Chủ đề: Chúa Hiện Ra Với Thánh Phêrô – Linh Thao Trong Kỳ Dịch Covid-19

Bài chiêm niệm về Chúa Phục Sinh

 

Chúa Hiện Ra Với Thánh Phêrô

 

Lời Chúa: Lc 24,9-12;33-34

 

9 Khi từ mộ trở về, các bà kể cho Nhóm Mười Một và mọi người khác biết tất cả những sự việc ấy.10 Mấy bà nói đây là bà Ma-ri-a Mác-đa-la, bà Gio-an-na, và bà Ma-ri-a, mẹ ông Gia-cô-bê. Các bà khác cùng đi với mấy bà này cũng nói với các Tông Đồ như vậy.11 Nhưng các ông cho là chuyện vớ vẩn, nên chẳng tin.

 

12 Dầu vậy, ông Phê-rô cũng đứng lên chạy ra mộ. Nhưng khi cúi nhìn, ông thấy chỉ còn có những khăn liệm thôi. Ông trở về nhà, rất đỗi ngạc nhiên về sự việc đã xảy ra.

 

33 Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó.34 Những người này bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn.”

 

Kinh dọn lòng:

 

Đặt mình trước mặt Chúa và xin cho mọi ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi đều quy về việc phụng sự và ca tụng Chúa Chí Tôn.

 

Lịch sử:

 

Sau khi tắt thở trên thập giá, Đức Giêsu được mai táng trong mồ, có lính niêm phong mồ và canh gác. Chúa Cha đã cho Đức Giêsu Phục Sinh từ trong cõi chết. Từ trong mồ, Đức Giêsu đi xuống ngục tổ tông và đưa những người bị giam giữ ở đó ra. Rồi hiện ra với Mẹ Maria, các tông đồ và các bà từng theo Ngài.

 

Khung cảnh:

 

Hãy nhìn xem mồ thánh, nơi mai táng Chúa được sắp xếp. Nhìn các bà từ sáng tinh sương đến viếng mộ Chúa và trở về kể cho các tông đồ nghe. Trong lúc các tông đồ xôn xao về biến cố Chúa Phục Sinh, Phêrô chạy ra mộ và nhìn tận mắt ngôi mộ trống. Sau đó, Chúa Phục Sinh hiện ra với Phêrô.

 

Ơn xin:

Xin ơn được hoan lạc và vui mừng mãnh liệt vì sự vinh quang và vui mừng dường ấy của Đức Kitô Chúa chúng ta” (LT 221).

 

Đọc Lời Chúa: đoạn Lc 24, 9-12; 33-34 cách chậm rãi

 

– Dừng lại ở bất kỳ câu chữ nào đánh động tôi. Cho tới khi cảm nghiệm đánh động phai nhạt đi thì đọc câu chữ tiếp theo. Lặp lại tiến trình đó.

 

– Không cần vội vàng đi các bước tiếp theo của bài gợi ý này. Nếu trong nửa giờ hay một giờ cầu nguyện mà tôi chỉ làm được bước số 2 này thôi thì cũng là cầu nguyện rồi.

– …

Chiêm niệm

 

– Quý thính giả có thể chú ý đến câu: “Dầu vậy, ông Phêrô cũng đứng lên chạy ra mộ…Chúa trỗi dậy thật rồi, Người đã hiện ra với Simôn”.

 

– Phêrô bị đánh gục bởi sự tàn nhẫn của những gì đã diễn ra (mình đã chối Thầy; Thầy đã chết), nhưng Thần Khí của Chúa Giêsu vẫn hoạt động nơi ông. Ông đã cộng tác với sự thúc đẩy đó của Thần Khí để đứng lên, dù không còn gì để hy vọng; để chạy ra mộ, dù cho rằng những lời báo tin của các phụ nữ là “vớ vẩn”.

 

– Điều gì làm cho Phêrô hành động có vẻ phi lý, có vẻ ngược lại với suy nghĩ và mong đợi của một người đàn ông từng trải?

 

– Phêrô cảm gì, nghĩ gì khi chạy ra mộ? Ông tin lời những người phụ nữ chăng? Chưa hẳn, vì sau khi thấy mộ trống, ông vẫn chưa tin mà chỉ phân vân bối rối mà thôi.

 

– Hay ông chẳng nghĩ gì cả, nhưng chỉ vì bị thúc đẩy bởi một động cơ vô hình nào đó? Ông chỉ vì muốn gần xác Thầy hơn một chút? Ông chỉ vì cứ nghe nói đến Thầy là ông không thể ở yên? v.v.

 

– Đức Kitô Phục sinh đang hiện diện trong ông, nơi những đánh động tinh tế của tình yêu, của sự quan tâm của ông đối với Thầy.

 

– Đoạn Kinh Thánh trên không mô tả Chúa hiện ra với Phêrô thế nào, mà chỉ nói một câu ngắn gọn: “Chúa đã hiện ra với Simôn”.

 

– Simôn là con người cũ của thánh Phêrô; Chúa đã hiện ra để biến đổi ông thành con người mới.

 

– Đức Kitô đang mời gọi ông vượt ra ngoài những mong đợi bé tí ti của trần thế hay những mặc cảm bé tí ti của cái tôi, để có thể mở con mắt tâm hồn để thấy được điều vĩ đại; đó chính là Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chết mà nay đang sống.

 

– Việc nhận ra Chúa Phục sinh là một hành trình, hành trình của sự thanh luyện và của đức tin dám vượt ra ngoài cái quen thuộc và nhàm chán, để vươn tới chính Đức Kitô, “Đấng luôn luôn mới”.

 

Cảm nghiệm

 

– Cảm nghiệm tấm lòng của Phêrô đối với Chúa, nhất là sau 3 năm gắn bó với Thầy và sau biến cố thê thảm là chối Thầy trước khi có thể nói lời cuối cùng với Thầy.

 

– Cảm nghiệm tấm lòng Chúa Giêsu đối với Phêrô, nhất là với cái nhìn của Người về phía ông ngay sau khi ông chối Thầy.

 

– Cảm nghiệm tấm lòng của Chúa Giêsu phục sinh đối với Phêrô, nhất là khi ông đang thất vọng về mình, về cuộc đời, về mọi thứ; ông đang bơ vơ, bối rối, mất phương hướng trong cuộc sống, sau 3 năm nhất định theo thầy Giêsu, mà nay Thầy đã chết.

 

– Cảm nghiệm lòng Chúa thương ông như người mẹ thương đứa con vừa mất mẹ.

 

– Cảm nghiệm niềm vui vô bờ khi Chúa hiện ra với ông.

 

Cầu nguyện

 

– Tạ ơn Chúa vì Ngài đã sống lại cho tôi; tạ ơn Chúa vì Ngài luôn để tâm đến tôi dù tôi chối Chúa bao lần.

 

– Xin Chúa cho tôi biết cảm nhận sức sống của Chúa trong tôi, dù còn ở dạng nhỏ bé thế nào. Xin Chúa cho tôi biết sống, hành động theo sức sống đó, như Phêrô biết đứng lên và chạy ra mộ dù không có hy vọng gì, để sức sống đó ngày càng lớn lên hơn.

 

– Xin Chúa cho tôi biết mở mắt tâm hồn để vượt ra ngoài những lo toan, mong đợi cỏn con của tôi, để thấy Chúa cùng với niềm vui và sức sống vĩ đại nơi Ngài.

 

– Xin Chúa hiện ra với tôi.

 

Lm. Phanxicô Xaviê Nguyễn Hai Tính, SJ.

Kiểm tra tương tự

Sự khích lệ thánh thiện khi bạn cảm thấy muốn từ bỏ

“Thưa anh em, anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui …

Manna: Ai muốn theo tôi (Chúa nhật 24 Thường niên, Năm B)

Lắng nghe Lời Chúa và Suy niệm https://phutcaunguyen.net/pcnapp/audio/CN23TNB_MC8_27_35.mp3   ✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *