Thị kiến La Storta
Họ chia thành ba hay bốn toán đi Rôma. Kẻ hành hương cùng đi với Favre và Laínez. Trong chuyến đi, kẻ ấy được Thiên Chúa viếng thăm rất đặc biệt. Sau khi thụ phong, kẻ ấy đã quyết định chưa dâng lễ trong vòng một năm, để dọn mình và khấn xin Đức Mẹ thương đặt mình với Con của Mẹ. Và một hôm, kẻ ấy đang cầu nguyện trong một nhà thờ, cách mấy dặm nữa thì đến Rôma, kẻ ấy cảm thấy một sự biến đổi trong tâm hồn và thấy rõ Thiên Chúa Cha đặt mình với Đức Kitô là Con của Người, đến nỗi kẻ ấy không bao giờ dám nghi ngờ việc Thiên Chúa Cha đã đặt mình với Con của Người[130].
Vicenza đưa thánh I-nhã đến chỗ chìm ngập trong bầu khí thần linh, mà nổi bật hơn hết là ước nguyện được nên một với Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Đi bộ trên quãng đường hơn kém 500 km từ Vicenza đến Rôma, ngài được Chúa ban ơn sốt sắng mãnh liệt, mắt gắn chặt vào những thực tại siêu nhiên, lòng tha thiết xin Đức Mẹ cầu khẩn cho mình ơn ‘được đặt với Con của Mẹ’.
Tháng 11.1537, khoảng ngày 15, ngài cùng với hai bạn đồng hành đến một địa điểm cách Rôma chừng 15 km về phía bắc gọi là La Storta. Tại đó, có một ngôi nhà thờ nhỏ nằm ngay bên đường. Ngài vào đó cầu nguyện và cảm nghiệm điều hiện nay chúng ta gọi là Thị kiến La Storta.
Cha L.G. da Câmara cho thánh I-nhã biết là cha Lainez kể hơi khác, thì ngài trả lời là “tất cả những gì cha Laynez kể đều đúng, vì chính kẻ ấy không nhớ các chi tiết.”[131] Ngày 2.7.1559, cha Lainez, lúc ấy là Bề Trên Cả Dòng Tên, giải thích Bản Khảo Sát của Hiến Chương Dòng Tên cho hơn 200 Giêsu hữu ở Rôma. Khi giải thích tại sao gọi Dòng là ‘Dòng nhỏ xíu’, ngài kể về việc thành lập Dòng và những lý do các cha đầu tiên nhận danh hiệu Đoàn Giêsu, và trong ngữ cảnh ấy, ngài nói về các thị kiến thánh I-nhã liên hệ đến đề tài. Theo ngài, hình như có hai, chứ không chỉ một thị kiến. Ít là ngài phân biệt hai thời điểm thánh I-nhã kể lại cho ngài. “Nền tảng đầu tiên của danh hiệu này là Cha I-nhã, như tôi sắp giải thích. Trên đường đi Rôma theo ngả Siena, Cha hay được Thiên Chúa đến thăm viếng và ban nhiều tâm tình thiêng liêng, đặc biệt liên hệ với bí tích Thánh Thể cực trọng, mà hằng ngày Cha nhận từ tay cha Phêrô Favre hay từ tay tôi, vì chúng tôi dâng thánh lễ mỗi ngày, riêng Cha thì không… Cha nói với tôi rằng hình như Thiên Chúa Cha đã ghi khắc vào trong lòng Cha những lời này: “Cha sẽ phù hộ chúng con ở Rôma”. Và không hiểu những lời ấy muốn ám chỉ gì, Cha nói: “Tôi không biết chuyện gì sẽ xảy đến cho chúng ta ở Rôma, có thể chúng ta sẽ bị đóng đinh vào thập giá ở Rôma.” Rồi một lần khác, Cha nói hình như Cha thấy Chúa Giêsu vác Thánh Giá và Chúa Cha ở bên cạnh đó nói với Đức Kitô: “Cha muốn Con nhận người này làm đầy tớ”. Và thế là Đức Giêsu thực sự đón nhận Cha và nói: “Ta muốn con phục vụ Chúng Ta.” Vì thế, Cha rất sùng kính thánh danh cực trọng, và ước mong đặt tên cho nhóm là Đoàn Giêsu.”[132] Thánh Phêrô Kanijs, có lẽ theo lời kể của chân phước Favre, thuật lại lời Chúa Cha hơi khác: “Ta sẽ ở với các con.[133]”
Kinh nghiệm La Storta rất đậm nét trong đời sống thánh I-nhã. Hơn sáu năm sau, ngài viết trong Nhật Ký Thiêng Liêng: “Tôi nhớ lại hôm tôi được Chúa Cha đặt với Chúa Con.”[134] Ngài không kể các diễn biến khả giác, chỉ nói đến một cảm nghiệm nội tâm. Hình như đối với ngài một chuyện hay hai chuyện cũng không quan trọng, Chúa Cha nói “Tại Rôma, Ta sẽ phù hộ các con” hay “Tại Rôma, Ta sẽ ở với các con” cũng không quan trọng. Điểm chính yếu là ngài đã được nhậm lời: được đặt với Chúa Con.
Được đặt với Chúa Con nghĩa là gì? Hình như không thấy ai ngoài thánh I-nhã xin ơn ấy. Chúng ta phải đặt lại lời nguyện ấy vào kinh Lạy Hồn Chúa Kitô[135] rất quen thuộc mà ngài rất thích. Hiển nhiên là khi cầu nguyện với kinh này, chúng ta thưa với Chúa Giêsu Tử Nạn. Nhưng nếu thưa chuyện với ai, phải giả thiết là người ấy đang nghe, nghĩa là đang sống. Trong ý hướng ấy, kinh Lạy Hồn Chúa Kitô thưa với Chúa Giêsu Phục Sinh: khi con chết, xin đặt con bên Chúa, nghĩa là chung hưởng vinh quang với Người. Nhưng thánh I-nhã không chỉ xin như vậy. Ngài đã được nhậm lời, mặc dầu còn sống. Chúng ta phải trở về với Linh Thao. Trước lời Đức Vua mời gọi “ai muốn đến với tôi, phải chịu gian lao với tôi, vì hễ theo tôi trong gian khổ cũng sẽ theo tôi trong vinh quang”, người tập Linh Thao xin “được chịu tất cả mọi sỉ nhục, lăng mạ và thanh bần, cả trong thực tế cũng như trong tinh thần”[136]. Trước hai cờ hiệu của Đức Kitô và của Lucifer, người tập Linh Thao xin “được nhận vào dưới cờ của Người”, tức là thanh bần, sỉ nhục và phỉ báng.
Thánh I-nhã theo chủ nghĩa thống ái? Có lẽ vào thời của ngài, nhiều người thực sự theo quan niệm thống ái. Nhưng nếu nhìn chung toàn bộ đời sống và linh đạo của ngài, chúng ta không thấy bóng dáng nào của chủ trương ấy. Vậy trước hết có lẽ là một lời nguyện tu đức: muốn theo Chúa Giêsu phải bỏ mình, do đó ngài xin những điều ngược lại với sở thích tự nhiên của con người. Nhưng sâu xa hơn, có lẽ đó là một ước nguyện thần bí muốn kết hợp hoàn toàn với Chúa Giêsu cả đến trong cái chết. Sách Gương Chúa Giêsu (mà ngài đọc hằng ngày) có câu: “Nhiều người theo Chúa Giêsu đến nhà Tiệc Ly, ít ai theo Chúa đến Đồi Sọ.” Muốn trổi vượt trong việc bước theo Chúa Giêsu, thánh I-nhã muốn đi với Chúa đến cùng: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hi sinh mạng sống vì bạn hữu” (Ga 15,13). Nói theo thánh Phaolô: “Chúng tôi luôn mang trong mình cuộc thương khó của Chúa Giêsu để sự sống của Chúa Giêsu cũng được biểu lộ nời mình chúng tôi” (2 Cr 4,10). Có thể thánh I-nhã xin với Đức Mẹ để được ở bên Chúa Giêsu trên Đồi Sọ như thánh Gioan và thánh Maria Magđala, đáp lại ước nguyện Chúa Giêsu trước giờ chịu chết: “Con muốn rằng con ở đâu thì những người Cha ban cho con cũng ở đó với con” (Ga 17,24). Điều quan trọng không phải là ở đâu, nhưng là ở với Chúa Giêsu, bất kỳ nơi nào.
Cha André Ravier bình luận: “Đặt trở lại vào toàn bộ đời sống thần nhiệm của thánh I-nhã từ lúc hoán cải, đưa lại vào trong chuyển động của Tình Yêu đã thúc đẩy thánh I-nhã bắt chước và kết hiệp với Chúa Kitô (đúng theo nghĩa của thánh Gioan dùng) cùng lao nhọc và chịu đau khổ với Người để tôn vinh Thiên Chúa Cha hơn, thị kiến La Storta xuất hiện như thời điểm nổi bật, mặc dù biến cố rất giản dị; nơi thị kiến ấy kết tinh cả định mệnh của một con người, của sứ mạng Thiên Chúa ủy thác cho con người ấy và của cả công trình con người ấy sẽ thực hiện. Nếu như một số người thường nói, La Storta mang tính ngôn sứ, thì trước tiên do nó xác chuẩn cả một quá khứ đầy ân sủng.”[137]
Đây là kinh nghiệm thiêng liêng quan trọng hàng đầu trong đời sống thánh I-nhã, đánh dấu đỉnh cao của quá trình 17 năm hành hương. Tại Loyola, ngài đã nghe được lời mời gọi phục vụ Đức Kitô và đã quảng đại đáp ứng. Tại Manresa, trong bài Hai cờ hiệu của Linh Thao, ngài đã xin được nhận vào dưới cờ của Đức Kitô. Nay ở La Storta, ngài được đặt với Chúa Con. Sau bao nhiêu năm lần bước theo một tiếng gọi tuy âm thầm nhưng rất mãnh liệt, giờ đây ngài xác định được rõ ràng ơn gọi của ngài và các bạn cùng chí hướng : 1) Ơn ngài xin từ lâu đã được Thiên Chúa nhận lời, đó là được đặt với Chúa Con, được phục vụ Chúa Giêsu vác Thánh Gía; 2) Thiên Chúa phê chuẩn danh hiệu Đoàn Giêsu, vì ngài và các bạn cùng chí hướng được nhận làm bạn đồng hành với Chúa Giêsu; 3) Ngài và các bạn cùng chí hướng không đi Giêrusalem nữa, nhưng đến Rôma, đặt mình dưới quyền sử dụng của Đức Thánh Cha.
Ngay lúc ấy, ngài có ấn tượng mạnh đến nỗi ngài nói với hai bạn cùng đi: “Tôi không biết chuyện gì sẽ đến với chúng ta. Có thể ở Rôma chúng ta sẽ bị đóng đinh vào Thánh Giá.[138]” Dầu vậy, chắc chắn ngài không quên lời Chúa Cha: “Tại Rôma, Ta sẽ phù hộ các con” hoặc ” Ta sẽ ở với các con.”