MẾN YÊU HẰNG NGÀY
Thứ 5, 20-06-2019 (Mt 6, 7-15)
“Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.
Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này: ‘Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày; xin tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con; xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.’
Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.”
SUY NIỆM
Lời Cầu Nguyện của Chúa
Kinh Lạy Cha đúng là một bản tóm tắt toàn bộ Tin Mừng. Bản này được gọi là “Lời Cầu Nguyện của Chúa” mà chính Chúa Giêsu đã ban như một cách thức để dạy chúng ta cầu nguyện. Trong lời kinh này, có bảy điều thỉnh cầu lên Thiên Chúa. Các thỉnh cầu này là những khao khát sâu xa của mỗi con người và đó cũng là cách thức diễn tả đức tin như trong Kinh Thánh đề cập. Mỗi điều chúng ta cần biết về cuộc sống và về cầu nguyện được chứa đựng trong lời kinh tuyệt vời này.
Chính Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta lời kinh này như khuôn mẫu cho mọi lời kinh nguyện. Thật tốt đẹp biết mấy khi chúng ta thường xuyên đọc đi đọc lại kinh Lạy Cha trong các giờ nguyện gẫm, giờ kinh phụng vụ, khi cử hành bí tích và các việc thờ phượng khác. Tuy nhiên, chỉ đọc lên lời kinh ấy bằng môi miệng thôi thì chưa đủ. Mục đích là chúng ta nội tâm hóa được những lời và mọi khía cạnh của lời kinh này, như thế nó trở nên một khuôn mẫu cho mọi lời cầu nguyện của chúng ta dâng lên Thiên Chúa và ký thác đời mình cho Ngài.
Nền tảng của lời cầu nguyện
Kinh Lạy Cha không bắt đầu bằng một lời cầu xin, nhưng bắt đầu bằng việc giúp chúng ta nhận ra căn tính của mình là con cái của Chúa Cha. Đây là nền tảng mấu chốt cho kinh Lạy Cha, để chúng ta cầu nguyện một cách xứng hợp nhất. Điều này cũng chỉ cho chúng ta biết cách tiếp cận nền tảng mà chúng ta cần có trong cầu nguyện và trong đời sống Kitô hữu. Lời mở đầu của bảy lời cầu xin là: “Lạy Cha chúng con ở trên Trời”. Chúng ta hãy xem xét có điều gì chứa đựng trong tuyên xưng mở đầu này của kinh Lạy Cha.
Tình con thảo:
Trong Thánh Lễ, linh mục chủ tế mời gọi cộng đoàn đọc kinh Lạy Cha bằng lời sau: “Vâng lệnh Chúa Cứu Thế và theo thể thức Người dạy, chúng ta dám nguyện rằng….” “Dám” – chúng ta dám thưa vì chúng ta biết sâu xa rằng, mình là con của Thiên Chúa, và Thiên Chúa là cha của mình. Mỗi Kitô hữu xem Chúa Cha là cha của mình. Chúng ta phải nhìn nhận chính mình là con Thiên Chúa và quy hướng về Ngài với niềm tự tin của người làm con. Một trẻ nhỏ với tình yêu đối với cha mẹ thì không sợ sệt cha mẹ. Hơn thế nữa, trẻ nhỏ có niềm tín thác lớn nhất vì chúng tin rằng, cha mẹ yêu thương mình và vì thế chúng không sợ gì cả. Thậm chí khi phạm tội, con trẻ biết rằng chúng vẫn được yêu thương. Điều này phải là điểm khởi đầu cho nền tảng của mọi lời cầu xin của chúng ta. Chúng ta phải bắt đầu với nhận thức rằng, cho dù chúng ta là ai, cho dù điều gì xảy ra đi chăng nữa, thì Chúa vẫn luôn luôn yêu thương ta. Với sự hiểu biết về Thiên Chúa như vậy, chúng ta sẽ có tất cả tự tin cần thiết để kêu cầu Ngài.
Gọi Thiên Chúa là “Cha” hay, đặc biệt hơn là “Abba – Cha ơi” nghĩa là chúng ta cầu xin Thiên Chúa một cách cá vị và thân thương nhất. “Abba” là từ thân mật nhất để gọi người cha. Điều này cho thấy rằng Thiên Chúa không chỉ là Thiên Chúa quyền năng, nhưng còn hơn thế nữa, Ngài là Cha yêu dấu của tôi và tôi là con trai/ con gái yêu quý của Ngài.
“Cha chúng con”
Gọi Thiên Chúa là Cha của “chúng con” diễn tả một mối tương quan hoàn toàn mới như là kết quả của Giao Ước mới được thiết lập trong máu của Chúa Giêsu Kitô. Trong mối tương quan mới này, chúng ta là dân của Thiên Chúa và Ngài là Chúa của chúng ta. Điều này cho thấy có một sự thay đổi lớn lao nơi con người: đó là họ đi vào tương quan cá vị sâu sắc hơn với Thiên Chúa. Mối tương quan mới này là một món quà từ Ngài, món quà mà chúng ta không có quyền đòi hỏi. Chúng ta không có quyền được gọi Thiên Chúa là Cha của chúng ta. Nó là một ơn huệ và là một món quà.
Ơn huệ này cũng cho chúng ta biết chúng ta có mối tương quan sâu xa với Chúa Giêsu như là Con Thiên Chúa. Chúng ta chỉ có thể gọi Thiên Chúa là “Cha” khi chúng ta trở nên một với Chúa Giêsu. Bản tính nhân loại của Ngài nối kết chúng ta với Ngài và giờ đây chúng ta cùng chia sẻ một sợi dây gắn bó sâu xa với Ngài.
Gọi Thiên Chúa là Cha của chúng ta cũng tiết lộ sự hiệp nhất của chúng ta với những người khác. Tất cả những ai gọi Thiên Chúa là Cha của họ theo cách thức thân mật này đều là anh chị em của nhau trong Đức Giêsu Kitô. Chúng ta, bởi thế, không chỉ liên kết sâu sắc cùng nhau, chúng ta cũng được thờ phượng Thiên Chúa cùng nhau. Như thế, chủ nghĩa cá nhân bị loại bỏ và thay vào đó là sự hiệp nhất huynh đệ. Chúng ta là những thành viên của gia đình thiêng liêng này như một món quà vinh quang của Thiên Chúa.
Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi mọi sự dữ. Amen.
——-
Biên dịch: Nhóm Bạn Đường Linh Thao