« Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa » (20.12.2016 – Bát Nhật trước lễ Giáng Sinh)

 

« Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa »
(Lc 1, 26-38)

 

26 Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét,27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.

28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.”

29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

30 Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa.31 Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su.32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người.33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”

34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”

35 Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng.37 Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”

38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.”

Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

 

Trình thuật Tin Mừng về biến cố Truyền Tin có thể được gói gọn trong tiếng « Xin Vâng » của Đức Maria ; và chúng ta thường hiểu lời « Xin Vâng » là câu trả lời tức khắc của Mẹ khi nghe lời đề nghị của Thiên Chúa, qua trung gian của sứ thần Gabriel. Tuy nhiên, nếu chúng ta đặt lời « Xin Vâng » của Mẹ vào trong diễn tiến của trình thuật Tin Mừng, chúng ta sẽ nhận ra rằng, tiếng « Xin Vâng » của Mẹ là điểm tới của cả một cuộc trao đổi khá dài, và nhất là đầy biến động trong tâm hồn ; và chúng ta có thể coi đó như hình ảnh của một kinh nghiệm thiêng liêng lớn, thậm chí của cả một hành trình thiêng liêng của Đức Mẹ trong tương quan với Thiên Chúa, Đức Chúa của Mẹ.

Và kinh nghiệm thiêng liêng này của Mẹ là một cuộc đối thoại, đối thoại giữa Đức Maria và sứ thần Gabriel; điều này làm chúng ta cảm thấy gần gủi với Đức Maria, vì Mẹ không lắng nghe Lời Chúa cách trực tiếp nhưng qua một vị trung gian. Chúng ta cũng thế, chúng ta nghe được Ngôi Lời Thiên Chúa qua rất nhiều trung gian, qua rất nhiều lời nói (x. Tv 19). Và điều làm cho chúng ta cảm thấy gần gũi với Đức Mẹ hơn nữa, đó là, trong khi đối thoại với sứ thần, Mẹ cũng bối rối, cũng tự hỏi, cũng nêu thắc mắc, trước khi nói lời ưng thuận.

Chúng ta cũng được mời gọi sống hành trình thiêng liêng thật sống động và rất nhân tính này của Mẹ trong hành trình ơn gọi và qua mỗi ngày sống của chúng ta.

 

* * *

Chính qua lời xin vâng của Mẹ, mà một Quà Tặng tuyệt vời của Thiên Chúa được tặng ban cho Mẹ và qua Mẹ, cho cả loài người: đó là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, Ngôi Lời Thiên Chúa. Lời Chúa được thành hình nơi thân xác trinh nguyên của Mẹ và trở nên một với cuộc đời của Mẹ. Điều này là không thể đối với con người, mà chỉ có thể là tuyệt tác của Thiên Chúa mà thôi.

Mặc khải được công bố ở đây thật quá lớn lao, nhưng cũng rất kín đáo: Thiên Chúa có thể làm phát sinh sự sống, và làm phát sinh sự sống viên mãn là Đức Kitô, ở nơi mà đối với con người là tuyệt đối không thể được. Như thế mầu nhiệm Vượt Qua đã được loan báo ở đây rồi, nơi biến cố truyền tin : Thiên Chúa là Đấng làm cho sự sống phát sinh từ cõi chết. Và biến cố tuyền tin cũng bày tỏ cho chúng ta yếu tính của đời dâng hiến: đó là để cho Thiên Chúa thực hiện công trình sự sống là Đức Kitô, ở nơi thân xác trinh nguyên của chúng ta, theo cách thức mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi Đức Maria, Mẹ của chúng ta. Thân xác trinh nguyên thiết yếu không phải là một tình trạng thể lí, nhưng là một hình ảnh diễn tả điều sâu rộng hơn thuộc bình diện thiêng liêng, đó là sự hiến dâng cả một cuộc đời, hiến dâng trọn vẹn con tim được dành riêng cho Thiên Chúa.

Để hiểu hết tầm mức và chiều sâu của lời xin vâng mà Đức Mẹ thưa với Thiên Chúa, chúng ta có thể so sánh với lời « xin thôi » của bà Evà. Lời của con rắn hoàn ngược lại với Lời Chúa : Thiên Chúa nói rằng, ăn vào thì chắc chắc sẽ chết, còn con rắn nói : « Không, ông bà sẽ không chết ». Sứ điệp của con rắn dành cho Evà, và qua Evà cho cả loài người chúng ta thật rõ ràng : Thiên Chúa lừa dối ông bà ; tạo dựng con người để đày đọa con người và cuối cùng là để cho chết, bằng chứng hiển nhiên là Thiên Chúa cấm con người ăn trái cây làm cho con người trở nên thần linh !

Đứng trước một lời đề nghị quá lớn lao, vượt qua vô hạn khả năng của Mẹ, Mẹ đã không đặt nghi vấn, không bị dao động bởi một tiếng nói khác, tiếng nói của con rắn, nhưng Mẹ đã tin vào Lời Chúa. Trình thuật truyền tin nói cho chúng ta sự tín thác tuyện đối của Đức Mẹ :

Vâng, tôi đây là nữ tì của Chúa,
xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.

* * *

Trong lời « Xin vâng », Mẹ tự xưng mình là « nữ tì ». Chúng ta thường nghĩ ra nhiều tước hiệu cao vời dành cho Đức Maria ; nhưng Mẹ lại thích tự xưng mình, trong biến cố Truyền Tin và trong bài ca bất hủ Magnificat, là « Nữ Tì của Chúa » (Lc 1, 38), là « Phận nữ tì hèn mọn ». Chúng ta được mời gọi dõi theo một Đức Maria như thế đó. Không ở đầu ngoài lời nói này của Mẹ, chúng ta cảm thấy thật gần gũi với Mẹ. Vì chúng ta cũng như Mẹ, là nữ tì, là tôi tớ của Thiên Chúa.

Sau đó, Mẹ nói « Hãy xảy ra cho tôi theo như lời của Sứ Thần nói ». Chúng ta hãy cảm nếm lòng tín thác tuyệt đối Mẹ dành cho Chúa qua lời nói này, bởi vì qua lời này, Mẹ cam kết từ bỏ quyền làm chủ đời mình ; và đó chính là ý nghĩa tận cùng của mọi ơn gọi và nhất là ơn gọi dâng hiến, được diễn tả qua ba lời khấn. Lời « xin vâng » được thốt ra trong một thời điểm của cuộc sống, nhưng sẽ được Mẹ sống đến cùng. Tuy các Tin Mừng không nói gì nhiều về cuộc đời của Mẹ sau biến cố Truyền Tin, nhưng sự kiện Mẹ có mặt và đứng vững dưới chân Thập Giá, điều này đủ để chúng ta nhận ra rằng lời « Xin Vâng » của Mẹ đã phải trải qua biết bao thăng trầm, nhưng Mẹ đã sống đến cùng trong sự tín thác tuyệt đối nơi tình yêu và kế hoạch của Thiên Chúa.

Chúng ta cũng được mời gọi đặt lời xin vâng của chúng ta được diễn tả qua lựa chọn ơn gọi và sống lựa chọn của chúng ta, và qua những công việc hay sứ vụ nhỏ bé hàng ngày trong cùng một hành trình như hành trình của Đức Mẹ : từ khởi đầu của ơn gọi đến điểm tận cùng của ơn huệ sự sống.

Xin Đức Mẹ đồng hành và phù hộ chúng ta với tình yêu hiền mẫu, để chúng ta cũng sống đến cùng lời « xin vâng » của chúng ta, giống như Mẹ.

 

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Kiểm tra tương tự

Đường Về – Suy niệm 14 chặng đàng Thánh giá

DẪN NHẬP Anh chị em thân mến, chúng ta đã đi được một thời gian …

Tông Đồ Cầu Nguyện, 27-03-2024

  TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY27/03/2024​ CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG ​​ Đón nhận rủi …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *