Giáo xứ Hiển Linh: Nhìn lại Tết Kỷ Hợi 2019

Tết Kỷ Hợi 2019, cùng Ban Mục vụ Truyền thông nhìn lại những hoạt động nổi bật đã diễn ra trong Giáo xứ.

  1. BÁNH CHƯNG NGÀY TẾT

Tục gói chưng ngày Tết đã trở thành nét văn hóa truyền thống của dân Việt, được lưu truyền từ xa xưa đến tận ngày nay, thể hiện nét đẹp của nền văn hóa lúa nước. Mỗi khi Tết đến Xuân về, người người, nhà nhà lại gói bánh chưng ăn Tết, dâng bánh lên bàn thờ tổ tiên.

Bánh chưng, bánh giầy từ lâu đã trở thành lễ vật linh thiêng trong nghi thức thờ cúng tổ tiên, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn đối với ông cha, là món ăn không thể thiếu của người dân Việt những ngày Tết. Chẳng thế mà dân gian Việt Nam có câu:

Bên ngoài xanh lá dong xanh.

Bên trong nếp mỡ, đỗ hành hạt tiêu.

Gói nghĩa tình, gói yêu thương.

Dẻo thơm từ thuở Lang Liêu tới giờ.

Bánh chưng Việt Nam không lẫn, không phỏng theo bất kỳ thứ bánh nào của các quốc gia khác. Bánh chưng được làm nên từ những nguyên liệu rất gần gũi với đời sống của người nông dân như: gạo nếp, thịt lợn, đậu xanh, hành, hạt tiêu, lá dong, lạt giang và có khi thêm những nguyên liệu phụ là quả gấc… để làm màu cho nhân bánh thêm đẹp.

Bánh chưng là biểu tượng không thế thiếu trong dịp Tết cổ truyền dân Việt. Không đâu có được sự độc đáo với tục gói bánh chưng xanh cúng tổ tiên ngày Tết như dân Việt. Tục gói bánh chưng ngày Tết, một nét đẹp văn hóa, đã trường tồn với thời gian, ngấm vào máu thịt và tâm trí của mỗi người con đất Việt mỗi khi Tết đến Xuân sang.

Tiếp nối truyền thống những năm trước, giáo xứ Hiển Linh năm nay đã tổ chức buổi gói và nấu bánh chưng từ tối 30.01 đến sáng 01.02 (tức 25-27 Tết) với sự tham gia của các em thiếu nhi, giáo dân cùng các hội đoàn, các nhóm tại khuôn viên nhà thờ.

Việc này tuy vất vả nhưng lại rất vui. Vui vì vẫn duy trì được nét đẹp văn hóa cổ truyền của dân tộc, vì tình đoàn kết giữa các hội đoàn, các nhóm. Rồi đây những chiếc bánh gói ghém tình yêu và công sức của muôn người này được tặng trao cho những con người đã âm thầm dấn thân phục vụ giáo xứ trong năm vừa qua.

  1. TẾT VỚI NGƯỜI NGHÈO

Giáo xứ là một gia đình. Những món quà Tết bé nhỏ được chuyền tay đến những gia đình còn gặp khó khăn trong địa bàn giáo xứ (không phân biệt tôn giáo). Như ĐGH Phanxicô đã nói: “Tài sản của Giáo hội không phải nơi các thánh đường, nhưng nơi người nghèo.” Việc sống Lời Chúa chỉ đơn giản là thế, phần quà Tết có thể không mang nhiều giá trị vật chất, nhưng đong đầy tình yêu và sự sẻ chia, là nhớ đến và tương trợ lẫn nhau, thể hiện tình liên đới: “Anh em hãy thương yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).

  1. BA NGÀY ĐẦU XUÂN

MÙNG MỘT TẾT – CẦU BÌNH AN CHO NĂM MỚI

Hòa cùng không khí hân hoan của tất cả mọi người trên khắp mọi miền đất nước đón Tết Kỷ Hợi, cộng đoàn dân Chúa Giáo xứ Hiển Linh – Giáo hạt Thủ Đức – Tổng Giáo phận Sài Gòn đã cùng nhau quay quần tại ngôi Thánh đường thân thương hiệp dâng Thánh lễ đầu năm, dâng lời tạ ơn Chúa và cầu bình an, hạnh phúc trong ngày Tân Xuân Đại Cát (05.02.2019 nhằm ngày mùng một năm Kỷ Hợi Âm Lịch) vào lúc 06h30 sáng.  Chủ sự Thánh Lễ là cha sở Tôma Vũ Ngọc Tín, S.J, cùng đồng tế có quý cha trong nhà Dòng.

   

Cũng như hầu hết mọi năm, cộng đoàn giáo xứ tham dự Thánh lễ Tân Niên Kỷ Hợi đông đảo, hòa cùng sắc màu rực rỡ của mai vàng trên gian cung thánh, sắc áo mới đủ màu của giáo dân tham dự Thánh Lễ trong ngày đầu xuân, quyện vào bầu khí sốt mến, thân tình và ấm nồng của Thánh lễ diễn ra thật trang trọng và đầy ý nghĩa.

Sau khi quý Cha đồng tế ban phép lành đầu năm, đại diện Hội đồng Mục vụ thay mặt cộng đoàn giáo xứ có đôi lời Chúc tết đến Cha Giám tỉnh, Cha xứ và nhà Dòng. Bên cạnh đó vị đại diện cũng gởi lời cám ơn chân thành đến quý Cha, quý Thầy trong nhà Dòng đã hết lòng yêu thương, lo lắng giúp đỡ và cộng tác với giáo xứ trong năm vừa qua.

Sau Thánh Lễ, từng đại diện các nhóm, hội đoàn, và từng người đã tiến lên nhận lấy Lộc Xuân Lời Chúa từ các cha, như những vị đại diện của Chúa trao tặng Ân Lộc đầu năm mới, là một phần không thể thiếu trong ngày Mồng Một Tết mỗi năm.

Nhận “Lộc Xuân Lời Chúa” như là nhận lấy những hướng dẫn cụ thể trong năm mới này, ước mong những cảm nghiệm riêng tư trong từng ngày sắp tới, dưới sánh sáng của Lời Chúa, sẽ giúp mỗi người sống can đảm hơn và trọn vẹn hơn là người kitô hữu và là con cái Chúa.

MÙNG HAI TẾT – KÍNH NHỚ ÔNG BÀ TỔ TIÊN

Theo truyền thống đạo hiếu của dân tộc Việt Nam, Giáo hội dành ngày mùng hai Tết để kính nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những người có công sinh thành dưỡng dục, thông truyền sự sống và thông truyền đức tin cho chúng ta. Cha xứ Tôma Vũ Ngọc Tín đã long trọng cử hành thánh lễ kính nhớ ông bà tổ tiên tại khuôn viên Nhà An Bình, Giáo xứ Hiển Linh, 06h30 sáng mùng hai Tết Kỷ Hợi, với đông đảo giáo dân tham dự.

Thánh lễ kính nhớ và cầu nguyện cho ông bà tiên tổ mang tâm tình hân hoan vui tươi của đông đảo các em thiếu nhi, của lễ phục vàng mang ý nghĩa diễn đạt sự Phục sinh của Chúa Kitô cũng như sự phục sinh của chúng ta sau này nơi bàn tiệc Thiên quốc.

Trước khi dâng thánh lễ, Cha chủ tế mời gọi cộng đoàn dâng lên Thiên Chúa những lời cầu nguyện chân thành. Nơi thánh lễ này, chúng ta cảm thấy gần gũi hơn với những người đã khuất, thấy ranh giới giữa người còn sống và người ra đi như thu bé lại. Xin Chúa thương ban cho những người đã yên nghỉ được hạnh phúc muôn đời bên Chúa. Xin Ngài thương ban cho những vị đang sống nơi dương trần được mạnh hồn khỏe xác, luôn đón nhận được sự chăm sóc và tấm lòng yêu thương quý trọng của lũ cháu đàn con.

Cả ba bài đọc trong thánh lễ đều nhắc nhở chúng ta về bổn phận con cái đối với cha mẹ và ngược lại. Trong tình yêu gia đình, không phải chỉ như dòng nước chảy xuôi không bao giờ chảy ngược, nhưng phải có sự tương hợp, cảm thông lẫn nhau giữa cha mẹ với con cái. Trong ngày kính nhớ ông bà tổ tiên, chúng ta bày tỏ tấm lòng hiếu kính với ông bà cha mẹ qua nén hương thắp cho những người đã khuất, qua lời mừng tuổi, những món quà đơn sơ cho những người còn sống và đừng bao giờ quên bày tỏ lòng yêu mến kính trọng. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em, là những người con hiếu thảo, bởi vì: của dâng cho cha sẽ không bị rơi vào quên lãng, của biếu cho mẹ như nhận được một kho tàng.

Sau Thánh lễ, mặt trời đã lên cao, dọi chiếu những tia nắng đầu xuân, nhiều người còn nán lại bên hài cốt người thân mà thắp nén nhang. Khói hương nghi ngút quyện mây trời bàng bạc nối kết đất – trời, nối kết người sống – kẻ khuất trong niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh.

MÙNG BA TẾT – THÁNH HÓA CÔNG ĂN VIỆC LÀM

Hằng năm, vào dịp mùng ba Tết Nguyên Đán, Giáo Hội Việt Nam cử hành phụng vụ Thánh Lễ với ý nghĩa thánh hoá công ăn việc làm đầu năm.

  

 

Theo truyền thống, ngày đầu năm người ta thường cầu chúc nhau công ăn việc làm được thuận buồm xuôi gió, mọi sự may lành. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa cũng khẳng định vai trò của con người trong lao động. Người đã trao quyền làm chủ vạn vật cho con người, và muốn họ cộng tác tiếp tục với Ngài trong công trình sáng tạo. Lúc 06h30 ngày 07.02.2019, ngày Mồng Ba Tết Kỷ Hợi, Giáo xứ Hiển Linh đã cử hành Thánh Lễ Thánh Hoá Công Ăn Việc làm. Thánh Lễ do cha chánh xứ Tôma Vũ Ngọc Tín S.J. làm chủ tế và cùng đồng tế có quý cha trong nhà Dòng.

Trong phần bài giảng của mình, cha chủ tế đã giúp cộng đoàn hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của “lao động” trong cuộc sống hằng ngày. Lao động không chỉ để nuôi sống bản thân con người, nhưng còn góp phần kiến tạo vũ trụ, xã hội và con người phát triển trọn vẹn hơn.

Chúng ta cầu chúc cho nhau được mọi sự may lành trong công ăn việc làm, đặc biệt, xin Thiên Chúa là Đấng luôn lao tác, chúc phúc và thánh hóa cho mỗi người chúng ta và cho công việc mà chúng ta đang làm cũng như sẽ có được trong năm mới kỷ Hợi này.

  1. TẾT NGHĨA TÌNH, XUÂN SUM VẦY

Các hoạt động đi tết, chúc tết quý Nhà Dòng, quý cha, quý thầy, quý tôn giáo bạn và chúc tết nhà nhau đã diễn ra trước và trong những ngày tết.

 

  1. NỘI SAN AD MAIOREM

Nội san Ad Maiorem số đầu tiên được Ban Mục vụ Truyền thông chính thức ra mắt vào những ngày cuối năm Âm Lịch 2018 (01.02.2019 nhằm ngày 27 Tết) như một món quà tinh thần gửi đến Giáo xứ.

Nội san gồm hai phần:

Phần I điểm qua các sự kiện nổi bật trong năm 2018 của Giáo xứ.  

 

Phần II nói về việc mục vụ; các giáo khu; tông đồ giáo dân, mục vụ đào tạo; bảo trì, kiến thiết, xây dựng Nhà thờ Hiển Linh.

 

Mục vụ Truyền thông Hiển Linh

Kiểm tra tương tự

LỄ ĐỨC MẸ FATIMA BỔN MẠNG CA ĐOÀN FATIMA

Câu Lời Chúa trích sách Xôphônia: “Vì ngươi Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng” để …

Thư cám ơn Anh Chị Em tham gia cầu nguyện và sống Linh Thao trong đại dịch Covid-19

THƯ CÁM ƠN ANH CHỊ EM THAM GIA CẦU NGUYỆN VÀ SỐNG LINH THAO TRONG …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *