[Mến Yêu Hằng Ngày]: 4.9.2019, Lc 5,1-11

MẾN YÊU HẰNG NGÀY

Thứ 5, 05-09-2019 (Lc 5,1-11)

Một hôm, Đức Giê-su đang đứng ở bờ hồ Ghen-nê-xa-rét, dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa. Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. Đức Giê-su xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Si-môn, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông.

Giảng xong, Người bảo ông Si-môn: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.” Ông Si-môn đáp: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.” Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm.

Thấy vậy, ông Si-môn Phê-rô sấp mặt dưới chân Đức Giê-su và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Si-môn và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc. Cả hai người con ông Dê-bê-đê, là Gia-cô-bê và Gio-an, bạn chài với ông Si-môn, cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ Đức Giê-su bảo ông Si-môn: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.” Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người.

 

SUY NIỆM

“Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.”

“Chỗ nước sâu” là nơi thật xa bờ và ở một mức độ nào đó thì đây là một nơi thiếu sự an toàn. Và vì là chỗ nước sâu, nên tấm lưới cũng phải đủ to, rộng, và dài để thả sâu xuống đáy mà bắt những loài vật sinh sống nơi ấy. Chúng ta cần lưu ý một điều là lời đề nghị thả lưới của Chúa Giê-su đưa ra sau khi các ông đã “vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả” và các thợ đánh cá thì “đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới” – họ đang chuẩn bị ra về nghỉ ngơi. Không những vậy, việc Simon làm theo lệnh truyền của Chúa mà tiếp tục mang lưới ra khơi để thả khi trời đã sáng hẳn là ông đã đón nhận bao ánh mắt chế giễu của những ngư phủ nơi ấy. Bởi vậy, như Chúa Giê-su mời gọi Simon một lần nữa ra khơi, chúng ta cũng được mời gọi bước ra khỏi vùng an toàn của chính mình, bỏ lại những thoải mái tiện nghi để làm theo lời Ngài mà “thả lưới”, bất chấp những tri thức, kinh nghiệm con người của ta và cả ánh nhìn giễu cợt của người khác. Không những thế, để thả chỗ nước sâu, chúng ta cũng phải trang bị cho mình tấm lưới đủ to, rộng, và dài – đó là tấm lưới được dệt nên bởi đời sống cầu nguyện, các nhân đức, ân sủng và đặc biệt là Lời Chúa.

Hình ảnh thả lưới nơi nước SÂU còn gợi lên một điều rằng: Để loan báo và mang Tin Mừng đến cho mọi người như Chúa mời gọi, chúng ta phải nỗ lực dấn thân làm hết sức mình, hết con tim ở mức độ SÂU nhất có thể. Khi lắng nghe và làm theo lời Ngài, chúng ta phải dám phó thác hết thảy chính mình cho ý Chúa dù có khi phải theo một cách “bất bình thường” đi chăng nữa, và khi ấy, chính Chúa sẽ “thu phục” làm cho nhiều linh hồn trở lại. Việc “bắt được rất nhiều cá” sẽ đến theo cách thức và thời gian mà chúng ta không ngờ – Đó rõ ràng là công trình của Chúa!

Lời mời gọi mà Chúa Giê-su đưa ra cho Simon có vẻ không đúng lúc, và khá ngược ngạo đối với con người khi ấy. Ngài cũng không hối thúc hay ép buộc ông phải đáp trả theo cách Ngài muốn. Ngài chờ đợi, và để ông tự do quyết định chấp nhận hay từ chối. Đó là một lời mời gọi đầy yêu thương với bao tôn trọng tự do. Ngày nay, Ngài cũng đang mời gọi và chờ đợi ta như thế.

Giữa một xã hội ồn ào, trọng vật chất và thỏa mãn cá nhân như hiện nay, thật khó để chúng ta nghe được tiếng Chúa, và cũng thật khó để đáp lại theo cách Ngài muốn. Tuy nhiên, thử nghĩ xem chuyện gì sẽ xảy ra nếu như Simon cười chế giễu Chúa Giê-su và trả lời rằng: “Xin lỗi Ngài, nhưng hôm nay chúng tôi đã đánh cá xong rồi. Có lẽ Ngài nên quay lại vào ngày mai đi thôi.” Nếu như Simon phản ứng lại như thế, ông sẽ không được Chúa chúc phúc với lưới đầy những cá, và cũng sẽ không thể trở nên công cụ như ý Chúa muốn. Chúng ta cũng vậy. Nếu chúng ta không lắng nghe tiếng nói của Chúa trong cuộc sống hằng ngày và không làm theo các lệnh truyền của Ngài, thì chúng ta cũng sẽ chẳng thể nhận được những ơn lành Ngài rất muốn trao ban cho ta, và chúng ta cũng sẽ không được Chúa mời cộng tác như cách mà Chúa muốn chúng ta cộng tác với công trình cứu độ của Ngài. Nếu một công cụ mà không được dùng như mục đích nó được tạo ra, thì sự tồn tại của nó còn có ý nghĩa gì chăng? Liệu nó có còn được gọi là công cụ nữa hay không?

Bởi thế, hôm nay, bạn hãy dành thời gian để phản tỉnh về sự mau mắn sẵn sàng của bạn trước tiếng Chúa mời gọi trong những việc bé nhỏ hằng ngày, cũng như trong các việc lớn lao. Bạn có sẵn sàng nói “xin vâng” với Ngài trong mọi sự không? Bạn có sẵn sàng bất chấp mọi hiểu biết, mọi lẽ thường để làm theo hướng dẫn của Ngài không? Ước gì mỗi người chúng ta có thể học được như Simon, biết thưa “vâng lời Thầy” mỗi ngày trong cuộc sống mình.

—//—-//—-

Biên dịch: Nhóm Bạn Đường Linh Thao

Nguồn: https://mycatholic.life/books/catholic-daily-reflections-series/ordinary-time-weeks-18-34/twenty-second-week-in-ordinary-time/

Kiểm tra tương tự

Tông Đồ Cầu Nguyện, 02-01-2025

TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 2/1/2025 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG Bước đi trên con …

Mến Yêu Hằng Ngày, 02-01-2025

MẾN YÊU HẰNG NGÀY Thứ 5, 02-01-2025 (Ga 1,19-28) Và đây là lời chứng của …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *