Mến Yêu Hằng Ngày, 15-01

MẾN YÊU HẰNG NGÀY

Thứ 6, 15-01-2020 (Mc 2,1-12)

Vài ngày sau, Đức Giê-su trở lại thành Ca-phác-na-um. Hay tin Người ở nhà, dân chúng tụ tập lại, đông đến nỗi trong nhà ngoài sân chứa không hết. Người giảng lời cho họ. Bấy giờ người ta đem đến cho Đức Giê-su một kẻ bại liệt, có bốn người khiêng. Nhưng vì dân chúng quá đông, nên họ không sao khiêng đến gần Người được. Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống. Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt: “Này con, con đã được tha tội rồi.” Nhưng có mấy kinh sư đang ngồi đó, họ nghĩ thầm trong bụng rằng: “Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?” Tâm trí Đức Giê-su thấu biết ngay họ đang thầm nghĩ như thế, Người mới bảo họ: “Sao trong bụng các ông lại nghĩ những điều ấy? Trong hai điều: một là bảo người bại liệt: ‘Con đã được tha tội rồi’, hai là bảo: ‘Đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi’, điều nào dễ hơn? Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội, -Đức Giê-su bảo người bại liệt,- Ta truyền cho con: Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà!” Người bại liệt đứng dậy, và lập tức vác chõng đi ra trước mặt mọi người, khiến ai nấy đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ bảo nhau: “Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ!”

SUY NIỆM

Sau khi Chúa Giê-su chữa lành cho một người mắc bệnh phong hủi, có lẽ Chúa Giê-su đã ẩn thân nghỉ ngơi vài ngày và hôm nay Người trở lại Ca-phác-na-um. “Hay tin Người ở nhà, dân chúng tụ tập lại, đông đến nỗi trong nhà ngoài sân chứa không hết. Người giảng lời cho họ.” (Mc 2,1-2)

Có rất nhiều người đến với Đức Giê-su, đến mức cả trong nhà lẫn ngoài sân đều không có chỗ chứa. Đó là một tình huống đáng quan tâm. Trong tình hình đó, tại sao Đức Giê-su lại không để ý và làm gì đó cho tình huống khó xử ấy? Tại sao Chúa Giêsu lại không di chuyển đến nơi rộng rãi hơn để mọi người có thể thấy và nghe Người?

Thật khó mà trả lời câu hỏi đó nhưng có một thứ chúng ta có thể chắc chắn là những người đến nghe Chúa Giêsu đều được ban thưởng hậu hĩnh cho đức tin của họ, cho dù họ còn không thể vào trong. Đoạn Kinh Thánh này cho thấy một điều rất quan trọng. Đó là những linh hồn ước ao được gần Đức Giê-su đều sẽ được biến đổi.

Thỉnh thoảng chúng ta cũng có những trải nghiệm tương tự. Chúng ta có thể cảm thấy bản thân mong muốn được nghe tiếng Chúa Giêsu nói với mình, nhưng dường như chúng ta không thể nghe thấy Người. Có thể là do Ngài xuất hiện bên chúng ta cách lặng lẽ, hay do chúng ta không biết tìm Ngài nơi đâu. Nhưng đừng nản lòng nếu bạn đang trải qua điều đó. Thật ra sự khát khao được ở với Chúa Giêsu chính là món quà tuyệt vời và có khả năng biến đổi đời bạn. Điều quan trọng không phải là sự “im lặng” mà bạn phải đối diện, nhưng là việc hướng đôi mắt tâm hồn và trí khôn lên Thiên Chúa. Chỉ trong bối cảnh của ân sủng, ta mới có thể đương đầu với sự khô khan của chính mình và đủ tĩnh lặng để nghe được tiếng thì thầm của Thiên Chúa. Vì thế, bạn hãy hướng sự tập trung của mình về Thiên Chúa cách mãnh liệt hơn nữa và để sự khao khát đến với Người lớn lên, chính sự khao khát này sẽ đưa bạn đến gần Đức Giêsu hơn và có thể sinh nhiều hoa trái hơn.

Một tác giả về đời sống thiêng liêng người Anh, ông Anthony Bloom đã rất táo bạo khi viết:

“Ta hay than phiền rằng Thiên Chúa không tỏ mình ra cho ta trong những giây phút vắn vỏi ta dành cho Ngài, nhưng còn hai mươi ba tiếng rưỡi đồng hồ khác thì sao, khi Thiên Chúa gõ cửa và lúc nào ta cũng trả lời: “Xin lỗi, con bận lắm.” Hoặc có khi ta không trả lời gì cả vì ta không nghe được tiếng Ngài đang gõ cửa tâm hồn ta, trí khôn ta, lương tâm ta và cuộc sống ta. Vì thế, có những tình huống ta không được than phiền vì sự vắng mặt của Thiên Chúa, bởi ta còn vắng mặt nhiều hơn Thiên Chúa nhiều.” (Prayer and the Jealous God)

Như thế, khi bạn thấy Thiên Chúa dường như xa vắng, bạn hãy nhớ một điều rằng: Thiên Chúa khát khao bạn còn nhiều hơn bạn khát khao Ngài rất nhiều, và Ngài say mê theo đuổi bạn còn mãnh liệt hơn bạn tìm kiếm Ngài rất nhiều!

Qua bài Tin Mừng, chúng ta có thể cảm nghiệm được về niềm tin, niềm hy vọng của người bại liệt cũng như của bốn người khiêng anh ta. Chúa Giê-su chắc hẳn vừa bất ngờ vừa ngạc nhiên khi thấy người bại liệt được thả thòng xuống bởi bốn sợi dây từ mái nhà. Một con đường không qua cửa chính, mà xuyên qua mái nhà. Vâng, khi lối chính đã bị chặn, thì vẫn còn lối khác để vào. Cứ tin tưởng và chính niềm tin sẽ tạo sáng kiến, sự sống vẫn sống động, khi niềm tin và niềm hy vọng vẫn còn. Dù cho bệnh hoạn, dù cho gió bão, dù cho quyền lực của thần thiêng có mạnh đến mấy đi nữa, nhưng nếu chúng ta vẫn mặc chiếc áo giáp của niềm tin, và với vũ khí hy vọng trên tay, thì chúng ta vẫn vững vàng. Họ đã bày tỏ sự kêu xin của mình không qua lời nói mà qua chính hành động của niềm tin và niềm tin đó được đặt trên nền tảng là chính Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót. Chúa Giê-su thấu suốt tâm tư hành vi và cả khát khao được chữa lành nơi họ. Vì thế, Ngài không để người bại liệt cũng như bốn người bạn của anh ta chờ lâu hơn nữa, Ngài bảo người bại liệt “Này con, con đã được tha tội rồi.” Sứ điệp thật là rõ ràng: con người bị tê liệt do tội lỗi, cần đến lòng Chúa thương xót, và Đức Kitô đã đến để mang lại cho con người lòng thương xót của Thiên Chúa, để cho nó được chữa lành từ trong con tim để rồi được hồi phục trọn cả cuộc đời. Ở đâu niềm tin được phong thánh, thì nơi đó sự nghi ngờ trở thành ma quỷ.

Anh bại liệt đã được tha ngay ngày hôm nay. Từ ngày hôm nay anh được giải thoát, từ ngày hôm nay anh được chuộc về, được nghe lại tiếng nói ngọt ngào của Gia-vê Thiên Chúa, tiếng nói mà Ngài đã nói với anh, với từng con người, trong ngày được sinh ra: “Thật tốt, khi có con!”. Một tâm hồn càng cảm nghiệm sâu sa về công trình cứu chuộc của Thiên Chúa bao nhiêu, thì càng cảm nhận được lòng bao dung của Người bấy nhiêu.

Sau khi nghe lời tha tội của Chúa Giê-su thì các ông kinh sư trong hội đường lấy làm chướng tai và nghĩ thầm trong bụng “Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?” Chúa Giê-su thấu biết ngay họ đang thầm nghĩ như thế nên Ngài đã bày tỏ quyền năng Thiên Chúa trong chính Con Người mình khi bảo người bại liệt “Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà!”. Thật vậy, Chúa Giê-su đã bày tỏ tình yêu của một Thiên Chúa bởi vì Ngài là Đấng yêu thương, Đấng chữa lành đối với những người bệnh tật đau khổ và tội lỗi.

Lạy Chúa, xin làm cho khát khao được ở gần Ngài trong con được lớn lên. Xin giúp con biết ước ao được ở bên Ngài với tất cả trái tim con. Và với lòng khát khao đó, xin giúp con cởi bỏ những gì không phải là của Ngài và dâng toàn bộ tâm trí con cho Ngài. Xin gia tăng niềm tin yếu kém của con khi con mang trong mình những bệnh tật của phần hồn và phần xác để con được như anh bại liệt chỉ biết trông chờ vào tình thương của Chúa. Lạy Chúa Giê-su, con tín thác vào Ngài. Amen!

——//——//—–

Biên dịch: Nhóm Bạn Đường Linh Thao

Nguồn: https://mycatholic.life/…/week-one-in-ordinary-time/

Kiểm tra tương tự

Mến Yêu Hằng Ngày, 23-12-2024

MẾN YÊU HẰNG NGÀY Thứ 2, 23-12-2024 (Lc 1,57-66) Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, …

Tông Đồ Cầu Nguyện, 23-12-2024

TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 23/12/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG ​  Tên gọi thay …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *