MẾN YÊU HẰNG NGÀY
Thứ 5, 14-03-2019 (Mt 7, 7-12)
“Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao?” Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó.
SUY NIỆM
Tin Mừng hôm nay nói với chúng ta về đời sống cầu nguyện, đặc biệt là lời cầu nguyện xin ơn.
“Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho.”
Lời này như thể muốn nói: mọi điều ta cầu xin đều sẽ được nhậm lời. Tuy nhiên, những kinh nghiệm thực tế lại cho thấy điều này chẳng đúng chút nào. Lời này có thể gây cớ vấp phạm cho những ai xin hoài mà không được, “vượt lên chính mình” mãi mà vẫn thấy cảnh lầm than, cơ cực. Tôi xin trúng vé số mà ngay cả giải thấp nhất cũng chưa một lần được! Tôi cầu xin cho một bệnh nhân ung thư được khỏi bệnh nhưng rồi căn bệnh quái ác vẫn cướp họ đi! Vậy, phải chăng Đức Giêsu lừa dối chúng ta? Liệu còn có điều kiện nào mà chúng ta không biết?
Đúng vậy! Câu trả lời nằm ở những lời tiếp theo của Chúa Giêsu: “Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao?” Thiên Chúa luôn luôn đáp lại mong đợi của con người, nhưng không nhất thiết Ngài phải cho con người đúng điều, vào đúng lúc và theo đúng cách nó muốn. Thiên Chúa là Cha nhân hậu, chỉ ban cho con cái Ngài những điều tốt. Nhưng đâu là điều tốt thật sự? Đối với ta, đó là giàu sang, sống lâu, danh tiếng, thành công hay mạnh khỏe. Đối với Chúa, không hẳn là như vậy. Điều Ngài thấy tốt, đôi khi ta coi là hòn đá hay con rắn. Và ngược lại, điều ta coi là tốt bây giờ thật ra là điều nguy hại mai sau. Chúng ta không đời nào đưa dao sắc cho con của mình chơi; mặc dù khi làm như vậy, đứa trẻ sẽ cảm thấy khó chịu và giận dỗi. Nhưng người cha, người mẹ tốt sẽ cho con thứ khác phù hợp với chúng. Cũng vậy, với cái nhìn của người cha, Thiên Chúa biết điều gì thực sự tốt cho ta.
Chúa Giêsu nói rằng Thiên Chúa sẽ ban những “của tốt lành” đến với những ai kêu xin Ngài. Thiên Chúa gần và hiểu rõ ta hơn cả chính ta hiểu mình; Ngài biết ta cần gì và điều gì mới thực sự là “của tốt lành” để ban cho ta. Đến đây, hẳn một vài người trong chúng sẽ chất vấn: Nếu Thiên Chúa đã biết rõ những nhu cầu của ta rồi, vậy còn phải cầu nguyện làm chi?
Mục đích của việc cầu nguyện là giúp chúng ta nhận thức sâu xa hơn về chính mình, về những nhu cầu thực sự của bản thân. Những lời cầu nguyện là sợi dây gắn kết và làm cho mật thiết mối tương quan giữa ta với Thiên Chúa và với tha nhân, giúp ta trưởng thành hơn trong đời sống nhân linh. Lời cầu nguyện đẹp nhất là xin Ngài ban cho mỗi người chúng ta những gì là tốt cho cuộc sống đời sau, mang chúng ta lại gần Ngài hơn và giúp chúng ta sống trong sự thật và tình yêu với những người xung quanh. Nếu chúng ta cầu nguyện như thế, Thiên Chúa sẽ chẳng thể nào từ chối được.
Hãy nhớ lại lời cầu nguyện cùng Chúa Cha của Chúa Giêsu nơi Vườn Dầu, khi Ngài đang phải chiến đấu với nỗi sợ hãi khôn cùng, với sự kiệt quệ, suy sụp về mặt con người trước sự sống và cái chết: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.” (Mt 26, 39b). Thánh Phaolô trong thư thứ 2 gửi tín hữu Cô-rin-tô, cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm về cầu nguyện và lời cầu nguyện được nhậm lời như thế nào. “Thần Khí tỏ mình nơi mỗi người một cách, là vì ích chung. Chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tuỳ theo ý của Người.” (2 Cr 12, 7.11)
Điểm kết thúc của bài Tin Mừng hôm nay lại là lời mở ra cho tất cả chúng ta, đó là LỜI VÀNG THƯỚC NGỌC của Kinh Thánh, có thể coi là “LUẬT VÀNG” cho đời sống luân lý Kitô giáo: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta”. Lời này có lẽ gợi nhớ cho ta một câu nói khác của Khổng Tử: “Đừng làm điều gì mà bạn không muốn người khác làm cho mình.” Tuy vậy, chúng ta cần lưu ý lời mời gọi này của Chúa Giêsu hết sức mạnh mẽ và quyết liệt, khẳng định “hãy làm…” chứ không phủ định “đừng làm…”. “Hãy làm…” là ta phải bắt tay vào hành động thay vì chỉ khoanh tay và không làm gì cả như “đừng làm…”.
Bạn thân mến! Nếu ta mong đợi Thiên Chúa nhân hậu và quảng đại với mình, thì chắc chắn rằng chúng ta cũng phải nhân hậu và quảng đại sống cho tha nhân, yêu thương họ như yêu thương chính mình.
———
Nhóm Bạn Đường Linh Thao
Nguồn: https://livingspace.sacredspace.ie/l1015g/