[Mở lòng]-Thứ Hai sau Chúa Nhật IV mùa Chay

“Người đến một thành xứ Sa-ma-ri, tên là Xy-kha, gần thửa đất ông Gia-cóp đã cho con là ông Giu-se. Ở đấy, có giếng của ông Gia-cóp. Người đi đường mỏi mệt, nên ngồi ngay xuống bờ giếng. Lúc đó vào khoảng mười hai giờ trưa.

Có một người phụ nữ Sa-ma-ri đến lấy nước. Đức Giê-su nói với người ấy: “Chị cho tôi xin chút nước uống! ” Lúc đó, các môn đệ của Người đã vào thành mua thức ăn. Người phụ nữ Sa-ma-ri liền nói: “Ông là người Do-thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Sa-ma-ri, cho ông nước uống sao? ” Quả thế, người Do-thái không được giao thiệp với người Sa-ma-ri. Đức Giê-su trả lời: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: “Cho tôi chút nước uống”, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống.” Chị ấy nói: “Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống? Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Gia-cóp, người đã cho chúng tôi giếng này? Chính Người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy.” Đức Giê-su trả lời: “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.”

 Người phụ nữ nói với Đức Giê-su: “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước.” Người bảo chị ấy: “Chị hãy gọi chồng chị, rồi trở lại đây.” Người phụ nữ đáp: “Tôi không có chồng.” Đức Giê-su bảo: “Chị nói: “Tôi không có chồng” là phải, vì chị đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị. Chị đã nói đúng.” Người phụ nữ nói với Người: “Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ. .. Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này; còn các ông lại bảo: Giê-ru-sa-lem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa.” Đức Giê-su phán: “Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem. Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do-thái. Nhưng giờ đã đến -và chính là lúc này đây- giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật.” Người phụ nữ thưa: “Tôi biết Đấng Mê-si-a, gọi là Đức Ki-tô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự.” Đức Giê-su nói: “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây” (Ga 4, 5-26)

 

Hôm qua chúng ta đã mở những trang đầu tiên của câu truyện tình mà Thiên Chúa qua Đức Kitô dành cho chúng ta. Hôm nay, chúng ta giở tiếp những trang truyện tình đó, cụ thể qua cuộc gặp gỡ rất đẹp giữa Đức Kitô với người phụ nữ Sa-ma-ri tại bờ giếng của ông Gia-cóp.

Đầu tiên chúng ta đọc đoạn Kinh Thánh kể về cuộc gặp gỡ ở trên. Bối cảnh của câu truyện là bờ giếng của ông Gia-cóp. Thời gian câu truyện xảy ra vào khoảng mười hai giờ trưa nóng nực. Nhân vật trong câu truyện là Chúa Giê-su với tâm trạng mỏi mệt sau quãng đường dài Ngài mới đi qua với các môn đệ, và người phụ nữ Sa-ma-ri đến lấy nước nơi giếng Gia-cóp.

Như thế là hai người xa lạ không hẹn mà lại gặp nhau. Cuộc gặp gỡ bình thường như mọi cuộc gặp gỡ khác. “Chị cho tôi xin chút nước uống! ” Người mở đầu cuộc gặp gỡ là người đang cần nước, nhưng lại không có gầu để kín. Đó là Chúa Giê-su. Trước câu hỏi bất ngờ của Chúa Giê-su, chị phụ nữ lên tiếng: “Ông là người Do-thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Sa-ma-ri, cho ông nước uống sao? » Bình thường thì người Do-thái không bao giờ bắt truyện với người Sa-ma-ri, hơn nữa ở đây với người phụ nữ xứ Sa-ma-ri. Vì thế, hành động này của Chúa Giê-su là một điều bất thường. Chúa phản ứng thế nào về sự ngạc nhiên của người phụ nữ ? Ngài nói : “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: “Cho tôi chút nước uống”, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống. Câu nói của Đức Kitô đưa câu truyện theo một hướng khác hẳn. Giờ đây Đức Kitô không còn là người xin nước, mà Ngài chính là nguồn nước sẵn sàng trao ban, nguồn nước của ân sủng, của tình yêu và ơn cứu rỗi cùng sự sống đời đờ: “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời”.

Điểm chuyển hướng của câu truyện là thế đó. Chúa Giê-su khát và xin một ly nước để giải khát lại trở nên Người làm chủ nguồn nước, nhưng không chỉ là nguồn nước bình thường mà là nguồn nước sống động, nguồn Nước Trường Sinh. Ngài hứa ban cho người phụ nữ Sa-ma-ri nguồn nước mà khi chị uống vào thì sẽ nguồn nước trở nên nguồn sống trong Chị và nguồn nước đó sẽ đem lại sự sống đời đời. Như vậy, người uống thứ nước đó không bao giờ khát nữa. Ở đây, giếng nước này là biểu tượng luôn gắn liền với lich sử cứu chuộc của dân Ít-ra-en (Đức Benedicto XVI, Jesus von Nazareth, t.283).

Trong giờ cầu nguyện hôm nay, chúng ta có thể đi vào vai của người phụ nữ Sa-ma-ri. Như người phụ nữ đó, chúng ta gặp gỡ Đức Kitô ở bờ giếng. Ngài xin nước chúng ta, nhưng thực sự Ngài có khát không ? Và nếu Ngài khát thì Ngài khát cái gì ? Lời Ngài làm chuyển hướng câu truyện, và đưa Ngài từ vai trò của người khát và xin nước, trở thành người sẵn sàng ban phát nguồn nước là chính Ngài có ý nghĩa gì đối với chúng ta ?

Phần chúng ta, là người phụ nữ trong câu truyện, ngay từ lúc đầu chúng ta đi tìm nước, chúng ta có gầu sẵn trên tay đó, nhưng làm sao chúng ta có thể tìm được nguồn nước đích thực, nguồn nước tuyệt vời nhất, nguồn nước làm cho cơn khát phải ngừng khát?

Chúng ta hãy nhẩm đi nhắc lại lời Đức Kitô nói với chúng ta : “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời”.  Chúng ta cảm nghiệm được gì qua lời đó? Chúng ta có cảm thấy mình ao ước như người phụ nữ khiêm nhường cầu xin: “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước”. Và cũng trong tâm tình này, chúng ta cũng hiệp lời với thánh vịnh gia để cầu cùng Chúa :

“Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong,

hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa” (Tv 42, 2).

Chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta tìm được nguồn nước trường sinh, tìm được sự hiện diện kề bên Chúa, vì ở bên Chúa chính là hạnh phúc trường cửu của cuộc đời chúng ta. Khi ở bên Chúa thì chúng ta không còn khát nữa. Thật vậy, khát làm sao được nữa, khi nguồn nước là chính Ngài đang ở bên cạnh và ở trong lòng chúng ta.

Kết thúc chúng ta tâm tình với Chúa Giê-su, nguồn nước trường sinh và đọc kinh Lạy Cha.

Tôi nhớ lại bài tập sống trong tuần: tập sống hy sinh một điều gì đó.

 

 

Kiểm tra tương tự

Khóa học: “Tông huấn Đức Kitô Hằng Sống”

  Bạn thân mến!   Trong Tông Huấn “Đức Kitô Hằng Sống” Đức Thánh Cha …

Cuộc đời Thánh Anê dạy chúng ta biết coi trọng con trẻ

  Là người lớn, chúng ta luôn có những điều cần phải học hỏi từ …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *