Nào em có tội tình gì

Nơi chúng tôi tĩnh tâm tại đất nước Liban, có một nhà thờ nhỏ, có một khu nhà tách biệt chuyên dành cho tĩnh tâm, có một nông trại do vốn đầu tư của liên minh châu Âu. Nông trại khá rộng lớn, với các vườn nho, vườn rau, nhiều ao cá, nhiều cây cối với những con đường đất cát thân quen tựa vùng quê yên bình, cũng tựa như khung cảnh của khu rừng nguyên sinh. Người ta rất thích vào thăm nông trại. Ai muốn đi thăm thì cần mua vé. Tôi thấy những gia đình đi chơi với nhau, tôi thấy những nhóm thiếu nhi hoặc thanh thiếu niên vui chơi cùng nhau, tôi cũng thấy rất nhiều cặp đôi yêu đương đi cùng nhau… Và có lẽ tất cả họ là người dân Liban. Trang phục thì đủ loại, cả những loại thời thượng của châu Âu, cả những loại đặc trưng của Liban, cả những loại trang phục đặc nét của người dân Ả Rập.

Thế nhưng, chỉ cách khung cảnh yên bình vui tươi này hơn 20 cây số, là đất nước Syria đang loạn lạc và chết chóc vì chiến tranh. Chỉ cách khung cảnh yên bình vui tươi này vài cây số là hàng trăm hàng ngàn hàng chục ngàn người dân Syria đang tị nạn trên đất nước Liban này. Nếu như căn phòng chúng tôi ở trong dịp tĩnh tâm phải sánh với tiêu chuẩn châu Âu, nếu như khung cảnh yên bình vui tươi của nông trại tại Liban cần sánh với những làng quê yên bình sạch đẹp ở Việt Nam, thì những căn lều trong trại tị nạn của người Syria cần sánh với những nơi đói khổ của người dân châu Phi, cần sánh với nhiều người dân đồng bào dân tộc thiểu số đầy khó khăn trên đất Việt. Tuy nhiên, người tị nạn còn khổ hơn người dân châu Phi nữa, vì dù gì thì người châu Phi cũng đang sống trên mảnh đất của chính mình, còn với người tị nạn, họ đang sống vất vưởng trên đất khách quê người.

Trong khung cảnh yên bình tươi đẹp của nông trại, giữa tiếng cười nói của các trẻ em tươi đẹp dễ thương và của gia đình các em, thì xuất hiện một khuôn mặt lạ. Đó là bé gái có lẽ khoảng 6 tuổi với quần áo lấm lem, nhìn kỹ tôi thấy em rất xinh xắn, nhưng vẻ đẹp ấy đã bị che mờ bởi bụi đất. Có vẻ như em muốn xin tiền mà chẳng thấy ai cho. Cũng chẳng ai đoái hoài tới. Tôi có hỏi người đàn ông Liban rằng, có phải bé từ trại tị nạn không. Ông nói rằng phải. Tôi hỏi, có phải bé là người Syria không, ông cũng nói là đúng. Tôi nói tiếp, hình như bé cần được giúp đỡ gì đó. Nghe thế, người đàn ông chối từ và quay đi. Ông nói với tôi rằng, ông chỉ biết nói tiếng Anh một chút vậy thôi. Tôi cũng chỉ biết nhìn em mà chẳng giúp được gì, vì kỳ thực tôi không có tiền, và cũng chẳng thể nói chuyện với bé được, vì bé chỉ biết tiếng Ả Rập, còn tôi thì chỉ biết nói câu chào và cám ơn trong tiếng Ả Rập.

Nhìn vào ánh mắt bé, nhìn bé, dõi mắt nhìn cách bé đi theo những người giàu có để xin giúp đỡ, mà chẳng ai cho, tôi xót xa vô cùng. Tôi không chỉ xót xa cho riêng bé, mà xót xa cho những con người vô tội phải gánh chịu hậu quả của biết bao xung đột và bất công. Những em bé kia thì có đủ mọi thứ, phải nói là mức sống gần bằng người dân châu Âu, trong khi em bé lấm lem này chẳng có gì cả. Tôi cũng không chắc là em còn gia đình không nữa. Không biết em còn cha mẹ không? Vì nhiều trẻ em Syria đã mất hết người thân do bị giết trong chiến tranh. Cùng là con người, nào em có tội tình gì?

Về phần người Liban, họ không thích người Syria cũng có lý do của nó. Mới 10 năm trước, quân đội Syria đóng quân và kiểm soát Liban. Đến mức không chịu nổi, người dân Liban mới đồng loạt biểu tình chống lại sự kiểm soát này. Đối diện với phản ứng quá mạnh mẽ, quân đội Syria mới chịu rút quân về nước. Hiện tại trên đất nước Liban với 6 triệu dân, có thêm gần 2 triệu người tị nạn Syria và nửa triệu người tị nạn Palestine. Tất cả những loại xung đột tại vùng Trung Đông hết sức phức tạp, nếu bạn muốn biết thêm, xin tự tìm hiểu.

Thật khổ đau và cùng khốn, khi những trẻ thơ vô tội phải gánh trên mình tất cả hậu quả xấu xa của những xung đột ấy. Xung đột như thế còn có vẻ chưa đủ, xung đột ngay trong nội bộ Syria vẫn chưa đủ, vì còn thêm bên ngoài nữa, một bên là Mỹ, khối Ả Rập và các nước đồng minh; bên kia là Nga, Trung Quốc và các nước đồng minh. Tất cả các bên đều có những lý lẽ lập trường riêng, nhưng chung quy đều buôn bán vũ khí để bơm cho chiến tranh, chung quy đều là vì lợi ích của những nhóm này nhóm nọ, còn người thường dân vô tội thì tiếp tục chết, tiếp tục chạy loạn, kẻ thì chết dọc đường, kẻ thì sống dở chết dở, kẻ thì sống lây lất mà không biết tương lai, còn các trẻ em thì tự nhiên phải gánh lấy hết hậu quả, hoặc là chết trong đau thương hoặc là tròn mắt thơ ngây chẳng hiểu gì về cuộc đời.

Ai sinh ra cũng có quyền bình đẳng, phải chăng đó chỉ là ước mơ mà ít khi thực hiện được. Đối với các trẻ em tị nạn Syria, có lẽ hiện thời đó là ước mơ không tưởng, có lẽ các em không thể hiểu được câu nói ấy có nghĩa là gì.

Liban, tháng 08 năm 2017
Tứ Quyết SJ

Kiểm tra tương tự

Giáo hội và Thuyết Tiến hóa: Câu chuyện về cuốn sách bị lên án

  Trong loạt bài về Giáo hội và Khoa học, chúng ta sẽ xem xét …

Cuộc phỏng vấn về Sứ mạng Truyền giáo

Trong bối cảnh của Năm Sứ Vụ – “Cùng Nhau Loan Báo Tin Mừng”, chúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *