MẾN YÊU HẰNG NGÀY
Thứ 6, 01-03-2019 (Mc 10, 1-12)
Đức Giê-su bỏ nơi đó, đi tới miền Giu-đê và vùng bên kia sông Gio-đan. Đông đảo dân chúng lại tuôn đến với Người. Và như thường lệ, Người lại dạy dỗ họ. Có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giê-su và hỏi rằng: “Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không?” Họ hỏi thế là để thử Người. Người đáp: ” Thế ông Mô-sê đã truyền dạy các ông điều gì?” Họ trả lời: “Ông Mô-sê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ.” Đức Giê-su nói với họ: “Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê mới viết điều răn đó cho các ông. Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điều ấy. Người nói: “Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình.”
SUY NIỆM
“Họ hỏi thế là để thử Người.”
Họ đang thử Đức Giêsu! Những người Pharisêu đang cố gắng bẫy rập Đức Giêsu. Dù đây là một điều thật đáng buồn, nhưng nó cũng dạy chúng ta bài học về tìm kiếm sự thật.
Một trong những mục tiêu cơ bản nhất trong cuộc đời mà chúng ta phải phấn đấu đó là tìm kiếm sự thật. Chúng ta phải tìm biết sự thật, rồi để sự thật giải thoát chúng ta. Nếu nhìn từ một góc độ nào đó, những người Pharisêu trong bài Tin Mừng hôm nay dường như cũng đang đi tìm sự thật. Họ hỏi Đức Giêsu một câu hỏi về Luật Mô-sê và xin Ngài giải thích ý nghĩa luật ấy cho họ. Thật ra, việc đặt câu hỏi và nhờ Đức Giêsu giải đáp là một điều tốt, nhưng chúng ta cần phân biệt rõ động cơ của người hỏi. Rõ ràng những người Pharisêu này đã không đặt câu hỏi vì muốn tìm kiếm sự thật. Thay vào đó, họ hỏi như thế với ý muốn thử Ngài. Họ chỉ đang cố gắng tìm mọi cách gài bẫy hòng có thể kết tội Ngài mà thôi.
Từ đó, ta thấy rằng, khi đến “hỏi” Chúa Giêsu, chúng ta phải làm được hai điều. Đầu tiên, chúng ta đến hỏi Ngài vì chúng ta tin tưởng rằng Ngài là nguồn mạch mọi sự thật. Để làm được điều này cần phải có lòng khiêm nhường, vì nó đòi hỏi chúng ta phải tri nhận rằng Chúa Giêsu khôn ngoan hơn ta. Ngài biết câu trả lời, một câu trả lời hoàn hảo và tốt hơn chúng ta rất nhiều.
Thứ đến, khi hỏi Ngài, chúng ta phải nhìn lại động cơ của mình liệu có phải hoàn toàn vì chúng ta muốn nhận biết sự thật chăng. Khi chúng ta đã tin tưởng rằng Ngài là nguồn mạch sự thật, chúng ta muốn đến nghe Ngài giảng giải hòng hiểu biết sự thật. Vì thế, chúng ta không phải chỉ khiêm nhường tin tưởng rằng Chúa Giêsu có câu trả lời cho mọi thắc mắc của ta, mà chúng ta cũng cần phải chân thành ước ao được biết, được hiểu sự thật nữa. Một con tim rộng mở và yêu thích học hỏi giúp ta dễ đón nhận tất cả những gì Ngài dạy bảo ta, tựa như đất khô cằn sẵn sàng đắm mình trong con mưa mát lành.
Hôm nay, bạn hãy để tâm tư xem liệu bạn có hay đặt các câu hỏi, thắc mắc trong cuộc đời mình cho Chúa hay không. Nếu câu trả lời của bạn là có, vậy bạn hãy nhìn lại động cơ của bạn. Bạn hãy để tâm suy nghĩ, nhìn nhận lại và cố gắng để có một con tim khiêm tốn, một con tim khát khao sự thật duy nhất xuất phát từ suối nguồn sự thật.
Lạy Chúa, con chạy đến với Ngài, nguồn mạch của mọi sự thật. Xin dạy con đường lối Ngài, và đổ đầy Thần Trí khôn ngoan của Ngài trên con. Xin giúp con nhìn xem, cảm nhận cuộc sống này như cách Chúa nhìn, và nhờ sự thấu hiểu ấy, xin giúp con thực thi thánh ý Ngài với một con tim sẵn sàng tươi vui.
——
Nhóm Bạn Đường Linh Thao
Nguồn: https://mycatholic.life/books/catholic-daily-reflections-series/ordinary-time-weeks-1-17/seventh-week-ordinary-time/