“1 Vừa hết ngày sa-bát, bà Ma-ri-a Mác-đa-la với bà Ma-ri-a mẹ ông Gia-cô-bê, và bà Sa-lô-mê, mua dầu thơm để đi ướp xác Đức Giê-su.2 Sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt trời hé mọc, các bà ra mộ.3 Các bà bảo nhau: “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm ta đây? “4 Nhưng vừa ngước mắt lên, các bà đã thấy tảng đá lăn ra một bên rồi, mà tảng đá ấy lớn lắm.5Vào trong mộ, các bà thấy một người thanh niên ngồi bên phải, mặc áo trắng; các bà hoảng sợ.6 Nhưng người thanh niên liền nói: “Đừng hoảng sợ! Các bà tìm Đức Giê-su Na-da-rét, Đấng bị đóng đinh chứ gì! Người đã trỗi dậy rồi, không còn đây nữa. Chỗ đã đặt Người đây này!7 Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phê-rô rằng Người sẽ đến Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông.”8 Vừa ra khỏi mộ, các bà liền chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía. Các bà chẳng nói gì với ai, vì sợ hãi” (Mc 16,1-8).
Mác-cô đã tả lại hình ảnh của một ngày mới gắn liền với ánh dương vừa ló dạng. Ngày đó đánh dấu một bước ngoặc của nhân trần. Ngày đó sự chết và sự sống gặp nhau ở một điểm chung, để rồi sự chết sẽ không còn chết nữa và sự sống tiếp tục sống trong sự sống mới.
Truyện kể rằng, vào sáng sớm ngày hôm đó, ngày thứ nhất trong tuần, có ba phụ nữ khăn gói ra thăm mộ Thầy mình, Người mà các bà đã theo bước và đã cùng chia sẻ những nỗi khổ trên con đường chông gai, cũng như các bà đã chứng kiến cái chết của Thầy.
Khi Ánh Dương ló dạng và một ngày mới bắt đầu, nỗi đau buồn của các bà đã vơi đi một chút? Các bà phần nào đã chấp nhận được sự ra đi của Thầy mình? Giờ đây các bà ra mộ với một bình dầu thơm trên tay. Khi Thầy sống các bà đã luôn kính trọng, giờ Thầy nằm xuống các bà vẫn muốn tỏ lộ lòng kính trọng yêu thương. Phải chăng cái chết không thể ngăn cách được tình yêu? Phải chăng cái chết không có nghĩa là mất mát?
Truyện kể tiếp rằng, khi tới cửa mộ thì các bà đã đụng phải một chướng ngại lớn. Một tảng đá lớn lấp lối vào mộ. Với sức phụ nữ làm sao có thể lăn tảng đá ra đây? Với sức con người làm sao có thể dẹp chướng ngại vật to tổ bố, đang ngăn cản con người tin vào một Đấng đã chết giờ đây lại sống lại? Ai có thể lăn dùm tảng đá lớn này ra, để các bà có thể vào với Đấng Yêu Thương? Các bà ngơ ngác nhìn nhau, hỏi nhau và bất lực. Nhưng kìa tảng đá đã được lăn ra. Ai lăn vậy? Chẳng biết nữa, nhưng chỉ biết rằng sức mạnh siêu nhiên đang hiện diện đâu đây.
Chướng ngại đã được dẹp qua một bên, tảng đá đã được lăn đi, lối vào đã mở. Hãy vào thôi! Vừa bước vào mộ, các phụ nữ hoảng sợ ngay, vì họ thấy một người thanh niên lạ, mặc áo trắng ngồi bên phải mộ. Sự gặp gỡ này đâu được hẹn trước. Mà người họ gặp lại không bình thường như bao con người. Hơn nữa, ai lại không run rẩy khi đứng trước một người của thế giới siêu nhiên?
Sự run sợ của các phụ nữ xen lẫn sự ngạc nhiên. Sự run sợ tiếp nối sự mất mát người Thầy kính yêu. Sự run sợ trong mộ càng lớn hơn, khi họ khám phá rằng xác của Thầy không còn trong mộ nữa. Tưởng rằng tảng đá lớn bên cửa mộ đã được lăn ra, thì chướng ngại đã được dẹp đi. Tảng đá lớn kia giờ đây không so được với chướng ngại mới đang hiện diện trong ngôi mộ trống. Chướng ngại của run sợ, chướng ngại của mất mát, của đau đớn trong tâm hồn các phụ nữ về sự ra đi của Thầy. Chướng ngại này đã đè nặng niềm tin của các bà. Chướng ngại này nhiều người của thế giới hôm nay đã và đang gặp phải. Làm sao sự sống có thể vượt qua được sức mạnh của sự chết? Làm thế nào sự sống có thể tồn tại được giữa những đau khổ và bất nhân của cuộc đời? Chướng ngại này đã “đào bới” niềm tin của biết bao người và đã tra vấn họ: “Làm sao còn có thể tin vào Thiên Chúa từ nhân được nữa? Ngài đâu rồi? Sao thế giới hôm nay lại có nhiều chết chóc, nhiều sự dã man, nhiều bất công đến vậy? Ai có thể lăn tảng đá lớn của đau khổ trong cuộc đời ra khỏi cửa mồ, để con nguời hôm nay gặp được Đấng làm chủ sự sống và sự chết đang hiện diện với ánh hào quang mới?”
Truyện kể tiếp rằng, giữa khung cảnh sợ sệt đó, người thanh niên lạ lẫm kia lên tiếng. Một tiếng nói phá tan bầu khí lạnh lùng của ngôi mộ trống. Một tiếng nói sưởi ấm lòng người đang bần thần và đau đớn: “Đừng hoảng sợ! Các bà tìm Đức Giêsu Na-gia-rét, Đấng bị đóng đinh chứ gì! Người đã sống lại rồi không còn ở đây nữa. Chỗ đã đặt Người đây này!”
Tiếng nói này có thể trấn an được những tâm hồn bất an kia không? Làm sao có thể trả lại bình an cho các phụ nữ, khi họ không còn tỉnh táo để đón nhận và hiểu được lời người thanh niên nói? Làm sao niềm vui Phục Sinh của Thầy, của sự sống mới đi vào được tâm hồn của các phụ nữ, để các bà vui mừng và cất tiếng tung hô, khi niềm tin của họ vào Đấng Phục Sinh đang bị một tảng đá lớn là chính sự run sợ đè nặng cõi lòng?
Hơn nữa, Phục Sinh là gì vậy? Ai ở trong đau khổ, ai đang run lẩy bẩy và mất hết hồn vía có thể hiểu được ý nghĩa của hai từ “Phục Sinh”?
Dù cảm được chướng ngại đang đè nặng các phụ nữ, người thanh niên mặc áo trắng vẫn nói tiếp: “Các bà hãy đi và nói với môn đệ Người và ông Phêrô rằng Người sẽ đến Ga-li-lê trước các ông. Ở đấy các ông sẽ thấy Người, như Người đã nói với các ông!” Các phụ nữ đã phản ứng như thế nào trước lời nói đó?
Họ đã ra khỏi mộ! Nhưng khi vừa ra, họ đã nhanh chân cao chạy xa bay. Phải trốn thôi! Hơn nữa, vừa chạy vừa run lẩy bẩy nữa chứ. Hồn vía của họ đã lên mây. Tảng đá ở cửa mộ mà họ gặp vào buổi sáng sớm đã không đánh bật họ ra. Nhưng ngôi mồ trống và chính sự sợ hãi đã bắt họ phải đào thoát. Sự sợ hãi của các phụ nữ lớn hơn cả lời kêu gọi của Thiên Thần: “Đừng hoảng sợ”. Trong sự sợ hãi này các phụ nữ đã trở thành những con người đui mù, đến nỗi họ không thể nhận ra và hiểu được sứ điệp của người thanh niên. Sợ hãi đã ngăn cản họ nhớ lại con người của Thầy và những lời loan báo của Thầy về sự Phục Sinh trước khi Thầy ra đi.
Trong khi sợ hãi tột cùng như vậy, các phụ nữ đã trốn chạy và chẳng nói gì với ai. Không lẽ tin mừng Phục Sinh sẽ bị chôn vùi vào trong “mảnh đất của run sợ sao”?
Nên im lặng hay nên loan báo về sự Phục Sinh của Thầy dấu yêu đây? “Im lặng” một điều quan trọng mà thánh sử Mác-cô hay lập đi lập lại. Khi Chúa Giêsu còn sống và hoạt động, Ngài luôn luôn đòi hỏi các người mà Ngài chữa lành phải im lặng, không được “rỉ tai” hay “loan báo” giữa chợ đời về những phép lạ Ngài làm. Ngay cả khi Chúa Giêsu biến hình trên núi Ta-bo Ngài cũng bắt các môn đệ chứng kiến biến cố huy hoàng đó phải im lặng, không được “ngồi lê mách lẻo” về chuyện đó cho đến khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại.
Nhưng hôm nay, Chúa Giêsu đã sống lại rồi. Các phụ nữ và những người tin vào Chúa Giêsu, trong đó có chúng ta, nên tiếp tục im lặng hay ngược lại cần phải mở lời, cần loan báo giữa chợ đời hôm nay về một niềm vui lớn lao? Niềm vui về sự hội ngộ giữa sự sống và sự chết, để rồi sự chết sẽ không còn chết nữa, sự sống tiếp tục sống bằng một sự sống mới bắt nguồn từ Đấng Phục Sinh.
Trong niềm tin vào Chúa Giêsu, vẫn biết rằng cần phải loan báo sự Phục Sinh của Ngài. Nhưng sao vẫn không mở lời được, sự sợ hãi vẫn còn vương vấn đâu đây, chướng ngại trên con đường tin vào Đấng Phục Sinh vẫn chưa được dẹp đi. Phải chăng chướng ngại này không thể dẹp đi được? Phải chăng sợ hãi đã đẩy lui niềm vui Phục Sinh vào trong tận cùng của đêm tối? Phải chăng Ánh Dương đời đời kiếp kiếp bị mây đen phủ lấp?
Ngày mới đang bắt đầu! Mặt trời đang hé mở!
Hãy lên đường ra mộ của Thầy, kỳ này không phải để xức dầu thơm cho xác của Thầy, mà là gặp gỡ Thầy với ánh hào quang Phục Sinh. Tảng đá lớn là chướng ngại của run sợ đang nằm nơi cửa mộ, đang nằm trong chính tâm hồn của các phụ nữ và của mỗi người chúng ta. Điều quan trọng là hãy để cho sức mạnh của siêu nhiên lăn tảng đá đi, hãy để cho chính Thần Khí Thiên Chúa dẹp tan nỗi sợ hãi trong lòng chúng ta. Như Mẹ Maria cũng đã run sợ, khi thiên thần xuất hiện và truyền tin cho Mẹ. Nhưng Mẹ đã mở lòng cho Thần Khí Thiên Chúa ngự trị, để niềm vui cứu độ của Thiên Chúa dành cho mọi người trở thành niềm vui của Mẹ. Giờ đây chúng ta hãy xin Thần Khí đến ngự tràn trong tâm hồn, để niềm vui Phục Sinh mang lại ơn cứu độ trở thành niềm vui của chúng ta.
Thực vậy, hãy nhìn kìa !
Chúa Giêsu đã sống lại thật rồi !
Đừng hoảng sợ nữa!
Hãy chạy đến và quỳ xuống bên chân Ngài
như xưa Maria Mác-đa-la đã làm khi chính cô đi tìm Thầy của cô.
Đấng Phục Sinh sẽ kêu tên mỗi người chúng ta,
như xưa kia Ngài đã thân thương kêu tên “Maria”.
Hướng nhìn lên Đấng Phục Sinh, chúng ta nhận ra rằng:
Nơi nào con người đụng đến tảng đá và chướng ngại vượt quá sức của mình, thì Thiên Chúa sẽ ra tay và lăn tảng đá qua một bên. Lúc nào con người dù khôn ngoan biết mấy mà vẫn không tìm được lối thoát ra khỏi sự sợ hãi và nỗi thống khổ của mình, thì hãy xem kìa, lúc đó Thiên Chúa sẽ đỡ nâng. Khi nào kẻ thù của những người công chính nghĩ rằng, chúng đã chiến thắng một trăm phần trăm, thì Thiên Chúa sẽ xuất hiện và cứu giúp những người công chính của Ngài.
Nếu sự chết nói rằng: “Ta làm chủ con người, chế ngự thế giới và trái đất hôm nay”, thì Thiên Chúa sẽ đáp lời bằng cách Ngài vẫn cho vầng Dương ló dạng và một ngày mới với sự sống mới lại bắt đầu.
Vì vậy, cùng với Chúa Giêsu Phục Sinh,
chúng ta trở dậy và ra khỏi đêm đen!
Chúng ta cùng lên đường!
Đừng im lặng, ngược lại hãy nói với tất cả mọi người chúng ta gặp trên đường:
“Chúa Giêsu đã sống lại !”
- Bài tập sống trong tuần lễ Phục Sinh: Sống với niềm vui Phục Sinh.
Mỗi ngày sống, khi thức giấc, điều đầu tiên chúng ta làm, là hãy chạy đến với Chúa Giê-su Phục Sinh và chúng ta hãy nở một nụ cười thật tươi với Ngài.
Và trong mỗi ngày sống, chúng ta hãy làm một điều gì đó đem lại niềm vui cho người khác.