Thánh I-nhã : Tự do để yêu mến và phục vụ (VIII)

Một dự phóng

Thánh I-nhã cho biết:

Ngay từ thời gian ấy, tất cả đã quyết định phải làm gì: đi Venezia và Giêrusalem, để xả thân mưu ích cho các linh hồn. Nếu không được phép ở lại Giêrusalem, họ sẽ trở về Rôma, đến trình diện vị Đại Diện Đức Kitô, để ngài sử dụng họ ở đâu ngài xét là sẽ tôn vinh Thiên Chúa hơn và mưu ích cho các linh hồn hơn. Họ cũng sẽ quyết định sẽ chờ tàu thủy ở Venezia một năm. Nếu trong năm ấy không có tàu đi Phương Đông, họ sẽ không bị ràng buộc với lời khấn đi Giêrusalem nữa, và sẽ đến trình diện Đức Giáo Hoàng, v.v…[104]

Ngài không đả động gì đến lời khấn Montmartre ngày 15.8.1534.

Chân phước Phêrô Favre viết vào năm 1542: “Vào ngày lễ Đức Mẹ tháng 8 năm ấy, sau khi đã hợp nhất do cùng một quyết tâm và được đào luyện trong Linh Thao (trừ Phanxicô chưa tập, mặc dầu cùng chia sẻ quyết tâm chung), chúng tôi đến nhà thờ Đức Mẹ Montmartre, gần Paris, mỗi người tuyên khấn đi Giêrusalem vào ngày sẽ được ấn định, và khi trở về sẽ tuân phục Đức Giáo Hoàng, và mỗi người cũng khấn vào thời gian được ấn định sẽ rời bỏ cha mẹ và chài lưới, chỉ giữ một ít tiền để đi đường…”[105]

Cha Diego Laínez viết vào năm 1547: “Vì tại Paris, không có ý định thành lập một dòng tu, nhưng muốn hiến thân sống thanh bần để phục vụ Thiên Chúa, mưu ích cho tha nhân, bằng việc giảng thuyết và phục vụ trong các nhà tế bần, v.v…, mấy năm trước khi lên đường để thi hành ý định, chúng tôi đã tuyên khấn nếu được thì đến chầu Đức Giáo Hoàng, vị đại diện Đức Kitô, xin ngài cho phép đi Giêrusalem, và nếu được thì ở lại đó để tiến tới, nếu điều này phục vụ Chúa, và giúp người khác tiến tới, cả tín hữu cũng như dân ngoại. Và nếu trong vòng một năm không đi Giêrusalem được, hoặc đi được nhưng không ở lại được, chúng tôi đã xác định trong lời khấn là không buộc mình thêm nữa, nhưng trở về với Đức Giáo Hoàng, tự nguyện tuân phục để ngài cử đi đâu thì đến đó.”[106]

Điều thường được gọi là “lời khấn Montmartre”[107] thực ra có nhiều điểm cần làm sáng tỏ. Thánh I-nhã không nói đến một lời khấn, nhưng hầu hết các chứng từ khác đều nói đến lời khấn. Theo Simão Rodrigues và Olivier Mannaerts, ngoài lời khấn thanh bần và đi Giêrusalem, còn có lời khấn khiết tịnh nữa[108]. Việc trở về Rôma tuân phục Vị Đại Diện Đức Kitô, theo thánh I-nhã và Diego Laínez chỉ là nếu không đi Giêrusalem được hoặc nếu không ở lại Giêrusalem; nhưng theo chân phước Phêrô Favre và Simão Rodrigues, không có chữ nếu ấy. Có người đặt câu hỏi: phải chăng mỗi người khấn một khác, tức là không có công thức chung, nhưng mỗi người tự viết lời khấn theo ý riêng? Tiếc là chúng ta không giữ được bản văn của lời khấn, nên không có được lời giải đáp dứt khoát. Chúng ta có thể tin Polanco: “Tại nhà nguyện Đức Mẹ Núi Tử Đạo, tất cả đã tuyên khấn hiến thân phục vụ Chúa trong thanh bần vĩnh viễn”[109].

Dầu sao, có lẽ điều quan trọng nhất không hẳn là lời khấn ở Montmartre, nhưng là quyết định chung về một đề án cho cả nhóm. Khởi đầu, mỗi người quyết tâm theo cách sống của thánh I-nhã, tức là sống nghèogiúp đỡ các linh hồn. Với Linh Thao, quyết tâm ấy được củng cố bằng việc theo Đức Kitô trong đời sống thanh bầnhiến thân phục vụ tha nhân. Sau đó, nhóm những người bạn trong Chúa gồm 7 người thành hình vào mùa hè năm 1534[110]. Nhóm thường xuyên gặp gỡ để trao đổi về tương lai. Michel Certeau viết: “Nhóm tiên khởi này được liên kết với nhau bằng việc học, đời sống chung, những Chúa Nhật đến đan viện Vauvert dòng Chartreux hay ra ngoại ô Paris, bằng việc cầu nguyện và những dự tính chung.”[111] Dần dần, có những điều mọi người đồng ý, có những điều chưa đạt được đồng thuận. Mọi người đồng ý là sau khi học xong sẽ: (1) sống thanh bần; (2) hiến thân phục vụ tha nhân; (3) đi Giêrusalem; (4) làm linh mục. Quyết định làm linh mục, không phải là hệ quả tất yếu của Linh Thao, chỉ đến sau quyết định sống thanh bần và hiến thân phục vụ tha nhân, nên phải hiểu thanh bần là cách sống và phục vụ tha nhân là mục đích của chức tư tế nhóm muốn lãnh nhận. Vì có quyết định làm linh mục, nên việc khấn khiết tịnh có người coi là điều bắt buộc, có người lại coi là điều đương nhiên, không cần phải khấn. Về việc đi Giêrusalem: giả như không đi được hoặc đi được nhưng không được phép ở lại, hoặc được phép ở lại nhưng nhóm không đồng thuận thì sao? Trong trường hợp đi được và được phép ở lại, hình như thánh I-nhã, thánh Phanxicô Xavier và Diego Laínez muốn ở lại hoạt động tông đồ tại đó; trong khi ấy chân phước Phêrô Favre và Simão Rodrigues muốn về Rôma đặt mình dưới quyền điều động của Đức Giáo Hoàng. Nhưng mọi người lại đồng ý là nếu chờ tàu một năm ở Venezia mà không đi Giêrusalem được thì sẽ đến Rôma đặt mình dưới quyền sử dụng của vị Đại Diện Đức Kitô. Đặc biệt một điều được Simão Rodrigues ghi nhận: “Mọi người đồng ý là tất cả cùng đi Giêrusalem, rồi ở đó sẽ xin Thiên Chúa giúp để xem xét tiếp. Nếu đa số quyết định ở lại, chúng tôi sẽ nắm lấy cơ hội Thiên Chúa ban… Nếu đa số có ý kiến ngược lại, tất cả chúng tôi sẽ cùng về, chứ không chia lìa”[112]. Điểm này hết sức quan trọng: nhóm đã liên kết chặt chẽ với nhau đến nỗi khi không đạt được đồng thuận thì theo đa số, để bảo toàn nhóm, chứ không muốn nhóm phải tan rã. Sau này, vào Mùa Chay năm 1539 tại Rôma, cả nhóm sẽ quyết định duy trì Đoàn Giêsu, mặc dầu phải phân tán do sứ vụ, vì không nên giải tán nhóm đã được Thiên Chúa liên kết. Một điều cũng cần để ý là nhóm không có tên, không có luật, không ai có quyền trên người khác, chỉ liên kết với nhau vì cùng lý tưởng tông đồ và vì tình bạn, qua trung gian thánh I-nhã và Linh Thao. Sau hết, nhóm quyết tâm xả thân làm việc tông đồ, nhưng hình như lại không quan tâm gì đến việc phong trào Tin Lành lúc ấy đang phát triển nhanh chóng.

Với những quyết tâm và dự tính ấy, sáng ngày 15.8.1534, lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, một ngày mùa hè rực nắng, nhóm những người bạn trong Chúa gồm 7 người cùng nhau lên đồi Montmartre. Hình như đó là một cuộc hành hương khởi sự từ nhà nguyện Notre-Dame-des-Champs[113]. Đến Đền Các Thánh Tử Đạo[114], ở lưng chừng đồi, cách nhà thờ Saint-Pierre trên đỉnh đồi chừng 600 bước. Đó là một nhà nguyện chiều dài chừng 18 mét, gồm tầng trên, thường có khách hành hương đến viếng, và tầng hầm là nhà nguyện dâng kính Đức Mẹ, thường ít người đến. Thánh I-nhã và các bạn họp nhau dâng lễ tại nhà nguyện ở tầng hầm. Chân phước Phêrô Favre, lúc ấy là linh mục duy nhất của nhóm, chủ sự thánh lễ. Trước khi hiệp lễ, lần lượt từng người đọc lời khấn. Sau lễ, nhóm đến ăn bữa trưa và chia sẻ với nhau tại Suối Thánh Denis[115]. Trong những giờ phút xúc động ấy, theo gợi ý của thánh I-nhã, cả nhóm thỏa thuận một số điểm để duy trì và củng cố điều vừa khởi sự: (1) suy niệm hằng ngày; (2) xưng tội và rước lễ các Chúa Nhật và Lễ Trọng; (3) thỉnh thoảng họp mặt và dùng bữa ăn thanh đạm với nhau, lúc ở nhà người này, lúc ở nhà người khác; (4) cho tới khi đi Venezia, hằng năm tất cả cùng nhắc lại lời khấn tại chính nơi và vào chính ngày như lần đầu. Chiều tối cả nhóm mới cùng nhau trở về đại học.

Nicolas Bobadilla gọi sự kiện diễn ra ngày 15.8.1534 tại Montmartre là “khởi đầu” của Đoàn Giêsu, “gốc và nguồn” của Dòng Tên[116]. Simão Rodrigues cũng gọi là “khởi nguyên” của Dòng Tên[117]. Để ghi nhớ sự kiện này, vào thế kỷ XVII, bảng lưu niệm sau đây[118] được đặt tại Đền Tử Đạo:

Dòng Tên

nhận thánh I-nhã là cha

và thành phố Paris là mẹ,

chào đời tại đây ngày 15.8.1534

khi chính thánh I-nhã cùng với các bạn

tận hiến trọn đời cho Thiên Chúa

qua các lời khấn trong thánh lễ

để tôn vinh Thiên Chúa hơn[119].

Trong thư thỉnh nguyện Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XV tuyên thánh cho thánh I-nhã, vua Louis XIII viết: “Vương quốc Pháp đã được diễm phúc tiếp đón một người tôi tớ vĩ đại như vậy của Thiên Chúa đến Paris học, tập họp để tử và đặt nền móng cho Dòng Tên.[120]Gần chúng ta hơn, Georg Schurhammer viết: “Một ngôi sao của Giacóp đã vào trong lòng của 7 sinh viên Paris, và dấu ấn về những giờ phút tận hiến ấy sẽ không bao giờ rời họ nữa.”[121]

Có thể coi sự kiện Montmartre ngày 15.8.1534 là biến cố thành lập Dòng Tên không? Có lẽ nếu chúng ta phân biệt Đoàn GiêsuDòng Tên, thì sẽ dễ trả lời hơn. Chắc chắn nhóm những người bạn trong Chúa ở Montmartre ngày 15.8.1534 chưa phải là một dòng tu, vì chưa có lời khấn tuân phục và chưa được thiết lập theo Giáo Luật. Phải đợi đến năm 1540 ở Rôma nhóm ấy mới thực sự được biến thành một dòng tu. Diego Laínez cho biết lúc ấy thánh I-nhã và các bạn không muốn thành lập một dòng tu[122]. Cả đến năm 1539, nhóm vẫn ngại biến thành một dòng tu. Nhưng năm 1537 tại Vicenza, nhóm nhận tên là Đoàn Giêsu mà không thêm một yếu tố nào khác. Cho nên sự kiện Montmartre đúng là biến cố thành lập Đoàn Giêsu, trước khi nhóm ấy biến thành một dòng tu. Tuy nhiên, chỉ trong tiếng Việt chúng ta mới phân biệt Dòng Tên với Đoàn Giêsu. Khi Đoàn Giêsu được biến thành Dòng Tên từ cuộc bàn định Mùa Chay năm 1539 đến khi được Tòa Thánh chính thức phê chuẩn năm 1540, thánh I-nhã và các bạn muốn giữ nguyên tên đã chọn tại Vicenza năm 1537. Điều ấy cho thấy đối với các ngài, tinh thần của Đoàn Giêsu vẫn nguyên vẹn trong Dòng Tên. Do đó có thể nói Dòng Tên được gieo hạt ở Manresa, nảy mầm ở Paris và thành cây để sinh hoa trái tại Rôma. Yếu tố then chốt và xuyên suốt chính là Linh Thao. Trước hết ở Manresa, thánh I-nhã đáp lại tiếng Chúa mời gọi bằng việc bước theo Đức Kitô thanh bần và hiến thân phục vụ tha nhân. Kế đến ở Paris, vẫn giữ nguyên lý tưởng bước theo Đức Kitô thanh bần và hiến thân phục vụ tha nhân, ngài cùng với các bạn tiến thêm một bước nữa trong việc đáp lại tiếng Chúa mời gọi bằng việc họp thành một tập thể tư tế. Cuối cùng tại Rôma, tập thể tư tế ấy đáp lại tiếng Chúa mời gọi và tiến thêm một bước nữa để thành Dòng Tên. Theo Dudon, vào năm 1534, cộng đoàn tu sĩ sau này được gọi là Dòng Tên mới chỉ là một hạt giống chưa có hình thù nhất định; tuy nhiên, tinh thần Linh Thao làm cho cộng đoàn ấy hoạt động và định hình đã thực sự tác động và phát huy toàn bộ tiềm năng rồi[123].

Trong thời gian ở Paris này, kẻ ấy bị đau dạ dày, cứ hai tuần lại bị đau khoảng một giờ, và bị sốt nữa. Một lần cơn đau kéo dài đến 16 hay 17 giờ. Sau này khi đã hoàn tất chương trình triết học, kẻ ấy học mấy năm thần học, và thu nhận các bạn cùng chí hướng, nhưng bệnh tình ngày càng nặng hơn. Kẻ ấy đã tìm thầy chạy thuốc khắp nơi, nhưng không có kết quả. Các thầy thuốc xét là không có gì ích lợi cho kẻ ấy hơn khí hậu quê nhà. Các bạn cùng chí hướng cũng khuyên như vậy, mà còn thúc giục nữa… Cuối cùng, các bạn cùng chí hướng thuyết phục được kẻ hành hương, một phần cũng vì kẻ ấy có thể dàn xếp công việc cho các bạn trong nhóm quê ở Tây Ban Nha. Mọi người đồng ý là sau khi sức khỏe khá hơn, kẻ ấy sẽ đi lo công việc cho các bạn, rồi đến Venezia chờ các bạn[124].

Lúc mới đến Paris, ngài thấy mình khỏe mạnh: Từ khoảng gần 5 năm, kẻ ấy không bị đau dạ dày nữa, nên bắt đầu gia tăng các việc đền tội và hãm mình.[125] Thánh I-nhã luôn luôn nghĩ là ngài bị đau dạ dày. Thực ra, ngài bị sạn trong bàng quang, do đó ngài cảm thấy đau ở dạ dày[126]. Thời ấy, người ta chưa biết bệnh này, nên cũng không biết cách chữa trị. Về quê chỉ là giải pháp cầu may! Nhưng chắc bệnh tình của ngài khiến các bạn thực sự băn khoăn. Giả như chỉ một mình ngài và chỉ vì cơn bệnh, chúng ta gần chắc là ngài không chịu bỏ dở chương trình thần học, không đành tạm biệt nhóm những người bạn trong Chúa mới thành hình[127]. Nhưng giờ đây ngài không chỉ một mình, mà có các bạn: vừa được các bạn chẳng những khuyên mà còn thúc giục, mặt khác ngài có thể dàn xếp công việc cho các bạn trong nhóm quê ở Tây Ban Nha. Trước đây ở Loyola, gia đình không sao giữ ngài ở lại được. Rồi ở Tây Ban Nha, các ân nhân và thân hữu không sao ngăn cản ngài đi Paris được. Giờ đây, cách bạn ngài đã thực sự có chỗ đứng quan trọng trong lòng ngài. Một thay đổi rất đáng kể. Nhóm bạn trở thành một phần trong cuộc sống của ngài. Ngài rời Paris, nhưng không bỏ nhóm, mà để các bạn yên tâm về ngài cũng giúp gia đình các bạn yên tâm về con em. Nhất là có một điểm hẹn: đến Venezia đầu năm 1536 để cùng nhau đi Giêrusalem.

Sắp lên đường thì kẻ hành hương được tin mình đã bị tố cáo với vị thanh tra giáo lý và một phiên tòa sắp được mở ra để kết án. Nghe vậy, mặc dầu chưa bị triệu tập, kẻ ấy tự mình đến gặp vị thanh tra và nói với vị ấy về điều mình nghe được, rồi thêm là mình sắp đi Tây Ban Nha và mình có các bạn cùng chí hướng. Vì thế kẻ ấy xin được xét xử. Vị thanh tra xác nhận là có người tố cáo, nhưng vị ấy thấy chẳng có gì quan trọng. Vị ấy chỉ muốn xem tập Linh Thao. Sau khi đọc, vị ấy ca ngợi lắm và xin kẻ hành hương cho mình một bản. Điều này đã được thực hiện[128]. Tuy nhiên, kẻ ấy lại xin tiến hành xét xử, để có bản án. Vì vị thanh tra từ chối, kẻ ấy đi mời một viên kiểm sát và các nhân chứng đến gặp vị ấy, và viên kiểm sát lập biên bản về toàn bộ sự việc[129].

Vào khoảng cuối tháng 3 năm 1535, thánh I-nhã bị tố cáo vì tiếp tục hướng dẫn Linh Thao và vì các bạn cùng chí hướng rước lễ hằng tuần, lại thường xuyên hội họp với nhau[130]. Trong bầu khí lạc giáo tràn lan khắp Paris, như lời Nicolas Bobadilla, việc ngài bị nghi ngờ không có chi đáng ngạc nhiên. Tuy không bị triệu tập, nhưng muốn trắng đen rõ rệt, ngài đích thân đến gặp vị thanh tra giáo lý, Valentin Liévin, linh mục dòng Thánh Đaminh. Ngài đã quen vị này vì nhiều lần ngài đã dẫn những người theo lạc giáo đến gặp vị ấy để xin hòa giải. Trọng tâm vẫn là Linh Thao bị nghi ngờ. Chẳng những ngài không sợ mà còn đòi được xét xử. Ngài muốn được công nhận là không lạc giáo, để trước mắt ở Tây Ban Nha và về lâu dài ở bất kỳ đâu, ngài được quyền làm việc tông đồ. Hơn nữa, ngài sợ đang khi ngài đi vắng, các bạn bị liên lụy sẽ rất khó giải quyết. Không được xét xử, ngài xin làm biên bản như giấy chứng nhận ngài vô tội. Ngài đã trải qua nhiều kinh nghiệm rồi và biết có thể sau này còn gặp rắc rối nữa! Người ta không giữ được tờ biên bản này. Tuy nhiên, năm 1537 cha Thomas Laurent, O.P., thanh tra giáo lý tại Paris, xác nhận vị tiền nhiệm Valentin Liévin nhìn nhận thánh I-nhã vô tội và ca ngợi ngài nữa.

Sau việc đó, kẻ ấy cỡi một con ngựa nhỏ mà các bạn cùng chí hướng đã mua cho, và một mình lên đường về quê[131].

Lúc đến Paris 7 năm trước, thánh I-nhã một mình và đi bộ. Giờ đây ngài rời Paris, vào khoảng cuối tháng 3 năm 1535[132], một mình nhưng cỡi ngựa. Thực ra, ngài không còn một mình nữa, nhưng đã có một nhóm bạn trong Chúa. Vì những người bạn ấy mà ngài cỡi ngựa và về Tây Ban Nha. Đường từ Paris đến Azpeitia dài chừng 900 km. Ngài phải đi mất khoảng 1 tháng. Lộ trình của ngài có lẽ là Paris, Chartres, Tours, Poitiers, Bordeaux, Bayonne, Azpeitia. Dầu sao, điểm đến của ngài không phải Tây Ban Nha, nhưng là Venezia, và hơn nữa là Giêrusalem, nơi ngài và các bạn sẽ thi hành dự tính chung.

7 năm ở Paris có ý nghĩa rất quan trọng đối với thánh I-nhã và Dòng Tên. Trước hết, ngài có bằng Cử nhân giáo khoa đại học Paris và đương nhiên được coi như thuộc hàng trí thức. Đây là điều rất cần, phần nào gần như bảo đảm, trong hoạt động tông đồ thời ấy. Ngoài các kiến thức cơ bản, ngài gặp gỡ trực tiếp những nhà trí thức hàng đầu của Châu Âu, tiếp xúc với những luồng tư tưởng bảo thủ nhất cũng như cấp tiến nhất qua sách vở. Ngài cũng sẽ vận dụng khoa sư phạm của đại học Paris vào việc huấn luyện anh em trẻ sẽ vào Dòng Tên cũng như vào các trường Dòng Tên sẽ mở sau này. Thứ đến, ngài chín chắn hơn về đời sống thiêng liêng cũng như đời sống tông đồ. Về đời sống thiêng liêng, ngài không có những thị kiến hay những an ủi mãnh liệt, nhưng trung thành và kiên trì tiến bước giữa những cố gắng, khó khăn, thách đố của cuộc sống thường ngày. Về đời sống tông đồ, ngài rút kinh nghiệm những thất bại lúc đầu do vội vàng và hời hợt để nghĩ đến những điều sâu xa hơn và lâu dài hơn. Đây chính là điều dẫn ngài đến chỗ liên kết được nhóm Những người bạn trong Chúa sẽ là nòng cốt cho Dòng Tên. Sau hết, bản văn Linh Thao của ngài cũng có bước tiến với phần đầu bản Quy tắc cùng cảm nghĩ với Hội Thánh, đồng thời ngài cũng biết vận dụng Linh Thao nhuần nhuyễn hơn để có được những con người như chân phước Phêrô Favre và thánh Phanxicô Xavier. Tóm lại, khi đến Paris, thánh I-nhã đã là một vị thánh, nhưng Paris đã giúp ngài trở thành một tông đồ hữu hiệu và đặt những nền tảng đầu tiên cho Dòng Tên mà ngài sẽ là một nhà lãnh đạo thiên tài.

 

Kiểm tra tương tự

Giới thiệu sách mới: VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI TU – MỘT ĐÓNG GÓP CỦA LINH ĐẠO I-NHÃ

Sự vâng phục là một trong ba lời khấn mà các tu sĩ phải tuân …

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *