[Mở lòng] Thứ Ba sau Chúa Nhật V mùa Chay

“Ta sẽ ban cho chúng một trái tim và đặt thần khí mới vào lòng chúng. Ta sẽ lấy khỏi mình chúng trái tim chai đá và ban cho chúng một trái tim bằng thịt” (Ed 11,19).

Chúng ta đã nghe rất nhiều lần bài hát “Và con tim đã vui trở lại” của Đức Huy. Thực sự, chỉ với tựa đề bài hát này cũng nhắc nhớ một điều rất quan trọng, mà tiên tri Ê-dê-ki-en nói tới qua lời của Gia-vê Thiên Chúa: “Ta sẽ ban cho chúng một trái tim và đặt thần khí mới vào lòng chúng. Ta sẽ lấy khỏi mình chúng trái tim chai đá và ban cho chúng một trái tim bằng thịt”.

Trong bầu khí của mùa Chay, chiêm ngắm Chúa Giê-su, chúng ta nhận ra rằng, vì yêu thương nên Chúa đến để cùng chịu đau khổ, để mang vác thập giá của chúng ta. Qua đó, Ngài muốn biến trái tim chai đá của chúng ta và gọi mời chúng ta cùng biết đồng cảm, cùng biết đồng lao cộng khổ, Ngài ban cho chúng ta “trái tim bằng thịt”. Trái tim bằng thịt không đi ngang và phớt lờ trước hoàn cảnh đau khổ của người khác, mà trái tim đó dám tự để cho mình bị thương tổn, và dẫn đến một tình yêu có sức chữa lành, có tinh thần sẵn sàng giúp đỡ.

Vâng, con tim đã vui trở lại, vì con tim giờ đây đã trở thành con tim bằng thịt, không còn chai đá như ngày xưa nữa. Cái ngày xưa của hận thù, của sợ hãi, của ích kỷ và bất nhân. Với Gia-vê Thiên Chúa và cụ thể với chính Đức Kitô, con người sẽ không còn được phép để cho trái tim của mình ra chai đá nữa. Làm sao con tim có thể chai đá, khi Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên mọi con tim, là chủ của mọi tâm hồn lại tự mình đưa vai, cùng gánh vác những nỗi đau khổ của chúng ta. Ngài yêu thương chúng ta đến nỗi, Ngài đã rời bỏ trời cao, để xuống thật gần với chúng ta. Nhưng không chỉ thật gần mà còn hơn thế nữa, Ngài trở nên là xương là thịt, là một con người, mang một trái tim như chúng ta. Cuối cùng Ngài đã chết trên thập tự cho chúng ta. Trái Tim Ngài đã bị tổn thương, Trái Tim Ngài đã bị chết đi, để cho trái tim của chúng ta vui trở lại.

Đây là một hành động rất cao cả của tình yêu. Đức Kitô cũng đang kêu gọi chúng ta hãy cùng Ngài sống tinh thần này đó. Phần chúng ta đáp lại lời kêu mời của Ngài thế nào?

Chúng ta có dám để cho trái tim của mình bị tổn thương không? Nghĩa là chúng ta có dám để cho anh chị em đang đau khổ quấy rầy cuộc sống của mình không?

Chúng ta có dừng bước trước những người đau khổ, không chỉ để gởi một đồng cắc bố thí vào cái lon sắt, mà còn trao tặng cho họ một bông hồng tình yêu?

Kết thúc tâm tình với Chúa:

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết mở rộng lòng mình, để như Chúa chúng con dám can đảm sẵn sàng đến với anh chị em đang đau khổ, sẵn sàng để cho trái tim của chúng con bị tổn thương, để nhờ đó trái tim của những ai chúng con gặp gỡ trên đường sẽ vui trở lại. Amen.

 

Tôi nhớ đến bài tập sống trong tuần : mỗi ngày tôi tập sống “chết đi một lần”.

Kiểm tra tương tự

Tại sao nước Mỹ có ít bậc hiển thánh và chân phước?

  Có vị thánh nào gốc người Mỹ không, hay tất cả đều từ nơi …

Nghĩa trang Công giáo: Tuyến đầu chống lại nỗi sợ thế tục về cái chết

  Ông Peter Nobes, người quản lý các nghĩa trang Công giáo thuộc Tổng giáo …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *