Thánh I-nhã : Tự do để yêu mến và phục vụ (kết)

Cũng đi Venezia

 

Chín người bạn cùng chí hướng đến Venezia đầu năm 1537.[89]

Thánh I-nhã chỉ viết một câu ngắn, nhưng có thật nhiều điều cần phải nói. Trước khi thánh I-nhã rời Paris, nhóm 7 người bạn trong Chúa thỏa thuận hẹn nhau tại Venezia để cùng đi Giêrusalem; nhóm Paris sẽ khởi hành ngày 25.1.1537.

Laínez cho biết khi thánh I-nhã rời Paris, chân phước Phêrô Favre được coi là “anh cả” của nhóm[90]. Trong thời gian thánh I-nhã ở Tây Ban Nha và Venezia, nhóm ở Paris vẫn tiếp nhận thêm người mới. Mỗi người tập Linh Thao do Chân phước Phêrô Favre hướng dẫn, và sinh hoạt đều đặn với các bạn. Hằng năm, cứ đến ngày 15 tháng 8, họ lên Montmartre nhắc lại lời khấn. Năm 1535, có thêm Claude Jay, đồng hương với chân phước Phêrô Favre, sinh khoảng 1500-1504, thụ phong linh mục năm 1528. Năm 1536, thêm Paschase Broet, sinh năm 1500, thụ phong linh mục năm 1524, và Jean Baptiste Codure, sinh năm 1508, lúc ấy chưa thụ phong linh mục. Cả ba bạn mới đều là người Pháp. Từ Venezia, thánh I-nhã viết thư cho một phụ nữ Tây Ban Nha ở Paris xin giúp đỡ 9 người bạn trong Chúa về vật chất để đi hành hương Giêrusalem[91].

Theo dự tính ban đầu, họ sẽ rời Paris ngày 25.1.1537 để đi Venezia. Nhưng giữa hai kẻ thù không đội trời chung là Karl V và François I không thể có hòa bình lâu dài được. Năm 1536, chiến tranh tái phát. François I đưa quân chiếm miền Savoie (đông nam Pháp hiện nay) và Torino (bắc Ý hiện nay). Quân đội Tây Ban Nha từ Ý tấn công miền nam và từ Bỉ xâm lấn miền đông bắc nước Pháp. Dân chúng Paris sôi sục tình cảm bài Tây Ban Nha. Trong 9 người của nhóm có 4 là người Tây Ban Nha. Họ quyết định rời Paris sớm, để bảo toàn nhóm: sẽ khởi hành ngày 15.11.1536. Được tin các bạn phải rời Paris sớm vì chiến tranh, từ Venezia viết thư cho cha Gabriel Guzman, dòng Thánh Đaminh, cha giải tội của hoàng hậu Eleanor, em gái hoàng đế Carlos V, để xin vị này giúp đỡ các bạn: “Vì bất ổn và chiến tranh khủng khiếp lan rộng, con rất sợ là họ sẽ rất thiếu thốn, và ngay cả cùng khốn. Vì chúng ta phải kính mến và để phục vụ Thiên Chúa, con xin cha làm bất cứ điều gì làm được và bằng bất cứ cách nào Thiên Chúa soi sáng cho cha để giúp đỡ họ.[92]

Khi biết quyết định của nhóm, nhiều người ngăn cản họ. Có một giáo sư cho như vậy là phạm tội trọng vì liều lĩnh. Nhưng họ đã có chương trình hết rồi. Họ không dám đi về hướng đông nam, tuy gần hơn nhiều, nhưng nguy hiểm hơn. Họ sẽ đi về hướng đông, qua Đức và Thụy Sĩ để đến Ý. Đường này xa hơn và khó hơn, nhưng đỡ nguy hiểm. Toán trước rời Paris đi Meaux ngày 11. Toán sau ở lại phân phát cho người nghèo các vật dụng thường ngày, rồi đúng ngày 15 thì lên đường[93]. Tất cả mặc áo chùng thâm của sinh viên thần học Paris, cổ đeo tràng hạt, vai đeo túi vải đựng sách kinh và quần áo. Họ đi bộ, nhưng đem theo tiền bạc để trang trải việc ăn uống và ở trọ. Trên đường, sẽ có giờ cầu nguyện riêng và giờ đọc thánh vịnh chung. Hằng ngày 3 linh mục sẽ dâng lễ, mọi người dự lễ và rước lễ. Mỗi tối đến nhà trọ sẽ quỳ gối tạ ơn Chúa về một ngày đã qua. Sáng hôm sau thức dậy lại quỳ gối dâng ngày mới cho Chúa.

Có thể chia lộ trình thành 5 chặng. Trước hết, từ Meaux đến Metz, khoảng 250 km, trên lãnh thổ Pháp. Đó là vùng chiến tuyến và là chặng nguy hiểm nhất. Họ chia thành hai toán, mỗi toán có người Pháp và có người Tây Ban Nha. Khi gặp quân đội nước nào, nếu bị hỏi, mỗi người chỉ trả lời một câu: Chúng tôi là sinh viên Paris. Nếu họ hỏi gì thêm, chỉ người nước ấy trả lời, để khỏi lộ. Quả thực mấy lần họ bị quân Pháp hỏi, có lần bị cho là khùng, vì hỏi gì cũng chỉ trả lời: Chúng tôi là sinh viên Paris. Từ Metz đến Strasbourg lúc ấy là vùng trung lập, nên cả nhóm đi chung. Đây là chặng đường hơn 200 km bình an và dễ dàng nhất. Từ Strasbourg đến Konstanz, tức là khu vực nói tiếng Đức và theo Tin Lành, nhóm gặp rất nhiều khó khăn. Không ai biết đường mà cũng không ai biết tiếng Đức, nên rất khó hỏi đường và nhà trọ. Đôi khi lạc đường. Hầu hết dân vùng ấy đã bỏ Công Giáo theo Tin Lành. Đôi khi các bạn bị đuổi, bị dọa giết, có lần phải khó khăn lắm mới thoát chết. Nhiều lần các bạn tranh luận về giáo lý với người Tin Lành. Có khi các bạn đau lòng chứng kiến đám cưới của một linh mục bỏ chức vụ. Cũng có lúc các bạn gặp một số người Công Giáo và cho họ chịu các bí tích. Từ Konstanz đến Trento, phải vượt qua núi Alpes giữa mùa đông. Trời lạnh, tuyết phủ kín, không biết đâu là đường. Có lúc tuyết ngập quá đầu gối. Rất khó tìm được chỗ trọ. Từ Trento đến Venezia, chỉ có một chút khó khăn về ngôn ngữ và trời lạnh, nhưng so với chặng ở Đức và chặng vượt núi Alpes thì không có chi đáng kể[94].

Họ đã vượt qua hơn 1000 km, và đến Venezia ngày 8.1.1537, khỏe và vui[95], sớm hơn dự trù hai tháng. Trong chuyến đi, Laínez cho biết về ăn uống thì “đủ, có khi thiếu chứ không dư”[96]. Rodrigues nhấn mạnh nhiều về niềm vui: chân như không chạm đất[97]. Chân phước Phêrô Favre ghi nhận: “Trong chuyến đi ấy, Thiên Chúa ban cho chúng tôi biết bao ân sủng kể chẳng xiết.[98] Chắc chắn thánh I-nhã và các bạn rất vui mừng gặp lại nhau tại Venezia. Chân phước Phêrô Favre giới thiệu ba bạn mới; thánh I-nhã cũng giới thiệu Diego de Hoces và cả hai anh em Diego và Esteban de Eguía lúc ấy vắng mặt. Mặc dầu phải trải qua bao thử thách, nhóm chẳng những đứng vững mà còn tăng số. Và hơn cả con số là một sợi dây thiêng liêng nối kết cả nhóm với nhau trở nên bền chặt. Từ nay chỉ cái chết mới chia lìa được các bạn trong nhóm.

 

Kiểm tra tương tự

Giới thiệu sách mới: VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI TU – MỘT ĐÓNG GÓP CỦA LINH ĐẠO I-NHÃ

Sự vâng phục là một trong ba lời khấn mà các tu sĩ phải tuân …

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *