Châm cứu tinh thần

Đối với một số người, cái chết dường như không đáng sợ bằng sự kéo dài của những tháng ngày sống trong đau khổ và tuyệt vọng. Vì thế, họ đã chọn cách tự sát như một cách để “giải thoát” bản thân khỏi bể khổ cuộc đời. Tuy nhiên, nhiều người khác lại chọn cách chấp nhận và tận dụng mọi nguồn lực để ứng phó với nghịch cảnh, dù nó có tàn khốc và phũ phàng thế nào đi chăng nữa.

Quả vậy, trong tình hình dịch bệnh căng thẳng hiện nay, có thể nói, cái chết mà virus Corona mang đến không đáng sợ bằng cảm giác trầm uất cứ âm ỉ và đè nén ngày đêm trong lòng nhiều người. Nó khiến cho lý trí và tâm hồn người ta như bị ngộp thở vì bị chìm ngập trong dòng thác năng lượng tiêu cực mà nó tạo ra. Khi nguồn năng lượng tiêu cực này không được chuyển hóa và giải phóng cách thỏa đáng, nó sẽ gây ra những hiểm họa khôn lường, ngay cả sau khi dịch bệnh chấm dứt. Một minh chứng là có đến 20.919 người tự sát trong năm 2020 tại Nhật Bản[1] và hàng trăm ngàn những trường hợp khác trên toàn thế giới.

Thế nhưng bên cạnh đó, vẫn có những người chọn cách thích ứng và sống một cuộc sống tốt nhất mà họ có thể tạo ra trong hoàn cảnh riêng của mình. Họ đã khéo léo điều hướng nguồn năng lượng của bản thân đến những điều tốt đẹp. Thay vì liên tục cập nhật tin tức về dịch bệnh hay làm những điều vô bổ khác, họ chọn cách khám phá và sống cho những điều cao quý hơn. Ta có thể gọi nôm na việc thực hành như thế gọi là liệu pháp “châm cứu tinh thần”. Trong đó, mỗi người đều là nhà trị liệu của chính mình. Vì tự nơi sâu thẳm nhất của tâm hồn, chỉ có ta mới biết điều gì là tốt nhất và thích hợp nhất cho vấn đề của chính ta mà thôi.

Theo y học cổ truyền, bệnh tật thể lý là do sự tắc nghẽn hoặc rối loạn các dòng năng lượng, hoặc khí (âm, dương) trong cơ thể, và người ta dùng châm cứu để giải phóng nguồn năng lượng hoặc khí này, đồng thời kích thích các phản ứng sinh hóa trong cơ thể thông qua các dây thần kinh[2], nhằm tái tạo sự cân bằng năng lượng và tạo tiền đề cho tiến trình chữa lành. Cụ thể, châm cứu đã được chứng minh là có chức năng giải phóng chất dẫn truyền thần kinh serotonin và betaendorphin, là những chất giống như thuốc phiện do não tạo ra.[3] Qua đó, hệ thống miễn dịch của bệnh nhân được tăng cường, giúp họ cảm thấy hưng phấn và bớt đau hơn. Đây là một trong những lý do giúp châm cứu hiếm khi gây ra tác dụng phụ. Vì nó không buộc cơ thể phải làm bất cứ điều gì; nó chỉ hỗ trợ cơ thể thực hiện các chức năng bình thường của nó.[4]

Cũng vậy, bệnh tật tinh thần phần nhiều là do sự bế tắc hoặc rối loạn năng lượng tinh thần gây ra. Do đó, biện pháp châm cứu tinh thần giúp giải tỏa áp lực tâm trí và chuyển hóa năng lượng tinh thần, mà theo một nghĩa nào đó, tâm lý học gọi là cơ chế thăng hoa. Cụ thể, khi phải ở trong nhà dài ngày như hiện nay, ngoài những việc bổn phận tùy theo vai trò của mình, trong thời gian rảnh rỗi, ta có thể tìm đến những hoạt động hữu ích khác, tạm gọi là những “kim châm tinh thần” như: học ngoại ngữ hoặc các kỹ năng mềm; tìm cách trau dồi thêm kỹ năng học tập – làm việc; nếu có điều kiện hơn thì học đàn guitar, organ, vẽ tranh; hoặc thực hiện các dự án nghiên cứu riêng của mình; hoặc đơn giản là đọc những cuốn sách bổ ích về tôn giáo, triết học, tâm lý, kinh tế, văn hóa, lịch sử… Ta có thể tìm thấy tất cả những điều này trên internet một cách dễ dàng, miễn là chúng làm ta thích thú và có thể giúp ích cho cuộc sống của ta.

Có một nguyên tắc tâm lý là “chúng ta không thể chú ý tới hai điều cùng một lúc”, nên khi quy hướng trọn vẹn tâm trí mình đến những điều tích cực và bị lôi cuốn hoàn toàn vào những điều tốt đẹp như thế, chúng ta sẽ cảm thấy thoải mái hơn, yêu đời hơn và “mong cho ngày mai sẽ tới” hơn, thay vì “sợ hãi cái gọi là ngày mai” như trước đây. Khi ấy, chắc chắn những hình ảnh ảm đạm về dịch bệnh và những điều tiêu cực khác sẽ không có cơ hội xâm nhập và làm cho tâm hồn ta ra hỗn loạn, hoặc nếu nó có tới thì chúng ta cũng không để nó ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống của mình.

“Thoạt nghe, đây có vẻ là một việc làm lố bịch trong thời đại dịch. Tại sao và làm sao chúng ta lại có thể tiếp tục cảm thấy hứng thú với những việc này một cách điềm nhiên như vậy, trong khi cuộc sống của hàng triệu người trên khắp thế giới đang trong cảnh hoang mang lo sợ? Đó chẳng phải là thái độ kiểu ‘cháy nhà hàng xóm’ hay sao?

Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta phải nhìn tai họa hiện tại trong một viễn cảnh thật của nó. Đại dịch không tạo ra một bối cảnh hoàn toàn mới; nó chỉ đơn giản là làm cho cuộc sống của con người trở nên tồi tệ hơn mà thôi, để chúng ta không còn có thể phớt lờ những điều tồi tệ thường nhật vốn đã tồn tại trước đó thêm nữa. Đời sống của con người vốn luôn đứng trước bờ vực thẳm. Nếu chúng ta đã trì hoãn việc tìm kiếm tri thức và cái đẹp cho đến khi chúng ta được an toàn, thì cuộc tìm kiếm ấy đã chẳng bao giờ được khởi sự.”[5]

Nhiều loài động vật hoang dã đã chọn cách lẩn trốn khi gặp nguy hiểm hoặc triệt hạ lẫn nhau khi cần thiết để bảo toàn sự sống. Con người thì khác. “Họ phát kiến ra các định lý toán học trong những thành phố bị vây hãm, tiến hành các cuộc tranh luận siêu hình học trong các tử ngục, pha trò trên các giàn hỏa thiêu”[6]. Thậm chí như thánh Luy Gonzaga đã hy sinh thân mình vì cứu giúp các nạn nhân của dịch bệnh tại Roma những năm 1591[7], hoặc thánh Têrêsa Calcutta đã dành cả cuộc đời để phục vụ những người nghèo khổ[8]. Đây không phải sự phô trương nhưng là bản chất của loài người chúng ta.

Hôm nay, biết bao người đã vượt lên hoàn cảnh để sống một đời sống an vui, tại sao không phải là tôi? Hôm nay, biết bao người đã khước từ “tiếng thì thầm” xúi giục ta làm điều tiêu cực hoặc đắm chìm trong những trò tiêu khiển vô bổ, để chọn lựa và sống cho những điều cao quý hơn, tại sao không phải là tôi? Hôm nay, biết bao người có thể sẽ chết, không phải vì tự sát nhưng là chết vì giúp đỡ các bệnh nhân, chết vì xả thân phục vụ người nghèo trên đường phố và các khu phòng trọ, tại sao không phải là tôi?

Vì thế, ta còn chần chừ gì nữa mà không thử làm nhà trị liệu của chính mình và của đồng loại, bằng cách tìm kiếm những “kim châm tích cực” và “châm cứu tinh thần” của ta và của tha nhân, như một phương thế khả dĩ và hữu hiệu cho việc giải tỏa căng thẳng nội tâm và thăng hoa năng lượng tinh thần, để chúng ta có thể sống đúng với bản chất cao quý của mình!

Hv. Văn Tài, S.J.

[1] Cf. AFP-JIJI, Pandemic raises Japan suicide rate after decade of decline (2021). https://www.japantimes.co.jp/news/2021/01/22/national/japan-suicide-rate/.

[2] Cf. Elizabeth Palermo, What is Acupuncture? (2017), https://www.livescience.com/29494-acupuncture.htmlhttps://www.ponsonbywellness.co.nz/the-principles-of-acupuncture/

[3] Cf. Nicole Stern, Acupuncture 101: An Overview of Acupuncture Theory and Styles, https://dedhamacupuncture.com/acupuncture-101-an-overview-of-acupuncture-theory-and-styles/

[4] Cf. Principles and Techniques of Acupuncture, 2019. https://www.theneighbourhoodclinic.com/neighbourhood-clinic-blog/174-principles-and-techniques-of-acupuncture

[5] Cf. Lewis, C.S. The Weight of Glory. 2001. New York: NY. HarperOne. Cf. Brandon Warmke, Learning in the Time of the Pandemic, 2020. https://www.psychologytoday.com/intl/blog/moral-talk/202003/learning-in-the-time-the-pandemic.

[6] Cf. Lewis, C.S. The Weight of Glory. 2001. New York: NY. HarperOne. Cf. Brandon Warmke, Learning in the Time of the Pandemic, 2020. https://www.psychologytoday.com/intl/blog/moral-talk/202003/learning-in-the-time-the-pandemic.

[7] Cf. Tom Rochford, SJ,  Saint Stanislaus Kostka. https://www.jesuits.global/saint-blessed/saint-stanislaus-kostka/

[8] Cf. Hồng Thủy, Mẹ Têrêsa Calcutta, https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2018-09/teresa-calcutta-2-nam-phong-thanh.html

Kiểm tra tương tự

Chúa Giêsu bị chế nhạo – Kỳ cuối: Kẻ phạm thượng và cái kết

Cái chết của Đức Giêsu không nằm ngoài ý định của Thiên Chúa và cũng …

Bức tượng cổ: giai thoại và tên gọi

Trong nhà thờ Neumünster ở thành phố Würzburg thuộc miền Bavaria, Nam Đức, có một …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *