[Mở lòng] – Thứ Năm trước Chúa Nhật I Mùa Chay

«Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời » (Mt 6,9).

Đối với Chúa Giê-su, khi Ngài gọi Thiên Chúa là Cha, thì Ngài không dựa trên nền tảng của Do-thái giáo, mà dựa trên tương quan có một không hai của Ngài với Thiên Chúa. Cách thức của Chúa Giê-su dùng để kêu « Áp-ba – Lạy Cha » là cách thức của một em bé kêu chính cha đẻ của mình. Đó là một cách thức xưng hô rất thân thương và đầy tin tưởng. Như vậy, khi Chúa Giê-su sử dụng cách thức xưng hô bình dị và thân tình này để cầu nguyện, thì Ngài muốn chỉ ra mối tương quan rất gần gũi và đầy tin tưởng của Ngài với Cha trên trời.

Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta cầu nguyện như Ngài: « Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời ». Lời kinh này đầu tiên hướng chúng ta về Thiên Chúa trên trời, Đấng chúng ta tôn thờ. Ở trong ý nghĩa tôn thờ này, có lẽ thật tuyệt, khi trong tiếng Việt thêm chữ « lạy » vào chữ « Cha », để chỉ lòng kính trọng tôn thờ đối với Thượng Đế, đối với Thiên Chúa là Đấng Tạo Dựng, là Cha trên trời của chúng ta. Khi gọi Thiên Chúa là « Cha », thì chúng ta chính là con trai và con gái của Ngài. Đó cũng chính là căn tính của chúng ta.

Căn tính là con cái của Cha trên trời được ban tặng cho chúng ta, khi chúng ta lãnh nhận bí tích thanh tẩy và căn tính đó trải dài trong suốt hành trình cuộc sống của chúng ta. Hơn nữa trong nền tảng, căn tính là con cái của Cha trên trời đem lại cho chúng ta một niềm vui nội tâm sâu xa và sự bình an tuyệt hảo, sự bình an của một trẻ thơ nép mình lòng Cha. Trong lòng Cha, tâm hồn của trẻ thơ an vui vô ngần. Vui hơn nữa, khi trong bầu khí tĩnh lặng kia, trẻ thơ nghe được lời Cha dịu hiền vang lên: « Con là con yêu dấu của Cha », và thật đơn sơ trẻ thơ thưa lại rằng: « Thưa Cha ».

Khi chúng ta kêu « lạy Cha » hay « thưa Cha », chúng ta cũng tuyên xưng niềm tin sâu sắc của mình vào Cha trên trời. Chính tình yêu của Đức Kitô, một tình yêu hiện diện nơi người mình yêu cho đến tận thế (x.Ga 13,1), chỉ ra chính bản chất nền tảng của Cha trên trời. Cha chúng ta ở trên trời chính là tình yêu. Ngài cũng chính là nguồn mạch của mọi sự tốt lành và sự công chính, là thước đo và là mẫu gương của tất cả những ai đã hay đang ao ước trở nên thiện hảo. Đức Kitô còn chỉ cho chúng ta nhận ra rõ hơn khuôn mặt của Cha trong phúc âm Luca: « Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?» (Lc 11,13). Ở đây Luca muốn nói rằng, ân sủng và quà tặng của Thiên Chúa chính là Thiên Chúa. Sự tốt lành Ngài muốn ban tặng cho chúng ta là chính Ngài. Vâng, chỉ có món quà này là cần thiết. Khi có Chúa là có tất cả. (Ss. Ratzinger J., Benedikt 16, Jesus von Nazareth, t.170).

Tóm lại, hôm nay khi cầu nguyện với lời kinh ngắn ngủi đó, chúng ta vừa tuyên xưng niềm tin của mình vào Cha và diễn tả mối tương quan cao quý nhưng rất thân tình giữa chúng ta với Thiên Chúa, Đấng là Cha và chúng ta là con. Vì vậy, trong suốt giờ cầu nguyện hôm nay, chúng ta cứ tự nhiên nhẩm đi nhắc lại lời kinh đó mỗi lúc khoảng 3 lần « Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời ». Sau đó, chúng ta dừng bước và cảm nghiệm tương quan thân mật của chúng ta với Cha, có thể chúng ta đang được Cha bồng ẵm trên tay và che chở, có thể Cha đang nắm đôi tay nhỏ bé và dẫn chúng ta bước đi, hay Ngài đang ngồi ở bên trông chừng…

Để kết thúc giờ cầu nguyện chúng ta đọc kinh Lạy Cha thật chậm rãi. Chúng ta cũng nhớ tới bài tập sống từ thứ tư lễ tro đến thứ bảy sau lễ tro: Chú ý sống thân mật với Cha trên trời.

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế, S.J.

Kiểm tra tương tự

Chúa ơi, bây giờ con phải làm gì ?

  “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” (Lc3,10-18)   Trong đoạn Tin Mừng …

Món Quà Giáng Sinh – Suy tư Tin Mừng CN 4 Mùa Vọng năm C

  Giáng sinh là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong năm đối với phần …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *