“Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?“ (Rm 8,32).
Trong tuần qua, chúng ta đã cầu nguyện và khám phá lòng thương xót Chúa dành cho chúng ta. Tuần này, chúng ta vẫn tiếp tục chiêm ngắm khuôn mặt từ nhân của Thiên Chúa, nhưng cụ thể qua chính tình yêu vô bờ bến của Ngài. Chúng ta đọc lời trên của thánh Phao-lô.
Câu nói của thánh Phao-lô vang lên như một tâm tình ca tụng tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Một tình yêu thúc đẩy Thiên Chúa phải hiến dâng. Hiến dâng chính người con duy nhất của mình. Mà người con đó lại quý nhất nữa chứ. Thực vậy, làm sao có thể diễn tả được tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa đây. Có lẽ Thiên Chúa không cần chúng ta phải kể lể nhiều về tình yêu của Ngài, mà Ngài mong chờ chúng ta đi vào cuộc gặp gỡ với Ngài, và qua cuộc gặp gỡ đó chúng ta tin tưởng vào tình yêu của Ngài. Đây là một hành động rất căn bản của cuộc đời chúng ta, như chính Đức Benedicto XVI đã nói: “Chúng ta đã tin vào tình yêu Thiên Chúa: người Kitô hữu có thể diễn tả quyết định căn bản của đời mình như thế. Là Kitô hữu không phải là hệ quả của một lựa chọn luân lý hay một lý tưởng cao quý, nhưng là sự gặp gỡ với một biến cố, một người; một cuộc gặp gỡ trao ban cho cuộc sống một chân trời mới và qua đó là một hướng đi có tính chất quyết định. Phúc Âm thánh Gioan mô tả biến cố này trong những từ sau: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì… được sống muôn đời.”(Ga 3,16)“ (Đức Benedicto XVI, Deus caritas est, 1).
Như vậy, điều căn bản nhất của người Kitô hữu không phải là sống theo luật lệ luân lý, không phải là cứ mãi sợ hãi hình phạt đời đời, hay lửa hỏa ngục, cũng không phải là được Đức Mẹ hiện ra nói điều này điều nọ, hay có được những thị kiến siêu việt hơn người. Điều căn bản nhất của người Kitô hữu là gặp gỡ Thiên Chúa, như Mô-sê ngày xưa, như Mẹ Maria của chúng ta, và như rất nhiều vị thánh đi trước chúng ta. Trong cuộc gặp gỡ đó, chúng ta được Ngài ban tặng niềm tin và khi chúng ta tin tưởng vào Chúa, là chúng ta đi vào tương quan thân mật với Ngài. Chính Chúa dẫn chúng ta đến một chân trời mới, nơi có thảm cỏ xanh để chúng ta nghỉ ngơi, và nguồn suối ngon ngọt để chúng ta uống no thỏa.
Có một định nghĩa về đạo công giáo: Đạo công giáo là con đường gặp gỡ giữa người tín hữu với Thiên Chúa. Cuộc gặp gỡ này mang hai chiều kích, tập thể và cá nhân. Vâng, Thiên Chúa gặp gỡ từng người, nhưng cuộc gặp gỡ đó luôn diễn ra trong lòng của Giáo Hội. Vậy, tôi đã gặp được Chúa chưa? Nếu chưa thì tôi nên khiêm nhường xin Chúa cho tôi gặp gỡ được Ngài. Tôi khiêm nhường xin Chúa, vì cuộc gặp gỡ này không bởi do sức của tôi tạo nên, hay do lòng đạo đức đem lại. Mà trên hết, đó là ân sủng của Chúa. Nếu tôi đã gặp gỡ được Chúa, thì tôi hãy nhớ lại cuộc gặp gỡ đó, làm sống lại cuộc gặp gỡ đó trong giờ cầu nguyện và trong ngày sống. Và tôi cũng hãy nên diễn tả tâm tình của mình với Chúa, tâm tình của lòng tri ân và của niềm tin tưởng cậy trông. Kết thúc chúng ta đọc kinh Lạy Cha.
- Tập sống trong tuần: Trong tuần này, mỗi ngày tôi quyết tâm làm một việc tốt và mỗi ngày tập sống tinh thần biết ơn Chúa và cám ơn Anh Chị Em. Đặc biệt tôi chú ý đến giây phút hồi tâm, phần tri ân cảm tạ.
Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế, S.J.