Một bất đồng quan điểm
Khi hồng y Contarini đi Rôma, khuôn mặt nổi nhất còn lại ở Venezia là giám mục Carafa. Năm 1536, vị giám mục sẽ được gọi về Rôma làm hồng y, rồi năm 1542 làm Tổng Thanh Tra Giáo Lý, tiền thân Bộ Giáo Lý Đức Tin hiện nay, và cuối cùng năm 1555 làm Giáo Hoàng Phaolô IV. Lúc ấy dòng Teatino có tổng cộng 14 tu sĩ thuộc hai cộng đoàn, một ở Venezia một ở Napoli. Cộng đoàn Venezia sống tại nhà thờ San Nicolao di Tolentino. Họ sống gần như ẩn sĩ, đề cao phụng vụ và siêng năng tham dự các bí tích. Sau này, những liên lạc giữa thánh I-nhã và Carafa không được thân thiện, chắc chắn vì hai bên không đồng quan điểm về cách thức canh tân Hội Thánh, đặc biệt về sự khác biết trong cách sống của dòng Teatino và Dòng Tên.
Hiện nay, văn khố Dòng Tên còn lưu giữ bản viết tay của điều thường được gọi là thư thánh I-nhã gởi giám mục Carafa[82]. Các nhà chuyên môn cho biết nét chữ, giọng văn và các từ ngữ đúng là của thánh I-nhã. Chắc chắn đó đúng là một lá thư, như chính thánh I-nhã viết: “Xin ngài đọc thư này với lòng yêu mến và thiện chí mà tác giả có khi viết.” Tuy nhiên, tại sao lá thư mở đầu không đề nơi và ngày, cũng không đề tên người nhận; kết thúc không có lời chào thường lệ, và thay vì chữ ký là một chữ I với dấu chấm? Theo Georges Bottereau[83], bản viết tay hiện được lưu giữ có nếp gấp làm 8, các góc và các nếp gấp đã sờn nhiều, nên có lẽ đã được thánh I-nhã để trong túi lâu ngày. Các nhà nghiên cứu đều đồng ý có lẽ đó là bản nháp một lá thư chưa hoàn chỉnh và chưa được gởi đi. Tại sao chưa gởi? Đơn giản là thánh I-nhã chưa sửa xong: thánh I-nhã đã sửa nhiều chỗ, nhưng ngài có thói quen sửa chữa rất cẩn thận trước khi gởi. Trong số những người tập Linh Thao, Hoces được đề cập cuối cùng. Có thể sau đó ngài mới soạn và chưa kịp gởi, thì vị giám mục được Đức Giáo Hoàng Phaolô III gọi về Rôma vào tháng 9.36; đến tháng 12 làm hồng y. Vì thế ngài không gởi nữa[84]. Cũng có thể ngài quyết định không gởi sau nhiều ngày suy nghĩ và cầu nguyện.
Theo H. Boehmor, trong năm 1536, thánh I-nhã liên hệ mật thiết với những nhà cải cách, đặc biệt tiếp xúc gần gũi với dòng Teatino và bề trên cả là Carafa, một người đáng sợ và quá quắt[85]. Thực ra, chủ nhà của thánh I-nhã rất thân thiện với anh em Teatino, và giám mục Carafa là cha giải tội của ông, nên có thể đã làm trung gian để hai bên tiếp xúc. Tuy nhiên, chắc giữa thánh I-nhã và giám mục Carafa không có những trao đổi sâu xa và thân thiện. Lúc ấy vị giám mục là nhân vật nổi nang hạng nhất ở Venezia, còn thánh I-nhã chỉ là một giáo dân vô danh. Chẳng những vậy, đối với vị giám mục, thánh I-nhã chỉ là một kẻ lang bạt, bị ra tòa về giáo lý tại Tây Ban Nha rồi tại Paris, chưa là linh mục đã đòi làm linh hướng[86]. Chắc chắn hai bên không hiểu rõ nhau.
Tại sao thánh I-nhã lại dự tính gởi một lá thư như vậy? Về nội dung, ngài cho biết “không phải ngài khám phá hay tưởng tượng ra”, nhưng đã nghe người khác “phát biểu và khẳng định”. Chỉ sau khi đã “cân nhắc và lượng định”, ngài mới viết ” với ý hướng hoàn toàn ngay lành”. Ngài xin người nhận đọc thư với “lòng yêu mến và thiện tâm”. Như vậy, chắc chắn ngài đã không viết vì hiềm khích hay nóng nảy. Vì Hội Thánh, ngài mong cho dòng Teatino được “duy trì và phát triển”. Các tu sĩ sống nghèo và siêng năng đọc kinh dự lễ: “đời sống thánh thiện và đạo hạnh ấy chắc chắn là đường hướng đến sự hoàn thiện”. Tuy nhiên, ngài “ngạc nhiên” thấydòng “không phát triển được”. Theo ngài, vị giám mục bề trên sống giàu có hơn, sang trọng hơn anh em, nên không thúc đẩy được anh em bằng gương sáng. Thứ đến, các tu sĩ sống thiếu thốn quá, rất khó đối với những người yếu sẽ rất khó bền đỗ trong ơn gọi. Vì anh em trong dòng không xin ăn, cũng không làm việc mục vụ hay từ thiện chi hết để giúp đỡ tha nhân, nên không giúp đỡ được giáo dân và cũng không được giáo dân giúp đỡ. Ngài nghĩ rằng “không sử dụng những phương tiện thích hợp nhất để duy trì và phát triển” như vậy là “thử thách Thiên Chúa”. Điều ngài mong muốn rõ ràng là dòng Teatino thay đổi để “phục vụ Thiên Chúa hơn”. Để kết luận, ngài coi việc của dòng Teatino “như việc của chính mình”, nên viết thư này “như nói với chính mình”. Có người cho cách thức của ngài là liều lĩnh và ngay cả thiếu lễ độ khi phê bình cách sống của một giám mục và cả đường hướng của một dòng tu. Thực ra, cần lưu ý là ngài không phê phán một giám mục hay một dòng tu đã hoàn chỉnh, nhưng góp ý với bề trên và cộng đoàn Venezia mà ngài biết, vì cho là “còn đang trong những bước đầu”. Ngài còn nhấn mạnh là “không muốn cho ý kiến hay lời khuyên”, chỉ nói một cách “đơn sơ và thân ái như nói với chính mình”. Nhưng phải nhìn nhận là lúc ấy ngài chưa hiểu rõ dòng Teatino cũng như giám mục Carafa.
Dầu sao, qua va chạm này, chúng ta biết rõ hơn quan điểm thánh I-nhã về Dòng Tên lúc ấy đang dần dần định hình. Theo G. Bottereau, thư gởi Carafa là bản văn cổ nhất về Dòng Tên: 3 năm trước Cuộc Bàn Định của Các Cha Đầu Tiên, các lý tưởng của thánh I-nhã khá rõ rệt[87]. Về đời sống, bên trong, phải có “lòng yêu mến chân thành chứ không giả dối, thật lòng trước mặt Chúa”, bên ngoài, phải “nêu gương sáng để cảm hóa mọi người hơn”, “nhất là những người cùng sống với mình”, vì người ta “để ý đến việc làm hơn lời nói”. Về công việc, phải “hết lòng tin tưởng nơi Thiên Chúa”, nhưng cũng phải “giảng dạy”, phải “xả thân lo việc từ thiện”, phải “vận dụng những phương thế thích hợp nhất”, để “phục vụ và ca ngợi Thiên Chúa chí linh”.
Thánh I-nhã đã quyết định sáng lập một dòng tu? Ngày 24.7.1537, tức là gần một năm sau, khi đã thụ phong linh mục được một tháng, thánh I-nhã vẫn khẳng định: “Tôi chưa biết Thiên Chúa muốn tôi làm gì.”[88]