Thánh I-nhã : Tự do để yêu mến và phục vụ (kết)

Hoàng Sóc Sơn, SJ.

Chương IX: GIÊRUSALEM HAY RÔMA?

 Ba tháng ở Azpeitia

             Trên đường, kẻ ấy cảm thấy sức khỏe khá hơn. Về đến Tỉnh, kẻ ấy bỏ đường lớn, theo đường núi, vì ít người qua lại hơn. Đi được một quãng ngắn, kẻ ấy thấy có hai người mang vũ khí tiến lại phía mình. (Con đường này nổi tiếng về những vụ ám sát). Sau khi đã đi quá, họ quay lại đuổi theo kẻ ấy, nên kẻ ấy chột dạ. Tuy nhiên, kẻ ấy hỏi họ, và được biết họ là người giúp việc của anh kẻ ấy, và ông anh gởi họ đi đón kẻ ấy. Hình như lúc kẻ ấy đến Bayonne, bên Pháp, có người đã nhận ra kẻ ấy. Thế là hai người giúp việc đi trước dẫn đường, kẻ ấy theo sau, vẫn trên con đường cũ. Trước khi đặt chân vào phần lãnh địa của gia đình, kẻ ấy gặp lại họ. Họ một mực nài nỉ kẻ ấy theo họ về nhà người anh, nhưng họ không lay chuyển được kẻ ấy[1].

Thánh I-nhã rời Paris vào những ngày đầu xuân: khí hậu ấm áp, cây cối đâm chồi nảy lộc. Từ Paris đến Tây Ban Nha, chắc ngài theo lộ trình bình thường của khách hành hương đến Santiago de Compostela: qua Orléans đến Bayonne rồi qua cửa khẩu Hendaye đến Irun. Qua khỏi thành phố San Sebastian, đã đến Tỉnh của ngài, thánh I-nhã “bỏ đường lớn, theo đường núi, vì ít người qua lại hơn”, có lẽ vừa thanh thản hơn, vừa tránh gặp người quen. Sau này, tại tòa điều tra phong chân phước năm 1595, cháu thánh I-nhã là nữ tu Potenciana[2] kể lại chi tiết hơn. Ở Azpeitia có một người chuyên cung cấp thịt cho dân chúng tên là Joán de Eguibar, thuộc gia đình bà nhũ mẫu thánh I-nhã. Ông này gặp thánh I-nhã ở quán trọ gần Iturrioz nên về báo tin cho lâu đài Loyola. Anh thánh I-nhã là García Martín gởi linh mục Balthasar Garagarza đi đón[3]. Tuy nhiên, ngài có chương trình riêng.

Kẻ ấy đến trọ tại nhà tế bần, và vào giờ thích hợp thì đi xin ăn trong vùng lân cận[4].

            Theo García-Villoslada, ở Azpeitia có hai cơ sở cùng được gọi là “nhà tế bần”[5]: nhà San Martín dành cho bệnh nhân, nhà Santa Magdalena dành cho người vô gia cư hay khách đi đường[6].

Santa Magdalena cách nhà thờ xứ chừng 500 mét về hướng đông, trong khi lâu đài Loyola cách nhà thờ xứ chừng 2 km về hướng tây. Coi sóc Santa Magdalena từ năm 1529 là Pedro López de Garín (con bà nhũ mẫu María của thánh I-nhã) và vợ ông là Emilia de Goyaz.

Thánh I-nhã đến Santa Magdalena ngày nào? Theo Potenciana, ngài đến lúc 5 giờ chiều một ngày tháng 4 năm 1535. García-Villoslada cho rằng gần chắc đó là hôm thứ sáu ngày 23 tháng 4. Như vậy, ngài phải đi đường khoảng gần 1 tháng.

Tại nhà tế bần, kẻ ấy bắt đầu nói những điều về Thiên Chúa cho nhiều người đến thăm, và nhờ ơn Chúa, nhiều hoa trái đã trổ sinh. Vừa đến nơi, kẻ ấy quyết định mỗi ngày dạy giáo lý cho trẻ em. Anh của kẻ ấy phản đối: chẳng ai thèm đến đâu! Nhưng ngay từ đầu, có nhiều người đến nghe, kể cả người anh. Ngoài giáo lý, kẻ ấy còn giảng, vào các Chúa Nhật và ngày lễ, để giúp những người phải đi bộ mấy dặm đến để nghe[7].

Ông trưởng tộc Martín García đích thân đến mời thánh I-nhã về lâu đài Loyola[8]. Đó là chuyện bình thường: ngoài tình cảm và bổn phận anh đối với em còn cả danh dự của dòng tộc nữa. Từ khi ngài rời gia đình năm 1522, trong 10 năm ngài không liên hệ gì với gia đình. Trong thư gởi anh gởi từ Paris vào cuối tháng 6 năm 1532, ngài giải thích lý do: “Muốn chữa một vết thương nặng, người ta phải lần lượt dùng hết thuốc này đến thuốc khác. Cũng vậy, khi em bắt đầu bước vào con đường của mình, em phải dùng loại thuốc cần thiết. Giờ đây, phần nào đã quen đường, một loại thuốc khác sẽ không làm hại em. Ít là giả như em có cảm tưởng thuốc này gây hại, chắc chắn em đã không đi tìm làm gì.” Rồi ngài cụ thể hơn: “Từ năm sáu năm nay, em cũng muốn viết cho anh, nhưng có hai khó khăn. Trước hết là em phải học, và phải tiếp xúc với nhiều người, không phải vì những việc đời đâu. Thứ đến liệu viết thư em sẽ giúp được người nhà và người thân theo huyết thống phục vụ và ca ngợi Thiên Chúa, đồng thời chúng ta trở nên thân thiết về thiêng liêng và cùng nhau tiến tới trong những điều liên hệ đến lợi ích vĩnh cửu chăng? Em không dám chắc và phỏng đoán là không đủ. Phải nói rất thật là em quý mến ai ở trên đời này bao nhiêu tùy theo mức độ em giúp được người ấy phục vụ và ca ngợi Chúa: ai quý mến điều gì vì chính mình chứ không phải vì Thiên Chúa thì người ấy không yêu mến Thiên Chúa.”[9] Có thể nói thánh I-nhã không còn là một người của dòng họ Loyola nữa, nhưng là người của Thiên Chúa. Nếu ngài còn giữ liên hệ nào với gia đình, thì chỉ với tư cách một người của Thiên Chúa. Chúng ta dễ hiểu câu thánh I-nhã trả lời anh: “Em về Azpeitia không phải để đến lâu đài Loyola hay lâu đài nào khác, nhưng là để gieo rắc Lời Chúa, và giúp người ta ý thức tầm mức nặng nề của tội trọng.”[10] Hai anh em đọ sức. Các lý lẽ loài người của người anh không lay chuyển được trái tim đã được tôi luyện của người em. Trái lại, lời lẽ đầy sức mạnh thiêng liêng của người em đã thuyết phục được người anh. Ông sẽ đến nghe thánh I-nhã dạy giáo lý. Ông đem đến Santa Magdalena cho em một cái giường tốt, nhưng ngài không dùng đến bao giờ. Ông muốn cho thánh I-nhã tiền để sống và làm việc tông đồ, nhưng ngài không nhận[11]. Cha Dalmases bình luận: “Như chúng ta đã thấy trong các dịp khác, đối với thánh I-nhã tiền bạc là chuyện dư thừa.”[12] Thay vì khó chịu lúc ban đầu, chỉ ít lâu sau ông rất cảm phục và kính trọng thánh I-nhã. Theo gương sáng và lời khuyên của em, ông sống tử tế, đạo đức và làm gương sáng cho đến khi qua đời năm 1538.

            Chẳng những người anh trưởng tộc mà sau 13 năm, cả dân chúng Azpeitia thấy một chú Ínigo hoàn toàn khác! Khuôn mặt và tên tuổi ngài vẫn hoàn toàn quen thuộc. Nhưng nguyên việc ngài ở Santa Magdalena đủ làm dân chúng bàn tán rồi. Thay vì quần áo bảnh bao của nhà quý tộc, ngài mặc áo như người nghèo; thay vì cỡi ngựa và đeo gươm, ngài đi bộ và tay không. Chẳng những vậy, còn đi ăn xin, rồi ăn cùng bàn với những người hành khất, lại nói năng khiêm tốn và đạo đức. Về công việc, ngài khởi sự bằng việc hằng ngày dạy giáo lý cho trẻ em, rồi nói chuyện về đời sống thiêng liêng với người lớn. Một khởi đầu thật đơn giản, nhưng đối với dân Azpeitia là cả một thay đổi động trời.

Có lẽ ngài chính thức ra mắt và giảng công khai lần đầu tại ẩn viện Đức Mẹ Elosiaga vào ngày 25.4.1535. Hôm ấy là lễ cầu mùa, đông đảo dân chúng từ nhiều nơi đến Azpeitia tham dự buổi rước kiệu để xin Chúa chúc lành cho mùa màng và công việc làm ăn. Năm 1595, Ana de Anchieta kể lại: “Cha I-nhã lên một cây mận giảng mạnh mẽ về các tật xấu và tội lỗi.” Ba tật xấu và tội lỗi chủ yếu của dân Azpeitia là bài bạc, trai gái và gây gỗ[13]. Có lẽ ngài đã tấn công trực tiếp, không nể nang chi hết. Dân chúng phản ứng thế nào? Cũng chính Ana de Anchieta kết luận: “Lời giảng của ngài giúp cho nhiều người trở nên sốt sắng; nhiều phụ nữ khóc vì xúc động”[14]. Đó là buổi ra mắt ngoạn mục và thành công, nhưng mới chỉ là bước đầu.

            Kẻ ấy cũng cố gắng xóa bỏ một số lạm dụng, và nhờ ơn Chúa giúp, đã sửa chữa được điều này điều kia. Thí dụ về nạn bài bạc, kẻ ấy thuyết phục được người phụ trách tư pháp ra lệnh cấm và có những biện pháp để thi hành luật. Có một lạm dụng khác là các cô gái trong vùng luôn luôn để đầu trần, và chỉ đội khăn khi đã kết hôn. Nhưng có nhiều phụ nữ làm nhân tình của các linh mục hay những người khác, và trung thành với những người đàn ông ấy như thể là vợ họ. Vì thế, thường có những cô nhân tình chẳng xấu hổ chi hết khi mình đội khăn vì người này người kia, mà thiên hạ ai cũng biết rõ hết. Thói quen ấy sinh ra lắm thứ tội. Kẻ hành hương thuyết phục nhà hữu trách ra luật sẽ phạt như tội hình sự tất cả những người đội khăn vì ai đó không phải là chồng mình. Thế là lạm dụng này bắt đầu bị xóa bỏ. Đối với người nghèo, kẻ ấy vận động để có một qui định câng quĩ cấp phát đều đặn cho họ những điều cần thiết. Kẻ ấy cũng can thiệp để người ta ấn định mỗi ngày đổ chuông ba lần, sáng, trưa và tối, để mọi người đọc kinh Kính Mừng như tại Rôma[15].

Trong cuộc điều tra phong chân phước năm 1595, khoảng 20 nhân chứng cùng cho biết khá nhiều điều về hoạt động tông đồ của ngài[16].

Tại Santa Magdalena, hằng ngày ngài dạy giáo lý cho trẻ em; vào các ngày thứ hai,thứ tư và thứ sáu hằng tuần, ngài giảng cho người lớn; khi đông người đến nghe, ngài giảng ngoài sân, có người leo lên tường hay lên cây để nghe. Suốt 10 ngày giữa lễ Lên Trời và lễ Hiện Xuống, ngài giảng mỗi ngày về một trong Mười Điều Răn. Mỗi Chúa nhật, ngài thường giảng tại nhà thờ giáo xứ. Ngoài ra, ngài còn vận động xây dựng nếp sống theo Tin Mừng. Dân Azpeitia rất mê bài bạc, phần nào vì vậy mà hết đời này sang đời khác vẫn nghèo khổ. Ngài vận động dân chúng bỏ tệ nạn này. Các nhân chứng cho biết nhiều bộ bài bị liệng xuống sông[17]. Tệ nạn trai gái cũng rất phổ biến, ngay từ gia đình ngài[18]. Ngài vận động để chính quyền thị trấn áp dụng nghiêm túc luật cấm đội khăn đối với phụ nữ chưa chính thức kết hôn đã có từ năm 1484 do vua Fernando và nữ hoàng Isabel ban hành.

Tu viện Isabelitas (dòng Phanxicô) cách nhà thờ xứ Azpeitia 150 mét, do chị họ thánh I-nhã là María López de Emparan và người bạn là Ana de Urango thành lập năm 1497. Ngay từ đầu tu viện đã có xung đột với nhà xứ, do gia đình thánh I-nhã bảo trợ, về quyền lợi vật chất khi tổ chức các thánh lễ, đám tang, buổi giảng… Cha sở cũ là Juan de Anchieta lúc sống đã bênh vực tu viện, lúc chết (30.7.1523) lại di chúc xin được chôn tại nhà nguyện tu viện. Andrés de Loyola (cháu thánh I-nhã) dùng võ lực chiếm xác để chôn tại nhà thờ giáo xứ[19]. Người anh linh mục của thánh I-nhã là Péro Lopez 3 lần đi Rôma để kiện lên Tòa Thánh. Lần cuối Tòa Thánh buộc tu viện bồi thường nhà xứ 180 ducado, nhưng cha sở về đến Barcelona thì chết năm 1527. Andrés là con ruột lên làm cha sở kế nhiệm. Việc kiện cáo dây dưa mãi. Do thánh I-nhã vận động, ngày 18.5.1535, hai bên ký tên vào bản thỏa thuận 21 điểm giải quyết tất cả những bất đồng. Nhân chứng ký tên đầu tiên chính là thánh I-nhã[20].

Chúa Giêsu cho biết có thứ quỷ chỉ trừ được bằng cầu nguyện. Thánh I-nhã vận động hằng ngày, lúc 12 giờ trưa, nhà thờ xứ và 10 ẩn viện trong xứ đồng loạt đổ chuông; nghe chuông, mọi người quỳ gối đọc một kinh Lạy Cha và một kinh Kính Mừng xin cho những người có tội trọng được ơn ăn năn trở lại; rồi một kinh Lạy Cha và một kinh Kính Mừng nữa xin cho họ ơn chừa tội[21]. Thánh I-nhã xin gia đình luôn giữ thói quen đó. Trong di chúc, anh thánh I-nhã là Martín García yêu cầu giữ thói quen đó và mỗi năm trả 2 ducado cho người kéo chuông nhà thờ xứ, 1 ducado cho mỗi nữ tu kéo chuông ở các ẩn viện[22].

Có những người nghèo thật và những người lười biếng không chịu làm ăn. Thánh I-nhã vận động hội đồng thị trấn ra luật cấm ăn xin và lập quĩ giúp người nghèo. Luật được phê chuẩn ngày 23.5.1535[23].                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                          

Trong thời gian ở Azpeitia, ngài có về thăm gia đình một lần. Domenja de Ugarte, giúp việc cho người coi sóc Santa Madalena kể: Một hôm chị dâu thánh I-nhã, bà Magdalena, cùng với nhiều người khác trong gia đình đến Santa Magdalena xin ngài ghé thăm gia đình ở lâu đài Loyola, nhưng ngài trả lời là ngài mệt, để hôm khác. Lần thứ hai, bà nại đến hương hồn cha mẹ ngài, nhưng ngài vẫn trả lời như trước. Lần thứ ba, bà quỳ xuống đất, xin ngài vì lòng yêu mến cuộc Tử Nạn của Chúa Giêsu, ngài trả lời: “Chị nói như vậy thì em sẽ đến Loyola, và cả Vergara hay bất cứ nơi nào khác nữa.”[24] Cha Gil González Dávila, Dòng Tên, cho biết cha Pedro Tablares đã được nghe thánh I-nhã kể: ngài biết có một người phụ nữ mỗi tối đến lâu đài Loyola bằng một lối bí mật để gặp một người trong gia đình ngài. Một buổi tối ngài về và bắt gặp quả tang. Người phụ nữ thú nhận hết. Ngài đưa người ấy về phòng ngài và giữ ở đó đến sáng. Từ đó, không bao giờ người ấy đặt chân đến lâu đài Loyola nữa[25]. Có thể bà Magdalena đã xin ngài về giúp giải quyết việc ấy nên ngài nhận lời chăng? Người trong gia đình có liên hệ lén lút với người phụ nữ ấy là ai? Có người nghi là chính người anh trưởng tộc của ngài. Theo García-Villoslada[26] thì người ấy là con trai lớn của anh ngài. Thực vậy, anh ngài có 8 người con chính thức, và đã từng có 2 đứa con rơi, nhưng từ khá lâu đã sống rất nghiêm túc. Trái lại, cháu Beltrán của ngài, người sẽ thay anh ngài đứng đầu gia đình Loyola, lúc ấy sống khá phóng túng và đã có 4 đứa con rơi. Lễ kết hôn giữa Beltrán và Juana de Recalde, quê ở Vergara, được tiến hành vào năm 1536. Chúng ta có thể phỏng đoán bà Magdalena cho biết Beltrán chơi bời phóng đãng, nhờ ngài về giúp để chấm dứt tình trạng tội lỗi và kết hôn tử tế. Vì thế thánh I-nhã nói sẵn lòng đến Loyola hay Vergara… Sau đó Beltrán tập Linh Thao, sống nghiêm túc, đạo đức, nêu gương sáng, rất cảm phục và kính trọng thánh I-nhã.

Kết quả 3 tháng ở Azpeitia, Potenciana cho biết: “Rất nhiều người từ Azpeitia cũng như từ các nơi khác trong vùng đến nghe ngài, đến nỗi có người phải trèo lên tường hay lên cây để nghe… Nhờ các bài giảng, các cuộc nói chuyện và đời sống thánh thiện của ngài, nhiều người đã sửa mình, chừa bỏ các thói xấu.”[27] Theo Andrés de Oraa, người làng Aizarna, gần Azpeitia: “Cha Inigo có giọng tốt, lời cha nói thấm vào lòng và sinh hoa kết quả. Cách giảng của cha là thuyết phục người ta sống đạo và từ bỏ các thói hư tật xấu. Nhờ các bài giảng và các lời nhắc nhở của cha, người ta đã bỏ bài bạc, nhậu nhẹt và các tật xấu khác.”[28] Theo Ana de Anchieta: “Ở Santa Magdalena, ngài ngồi ăn chung bàn với những người nghèo, nêu gương sáng lớn về khiêm tốn, thanh bần và kiên nhẫn, như một người thánh thiện và đầy Thánh Thần.”[29] Một chuyện ở Azpeitia ai cũng biết là có 3 phụ nữ trước đó sống phóng túng đã hoán cải và đi hành hương Giêrusalem. Magdalena de Mendiola, còn gọi là Sendo, nói với bạn: “Ana này, lời của chú ấy xuyên thấu tim tôi… Từ trước đến nay, tôi phục vụ người đời, từ nay về sau, tôi muốn phục vụ Thiên Chúa.”[30] Một người là Catalina de Ispuzu đã chết trên đường[31]. Có người ở Azpeitia nói dân chúng coi ngài như một giám mục và như một thẩm phán.Theo Domenja de Ugarte, tất cả mọi người ở Azpeitia và vùng lân cận đều nhìn nhận ngài là người hoàn hảo và thánh thiện. Trước kia cũng như hiện nay, ai cũng cảm phục và kính trọng ngài.[32]

Gần chúng ta hơn, Dudon viết: “Trong tâm tư dân Azpeitia năm 1535, chỉ còn một hình ảnh: một hối nhân, mặc áo vải màu xám, mang dép, ngày ngày dạy giáo lý cho trẻ em, giảng cho dân chúng, phục vụ bệnh nhân… Sẽ không bao giờ họ quên hiện thân sống động của sự khiêm tốn, hiền từ và bác ái Kitô giáo. Mọi người đều xúc động: Tôi đã thấy một Đức Kitô khác.”[33] Theo García-Villoslada, đồng hương sững sờ trước gương sáng đức hạnh của thánh I-nhã: Hoàn toàn đúng là 3 tháng sống đức hạnh đã xóa sạch các dấu vết không hay thời trai trẻ của ngài[34].

            Mục đích ban đầu của thánh I-nhã khi về Azpeitia có thể chỉ là để chữa bệnh. Theo Polanco, ngài muốn về Azpeitia ít lâu để dùng các việc lành sửa chữa những gương xấu thời trai trẻ[35]. Nhưng kết quả 3 tháng cho thấy ngài tiến xa hơn nữa: chúng ta thấy rõ khuôn mặt, dầu chỉ mới là phác họa, của một nhà cải cách đích thực. Tại sao dân chúng chẳng những thích đến nghe thánh I-nhã giảng, mà còn thực hiện những điều ngài đề nghị nữa? Có lẽ vì hai lý do. Dân chúng trong vùng thực sự đói khát lương thực nuôi linh hồn. Mặc dầu trong khu vực có cả chục linh mục, nhưng họa lắm giáo dân mới được nghe giảng. Chẳng những vậy, thánh I-nhã là một nhà quí tộc từng nổi tiếng trong vùng, nay đã từ bỏ vinh hoa phú quí để sống như người nghèo và với người nghèo, chuyên chăm cầu nguyện và làm việc tông đồ, nên khi nghe ngài nói, người ta nhận ra đúng là Thiên Chúa ở với ngài. Thánh I-nhã không tranh cãi thần học, không chỉ trích giáo quyền, không mơ tưởng những chuyện vá trời lấp biển. Ngài thực tế bắt tay vào việc. Trước hết là bằng đời sống nghèo khó và khiêm tốn, bằng việc siêng năng cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích. Thứ đến bằng việc dạy giáo lý cho trẻ em, nói chuyện với dân chúng và giảng cho họ. Nội dung là những điều đơn sơ nhưng thực tế. Cuối cùng bằng việc thiết lập những định chế nhằm loại trừ các thói quen xấu và tập những thói quen tốt. Kinh nghiệm Azpeitia sẽ là những bài học quí báu cho ngài sau này khi cùng với các bạn biến nhóm bạn thành một dòng tu rồi nắm cương vị điều hành Dòng Tên xả thân góp phần vào cuộc canh tân của Hội Thánh.

Mặc dầu lúc đầu khỏe mạnh, sau đó kẻ ấy ngã bệnh nặng. Khi bình phục, kẻ ấy quyết định lên đường để làm những công việc các bạn cùng chí hướng đã nhờ[36].

Về việc chữa bệnh, thánh I-nhã không nói gì, và chúng ta cũng không có tài liệu nào khác. Chỉ biết ban đầu ngài khỏe mạnh, sau đó ngã bệnh nặng, và khi bình phục thì ra đi. Thánh I-nhã ở Azpeitia khoảng 3 tháng.

Kẻ ấy cũng quyết định lên đường mà không mang theo đồng nào trong mình. Anh của kẻ ấy rất bất bình vì quyết định này, lại thêm xấu hổ vì kẻ ấy đi bộ. Tối đến, kẻ hành hương đồng ý như sau: sẽ cỡi ngựa cùng với người anh và người nhà cho đến ranh giới tỉnh[37].

Theo Dalmases, thánh I-nhã rời Azpeitia khoảng 23.7.1535[38]. Ngài tặng nhà trọ Santa Magdalena con ngựa nhỏ màu hung[39] và định tiếp tục cuộc hành trình một mình và đi bộ. Nhưng nhượng bộ gia đình một chút: ngài cỡi ngựa và cho người nhà tiễn chân. Chính hôm ấy, thánh I-nhã ký tên làm chứng Beltrán López de Gallaiztegui bán cho Beltrán de Onaz một con ngựa màu nâu[40]: hình như đó quà cháu tặng chú trước khi lên đường.

Nếu dân chúng Azpeitia không quên thánh I-nhã thì ngài cũng không quên họ. Năm 1539, từ Rôma ngài viết thư cho người cháu, lúc ấy đã là trưởng tộc, khuyên nên “ổn định và cải tổ đặc biệt hàng giáo sĩ” ở Azpeitia. Ngài cũng thêm: “Tổ tiên chúng ta đã rất nỗ lực để trổi vượt trong những lãnh vực khác… Cháu hãy ước ao trổi vượt về điều sẽ tồn tại vĩnh cửu và đừng uổng công trong những gì sau này sẽ khiến phải hối hận.”[41] Năm 1540, ngài viết một lá thư cho dân chúng Azpeitia nhắc lại kỷ niệm và những thói quen tốt họ vẫn giữ, khuyên họ xưng tội và rước lễ hằng tháng, hằng tuần và ngay cả hằng ngày. Ngài cũng khuyên họ gia nhập Hội Thánh Thể mới được Đức Giáo Hoàng phê chuẩn[42].

 

Kiểm tra tương tự

Giới thiệu sách mới: VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI TU – MỘT ĐÓNG GÓP CỦA LINH ĐẠO I-NHÃ

Sự vâng phục là một trong ba lời khấn mà các tu sĩ phải tuân …

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *