Thánh Anphong Rodriguez – Bổn mạng anh em Tu huynh (Lễ nhớ ngày 31.10)

“Lạy Chúa, con đang đến”. Với mấy tiếng này, thầy Anphong tiếp đón mọi người với nụ cười

THÁNH ANPHONG RODRIGUEZ

(1531-1617)
Bổn mạng của anh em Tu huynh
(Lễ Nhớ ngày 31 tháng 10
)

 Suốt đời thầy Anphong Rodriguez chưa bao giờ đặt chân đến Rô-ma. Nhưng ngày 15/01/1888, mãi 357 năm sau khi thầy chào đời, thầy đã được đón tiếp trọng thể hơn bất kỳ vị tướng lãnh nào trở về Rô-ma sau khi chiến thắng khải hoàn. Buổi sáng Chúa Nhật hôm đó, Đức Lê-ô XIII long trọng ghi tên thầy Anphong Rodriguez vào sổ bộ các thánh.

Thầy Anphong là một vị thánh âm thầm. Nếu có một ký giả đề nghị viết tiểu sử của thầy để đăng báo, thì chắc sẽ được vị chủ bút cảm ơn khéo. Không bột sao gột nên hồ, mà con người này lại chẳng có gì đáng nói cả! Nhưng đánh giá thầy Anphong như vậy thì thật là hời hợt và thiếu sót. Vì có lẽ, điều quan trọng không phải người ta đã làm gì, nhưng đã làm như thế nào. Điểm này sẽ giúp chúng ta thấy đúng hơn những việc thầy Anphong đã làm.

Hình như hạt giống thánh thiện đã được gieo vào lòng cậu bé Anphong lúc 9 tuổi khi gặp Phê-rô Favre lần đàu tiên. Cha Phê-rô Favre trong khi đi giảng thuyết ở Tây Ban Nha, một lần kia đã đến ở trọ trong một căn nhà của ông thân sinh cậu bé Anphong. Ông nhà buôn len sợi giàu có này cho cậu bé Anphong đến giúp đỡ cha Favre. Để đền ơn cho cậu bé, cha Favre dạy cho Anphong biết phải làm thế nào để phụng sự Chúa, đó là làm mọi sự theo thánh ý Ngài. Nhiều năm sau, thầy già Anphong nhớ lại thời thơ ấu, đã coi đó là một ơn đặc biệt vì được sống trong cùng một căn nhà với đấng thánh.

Ít lâu sau, Anphong có dịp thực hành lời dạy của cha Favre. Năm 1545 khi Anphong lên 14 tuổi thì thân phụ qua đời. Cùng lúc ấy khắp nước Tây Ban Nha gặp cơn khủng hoảng về len sợi, và cả gia đình rơi vào cảnh sa sút. Anphong đứng tên chủ hàng, nhưng thật ra bà mẹ lo liệu hết mọi việc. Bà gồng mình để chống đỡ căn nhà lẹp xẹp. Bà thuyết phục được Anphong lập gia đình với một cô gái gia đình giàu có để cứu vãn tình thế. Nhưng bao nhiêu cố gắng của bà cũng chỉ là công dã tràng.

Ánh nhìn của thánh Anphong Rodriguez – Tranh của Họa sĩ Francisco de Zurbarán (1598 – 1664)

Từ khi mồ côi cha, Anphong thấy những năm tháng nằng nề trôi qua, ngày càng gặp nhiều khó khăn về tiền bạc. Và sau khi lập gia đình, thêm bao nhiêu nỗi sầu khác lại chồng chất mãi lên vai. Mới 5 năm sau ngày cưới, chàng đã phải chịu đựng 3 đám tang: vợ và 2 con. Sau đó 3 năm, tức là năm 1565, đứa con sống sót cuối cùng cũng vĩnh biệt người cha đau khổ.

Giữa bao nhiêu cảnh rơi lệ ấy, Anphong vẫn nhớ lời cha Favre dạy, và luôn hướng trọn lòng về Chúa. Chàng bắt đầu chăm chỉ cầu nguyện và hãm mình. Đến cuối năm 1568 sai khi thanh toán xong công việc buôn bán, chàng đến gõ cửa xin vào Dòng Tên. Nhưng vì chàng đã 37 tuổi, lại ít học, nên không được nhận.

Thấy vậy, Anphong quyết định đi học thứ tiếng Latinh hóc búa. Chàng vào học lớp vỡ lòng cùng với đám trẻ ranh tinh nghịch. Sau hai năm đổ mồ hôi sôi nước mắt, chàng nhận thấy mình không thể nào học được, và đành dứt nghiệp bút nghiên.

Trong thời gian đó, chàng vẫn tiến tới trong đời sống thiêng liêng, và luôn giữ đức khiêm tốn, khó nghèo. Trước khi đi học, có bao nhiêu tiền, chàng đã cho các em gái và người nghèo tất cả. Chàng đến Valencia không một xu dính túi, và sống hoàn toàn nhờ lòng tốt của người khác. Hoàn cảnh của chàng đỡ chật vật hơn khi  nhờ cha linh hướng, chàng tìm được việc làm trong một gia đình khá giả. Nhiệm vụ của chàng là giúp việc nhà và dẫn con cái ông chủ đi học.

Cuối năm 1570, một lần nữa chàng đến gõ cửa xin vào Dòng Tên, lần này chàng xin làm trợ sĩ. Nhiều người nghĩ rằng chàng sẽ chẳng làm được chuyện gì nên hồn trong Dòng, nhưng cha giám tỉnh lại nghĩ khác. Ngày 31.1.1571, Anphong vào nhà tập. Sáu tháng sau tập sinh 40 tuổi này được gởi đến học viện Montesien ở Palma trên đảo Majorca. Chính ở đây thầy Anphong sẽ sống 46 năm cuối của cuộc đời thầy.

Ban đầu thầy được chỉ định lo việc lặt vặt trong nhà. Đã có những lúc thầy làm thợ hồ trong công tác xây cất nhà nguyện mới. Thầy đã cố gắng hết sức, nhưng càng để thấy rõ hơn thầy không phải là một thợ xây giỏi. Rồi thầy giúp việc cho thầy coi phòng thánh. Ở nhà, thầy luôn tay với những công việc không tên: quét nhà, lau bụi, rửa chén, lau bàn… Thầy làm mọi sự rất chu đáo. Để phụng sự Chúa, thầy luôn luôn sẵn sàng làm bất cứ việc nào.

Năm 1580, thầy được chỉ định canh cổng cho học viện. Chúa đã sắp đặt cho thầy trong công việc này để ban cho  nhiều người ơn cao trong bởi trời. Đã hẳn chân canh cổng không phải là một vinh dự. Thầy Anphong tự đặt cho mình một quy luật là kính trọng mọi người vào học viện như thể chính Đức Kitô vậy. Do đó thầy ân cần, lễ độ với hết mọi người.

Chúng ta hãy cùng nhìn xem một bức tượng diễn tả trung thực con người của thầy Anphong: một thầy già đang đứng lên chuẩn bị rời ghế như thể sắp đi gặp một nhân vật quan trọng. Phía sau ghế, nhà điêu khắc đã ghi nhận mấy chữ này: “Lạy Chúa, con đang đến”. Đó là những tiếng thầy Anphong đã thốt ra không biết bao nhiêu lần một ngày trong bầy nhiêu năm giữ việc canh cổng.

Lắm lúc thầy nhanh nhẹn nhưng chỉ uổng công. Phòng thầy canh cổng ở gần đường phố, mà trẻ con thì ở đâu cũng tinh nghịch như nhau. Có những đứa lấy làm thích thú khi xí gạt được người khác. Chúng đến gõ cửa phòng thầy rồi chuồn mất. Thầy canh cổng vội vàng ra đón khách, và dĩ nhiên chẳng gặp ma nào. Thầy không  nổi giận, nhưng nghĩ rằng chắc lần này Chúa đùa thầy một chút cho vui.

Tuy nhiên, thường thì đã có tiếng gõ cửa là có việc. Những người gõ cửa ‘thượng vàng hạ cám’ đều có cả. Có người hỏi cha này thầy nọ, người khác lại chỉ cần gặp một linh mục là được, người khác nữa đến hỏi xem nhà Dòng có dâng lễ theo ý họ xin chưa. Nhà buôn thì đón gặp thầy để trao hóa đơn, hành khất đến xin làm phúc, trẻ nhỏ đến xin ảnh…

“Lạy Chúa, con đang đến”

“Lạy Chúa, con đang đến”. Với mấy tiếng này, thầy Anphong tiếp đón mọi người với nụ cười tươi như hoa. Khi đã biết họ muốn gì, thầy cố gắng hết sức làm họ vừa lòng. Không ai bị thầy xua đuổi bao giờ. Cả đám trẻ nhỏ xin ảnh cũng vậy, thầy luôn luôn cho mỗi đứa một tấm ảnh Đức Mẹ.

Khi không phải lo cho khách thì thầy Anphong luôn luôn lần chuỗi. Chỉ có Chúa mới biết được suốt đời thầy đã lần bao nhiêu chuỗi. Thầy ham mê cầu nguyện đến nỗi như thể không cầu nguyện thì thầy không tài nào sống được lấy một ngày nữa vậy.

Đến lúc các cha trong học viện ngạc nhiên khách đâu mà lắm thế, thầy Anphong lúc nào cũng bận rộn, nhà buôn, bác sĩ, luật sư… họ đến nói chuyện với thầy có khi phạm cả giờ lễ Chúa Nhật. Nên thầy sắp đặt để họ đến vào ngày thường. Họ đến để nghe lời khuyên của thầy. Cả nhiều bà cũng đến gặp thầy, dù có lẽ thật ít khi các bà làm theo lời khuyên của thầy. Nhiều linh mục đến xin thầy cầu nguyện, có người đến xin thầy giúp phân xử chuyện rắc rối trong gia đình, các sinh viên đến hỏi thầy sau này phải làm nghề gì. Ai đến với thầy cũng thấy mình được những lời khuyên quí giá.

Một hôm vào ngày lễ lớn, nhà trường nghỉ học, và học viện rất yên tĩnh vì người ta lo vui chơi ở nhà. Có hai vị khách đến. Có tiếng gõ cửa nhẹ. Thầy Anphong vội vàng chỗi dậy ra tiếp. Và này, thầy thấy trước mặt mình Chúa Giê-su và Mẹ Maria đến thăm thầy. Các vị khách này không nói một lời nào và lòng thầy Anphong dạt dào nên miệng cũng không nói nên lời. Thầy chắp tay, dán mắt vào hai vị khách cho tới khi các ngài đi khỏi. Nhiều ngày sau, mỗi khi nhớ đến phút giây ấy, lòng thầy vẫn rộn ràng như ở thiên đàng.

Thầy Anphong rất sùng kính Đức Mẹ. Thầy tin chắc rằng Đức Mẹ không mắc tội tổ tông, dù lúc ấy vấn đề còn trong vòng tranh luận. Một hôm thầy say sưa bảo vệ Đức Mẹ Vô Nhiễm, một cha đã hỏi thử thầy: Sao thầy dám cả quyết như vậy? Không một chút do dự, thầy trả lời rành rọt “Vì được Đức Mẹ cho biết”. Chợt nhớ lại mình đã mở miệng nói điều phải giữ kín, mặt thầy đỏ bừng như “gấc” và rất luống cuống.

Lần khác, thầy đi với một cha đến lâu đài Bellver, cách nhà dòng chừng 2 cây số. Cha này còn trẻ và đi mau lắm, dù đường gập ghềnh. Còn thầy Anphong thì thở hổn hển cố theo cho kịp. Bấy giờ Đức Mẹ hiện ra đi bên thầy, lau mồ hôi trán cho thầy và lau đi tất cả mệt nhọc. Chuyện này chính thầy đã kể lại trong cuốn hồi kí mà thầy viết theo lệnh Bề Trên.

Ở Montesien, thầy Anphong vâng lời hoàn toàn trong mọi sự. Một hôm cha Viện Trưởng bảo thầy sửa soạn lên đường đi truyền giáo ở Ấn Độ. Năm ấy thầy đã hơn bảy mươi tuổi. Thầy đi thẳng một mạch ra cổng học viện. Người gác cổng hỏi thầy đi đâu? Thầy trả lời đơn sơ: “Tôi được lệnh đi Ấn Độ, nên ra bến để tìm tàu.” Nhưng trước khi thầy bước ra cổng thì một thầy khác kịp chạy đến cho thầy biết cha Viện Trưởng đã đổi ý. Thầy liền trở về.

Một bữa khác, đang khi cộng đoàn dùng cơm tối cha giám tỉnh bảo anh học viên đang đọc sách ngừng lại và nói thầy Anphong ra giảng một bài bằng tiếng Hy-lạp. Không lưỡng lự chi hết, thầy lập tức rời bàn ăn, lên bục, và lặp đi lặp lại: Kyrie eleison, Christe eleison, Kyrie eleison cho tới khi cha giám tỉnh nói ngưng ngài mới thôi. Và thầy quay lại chỗ của mình ở bàn ăn như không có chuyện gì xảy ra.

Nhưng Chúa thử người Chúa thương, và không có đau khổ thì khó chứng tỏ được tình yêu. Ngay từ ngoài đời, thầy Anphong đã có kinh nghiệm về điểm này, nhưng trong dòng thầy còn thấy rõ hơn nữa.

Những ngày tươi sáng, dịu dàng trong kinh nguyện thường kéo theo sau đó những mây mờ nặng trĩu, có khi cầu nguyện trở thành một gánh nặng, và cám dỗ bủa vây tứ phía. Cả những anh em sống cạnh thầy cũng khó biết được thầy phải chiến đấu mãnh liệt như thế nào, vì bên ngoài thầy luôn nở nụ cười tươi. Nhưng đã nhiều khi thầy thức trăng nhiều đêm khi quân thù được Chúa cho phép bủa lưới vây kín thầy trong đêm tăm tối ngay bên bờ tuyệt vọng.

Thêm vào đó, thầy còn nhiều dịp phải chịu đau khổ hay sỉ nhục, có lần một vị Bề trên kia đến thăm nhà và thấy anh em trong cộng đoàn kính mến thầy quá. Trước mặt cả cộng đoàn, cha đã gây gắt trách thầy Anphong vì thầy mặt áo dòng dài quá. Thầy lo việc may vá được lệnh phải cắt áo của thầy Anphong cho ngắn lại ngay lập tức để tránh gương xấu. Vì xưa nay thầy vẫn được tiếng là đạo hạnh, nên trước cảnh tượng thầy bị xén áo như thế, các anh em khác trong cộng đoàn bối rối không biết phải nhìn đi đâu. Và thầy may vá còn luống cuống hơn nữa. Chỉ một mình thầy Anphong vẫn giữ được thái độ hoàn toàn điềm tĩnh.

Cũng trong dịp ấy, vị Bề trên nhân tiện rầy la thầy dữ dội, vì thầy phí thời giờ để biên chép là việc của linh mục thôi. Vị đó còn ra lệnh cho thầy đem nộp tất cả những gì thầy đã ghi chép và từ đó về sau không bao giờ được dùng tới cây viết, trừ khi làm những công việc đặt biệt của cha Viện Trưởng bảo làm. Thầy Anphong lẳng lặng vâng phục.

Thầy cũng gặp phải những khó khăn như bất cứ một con người bình thường nào khác. Với tuổi tác chồng chất, thầy thấy công việc ngày càng nặng nhọc. Ban đầu thầy được một thầy khác đến phụ giúp, sau đó một thầy khác trẻ hơn thay chân thầy mà thầy trở thành người trợ giúp. Cuối cùng thầy được lệnh không còn canh cổng nữa. Nói trắng ra, thầy chỉ còn đáng bỏ xó!

Thầy Anphong đâu được chết trong hào quang vinh dự, giữa những người thường ngày vẫn đến xin thầy cầu nguyện, khuyên nhủ, giúp đỡ… Trong mấy năm cuối đời, thầy sống trong cô quạnh nơi phòng riêng. Thầy nằm liệt giường và suốt  ngày đêm chỉ biết thưa chuyện với Chúa và Đức Mẹ. Ngay trong những ngày cuối cùng của cuộc đời trần thế, thầy còn phải chịu nhiều cám dỗ và buồn nản, nhưng không có gì có thể làm phai nhạt tình yêu của thầy đối với Chúa. Vào nửa đêm ngày 30/10/1617 thầy đã thở hơi cuối cùng khi tên Chúa Giê-su còn run trên môi.

Trong mấy năm trời, dân chúng Palme đã ít gặp thầy và gần như quên hẳn thầy. Nhưng ngày 30/10/1617 khi tin thầy Anphong đã qua đời được loan đi rất nhanh trên môi miệng người dân Palme, thì tất cả thành phố kéo đến viếng thầy. Người ta kéo đến đông đến nỗi đám tang phải hoãn lại để làm vừa lòng mọi người. Các anh em trong nhà phải mất nửa giờ chen lấn mới vào được tới bên xác thầy, để đặt thầy lên một bàn cao cho mọi người được thấy.

Sau thánh lễ an táng, dân chúng bao quanh chật ních không làm sao có thể đưa linh cửu đến huyệt được. Nhà Dòng đành cho dân chúng biết là đám tang được dời lại sau. Nhưng cũng phải mấy tiếng đồng hồ sau nhà thờ mới bớt người. Và khi đêm về, anh em trong cộng đoàn đã âm thầm đưa thầy đến nơi an nghỉ cuối cùng. Thầy ra đi âm thầm như cuộc sống của thầy, nhưng Chúa lại không muốn chiếc đàn của Anphong nằm dưới đáy thùng. Cuộc sống và cả cái chết của thầy làm cho chúng ta như còn nghe văng vẳng bên tai lời của Chúa: “Ta muốn tình yêu chứ không cần của lễ.”

 Ngài được Đức Lêô XIII phong thánh năm 1888
CHO VINH DANH CHÚA HƠN

 

Kiểm tra tương tự

3 lý do chúng ta rất cần Đức Maria là Mẹ chúng ta

  Sự sống mà chúng ta đang sống là chính Đức Giêsu Kitô, Đấng là …

5 cách để mừng lễ Thánh Gia Thất

  Lấy cảm hứng từ các sách Phúc âm, chúng tôi chia sẻ năm cách …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *