Dâng hiến sáng tạo (36)

VI. HƯỚNG DẪN TÂM LINH

Việc chấp nhận người thụ hướng

Một khi đã thực hiện được tương quan tốt đẹp thì mối hiệp thông liên vị còn có nhiều khác biệt trong phẩm tính và chiều sâu. Người ta có thể nói với kẻ khác về công việc và khó khăn của mình ở một mức độ rất hời hợt, không đi quá tình trạng lễ độ và vô thưởng vô phạt. Trong nhiều trường hợp khác, sự hướng dẫn có thể rất hữu hiệu, cả khi bên ngoài người thụ hướng không cho thấy một sự thay đổi rõ rệt.

Trong một vài hoàn cảnh khác, người thụ hướng, khi bàn bạc, có thể bị xúc động đến rơi lệ, hổ thẹn và lúng túng, hay còn đầy giận dữ và phẫn nộ nữa. Chính trong những lúc đó mà người ta phải thông cảm và chấp nhận kẻ ấy để không làm cho vấn đề của y thêm trầm trọng thay vì được giải tỏa. Nếu vị linh hướng cứ làm thinh hay lộ vẻ trái ý, khó chịu, hoặc đáp lại sự tức giận bằng thái độ hằn học, thì người ấy chứng tỏ sự ấu trĩ của mình và còn góp thêm những khó khăn mới vào những vấn đề sẵn có của kẻ thụ hướng. Để có thể thành công trong việc hướng dẫn kẻ khác, phải luôn làm chủ sự quân bình nội tại của mình.

Thái độ lạnh nhạt, dè giữ, xa cách đối với người thụ hướng đang bộc lộ những căng thẳng của họ bằng giận dữ và cay đắng, cũng tố cáo một sự thiếu kiểm soát nơi người hướng dẫn. Chúng phá hủy công hiệu tính của tương quan và có thể gợi lên những tâm tình áy náy sâu đậm nơi người thụ hướng. Các căng thẳng và vấn đề của một tu sĩ sẽ thêm chai lì trước sự lạnh nhạt và giận dữ và chỉ được giải quyết dưới tác động của tiếp đón và thân tình. Tình thương được chứng minh cách rõ ràng và sự chấp nhận chân thành còn có hiệu quả lớn lao trước mọi thứ thù oán và căm hờn, căng thẳng và trầm uất, hơn mọi hình thức minh nhiên của khuyên bảo và hướng dẫn.

Theo quan niệm thông thường của chúng tôi, tương quan gợi lên một thái độ khả ái và cởi mở từ phía người thỉnh cầu. Tuy nhiên sự thù hằn hay giận dữ của một tâm hồn bị thử thách có thể là một dấu hiệu tốt đẹp của sự tin tưởng. Các thái độ tiêu cực này làm cho tài ba và đức hạnh của vị linh hướng phải chịu thử thách khá nhiều. Sự chấp nhận và vô tư của vị ấy trước những biểu thị của sợ hãi và giận dữ là hai đức tính cốt yếu trong hoàn cảnh tương tự. Những sự xáo trộn này đòi hỏi phải được giải quyết với nhiều trưởng thành và kinh nghiệm hơn với một đời sống nội tâm sâu đậm hơn. Yếu tố hữu hiệu nhất dẫn đến một sự thay đổi sâu xa nơi một tu sĩ là chấp nhận kẻ ấy, mặc dù những biểu thị tiêu cực của y; điều này có thể là một khởi đầu để y cải thiện tình trạng của mình.

Người ta không bao giờ nhấn mạnh đủ về tầm quan trọng của việc chấp nhận người khác trong các tương quan nhân loại hữu hiệu. Cả khi người ta không thể chấp nhận các lỗi lầm và thái độ tiêu cực của kẻ ấy. Không có điều kiện tiên quyết này, người ta sẽ không bao giờ đạt đến một kết quả nào… Một vị linh hướng không có khả năng vượt lên trên các tình cảm tiêu cực của riêng mình và phải luôn đối kháng với tình trạng chống lại kẻ mình hướng dẫn thì nếu có thể được, nên mời người ấy tìm một người hướng dẫn khác.

Một bầu khí yên tĩnh

Dầu là hướng dẫn, khuyên bảo hay cứu xét một vấn đề nào, thì luôn phải có bầu khí yên tĩnh. Việc đàm đạo phải diễn ra trong một nơi thanh vắng, không điện thoại; không có nguy cơ bị quấy rầy. Hãy tưởng tượng tình trạng xúc cảm của một tu sĩ đang bộc lộ các tâm tình và các căng thẳng, đột nhiên bị cắt đứt vì bề trên phải trả lời điện thoại hay phải ra ngoài để tiếp chuyện một người khác. Kẻ đáng thương ấy cảm thấy lạc lõng và không thể tiếp tục, nên sẽ đổi đề tài và trốn tránh điểm cốt yếu của vấn đề. Chắc còn phải qua nhiều ngày tháng để đương sự có can đảm trở lại vấn đề. Về phía hướng dẫn viên cũng khó lòng mà trở lại như trước, và như vậy cũng không còn tương quan tốt đẹp nữa!

Dầu thái độ tiếp đón và giúp đỡ là điều cần phải có, nhưng điều đó thường không thực hiện được khi người ta có những công việc khác. Đối với những người đảm nhận việc linh hướng, đặc biệt là bề trên mà thời giờ rất giới hạn, thì tốt hơn nên có những giờ nhất định dành cho những cuộc gặp gỡ lâu dài (cũng như cho những lần tiếp xúc ít quan trọng hơn). Với một chút tiên liệu và sắp đặt, những trường hợp bị cắt ngang nhiều khi khó tránh, được giảm thiểu tối đa.

Những chi tiết nhỏ mọn trong lúc đối thoại cũng có thể tạo nên hậu quả bình an cho người thụ hướng. Bàn ghế đơn sơ, màu sắc đi đôi với một trật tự nào đó cũng giúp tạo ra những tâm tình nồng ấm và những thái độ cộng tác tốt đẹp. Những điều này nhiều khi khó thực hiện, nhưng không ai chối cãi là chúng rất hữu hiệu.

Tình trạng tinh thần của vị hướng dẫn còn quan trọng hơn bầu khí bên ngoài. Làm sao có thể mong chờ một sự trợ giúp thích đáng từ một con người lộn xộn, căng thẳng, quá bận tâm với những vấn đề riêng của mình để có thể tập trung vào vấn đề của kẻ khác. Dầu người ấy quá bề bộn công việc hay phải gánh vác quá nhiều, nhưng nếu họ bộc lộ điều đó thì làm hỏng cả công việc. Người đến gặp kẻ ấy cần được tiếp đón cách thư thả, thân mật, không hấp tấp vội vã. Cả khi họ đến với vẻ khó chịu, họ cũng phải luôn được tiếp đón lịch sự.

Như chúng ta đã thấy, những biểu thị tiêu cực cũng có tầm quan trọng của chúng và có thể còn bảo đảm hơn là sự hờ hững phơn phớt. Phản ứng của người hướng dẫn đối với các thái độ này rất là ý nghĩa cho người thụ hướng. Một tu sĩ mà nhận thấy bề trên hay đồng bạn luôn bình tĩnh, khả ái, kiên nhẫn và sẵn sàng, cả khi có nhiều người đang chờ đợi ở ngoài, thì được củng cố trong sự tín nhiệm. Nhưng nếu họ có cảm tưởng bị thúc giục, nhất là vào lúc cố gắng diễn tả tình trạng xung đột nội tâm, thì càng trở nên bối rối hơn, và do đó cũng ít bộc lộ hơn. Một linh hướng bực dọc thì vấp phải một hàng rào của những sự thoái thác và những thứ tự vệ khác; thái độ cộc cằn ít khi khuyến khích những việc thổ lộ tâm tình.

Khi tinh thần khôi hài bị thiếu vắng, thì việc hướng dẫn thường có nghĩa như mất thì giờ. Những tâm hồn đau khổ thì vô cùng bén nhạy trước sự thiếu nhã nhặn. Một lời nói quá mạnh, một sự thay đổi trong cung giọng có thể làm hỏng hết mọi kết quả tốt đã được thâu nhận. Một người hướng dẫn hững hờ hay cau có thì dần dần làm kẻ khác xa tránh; một vị hướng dẫn luôn bén nhạy và chú ý đến điều người ta tâm sự với mình thì thường được khuyến khích bởi lòng tin tưởng của kẻ khác đối với họ, bằng sự cộng tác và thiện chí của kẻ thụ hướng.

Tình trạng sức khỏe

Người hướng dẫn có thể bị giới hạn trong nhiệm vụ vì tình trạng sức khỏe của người thụ hướng. Đó là một điều cần lưu ý. Nếu một tu sĩ phải bệnh hay không được khỏe, thì tốt hơn là rút ngắn câu chuyện hay hẹn gặp lại vào một lúc khác. Diễn tả nội tâm của mình, xem xét các sự xung đột là một điều mệt nhọc thật sự, và đối với người không được khỏe mạnh thì điều này có thể là một cố gắng quá lớn.

Sức khỏe và mệt nhọc có thể được nhận biết cách dễ dàng qua nhiều dấu hiệu: nét mặt, dáng diệu thể xác, cách phản ứng nhanh chậm, hứng thú hoặc hững hờ. Người hướng dẫn cũng cần có sức khỏe về mặt thể lý cũng như tâm cảm, vì chức vụ của họ đòi hỏi nhiều chú ý và năng lực tâm thần. Việc thảo luận các vấn đề tâm cảm làm cho cả hai phía đều nhọc mệt. Những thứ bất an nho nhỏ như sổ mũi, nhức đầu, mất ngủ hay đói bụng, cũng có thể làm cản trở một tương quan tốt đẹp và phương hại đến hiệu năng của việc hướng dẫn.

Kiểm tra tương tự

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

[Giới thiệu sách] Hạnh Các Thánh Dòng Tên

Các Thánh và các Chân Phước trong Dòng Tên chính là những người đã đạt …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *