Trong buổi Tiếp Kiến Chung sáng thứ Tư 12-12-2012 tại đại thính đường Phao-lô VI, Đức Thánh Cha đã tiếp tục loại bài Giáo Huấn về Năm Đức Tin, kỳ thứ 9 với chủ đề: “Đức Tin Được Nuôi Dưỡng Qua Hành Vi “Nhớ” Đến Ân Tình và Tín Nghĩa của Thiên Chúa Dành Cho Ta.” Để sống nỗi nhớ/ký ức những điều Thiên Chúa đã làm cho ta, và nhờ đó mà đức tin được nuôi dưỡng, ĐTC mời gọi tất cả mọi người, trong Năm Đức Tin này, “hãy cầm trong tay mình cuốn sách Kinh Thánh thường xuyên hơn, hãy đọc và suy niệm nó. … hãy lưu tâm nhiều đến các Bài Đọc trong Thánh Lễ ngày Chúa Nhật. Tất cả điều này sẽ là một nguồn lương thực quý giá cho đời sống đức tin của chúng ta.” Dưới đây là toàn bộ bài huấn từ của ngài trong buổi Tiếp Kiến Chung ngày 12-12-2012.
Anh chị em thân mến!
Trong bài giáo lý tuần trước, tôi đã nói về Mạc Khải của Thiên Chúa như là một sự thông truyền. Ngài đã tự thông truyền chính mình Ngài cũng như đã đang thực thi kế hoạch yêu thương của Ngài dành cho con người. Mạc Khải này được đặt vào trong thời gian và trong lịch sử của nhân loại: lịch sử đã biến thành chốn mà chúng ta có thể nhận diện hoạt động của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Thiên Chúa đến với chúng ta qua những điều quen thuộc và dễ kiểm nhận, bởi vì Ngài kiến thiết bối cảnh hằng ngày của chúng ta, không có bối cảnh này chúng ta cũng không thể hiểu biết chính mình” (Gioan Phaolo II, Thông Điệp Đức Tin và Lý Trí, 12).
Với những từ ngữ rất rõ ràng và súc tích, thánh sử Mác-cô thuật trình về những thời điểm khởi đầu của công cuộc truyền giảng của Chúa Giê-su: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Ðại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Điều sáng soi và mang lại ý nghĩa tròn đầy cho lịch sử thế giới và lịch sử nhân loại đã bắt đầu tỏa sáng tại hang đá Bê-lem. Đó là một Mầu Nhiệm mà chẳng mấy chốc nữa chúng ta sẽ được chiêm ngắm trong dịp lễ Giáng Sinh: ơn cứu độ được hiện thực hóa nơi Đức Giê-su Ki-tô. Nơi Đức Giê-su thành Na-da-rét, Thiên Chúa tỏ lộ dung mạo của Ngài, và Ngài đòi hỏi con người phải quyết định xem liệu họ có muốn nhận biết Ngài và bước theo Ngài không. Việc tự mạc khải của Thiên Chúa trong lịch sử để bước vào tương quan đối thoại yêu thương với con người, đã ban một ý nghĩa mới cho toàn bộ hành trình nhân loại. Lịch sử không đơn thuần là những sự nối tiếp nhau của các thế kỷ, của năm tháng, của ngày và đêm, nhưng đúng hơn là thời gian của một sự hiện diện. Sự hiện diện ban tặng cho lịch sử một ý nghĩa tròn đầy đồng thời mở ra cho nó một niềm hy vọng chắc chắn.
Từ đâu chúng ta có thể đọc được những giai kỳ của Mạc Khải Thiên Chúa? Thưa, Kinh Thánh là một nơi dành riêng để khám phá các biến cố của cuộc hành trình này. Một lần nữa, tôi mời gọi tất cả mọi người, trong Năm Đức Tin này, hãy cầm trong tay mình cuốn sách Kinh Thánh thường xuyên hơn, hãy đọc và suy niệm nó. Đồng thời, tôi cũng mời gọi mọi người hãy lưu tâm nhiều đến các Bài Đọc trong Thánh Lễ ngày Chúa Nhật. Tất cả điều này sẽ là một nguồn lương thực quý giá cho đời sống đức tin của chúng ta.
Ngang qua việc đọc Cựu Ước, chúng ta có thể nhận ra những can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử của dân Ngài, một dân tộc được tuyển chọn. Nơi dân này, Thiên Chúa ký kết một giao ước vốn không phải là một điều gì đó qua đi và rơi vào quên lãng nhưng trở nên một “nỗi nhớ”, hợp cùng với nhau chúng làm nên “lịch sử cứu độ”, được duy trì một cách sống động trong tâm khảm của dân Ít-ra-en nhờ việc cử hành những biến cố cứu độ. Vì thế, trong Sách Xuất Hành, Thiên Chúa đã truyền lệnh cho Mô-sê hãy cử hành giây phút trọng đại giải phóng dân khỏi ách nô lệ Ai-cập, đó là Lễ Vượt Qua của người Do-thái với những lời sau đây: “Các ngươi phải lấy ngày đó làm ngày tưởng niệm, ngày đại lễ mừng Ðức Chúa. Qua mọi thế hệ, các ngươi phải mừng ngày lễ này: đó là luật quy định cho đến muôn đời” (Xh 12,14). Đối với toàn dân Israel ghi nhớ điều mà Thiên Chúa làm, đã trở nên một mệnh lệnh bất biến bởi lẽ việc trôi chảy của thời tính vốn được ghi dấu bởi những ký ức sống động của những biến cố quá khứ, là những thứ mà hết ngày này tới ngày nọ đang kiến tạo nên tính mới mẽ của lịch sử, và chúng vẫn còn là hiện tại.
Trong sách Đệ Nhị Luật, Mô-sê đã nói với dân chúng bằng những lời này: “Nhưng anh (em) hãy ý tứ và cẩn thận giữ mình đừng quên những điều mắt anh (em) đã thấy, và suốt đời, đừng để cho những điều ấy ra khỏi lòng anh (em); trái lại, anh (em) hãy dạy cho con cháu anh (em) biết” (Đnl 4,9). Và theo đó ngài cũng nói với chúng ta “Há chớ quên những điều mà Chúa đã làm cho ta”. Đức tin được nuôi dưỡng từ những khám phá và những ký ức về sự trung tín của Thiên Chúa. Ngài là Đấng hướng dẫn lịch sử và là Đấng kiến tạo nên nền tảng vững chắc và bất biến, nơi con người có thể đặt để cuộc sống mình. Cũng vậy, bài ca Manificat mà Đức Maria đã cất lên để ngợi khen Thiên Chúa là một một ví dụ tuyệt hảo nhất của lịch sử cứu độ, và cũng là một đơn cử về nỗi nhớ giữ mãi tính hiện tại của việc làm của Thiên Chúa. Đức Maria trong Kinh Magnificat đã ca ngợi những hành động xót thương của Thiên Chúa trong những bước đường cụ thể của dân Ngài. Mẹ ca ngợi lòng tín thành đối với những lời hứa trong giao ước đã ký kết với ông Áp-ra-ham, cũng như ca ngợi lòng trung tín sắc son của dòng dõi ông. Tất cả những điều ấy là một ký ức sống động về sự hiện diện của Thiên Chúa không bao giờ lụi tắt” (x. Lc 1,46-55).
Với Ít-ra-en, Xuất Hành là một biến cố lịch sử trung tâm, nơi đó Thiên Chúa đã biểu lộ hành động oai hùng của Ngài. Chúa đã giải thoát những người Ít-ra-en khỏi ách nô lệ người Ai-cập, để họ có thể trở về Đất Hứa và phượng thờ Ngài, là Đức Chúa Duy Nhất và chân thật. Dân Ít-ra-en không bước vào cuộc Xuất Hành để trở thành một dân giữa muôn dân nước, có độc lập dân tộc, mà đúng hơn là để trở thành một dân phụng thờ Thiên Chúa cả trong phượng tự lẫn ngoài cuộc sống, để được trở nên một nơi cho Chúa ngự, nơi mà mọi người đều suy phục Thiên Chúa, nơi mà Thiên Chúa hiện diện và được phụng thờ trong thế giới, và hẳn nhiên là Thiên Chúa không chỉ hiện diện riêng cho họ, nhưng đúng hơn họ được làm chứng nhân về sự hiện diện của Ngài cho các dân nước khác. Việc cử hành biến cố Xuất Hành là làm chứng cho sự hiện diện và sống động của Ngài, bởi công trình của Thiên Chúa chưa bao giờ dừng lại. Thiên Chúa hằng giữ tín trung nơi kế hoạch của Ngài, và tiếp tục theo đuổi nó, để mà con người có thể nhận biết và phụng sự Chúa mình, và để họ có thể ứng đáp lại hành động của Ngài với hết tình mến và lòng tin tưởng.
Do đó Thiên Chúa đã mạc khải Chính Mình Ngài không chỉ nơi những hành động ban sơ của thời thế tạo, mà còn đi vào trong lịch sử của chúng ta, vào trong lịch sử của một dân bé xíu, dân số chẳng là bao, thế lực cũng chẳng mạnh mẽ gì. Mạc Khải này của Thiên Chúa thẳng tiến vào trong lịch sử và đạt đỉnh điểm nơi Đức Giê-su Ki-tô: Ngôi Lời là Thiên Chúa, LỜI sáng tạo đã ban cho thế giới nguồn cội, NGÔI LỜI đã nhập thể nơi ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ, và đã biểu lộ cho chúng ta thấy DUNG MẠO thực của Thiên Chúa. Nơi Đức Giê-su, Thiên Chúa đã ứng nghiệm mọi lời hứa, nơi Đức Giê-su lịch sử giữa Thiên Chúa và con người đạt đỉnh điểm.
Khi chúng ta đọc trình thuật “Hai môn đệ trên đường Em-mau”, theo trình thuật của thánh sử Lu-ca, chúng ta thấy chính Đức Ki-tô Giê-su đã hé lộ và tự soi tỏ toàn bộ Cựu Ước, toàn thể lịch sử cứu độ trong một cách minh minh bạch, và đã chỉ ra một kế hoạch lớn lao duy nhất giữa hai Giao Ước, và chính Chúa Ki-tô cũng đã chỉ ra cho chúng ta con đường hội nhất của Ngài. Kỳ thực, Chúa Giê-su đang giải thích cho hai khách bộ hành đang vỡ mộng và đầy chán chường về việc ứng nghiệm đầy đủ mọi lời hứa. Thánh sử Lu-ca viết: “Rồi, Người bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đên Người và trong tất cả Sách Thánh” (Lc 24, 27). Thánh sử đã tả lại sự ngạc nhiên của hai môn đệ sau khi đã nhận ra người khách bộ hành với mình từ lúc ấy tới giờ chính là Chúa Phục Sinh, Thầy của mình. Các ông thốt lên “dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng chấy lên đó sao?” (Lc 24, 32).
Giáo lý Giáo Hội Công Giáo tái khẳng định những giai kỳ của Mạc Khải thánh thiêng, trưng ra cho chúng ta cách tóm lược diễn trình (x. số 54-64): ngay từ thuở hồng hoang Thiên Chúa đã mời gọi con người thông hiệp thân mật với Chính Mình và cũng khi đó con người, vì sự bất tuân (ước muốn riêng), đã chọn kẻ thù của Ngài; Thiên Chúa nhất định không bỏ rơi con người để họ phải chết, mà đã nhiều lần nhiều cách ban cho con người giao ước của Ngài. Sách Giáo lý kể lại hành trình của Thiên Chúa cùng với con người từ giao ước với Nô-ê sau lục đại hồng thủy; Ngài gọi Áp-ra-ham rời khỏi đất của ông, và làm cho ông trở thành cha của vô số dân nước; rồi Thiên Chúa lại lập nên một dân tộc, qua biến cố Xuất Hành, Giao Ước Si-nai và Ngài trao cho họ một món quà, ngang qua Mô-sê, đó là Lề Luật để giúp họ biết cách mà phụng sự Thiên Chúa đích thực và duy nhất. Với các Ngôn Sứ, Thiên Chúa đã hướng dẫn Dân Ngài trong niềm hy-vọng cứu độ, chúng ta nhận biết qua quyển II của sách I-sai-a, đó là cuộc xuất hành thứ hai, cuộc trở về sau cuộc lưu đày Babilon, trở về vùng đất riêng, tái lập lại Dân Ngài, và cùng lúc đó cũng có nhiều người còn lưu lại trong cuộc phân tán, và thế là niềm tin vào Thiên Chúa bắt đầu hiển rõ tính phổ quát. Rồi Dân Ngài phải đợi trông cho đến thời của một vị vua, không chỉ là vua Đa-vít, mà đúng hơn là Con Người, chính Người là ơn cứu độ muôn dân. Trong thời gian ấy, những người lưu lạc đã bắt đầu những cuộc gặp liên văn hóa đầu tiên với dân Babilon, và dân Syria, và sau đó là với vô số người Hy-lạp. Rồi chúng ta thấy cách thế mà hành trình của Thiên Chúa bành trướng ra, và luôn mở ra nhiều hơn nữa qua mầu nhiệm Chúa Ki-tô, Một Vị Vua Vũ Trụ. Nơi Đức Ki-tô, Mạc Khải của Thiên Chúa được thực thi hoàn tất trong sự tròn đầy của nó, và kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa, đã đi đến bước cuối là Chính Ngài trở thành một người ở giữa chúng ta.
Với những lược tóm ấy, tôi đã chú tâm vào việc nhớ lại hoạt động của Thiên Chúa trong lịch sử của con người, trưng ra những giai kỳ của kế hoạch yêu thương lớn lao đã được Cựu Ước và Tân Ước minh chứng. Đó là một kế hoạch duy nhất về ơn cứu độ thông chuyển đến toàn thể nhân loại, một kết hoạch được hé mở từ từ và tiệm tiến, và được thực thi bởi quyền năng Thiên Chúa, trong tiến trình ấy, Thiên Chúa không ngừng ứng đáp với sự ứng đáp của con người, và Ngài luôn luôn tìm ra những khởi đầu mới lúc mà con người bị lầm lạc. Ấy chính là nền tảng cho cuộc hành trình đức tin.
Chúng ta đang trong phụng vụ Mùa Vọng để chuẩn bị cho dịp Giáng Sinh Thánh. Chúng ta cũng biết rõ tiếng “Vọng” có nghĩa là “đang đến”, “hiện diện”, nghĩa cổ xưa ám chỉ đến cuộc ngự giá của vị vua hoặc của vị hoàng đế đến kinh viếng một tỉnh vùng hoặc một xứ sở nào đó trong lãnh địa của mình. Với chúng ta là những Ki-tô hữu, thì xác tín rằng tiếng “Vọng” ấy trỏ đến một thực tại tuyệt vời và gây chấn động: Thiên Chúa đã hạ giá băng qua Cõi Trời của Ngài và đã cúi xuống trên con người; Ngài đã ký kết giao ước với con người, và đi vào lịch sử của một dân; Ngài là Vị Vua đã ngự giá xuống giữa chốn nghèo khó này là trái đất, và cuộc viếng thăm của Ngài đã làm ơn cho chúng ta. Ngài đã đón nhận xác phàm của chúng ta và trở nên là người như chúng ta. Mùa Vọng mời gọi chúng ta đi lại cuộc hành trình hiện diện này, và luôn nhắc chúng ta rằng Thiên Chúa không hề bị loại bỏ ra khỏi thế giới, Ngài không hề vắng mặt, Ngài không hề bỏ chúng ta một mình, mà đúng hơn là Ngài đến gặp gỡ chúng ta với những cách thức khác, và để nhận ra chúng, thì chúng ta cần phải học để phân định. Và chúng ta, với đức tin của mình, với niềm hy-vọng và với đức ái, mỗi ngày chúng ta được mời gọi để xác nhận và để làm chứng cho sự hiện diện này, trong một thế giới thường phiến diện và bị sao nhãn này, để chiếu soi vào đời sống chúng ta ánh quang đã chiếu sáng hang đá Bê-lem.
Augustin Nguyễn Thái Hiệp, S.J
Augustin Nguyễn Minh Triệu, S.J.
chuyển ngữ và giới thiệu.