Năm 1966, một số gia đình từ Hà Nam lên Chấu theo diện kinh tế mới, một vùng đất hoang sơ của huyện Sóc Sơn, trong đó có 4 gia đình công giáo là gia đình các ông Tế, ông Toan, ông Bính và ông Diện. Đi kinh tế mới vào cái thời vẫn còn làm ăn theo kiểu hợp tác xã thì cuộc sống vất vả lắm, ngày làm HTX, tối về còn phải khai phá thêm đất đai để cải thiện bữa ăn và trồng thêm cây trái, trong khi công cụ làm việc trước sau chỉ mỗi cái cuốc với con dao phát.
Nhà ông Diện và nhà ông Toan khi tới đây đã có 3 mặt con; ông Tế trẻ trung hơn mới có bé gái 1 tuổi, ông bà Bính có được 2 con. Bốn gia đình trẻ, sức dài vai rộng, cần cù, tay vỡ đất mà miệng không ngớt nguyện cầu, để trong khi xây dựng ruộng vườn, dựng nhà, thì với đôi tay ấy cũng nâng niu từng đứa con, để tất cả lớn lên một lòng kính sợ Chúa.
Bốn gia đình công giáo ở không cách xa nhau là mấy, nhưng lại ít gần gũi, vì tình thế khó khăn, không qui tụ được thành xóm đạo, khó khăn đến nỗi mua tượng về lập bàn thờ cũng phải tránh những con mắt dòm ngó. Việc giữ đạo những tháng năm đầu coi như đèn nhà ai nấy tỏ, tối ngày dồn sức vào ruộng rẫy, đêm về đọc kinh riêng trong gia đình.
Cuộc sống trôi theo năm tháng, không có nhà thờ, cũng không có chủ chăn, mãi tới năm 1991, mới có cha Đạt (nay là giám mục giáo phận), về thăm quê hương Sóc Sơn, và ghé ngang dâng lễ ở nhà ông Tế. Những năm sau đó, thỉnh thoảng có các dì Hiệp Nhất đến dạy giáo lý cho các cháu, thực ra, các cháu vỏn vẹn từ 4 gia đình, sau 25 năm, tuy có tăng thêm, nhưng được là mấy. Cũng thời gian này, cha Vinh hằng năm đi thăm viếng vùng Sóc Sơn, tiện dịp cha cũng dâng lễ tại nhà ông Tế, chỉ một lần trong năm thôi, vì thế, mặc dù giáo họ cũng đã có ban hành giáo, nhưng đời sống đạo vẫn rời rạc lắm.
Thế rồi cho mãi tới năm 1994 mới có 2 người của giáo hạt tìm đến đây, và cũng năm này giáo phận mua miếng đất có ngôi nhà nguyện hiện nay để làm nơi nuôi dạy các chú tiền chủng viện, thời gian kéo dài không lâu, chỉ được 1 năm thì giải tán, mảnh đất các chú khai phá và gieo trồng lại trở về cảnh hoang sơ. .
Năm 2011 Cha Hòa được thuyên chuyển về phụ trách giáo xứ Lập Chí, qua đầu năm 2012, cha đã cho sửa sang lại ngôi nhà thờ họ Chấu, san lấp mặt bằng và cho trồng cây phủ kín ngọn đồi, tổng diện tích là 11.000 mét vuông. Cha Hòa rất vui tính, đúng với tên hòa, chẳng bao giờ nặng nhẹ với ai một lời, vì thế bà con tới phụ giúp rất đông, có ngày lên tới cả trăm người, cả anh cụt một tay cũng xung phong đào hố trồng cây. Cha đang huy động bà con góp tiền mua chuông thì bị đổi đi, nếu không thì giờ đã có quả chuông treo trên “ngọn cây” rồi, nói vui thôi chứ khả năng cha Hòa thì ngay khi đặt thợ đúc chuông, cha cũng dư sức cho xây xong cây tháp.
Tiếp bước cha Hòa, cha Mạnh về quản xứ Lập Chí, và sau đó là cha Quân, hằng tháng cha xứ đến dâng lễ một lần, các chúa nhật còn lại bà con qui tụ chừng 10 người họp nhau đọc kinh .
Ngày 10 tháng 8 năm 2017, Dòng Tên chính thức được sai về vùng đất này, trước mắt, Đức Giám Mục giáo phận trao cho nhiệm vụ coi sóc các họ Nỉ, Phúc Xuân và Chấu, và giáo họ Chấu cũng từ đây mang tên gọi chính thức: giáo họ Hiệp Lực.
Số giáo dân Hiệp Lực vẫn là ông bà cha mẹ con cháu của 4 gia đình :
Nhà ông Diện đông con nhất : 6 anh con trai và 4 cô con gái.
Sống giữa lương dân, xa nhà thờ, xa lắm, việc lập gia đình giữa người công giáo với nhau quả là khó kiếm, vì thế nhà ông Diện có 6 anh con trai thì năm người lấy vợ ngoại, tuy nhiên cả 5 ông vẫn lui tới nhà thờ, trong khi ông anh cả lấy người cùng đạo thì lại vắng bóng ; còn 3 cô con gái, thì 1 cô lấy chồng đạo, 1 lấy chồng ngoại, sót lại cô út đang đợi người tới rước chưa biết ngày nào.
Nói đến việc làm ăn sinh sống cũng như sắp xếp nơi ăn chốn ở cho các con thì nhà ông Diện là khá nhất : ngôi nhà của ông bà tọa lạc ở giữa, còn nhà của các con thì vây bọc chung quanh, làm thành một đại gia đình, ông bà con cái cháu chắt quây quần ấm áp.
Nhà ông Toan có 3 ông con trai thì 2 người vẫn chưa lui tới nhà thờ, còn 2 cô con gái thì một đã lấy chồng đạo, cô còn lại chắc ở giá vì bao năm rồi vẫn chưa có được mối tình vắt vai.
Nhà ông Bính có mỗi ông con trai nay đã ngoài 50 tuổi có vợ bên đạo, còn cô con gái lấy chồng ngoại nhưng lâu rồi đã về ở với mẹ.
Gia đình ông Tế có 4 anh con trai và 6 cô con gái, nay ông đã nằm xuống trên mảnh đất này, ông anh cả, vụng đường tu và trắc trở đường tình, cũng đã theo cha về với tổ tiên, để lại cho bà nội 2 cháu nhỏ đang sống cùng chú út chưa lập gia đình. 6 cô con gái thì 4 cô đi lấy chồng tứ tán, chỉ có 2 cô lấy chồng gần nhà, nhưng ngoại đạo. Tuy nhiên các ông chồng dù không lui tới nhà thờ, nhưng lại thường hối thúc vợ và các con đi tham dự các giờ kinh lễ.
Ông Tế suốt đời làm trùm họ, trước khi nhắm mắt, ông rất lo khi mất đi các con có còn giữ đạo nữa không, dù ông đã ra sức rèn cặp bảo ban và gìn giữ con cái. Ông cứ nhắc đi nhắc lại cho con cái phải lo giữ lòng trung tín với Chúa. Vì muốn các con sum họp, đùm bọc lẫn nhau, nên trong khi chia phần đất cho các con, ông cũng chia phần cho các cô con gái nữa, để các cô gái dù lấy chồng xa vẫn có cơ hội lui tới với mẹ cha và anh chị em. Để cha an lòng nhắm mắt, Anh Hùng, người con thứ năm trong nhà đã hứa với cha là sẽ làm trùm nối gót cha, và quả thật, suốt bao năm nay, anh vẫn một lòng gắn bó với giáo họ.
Khi các cha các thầy dòng Tên đến nhận giáo họ Hiệp Lực thì anh Hùng đã cùng với cha quản nhiệm cáng đáng mọi việc, coi như anh bị cắt khẩu khỏi gia đình để sớm hôm lo việc nhà thờ. Cũng may chị vợ rất đảm đang, còn cậu con trai đang học đại học hiền lành giống cha ít nói, cô con gái lớn rất năng động, đến trường chẳng thua kém ai, cô út đang học lớp 8 ngoan hiền giống mẹ. Cũng như mọi gia đình khác, gia đình anh sớm hôm hết lòng dựa cậy vào Chúa, một mái nhà với những cặp mắi luôn trông nhìn lên Chúa, những con tim đơn nghèo không tìm kiếm giầu sang, chỉ xin cho gia đình được bằng an, con cái lớn khôn khỏe mạnh. Dĩ nhiên, khi mái nhà một lòng trung tín luôn mở rộng tâm hồn trước Thiên Chúa Tín Trung, thì chắc chắn cũng luôn được Chúa thương tuôn đổ muôn phúc lành của trời cao cho mọi người trong gia đình. Vâng, vì Thiên Chúa vui thích ở với con người, chăm sóc từng người trong quyền năng và ân sủng của người.
Ngày 01 tháng 5 vừa qua, dịp Gíao họ mừng lễ thánh Giuse bảo trợ, bà con trong giáo họ chung tay dọn dẹp sân vườn, trang trí và dựng lễ đài. Thực ra với số giáo dân ít ỏi thì công việc bề bộn lắm, phải nhờ bà con các giáo họ chung quanh đến phụ giúp, và ngay trong ngày lễ cũng vậy: bà con giáo dân khắp nơi đến cứ như mở hội, nổi bật là đội kèn và đội trống cùng với hội Mân Côi, tổng cộng 120 người của giáo xứ Lập Chí ; cùng với giáo dân thuộc hai họ Nỉ và Phúc Xuân. Đặc biệt có cả các huynh trưởng thiếu nhi và các bạn sinh viên từ Thái Nguyên cũng tới, đảm nhận phần ca múa sinh hoạt giao lưu.
Mở đầu là cuộc rước kiệu giữa trời nắng chang chang trên một đoạn đường dài hơn cây số. Có lẽ đây là lần đầu tiên bà con khu phố Chấu bị cuốn hút vào một khung cảnh tràn ngập âm thanh của lời kinh và sắc màu tôn giáo. Tiếp theo là thánh lễ đồng tế. Hôm nay thì ngôi nhà nguyện ngày thường rộng rãi đã trở thành quá nhỏ, bà con phải ngồi đầy sân. Sau thánh lễ dĩ nhiên là tiệc mừng cùng với phần văn nghệ đầy ắp tiếng cười vui.
1966 – 2018
Đã 52 năm kể từ ngày 4 gia đình bồng bế nhau lên vùng đất này. ông Tế, ông Bính và ông Toan đã nằm xuống cùng với những năm tháng nhọc nhằn của thuở khai hoang, để xây dựng cuộc sống với cơ nghiệp cho con cháu hôm nay. 52 năm chỉ mình ông Diện còn đó với thời gian và với con cháu. Biết bao mồ hôi và có cả nước mắt của những năm tháng đói khát, thế nhưng lời kinh tối ít khi tắt trên môi, và mỗi sớm mai thức giấc vẫn là cái nhìn đầy tín thác của tấm lòng son sắt một niềm : “…một lòng khao khát Thiên Chúa khôn nguôi của những trái tim đơn nghèo…”, kiên vững vượt qua bao gian khó, dù trên tay chỉ có chuỗi mân côi và chỉ biết sơ sài những điểm phải tin của kinh tin kính (x.EG 123, 125).
Đời sống đạo đơn giản mà đẹp vô ngần :
Mỗi lần thắp một ngọn nến trên bàn thờ là lòng sáng lên niềm hy vọng.
Những cái nhìn tha thiết hướng lên tượng Chúa Kitô chịu nạn…
Rồi những lần cùng lên đường đi lễ nhà thờ – trước đây ở mãi tận Bắc Ninh – dắt dìu con cái và mời gọi mọi người cùng đi lên đền thánh Chúa
Đây đã là bước đường tuyệt vời của các bậc sinh thành đi trước.
khơi nguồn cho dân họ Hiệp Lực là con cái cháu chắt hôm nay và mãi mai sau :
hiệp lực, tin tưởng, yêu mến, phụng thờ, tôn vinh, chúc tụng và cảm tạ
vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
MM Tân, S.J.