MẾN YÊU HẰNG NGÀY
Thứ 2, 04-03-2019 (Mc 10, 17-27)
Đức Giê-su vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Đức Giê-su đáp: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ.” Anh ta nói: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ.” Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.
Đức Giê-su rảo mắt nhìn chung quanh, rồi nói với các môn đệ: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!” Nghe Người nói thế, các môn đệ sững sờ. Nhưng Người lại tiếp: “Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.” Các ông lại càng sửng sốt hơn nữa và nói với nhau: “Thế thì ai có thể được cứu?” Đức Giê-su nhìn thẳng vào các ông và nói: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được.”
SUY NIỆM
Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. (Mc 10,21-22)
Có 2 hình ảnh quan trọng được đưa ra trong đoạn trích kinh thánh này. Hình ảnh đầu tiên đó chính là: phản ứng của Chúa Giê-su và hình ảnh còn lại là những phản ứng của anh thanh niên giàu có kia.
“Giê-su, Ngài đưa mắt nhìn anh thanh niên và đem lòng yêu mến”. Thật là quan trọng để nhận thức đúng về ý nghĩa của những câu chữ này, đây được xem như là những tiên báo cho anh thanh niên về những điều mà anh được Chúa Giê-su mời gọi. Ngài mời gọi anh từ bỏ mọi thứ anh có, phân phát tất cả rồi hãy đến theo Ngài. Và Chúa Giê-su mời gọi anh làm những điều đó với tất cả tình yêu.
Chúa Giê-su đang mời gọi chàng thanh niên trẻ kia để cùng với Ngài mà anh có thể thu góp về cho chính anh nhiều hơn những gì mà hiện tại anh đang có. Điều này giải thích lý do tại sao trước đó Chúa Giê-su đưa mắt nhìn anh với lòng yêu mến. Ngài mời gọi chàng thanh niên đi theo Ngài một cách hoàn toàn và triệt để.
Thế nhưng trong tình huống này, chính tình thương của Chúa Giê-su đã vô tình làm anh tổn thương bởi lẽ việc theo chân Chúa Giê-su là sự đòi hỏi hy sinh dâng hiến toàn bộ của cải.
Và thật khó khi sự hy sinh đó chí ít lại đến từ một người trong sạch và sống với quan điểm vật chất. Nhưng tình thương mà Chúa Giê-su dành cho anh thanh niên thì lại quá lý tưởng, Ngài mở ra và chỉ cho anh một con đường hạnh phúc đích thực nếu như anh biết giữ lòng mình khỏi những ràng buộc từ của cải để trong anh có một tâm hồn tự do mà bước theo Ngài và anh sẽ có được một kho tàng quý báu không bao giờ hư mất
Chúng ta được mời gọi để hành động giống như vậy. Nhưng không, có lẽ chúng ta không chỉ được mời gọi để theo chân chúa Giê-su bằng cách thức từ bỏ hoàn toàn và triệt để tất cả của cải vật chất mà hơn thế nữa chính chúng ta được mời gọi theo Chúa Giê-su với cùng mức độ của niềm tin và sự từ bỏ để sống cho thánh ý thiêng liêng của Ngài.
Chúng ta có thể nhận thấy rằng, trong xã hội ngày hôm nay có những lời mời gọi hấp dẫn để sắm cho mình sự giàu có. Thế nhưng ngoài tiền ra chúng ta còn có thể bị bám víu vào những thứ khác. Tôi có thể tự chất vấn bản thân rằng liệu ngày hôm nay nếu Chúa mời gọi tôi từ bỏ một thứ gì đó mà tôi cảm thấy khó để từ bỏ nhất để theo Ngài thì tôi sẽ từ bỏ điều gì? Có thể đó là một mối quan hệ chăng hay là một công việc, một địa vị nào đó.
Trở nên là một môn đệ đích thực của Chúa Giê-su có nghĩa là Ngài đang kêu mời tôi bước đi theo Ngài một cách vô điều kiện, không nơi tựa đầu, sẵn sàng cho đi bất cứ thứ gì và thậm chí là tất cả (cho dù Chúa có thể không yêu cầu chúng ta làm như vậy). Đó chính là sự sẵn sàng thoát ra khỏi những thứ làm mình lãng quên kho tàng sự sống vĩnh cửu bên Chúa.
Phản ứng của chúng ta đối với lời mời gọi trở nên tông đồ của Chúa là một chìa khóa quyết định. Chúng ta sẽ đáp lại lời mời gọi đó như thế nào, dâng hiến toàn bộ con người chúng ta? Phản ứng đầu tiên của anh thanh niên trong câu chuyện là sự buồn rầu. Anh ta đã không chấp nhận lời đề nghị mà Chúa Giê-su đưa ra. Chúng ta không biết liệu cuối cùng anh ta có theo Chúa Giê-su với một cách thức toàn bộ và triệt để hay không, nhưng điều mà chúng ta dễ nhận ra đó chính là phản ứng ban đầu của anh.
Liệu đó có phải cũng là những phản ứng ban đầu của chúng ta chăng. Chúng ta muốn tin tưởng và bước theo Chúa Ki-tô mà không quá đặt nặng về những yêu cầu Ngài đưa ra. Thế nhưng khi được đón nhận lời mời gọi cụ thể của Chúa và cần sự đáp lại, chúng ta lại buồn rầu quay đầu bỏ đi và cho rằng yêu cầu đó quá khắt khe.
Ngày hôm nay, chúng ta hãy ngẫm nghĩ về hình ảnh của anh thanh niên giàu có. Hãy nhìn vào chính cuộc sống của chúng ta để suy nghĩ, cân nhắc về câu hỏi: chúng ta đã sẵn sàng và tự nguyện như thế nào để trả lời “dạ” một cách hoàn toàn, triệt để về bất cứ những đòi hỏi nào Chúa đưa ra. Đáp lại “dạ” bằng con đường hy sinh là quyết định tuyệt vời nhất bạn có thể đưa ra. Trên thực tế, đó là sự bằng lòng đón nhận cho một sự sống vinh dự nhất bạn có thể sống.
Lạy Chúa, bước theo Ngài ở thời điểm này dường như thật khó và thật khắt khe. Thế nhưng Chúa ơi, xin giúp con biết tin tưởng tuyệt đối vào Ngài hơn là bám víu vào những ràng buộc mà con có trong thế giới ngày hôm nay
—–
Nhóm Bạn Đường Linh Thao
Nguồn:
https://livingspace.sacredspace.ie/o2082g/