[Mở lòng]-Thứ Tư sau Chúa Nhật III mùa Chay

1 Vài ngày sau, Đức Giê-su trở lại thành Ca-phác-na-um. Hay tin Người ở nhà,2 dân chúng tụ tập lại, đông đến nỗi trong nhà ngoài sân chứa không hết. Người giảng lời cho họ.3 Bấy giờ người ta đem đến cho Đức Giê-su một kẻ bại liệt, có bốn người khiêng.4 Nhưng vì dân chúng quá đông, nên họ không sao khiêng đến gần Người được. Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống.5 Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt: “Này con, con đã được tha tội rồi.”6 Nhưng có mấy kinh sư đang ngồi đó, họ nghĩ thầm trong bụng rằng:7 “Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa? “8 Tâm trí Đức Giê-su thấu biết ngay họ đang thầm nghĩ như thế, Người mới bảo họ: “Sao trong bụng các ông lại nghĩ những điều ấy?9 Trong hai điều: một là bảo người bại liệt: “Con đã được tha tội rồi”, hai là bảo: “Đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi”, điều nào dễ hơn?10 Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội, -Đức Giê-su bảo người bại liệt,-11 Ta truyền cho con: Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà!”12 Người bại liệt đứng dậy, và lập tức vác chõng đi ra trước mặt mọi người, khiến ai nấy đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ bảo nhau: “Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ! “

(Mc 2,1-12)

Hôm qua, chúng ta đã chiêm ngắm cuộc gặp gỡ giữa Đức Kitô với người bị bệnh phong. Hôm nay, chúng ta lên đường với Đức Kitô trở lại thành Ca-phác-na-um. Khi ở tại làng đó, Đức Giê-su đã đến một ngôi nhà, nhà này có thể là nhà của nhạc mẫu ông Phê-rô, và Ngài ngồi ở đó giảng lời cho họ. Đây là bối cảnh của câu truyện.

Câu truyện kể tiếp rằng, dân chúng tụ tập đông đúc đến nỗi trong nhà ngoài sân chứa không hết. Và “bấy giờ người ta đem đến cho Đức Giê-su một kẻ bại liệt, có bốn người khiêng”. Ở đây, điều cần chú ý không chỉ là nguyên nhân tại sao anh kia bị bệnh, mà còn là tình trạng bất lực của anh, không thể cựa quậy được, anh nằm trên chõng để người ta khiêng. Dừng bước nơi đây, chúng ta trở về lại với cuộc đời mình và tự hỏi xem, có khi nào chúng ta trở nên bất lực hoàn toàn, bị những cơn bệnh, bị những thế lực tội lỗi và sự dữ chế ngự, nằm trên chiếc chõng như một thây ma, chúng ta cảm thấy như thế nào? Chúng ta còn hy vọng gì nữa không? Niềm tin vào Chúa còn sống động trong lòng không?

Sau đó, Mác-cô kể tiếp rằng: “Nhưng vì dân chúng quá đông, nên họ không sao khiêng đến gần Người được”. Đông quá nên không thể nào vào được. Một chướng ngại trên con đường đi tìm ơn cứu rỗi. Làm sao đây? Với những người tin thì không gì là không thể, vì chính Giêsu đã nói rằng: “Sao lại nói: nếu Thầy có thể? Mọi sự đều có thể đối với người tin.” (Mc 9,23). Hơn nữa, niềm tin và niềm hy vọng về sự chữa lành, về ơn cứu rỗi sẽ giúp cho con người tìm được “lối vào”. Vâng, cái khó nó không bó cái khôn, mà cái khó nó ló cái khôn. “Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống”. Một con đường không qua cửa chính, mà xuyên qua mái nhà. Khi lối chính đã “bị chặn”, thì vẫn còn lối khác để vào. Cứ tin tưởng và chính niềm tin sẽ tạo sáng kiến. Khi nào còn tin tưởng, thì con người không bất động ngồi chịu trận một mình.

Dù cho bệnh hoạn, dù cho gió bão, dù cho quyền lực của thần thiêng có mạnh đến mấy đi nữa, nhưng nếu chúng ta vẫn mặc chiếc áo giáp của niềm tin, thì chúng ta vẫn vững vàng. Shrî Ramakrishna, một triết gia Ấn Độ khắc khổ sống vào thế kỷ 19 (1834-1886) đã nói rằng: “Ai có niềm tin thì có tất cả, ai thiếu niềm tin, thì thiếu tất cả”. Thực vậy, niềm tin của chúng ta được đặt trên nền tảng là chính Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót. Trái ngược với tâm tình này là sự nghi ngờ. Sự nghi ngờ có một sức mạnh lớn, mà con người đôi khi không ngờ được. Chính sự nghi ngờ này sẽ kéo con người vào trong một vỏ sò của „cô đơn“, của „sợ hãi“, của „đêm đen“, và khi bị nhốt trong vỏ sò đó, con người không còn thiết sống nữa. Thật là tai hại biết bao nhiêu. Ernst R. Hauschka, một triết gia người Đức đã nói rằng: “Ở đâu sự nghi ngờ ‘được phong thánh’, thì nơi đó niềm tin trở thành ma quỷ”. Trái ngược với suy nghĩ của nhà triết gia này, niềm tin của người bất toại và của tất cả những anh chị em có mặt soi chiếu cho chúng ta một bài học sống động về niềm tin. Bài học đó có thể tóm gọn trong tâm tình: “Ở đâu niềm tin ‘được phong thánh’, thì nơi đó nghi ngờ trở thành quỷ ma”.

“Nhận thấy lòng tin của họ, Chúa nói với người bệnh: “Này con, tội của con đã được tha” (Mc 2,5). Những lời đó cho thấy rằng tiên vàn Chúa muốn chữa lành về tinh thần. Người bất toại là hình ảnh của con người bị tội lỗi làm ngăn trở không thể tự do cử động, không thể đi lại trên nẻo đường của sự thiện, không thể phát triển tiềm năng của mình. Thực vậy, một khi sự dữ bám rễ vào linh hồn thì nó trói buộc con người bằng cái tròng của gian dối, nóng giận, ghen tương và những tội lỗi khác, và dần dần làm cho con người bị tê liệt. Vì thế trước tiên Đức Giêsu đã nói lên những lời gây phẫn nộ cho những ký lục đang có mặt: “Tội của con đã được tha”, rồi kế đó, để chứng tỏ mình đuợc Thiên Chúa trao quyền hành để tha tội, mới thêm rằng: “Đứng lên, vác chõng về nhà đi” (Mc 2,11), và Ngài đã chữa cho anh ta được lành mạnh hoàn toàn. Sứ điệp thật là rõ ràng: con người, bị tê liệt do tội lỗi, cần đến lòng Chúa thương xót, và đức Kitô đã đến để mang lại cho con người lòng thương xót của Thiên Chúa, để cho nó được chữa lành từ trong con tim để rồi được hồi phục trọn cả cuộc đời” (Đức Benedicto XVI).

Như vậy, bệnh trạng nguy hiểm nhất đe dọa con người và có thể làm lụn bại con người hoàn toàn, đó là sự dữ và là tội lỗi. Vâng, tội lỗi và sự dữ sẽ làm cho chúng ta bị tê liệt, mù quáng trước sự thật và những điều tốt lành. Khi con người chúng ta không còn biết đến chân thiện mỹ là gì nữa, thì chúng ta sẽ không thể phát triển hài hòa và sung mãn được. Cứ nhìn vào cuộc đời của chính bản thân mình, thì chúng ta sẽ nhận ra ngay. Khi tôi ở trong tội lỗi, thì tôi chẳng còn thiết gì đến những điều tốt lành nữa. Lúc đó sự dữ lại nói với tôi rằng: “Mày tội lỗi đầy mình, chẳng có ai chấp nhận mày nữa!” Lúc đó, sự dữ làm cho tôi sợ hãi, và cứ vậy tôi sống trong cái vòng quỷ quyệt tràn đầy bóng đêm. Bóng đêm che đậy đôi mắt tôi không cho nhận ra con đường chân thiện mỹ nữa, và còn muốn che đậy cả lòng nhân từ của Thiên Chúa.

Nhưng may thay, Thiên Chúa đã không cho sự dữ đi xa hơn. Ngài bắt sự dữ phải dừng bước trước lòng nhân hậu hay thương xót của Chúa. Vì thế, thật kiên quyết Chúa nói với chúng ta, những con người bại liệt rằng: “Tội của con đã được tha!” Thực vậy, khi tội không còn trong tôi, thì nguồn nước tình yêu của Chúa lại tuôn đến để làm cho lòng khát khao của tôi được thỏa. Chúa cũng an ủi và trao lại cho tôi một sự tự d: “đứng dậy vác lấy chõng mà về”. Thật tuyệt vời, không chỉ con tim được sạch, mà cả một cuộc đời cũng được hồi sinh.

 

Hôm nay chúng ta hãy thử đặt mình là người bại liệt xem sao nhé! Như một thây ma đang nằm bất động trên cái chõng, bỗng chợt chúng ta nghe lời của Chúa nói: “Tội của con đã được tha!”, chúng ta cảm thấy lòng mình như thế nào? Có thể chúng ta nhớ lại những giây phút trong tòa giải tội. Chúng ta cảm thấy thế nào khi đón nhận sự tha thứ của Thiên Chúa?

Không chỉ dừng ở đó. Đức Kitô lại tiếp lời với chúng ta: “Đứng dậy!” Lúc này thân xác chúng ta như được cởi trói khỏi gọng kìm giam hãm, tự do lại về và chân trời mới lại xuất hiện. Chúng ta cảm thấy sao? Cuối cùng, chúng ta tâm tình với Chúa và đọc lại đoạn kinh thánh trên để kết thúc.

Tôi nhớ lại bài tập trong tuần – Thánh Giá mối lợi của tôi.

Kiểm tra tương tự

Sứ điệp Hòa Bình 2025: Ba lời kêu gọi cụ thể của Đức Thánh Cha

  Theo truyền thống, Đức Thánh Cha đã ban sứ điệp cho ngày Hòa bình …

Hành trình Đức tin của ngôi sao bóng rổ Gordon Hayward

Ngôi sao NBA* gia nhập đạo Công giáo vài tháng sau khi giải nghệ. Để …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *