MẾN YÊU HẰNG NGÀY
Thứ 4, 10-07-2019 (Mt 10,1-7)
Rồi Đức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.
Sau đây là tên của mười hai Tông Đồ: đứng đầu là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê và ông Gio-an, em của ông; ông Phi-líp-phê và ông Ba-tô-lô-mê-ô; ông Tô-ma và ông Mát-thêu người thu thuế; ông Gia-cô-bê con ông An-phê và ông Ta-đê-ô; ông Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và ông Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, là chính kẻ nộp Người. Đức Giê-su sai mười hai ông ấy đi và chỉ thị rằng:
“Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Sa-ma-ri. Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en. Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần.
SUY NIỆM
Thật thú vị khi nhìn vào đặc ân phi thường mà các Tông đồ đã được trao ban để làm các phép lạ. Ngày nay hiếm khi chúng ta được chứng kiến những phép lạ như vậy, tuy nhiên, vào thời Giáo Hội sơ khai, dường như phép lạ là một điều khá phổ biến.
Trong quá trình rao giảng, chính Chúa Giêsu đã làm rất nhiều phép lạ phi thường. Và trong lúc sai các môn đệ ra đi rao giảng Nước Trời, Ngài cũng ban quyền để các ông làm các phép lạ kèm theo. Điều này có thể cho thấy, những phép lạ của Chúa Giêsu và các môn đệ là những minh chứng mạnh mẽ về quyền năng và sự hiện diện của Thiên Chúa. Thật vậy, chính Chúa Giêsu đã phán khi các Pharisêu chất vấn quyền năng của Ngài: “Còn nếu tôi dựa vào Thần Khí của Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông.” (Mt 12,28) Những dấu chỉ đó đã giúp cho việc rao giảng của các Tông đồ trở nên đáng tin hơn, giúp cho nhiều người được biến đổi, đồng thời củng cố đức tin cho những người đã, đang hoặc vừa mới trở lại theo Chúa. Nhưng khi Giáo hội ngày càng lớn lên, dường như việc làm nhiều phép lạ đã không còn cần thiết cho việc nhận thức Lời Chúa. Đời sống và lời chứng của các tín hữu cũng đã đủ để truyền bá Tin Mừng mà không cần sự can thiệp của phép lạ. Tử đạo và những hành động tuyên xưng đức tin cách mạnh mẽ đã trở thành những dấu chỉ hữu hiệu về sự hiện diện của Thiên Chúa.
Hiểu được điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho đời sống đức tin, vì chúng ta có thể thấy được điều gì đó tương tự như thế trong đời sống đức tin của chính mình. Thông thường, khi bắt đầu hành trình đức tin, chúng ta thường có nhiều trải nghiệm mạnh mẽ về sự hiện diện của Thiên Chúa bên mình. Nhưng theo thời gian, những cảm giác này dường như bắt đầu biến mất. Khi ấy, có thể chúng ta sẽ chất vấn liệu các cảm xúc ấy đã đi đâu hoặc tự hỏi liệu có phải chúng ta đã làm gì điều gì sai. Ở đây, có một bài học mà chúng ta cần phải hiểu.
Khi đức tin của chúng ta ngày càng lớn hơn, những niềm an ủi thiêng liêng mà chúng ta nhận được ngay từ đầu có thể mất dần, vì Chúa muốn chúng ta yêu thương và phụng sự Ngài bằng một đức tin và tình yêu thuần khiết hơn. Chúng ta nên tin và theo Ngài không phải vì Ngài làm cho chúng ta cảm thấy phấn khởi, nhưng vì yêu thương và phụng sự Ngài là một điều tốt lành và chính đáng để làm. Hay nói cách khác, đức tin của chúng ta cần được lớn lên ở một bình diện khác sâu sắc hơn là chỉ dựa vào những cảm giác, kinh nghiệm. Có thể chẳng dễ dàng, nhưng đây là bài học cốt yếu cho chúng ta.
Hôm nay, mời bạn hãy suy ngẫm xem đức tin của bạn sâu sắc và bền vững như thế nào. Bạn có biết và yêu Chúa ngay cả khi mọi thứ trở nên khó khăn và khi Ngài dường như ở cách xa bạn không? Hơn bất kỳ lúc nào hết, những khoảnh khắc đó là thời khắc mà niềm tin và sự cải hoá của chính bạn lớn mạnh nhất.
Chúa ơi, xin giúp con tin yêu vào Ngài để đức tin được nên sâu sắc, kiên vững và mạnh mẽ. Xin giúp con cậy nhờ vào đức tin ấy nhiều hơn bất kỳ cảm giác hay phép lạ bên ngoài nào. Xin Chúa giúp con yêu Ngài trước hết và trên hết mọi sự bằng một tình yêu đơn thành thuần khiết. Lạy Chúa, con tín thác nơi Ngài. Amen.
——//—-//——-
Biên dịch: Nhóm Bạn Đường Linh Thao
Nguồn: https://mycatholic.life/books/catholic-daily-reflections-series/ordinary-time-weeks-1-17/fourteenth-week-in-ordinary-time/