[Mở lòng] – Thứ Ba sau Chúa Nhật I mùa Chay

“CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương” (Tv 145, 8).

Tiếp tục với chủ đề về lòng thương xót Chúa, hôm nay và một vài ngày tới, chúng ta sẽ cầu nguyện với thánh vịnh 145.

Đầu tiên, chúng ta cùng đọc câu thánh vịnh trên. Chúng ta hãy lập lại lời thánh vịnh này nhiều lần. Sau mỗi lần chúng ta nhắm mắt lại, và với câu thánh vịnh đó, chúng ta hãy tập vẽ lên một bức chân dung của Thiên Chúa đầy lòng nhân hậu trong tâm trí của mình.

Theo Đức Benedicto XVI, câu thánh vịnh trên là một tổng hợp về chân dung Chúa: Chúa là đấng “chậm giận và giàu tình thương.” Đó là những lời nhắc nhớ mà Thiên Chúa đã tỏ hiện trên núi Sinai, nơi Người nói: “Đức Chúa ! Đức Chúa! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín ” (Xh 34:6). Chúng ta có ở đây một sự chuẩn bị để tuyên xưng đức tin trong Thiên Chúa của Thánh Gioan Tông đồ, ngài nói với chúng ta cách đơn giản rằng Người là tình yêu: “Deus caritas est” (Thiên Chúa là tình yêu) (x. 1 Gioan 4:8,16). (Bài huấn đức của Đức Benedicto XVI về thánh vịnh 145,1-13).

Trở về với chính mình, trong giờ cầu nguyện và ngày sống hôm nay, để có thể „vẽ lên“ bức chân dung về Thiên Chúa cách tuyệt vời, tôi hãy tìm lại những dấu ấn của lòng thương xót mà Chúa để lại trong đời tôi, trong gia đình tôi, nơi người thân của tôi.

Tính cách tuyệt vời của bức chân dung về Thiên Chúa mà tôi vẽ lên không chỉ hệ tại ở khía cạnh nghệ thuật hay sự tưởng tượng, mà phần lớn dựa trên chính kinh nghiệm sống về lòng thương xót của Thiên Chúa. Hôm nay, tôi có thể dừng lại ở một kinh nghiệm cụ thể và nhìn lại cho thật kỹ khuôn mặt nhân hậu của Thiên Chúa biểu lộ ra lúc đó.

Cuối cùng thật đơn sơ, tôi lấy viết ra và họa lại những nét nhân hậu của Ngài. Nét họa này có thể là một lời cầu nguyện, một vần thơ, một tâm tình chân thành… Hay nếu ai muốn, cũng có thể cầm cọ để vẽ thực sự một bức chân dung về Thiên Chúa, Đấng giàu lòng xót thương.

Cuối cùng, tôi tâm sự với Chúa và đọc Kinh Lạy Cha để kết thúc giờ cầu nguyện. Chúng ta cũng nhớ tới điều tập sống

 

Tôi chú ý tập „mở mắt“ nhìn và khám phá lòng thương xót của Chúa qua một sự kiện cụ thể trong cuộc sống. Có thể sự kiện đó liên hệ đến tôi hoặc đến người khác. Cuối ngày, trong giây phút hồi tâm, tôi ý thức cám ơn Chúa về lòng thương xót của Ngài mà tôi đã khám phá trong ngày hôm nay.

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế, S.J.

Kiểm tra tương tự

Tại sao lễ Chúa Hiển Linh được coi là lễ hội ánh sáng?

  Lễ Chúa Hiển Linh tập trung cách đặc biệt vào thực tại Chúa Giêsu …

Facebook năm thứ 20: Tình Bạn đang thay đổi thế nào?

  Giống như khi một người hàng xóm lâu năm làm ta ngạc nhiên, chúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *