.

Lời Chúa: Dt 5,7-10

7 Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính.8 Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục;9 và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người,10 vì Người đã được Thiên Chúa tôn xưng là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.

Kết nguyện: Lạy Chúa, chúng con nguyện xin Chúa đổ tràn trên chúng con ánh sáng và sự sống của Ngài, để chúng con có thể thấy được từ bên trong chúng con vinh quang kỳ diệu của Ngài. Xin ban tình yêu Chúa chứa chan đời sống chúng con, ngõ hầu chúng con có thể coi là không có khó khăn để chịu đựng.

 

Kiểm tra tương tự

Chống lại chủ nghĩa đắc thắng và tinh thần thế tục – Kỳ 2: “Những nhân vật chính” của cuộc chiến

Nhìn bề ngoài, chủ nghĩa đắc thắng có vẻ giống như mọi cơn cám dỗ …

Chúa có là Sự Sống, là Con Đường và là Sự Thật của đời bạn không ?

Chính Thầy là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (Ga 14,1-12) Chúa …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *