Mến Yêu Hằng Ngày, Tha thứ vô hạn !

MẾN YÊU HẰNG NGÀY

Thứ 5, ngày 16-8-2018

Tin Mừng theo thánh Mát-thêu (Mt 18, 21-19,1)

Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần ? Có phải bảy lần không?” Đức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.”

Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng. Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: “Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết.” Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: “Trả nợ cho tao!” Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: “Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh.” Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ. Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?” Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.”

Khi Đức Giê-su giảng dạy những điều ấy xong, Người rời khỏi miền Ga-li-lê và đi đến miền Giu-đê, bên kia sông Gio-đan.

SUY NIỆM

Liệu lòng nhân từ có bỏ qua công lý? Công lý tha thứ cho mọi người món nợ họ mắc phải. Vậy khi nào là thời điểm thích hợp để ta thể hiện lòng nhân từ và tha thứ cho kẻ làm điều sai và trái với công lý? Tiên tri A-Mốt từng nói về việc Chúa tha thứ ba lần cho những lỗi phạm, nhưng cũng cảnh báo rằng có thể Ngài sẽ không cất hình phạt tới lần thứ tư (Am 1,3-13; 2,1-6). Khi Thánh Phê-rô thắc mắc về việc tha thứ cho anh em mình, ông đặc biệt đưa ra câu trả lời mà ông nghĩ sẽ làm Chúa Giêsu hài lòng “Có phải bảy lần không?” Thật khó để hiểu được khi Chúa Giêsu đáp lại rằng phải tha thứ gấp bảy mươi lần con số đó.

Tha thứ không giới hạn

Chúa Giê-su đã chỉ rõ rằng không có giới hạn nào cho việc tha thứ và được tha thứ. Ngài đã dạy bài học này bằng dụ ngôn về hai khoản nợ rất khác biệt. Người đầu tiên nợ một số tiền khổng lồ có lẽ bằng hàng triệu đô ngày nay. Trong thời Chúa Giê-su, số tiền này còn lớn hơn tổng thu nhập của một tỉnh, còn nhiều hơn tiền chuộc một vị vua. Tuy nhiên, người đã được tha khoản nợ “rất khủng” này lại không tha nợ cho người hàng xóm của anh ta dù khoản nợ ấy rất nhỏ, chỉ khoảng một trăm ngàn. Sự trái ngược này thật khó mà chấp nhận.

Chúa Giê-su đã cứu chuộc chúng ta khỏi món nợ do tội lỗi ta

Chẳng có lỗi nào người khác phạm tới chúng ta có thể sánh bằng lỗi ta đã phạm tới Chúa. Chúng ta nợ một khoản nợ khổng lồ mà không đời nào ta có thể tự trả được. Chính vì thế, Cha trên trời đã ban con một yêu dấu của Ngài, Đức Giê-su Kitô xuống thế làm người, nguyện hy sinh mạng sống mình để cứu chuộc chúng ta khỏi xiềng xích của tội lỗi, của Satan, và của sự chết. Thánh Phao-lô nói, “Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em “(1Cr 7,23) và giá chuộc ấy chính là Thập Giá mà Chúa Giêsu bị treo lên, máu ngài chảy trên thánh giá không chỉ mang lại sự tha thứ cho tội lỗi ta đã phạm mà còn giải phóng chúng ta khỏi sự giam cầm của Satan và tù tội.

Giải phóng ta khỏi những suy nghĩ vô ích và lối sống tội lỗi

Chúa Giê-su giải thoát chúng ta khỏi những suy nghĩ vô bổ và lối sống chìm trong các thế lực đen tối mang dáng dấp của tội. “Anh em đã được cứu thoát khỏi lối sống phù phiếm do cha ông anh em truyền lại… nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn” (1Pr 1,18), Chúa Ki-tô “đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính” (Tt 2,14). Sự gian ác ẩn mình trong những suy nghĩ lầm lạc, thái độ tội lỗi, hành xử sai trái, và thản nhiên lờ đi, không để tâm tới các điều răn Chúa đã dạy. Chúng ta đã được tha món nợ khổng lồ mà chúng ta không bao giờ có thể trả được, chúng ta nợ Thiên Chúa lòng biết ơn cho sự nhân từ và hồng ân mà Ngài ban cho chúng ta qua Con của Ngài, Chúa Giê Su Ki-Tô.

Tha thứ cho người khác là một bổn phận thiêng liêng

Sẵn lòng tha thứ cho người phạm tới mình chính là bổn phận thiêng liêng. Nếu chúng ta mong được Chúa tha thứ và tỏ lòng nhân từ cho những tội lỗi ta phạm, cho những lúc ta không tuân theo giới răn của ngài, thì ta cũng phải sẵn sàng bỏ qua những oán giận, trách móc, hay những ý xấu của chúng ta về người khác. Chúa Giê-su dạy chúng ta cầu nguyện hằng ngày, xin ân huệ và sức mạnh để tha thứ cho tha nhân bằng những gì Chúa đã tha thứ cho ta (Mt 6,12,14-15). Nếu chúng ta không có lòng nhân từ và vị tha cho tha nhân, làm sao chúng ta có thể mong Chúa tha thứ cho chúng ta được? Vì “Thiên Chúa không thương xót khi xét xử kẻ không biết thương xót” (Gc 2,13).

Nhân từ thấm đượm công lý và hoàn thiện công lý.

Lòng nhân từ là khía cạnh còn lại của sự công minh của Chúa. Không có nhân từ, công lý trở nên lạnh lùng, toan tính và thậm chí là tàn ác. Lòng nhân từ thấm đượm công lý như muối ướp đẫm thịt và tạo nên vị cho thịt. Nhân từ đi cùng với công lý và hoàn thiện công lý. Công lý đòi hỏi việc sai phải được giải quyết. Để có lòng nhân từ mà không giải quyết việc sai và tha thứ cho kẻ không biết ăn năn thì không phải là nhân từ thực sự mà là sự dung túng. Sách Lê-Vi, một nhà văn Kitô hữu sống trong thế kỷ 20 đã viết “Hoa nhân từ chỉ nở được khi nó mọc trên các vết nứt của đá công lý: mang hoa này đi cấy ghép ở vùng đầm lầy của chủ nghĩa nhân đạo, nó trở thành một loại cây ăn thịt người, nguy hiểm hơn hết vì chúng vẫn được gọi tên như loại hoa ở trên núi.” Nếu chúng ta muốn nhận sự nhân từ, chúng ta phải sẵn sàng tha thứ cho người khác bằng cả trái tim giống như Chúa đã tha thứ cho chúng ta.

Bạn có đang ôm những oán hận, tức tối với người khác? Hãy xin Chúa thanh sạch tâm hồn bạn để bạn có thể bày tỏ lòng nhân từ và rộng lượng, yêu thương tới mọi người và nhất là những ai đã khiến bạn đau buồn, tức giận.

“Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã độ lượng tha thứ mọi tội lỗi con phạm, thì xin cho con cũng có tấm lòng nhân từ rộng lượng tha thứ cho anh em con. Chúa đã giải thoát con khỏi mọi oán thù, căm giận, xin để con cũng thực sự biết tha thứ cho những người làm tổn thương con bằng cả trái tim mình.”

Biên dịch: Bạn Đường Linh Thao 

Nguồn:

http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/2018/aug16.htm

Kiểm tra tương tự

Tông Đồ Cầu Nguyện, 14-05-2024

  TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 14/05/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG ​ Cảm nhận …

Tông Đồ Cầu Nguyện, 13-05-2024

  TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 13/05/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG ​ Can đảm …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *