ĐƯỜNG CỦA CON TIM – A WAY OF THE HEART

Kính thưa quý anh chị em và các bạn đang cầu nguyện với Mạng Lưới Cầu Nguyện Toàn Cầu của Đức Giáo Hoàng (Tông Đồ Cầu Nguyện). Trong các bài cầu nguyện gần đây có nhắc tới Đường của Con Tim – A way of the heart). Hôm nay Tông Đồ Cầu Nguyện xin giới thiệu đến quý vị bài viết này (từ https://clicktopray.org/en/a-way-of-the-heart) để quý vị biết hơn và tham gia sâu xa hơn với mạng lưới cầu nguyện của Đức Giáo Hoàng. 

ĐƯỜNG CỦA CON TIM
A WAY OF THE HEART

 

TÔI CÓ THỂ THAM DỰ VÀO MẠNG LƯỚI CẦU NGUYỆN TOÀN CẦU CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG NHƯ THẾ NÀO?

Đường của Con Tim là một phương cách để trở thành tông đồ cầu nguyện trong đời sống hằng ngày của bạn. CHÍN BƯỚC sau đây sẽ giúp bạn bạn gắn kết sâu xa hơn với Thánh Tâm Chúa Giê-su. Con đường này dành cho những ai khao khát tham dự tích cực vào MẠNG LƯỚI CẦU NGUYỆN TOÀN CẦU CỦA ĐỨC GIAO HOÀNG (qua các cuộc tĩnh tâm, cầu nguyện, gặp gỡ chia sẻ, hoặc có thể là những buổi chia sẻ thiêng liêng vào chín thứ Sáu đầu tháng v.v… ) dựa trên những sứ mạng chính được đề xuất hàng tháng trong ý cầu nguyện của Đức Giáo Hoàng.

BƯỚC 1. LÚC KHỞI ĐẦU ĐÃ CÓ TÌNH YÊU  

“Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở… “ (Gr 31,3)

“Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình,

hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau ?

Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ. Hãy xem, Ta đã ghi khắc ngươi trong lòng bàn tay Ta, thành luỹ ngươi, Ta luôn thấy trước mặt.” (Is 49,15-16)

“Tình yêu cốt ở điều này: Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và đã sai Con của Người đến làm của lễ đền tội, vì tội lỗi chúng ta.” (1Ga 4,10)

“Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước Thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người.” (Ep 1,4)

“Trời cao hay vực thẳm hay bất cứ loài thọ tạo nào khác, không gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.” (Rm 8,39)

Từ ngữ đầu tiên và lâu bền nhất trong đời sống đức tin của chúng ta chính là tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa Cha. Đây là điều mà Ngài vẫn hằng luôn nói với chúng ta và cũng là điều mà chúng ta hiểu được qua tất cả những gì Ngài ban cho chúng ta hằng ngày: Ta yêu con. “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8). Đó là căn tính của Ngài. Ngài không thể không yêu ta. Ngài luôn luôn nhìn ta bằng tình yêu thương, bất kể cuộc đời ta có thế nào chăng nữa, thậm chí ngay cả khi ta lạc xa Ngài bởi tội lỗi ta phạm. Tình yêu của Ngài là tình yêu vô điều kiện và vô hạn. Đây là nguyên lý và nền tảng đời sống thiêng liêng của chúng ta. Cuộc đời ta khởi đầu bởi tình yêu của Ngài, tồn tại nhờ tình yêu ấy, và đến một ngày nào đó sẽ được đón nhận (vào thiên đàng) nhờ tình yêu ấy. Đón nhận tình yêu của Ngài mở ra cho ta cơ hội đáp trả lại tình yêu của Ngài.

BƯỚC 2. TRÁI TIM CON NGƯỜI – THAO THỨC VÀ AN NGHỈ

“Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ,

ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa.

Linh hồn con đã khát khao Ngài,

tấm thân này mòn mỏi đợi trông,

như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước.” (Tv 63, 2)

“Từ vực thẳm, con kêu lên Ngài, lạy Chúa,

 muôn lạy Chúa, xin Ngài nghe tiếng con.

Dám xin Ngài lắng tai để ý. Nghe lời con tha thiết nguyện cầu.” (Tv 130, 2)

“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.” (Mt 5,3)

“Hỡi người em yêu dấu, chàng ẩn nơi nao bỏ mặc em rên rỉ?” (Thánh Gioan Thánh Giá, Ca Khúc Tâm Linh)

“Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng con cho Chúa, và lòng con những khắc khoải cho đến khi được nghỉ an trong Chúa. (Thánh Augustine, Tự Thuật)

Chúng ta khát khao hạnh phúc và tìm kiếm hạnh phúc ấy theo đủ mọi cách. Chúa đã ban cho ta khả năng yêu thương và sống khoan dung. Nhưng rất nhiều lần ta cảm thấy mình khốn khổ và lạc lối, cảm thấy nặng nề bởi những thất vọng và những ước muốn thầm kín. Hay nhiều khi ta cũng cảm thấy như ta chẳng thể nào giải quyết được những vấn nạn của bản thân, cũng chẳng thể tìm được sự bình an trong tâm hồn.

Một con đường của đức tin, sống và cầu nguyện được chỉ ra ở đây cho những ai tìm kiếm, cho những ai có khát khao tâm linh và cho tất cả những ai ước muốn lãnh nhận Chúa Giê-su trong lòng của mình. Đó là con đường của sự khiêm tốn, nơi mà con tim yếu đuối của ta không phải là sự cản trở nhưng lại là một vốn quý cho cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, Đấng gần gũi những ai khốn khó.

 

BƯỚC 3. THẾ GIỚI ĐỔ VỠ

“Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!” (St 1,31)

“Vì dân Ta đã phạm hai tội: chúng đã bỏ Ta là mạch nước trường sinh để làm những hồ nứt rạn, không giữ được nước.” (Gr 2,13)

“Chúng sẽ thất thểu từ biển này qua biển nọ, từ phương Bắc đến phương Đông, chúng sẽ lang thang để kiếm tìm lời Ðức Chúa mà không gặp được.” (Am 8,13)

“Lạy Chúa, xin tỉnh giấc ! Ngài cứ ngủ được sao?

Xin trỗi dậy đi nào, đừng đuổi xua mãi mãi!

Sao Ngài còn ngoảnh mặt, quên rằng chúng con bị khổ cực đọa đầy.” (Tv 44,24-25)

“Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.” (Ga 1,11)

Ta chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thế giới cùng những thành tựu đạt được nhờ bộ óc con người trong suốt lịch sử nhân loại.  Nhưng thế giới chúng ta đã bị thương tổn bởi những mâu thuẫn nặng nề gây ra bởi cái chết và đau khổ. Sự sống và tình yêu thường bị bóp nghẹt bởi bạo lực và tính ích kỉ. Những người yếu đuối, thấp cổ bé họng bị giẫm nát dưới gót giày của những kẻ quyền uy. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang cạn kiệt. Có quá nhiều nỗi buồn và sự cô đơn. Tuy nhiên, trong tiếng kêu van công lý và hòa bình, ta nghe được tiếng nói của Cha kêu gọi ta hãy trở lại với Người. Ta đã lạc khỏi đường lối của Chúa và lạc khỏi kế hoạch của Ngài cho con người.

BƯỚC 4. CHÚA CHA SAI CON MÌNH XUỐNG ĐỂ CỨU

“Này Ta sắp làm một việc mới, việc đó manh nha rồi, các ngươi không nhận thấy hay sao?

Phải, Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn.” (Is 43, 19)

“Nhưng Ta, Ta sẽ làm cho Pha-ra-ô ra cứng lòng. Ta sẽ tăng thêm nhiều dấu lạ điềm thiêng tại nước Ai-cập. Pha-ra-ô sẽ không nghe các ngươi đâu. Ta sẽ ra tay giáng phạt Ai-cập và sẽ dùng uy quyền mà đưa các binh ngũ của Ta, là dân Ta, con cái Ít-ra-en, ra khỏi nước Ai-cập.” (Xh 7,3-4)

“Ta đã tập đi cho Ép-ra-im, đã đỡ cánh tay nó, nhưng chúng không hiểu là Ta chữa lành chúng. Ta lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng.” (Hs 11,3-4)

“Thật vậy, trong Ðức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hòa giải với Người. Người không còn chấp tội nhân loại nữa, và giao cho chúng tôi công bố lời hòa giải.” (2 Cr 5,19)

“Hơn nữa, lại có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn.” (Rm 8,26)

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một.” (Ga 3,16)

“Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”  (Lc 19,10)

Chúa Cha đã không bỏ mặc ta trong thế giới đau khổ này. Ngài đã nói về tình yêu của Ngài rất nhiều lần và bằng nhiều cách khác nhau qua các vị ngôn sứ, và nay, vào thời sau hết này, Ngài đã nói với ta qua Người Con bằng xương bằng thịt là Chúa Giê-su. Trong Người, Chúa Cha đã gắn kết lịch sử của chúng ta với lịch sử của chính Ngài để tái tạo và chữa lành lòng nhân văn đã bị tổn thương của chúng ta. Trong Đức Giê-su Kitô,  Đấng đã trao chính mạng sống mình cho ta và là Đấng Chúa Cha đã cho trỗi dậy từ cõi chết, Chúa Cha đã tha thứ tội lỗi cho ta. Trong Đức Kitô, tình yêu tha thiết của Thiên Chúa đổ xuống và cứu rỗi chúng ta. Cùng với Đức Kitô, chúng ta học cách nhận ra Chúa Thánh Thần đang làm việc trên trần gian này, mang đến sự đổi mới giữa những đau khổ và khó khăn thử thách.

BƯỚC 5. NGÀI GỌI CHÚNG TA LÀ BẠN HỮU

“Ðừng sợ, vì Ta đã chuộc ngươi về, đã gọi ngươi bằng chính tên ngươi: ngươi là của riêng Ta! Vì trước mắt Ta, ngươi thật quý giá, vốn được Ta trân trọng và mến thương.” (Is 43,1.4)

“Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng.” (Mc 3,13-14)

“Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết.” (Ga 15,15)

“Ông Phêrô quay lại, thì thấy người môn đệ Ðức Giêsu thương mến đi theo sau; ông này là người đã nghiêng mình vào ngực Ðức Giêsu trong bữa ăn tối và hỏi: “Thưa Thầy, ai là kẻ nộp Thầy?” (Ga 21,20)

“Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,20)

“Do đó, Người có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa. Thật vậy, Người hằng sống để chuyển cầu cho họ.” (Dt 7,25)

“Ai muốn đến với tôi phải biết hài lòng với cùng loại thức ăn mà tôi ăn, nước mà tôi uống, quần áo mà tôi mặc, vân vân. Vì thế mỗi người cũng phải cùng tôi ngày lao động đêm tỉnh thức.” (Thánh I-nhã, Linh Thao, 93)

Chúa Giê-su gọi chúng ta là bạn của Ngài và mời gọi ta dự phần vào một giao ước tình yêu thân mật và riêng tư với Ngài. Ngài vẫn hằng chuyển cầu cho ta, dẫn ta đến với Ngài. Đối với Ngài, ta là một kho báu quý giá trong trái tim Ngài. Tình hữu hảo với Ngài sẽ giúp ta nhìn thế giới này bằng cặp mắt của Ngài, chúng ta sẽ nên một với Ngài trong trong đau khổ cũng như vinh quang. Và rồi chúng ta sẽ tận hiến cả con người ta cùng Ngài phục vụ tha nhân. Ngài luôn luôn ở cùng ta, từ bây giờ và cho tới tận thế.

BƯỚC 6. CHÚA KI-TÔ Ở LẠI TRONG CHÚNG TA

“Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em.” (Ga 14,20)

“Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.” (Ga 14,23)

“Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.” (Ga 15,4.9)

“Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Ðức Kitô sống trong tôi.” (Gl 2,20)

“Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Ðền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?” (1 Cl 3,16)

“Phần anh em, ước chi điều anh em đã nghe từ lúc khởi đầu ở lại trong anh em. Nếu điều anh em đã nghe từ lúc khởi đầu ở lại trong anh em, thì chính anh em sẽ ở lại trong Chúa Con và Chúa Cha.” (1 Ga 2,24)

“Xin cho anh em, nhờ lòng tin, được Ðức Kitô ngự trong tâm hồn; xin cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái.” (Ep 2,17)

“Tất cả chúng ta, mặt không che màn, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa như một bức gương; như vậy, chúng ta được biến đổi nên giống cũng một hình ảnh đó.” (2Cr 3,18)

Bên cạnh tình yêu bao la mà Ngài dành cho ta, Thiên Chúa còn khao khát được ở lại trong trái tim của chúng ta. Chúa Giê-su đã  hứa điều này với các Tông đồ trước khi Ngài chịu chết. Ngài muốn ở lại trong mỗi chúng ta. Thánh Phao-lô làm chứng cho lời hứa này khi ngài nói “Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Ðức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Đây là nhận thức cơ bản nhất về việc Chúa Thánh Thần dẫn dắt đời sống đức tiên của ta.  Ngài nỗ lực biến các tín hữu nên giống Chúa Kitô về thể xác, linh hồn và tinh thần. Chúng ta ao ước điều này. Và chúng ta xin điều này với một con tim khiêm tốn, ý thức rằng chúng ta sẽ chẳng bao giờ đạt được do sức lực của ta. Chúng ta tin chắc rằng ta được biến đổi một cách đặc biệt qua Chúa Giê-su Thánh Thể. Chúa Giê-su đã ban chính mình Ngài cho chúng ta qua Thịt và Máu Ngài, uốn nắn trái tim ta như giống trái tim Ngài. Nhờ đó, chúng ta có thể trở nên giống Ngài và hành động như Ngài.

BƯỚC 7. CHÚNG TA DÂNG HIẾN CUỘC ĐỜI ĐỂ CÙNG ĐI VỚI CHÚA

“Hơn nữa, lại có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn.” (Rm 8,26)

“Bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết… còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để sống.” (Mc 12,43-44)

“Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời cảm ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Ðây là mình Thầy, hy sinh vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.” (Lc 22,19)

“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. (Lc 1,38)

“Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa.” (Rm 12,1)

“Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài.” (Dt 10,9)

“Lạy Chúa, xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu và trọn cả ý muốn của con cùng hết thảy những gì con có và những gì thuộc về con. Mọi sự ấy Chúa đã ban cho con. Lạy Chúa, con xin dâng lại Chúa hết thảy, tất cả là của Chúa. Xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa. Chỉ xin ban cho con tình yêu và ân sủng Chúa, được như thế là đủ cho con.” (Thánh I-nhã, Linh Thao 234)

Việc ở gần bên Chúa Giê-su dẫn chúng ta đến việc dâng hiến cuộc đời của ta cho tha nhân, như Ngài đã làm. Chúng ta biết rằng chúng ta đều có thể giúp ích cho người khác dù ta có yếu đuối và hữu hạn ra sao. Ý thức chúng ta được yêu, được chọn và được Chúa ở lại nâng ta lên và làm cho tâm hồn ta tràn đầy tâm tình tạ ơn, khiến ta đáp trả lại những hồng ân ta nhận được bằng việc sẵn sàng dâng hiến cuộc đời mình trong tinh thần tông đồ. Dâng hiến đời mình, ta chống lại tính ích kỉ và sự lười biếng là những thứ cản ngăn công trình của Chúa nơi ta. Ngài mời gọi chúng ta quảng đại đáp trả lại lời mời gọi của Ngài như Mẹ Maria khi xưa. Ngài chẳng muốn cứu độ hay thay đổi thế giới mà không có sự cộng tác của chúng ta. Thậm chí cho dù chúng ta có xem hiến dâng của mình là vô nghĩa, thì nó vẫn hữu ích cho tha nhân vì Chúa Cha đã thông phần của lễ của chúng ta với cuộc đời và trái tim của Con Ngài, Đấng đã hi sinh mạng sống mình vì ta trên thập giá. Ta đến gần với những đau khổ của thế giới này hơn khi chúng ta ở cùng với Chúa Giê-su. Chúng ta sẽ nỗ lực đáp lời như Chúa Giê-su đã vâng lời Chúa Cha. Chúng ta thưa cùng Chúa Cha sẵn sàng cộng tác với Con Ngài qua mỗi lời cầu nguyện của sự hi sinh. Đồng thời, chúng ta cũng khiêm tốn cầu nguyện với Chúa Thánh Thần rằng chúng ta hoàn toàn phó thác bản thân ta để Ngài hoạt động nơi ta. Qua Chúa Giê-su Thánh Thể, chúng ta được khơi nguồn và nuôi dưỡng một cách đặc biệt. Vì trong Phép Thánh Thể, chúng ta tìm thấy sự hiến tế vẹn toàn của Chúa Giê-su cho Chúa Cha và mẫu gương cho đời sống hiến dâng của chính chúng ta.

BƯỚC 8. SỨ MẠNG CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT

“Ðức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân” (Is 61,1)

“Ðối với ai nghèo khổ, con đừng ngoảnh mặt làm ngơ, để rồi đối với con, Thiên Chúa cũng sẽ không ngoảnh mặt làm ngơ.” (Tobia 4,7)

“Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Ðức Kitô Giêsu.” (Pl 2,5)

“Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi!” (Mc 1,41)

“Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.” (Lc 4,18)

“Chiêm niệm xem Ba Ngôi Thiên Chúa đang nhìn xem mọi mặt khắp cả địa cầu  […]; Lần lượt nhìn xem các nhân vật; trước tiên là những người trên mặt đất, với bao sự khác biệt, trong y phục và cử chỉ, người trắng kẻ đen, người hòa bình kẻ chiến tranh, kẻ khóc người cười, kẻ khỏe mạnh người ốm yếu, kẻ sinh ra người chết đi v.v. (Thánh I-nhã, Linh Thao, 102)

Thiên Chúa Cha, Cha của Chúa Giê-su và cũng là Cha của chúng ta, Ngài hằng mong muốn tình thương của Ngài thể hiện nơi trần gian này và qua chúng ta, những môn đệ của Ngài. Chúng ta được mời gọi mang ánh nhìn yêu thương của Chúa Cha đến cho nhân loại và hành động cùng với Thánh Tâm Chúa Giê-su. Cùng với Chúa Giê-su, mỗi người chúng ta được sai đến với những con người, những hoàn cảnh xã hội khác nhau. Chúng ta được sai đến những nơi con người chịu cảnh bất công, để giúp chữa lành và động viên những cõi lòng tan nát. Cho dù chúng ta bị hạn chế về mặt thể lý hay bệnh tật, cho dù chúng ta có cảm thấy bất lực trong việc thay đổi cấu trúc xã hội bất công này, chúng ta vẫn tham dự vào sứ mệnh này bằng việc mang ánh nhìn yêu thương của Chúa Cha nhân từ đến với anh chị em quanh ta. Chúng ta có thể thực hiện điều này, vì chính chúng ta đã được lãnh nhận ân sủng từ lòng nhân từ của Thiên Chúa.

Đấy chính là cách chúng ta đáp lại tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta (sự bồi thường). Chúng ta không chỉ hoạt động trong Hội Thánh mà thôi, vì Chúa Thánh Thần hoạt động nơi nào có tình yêu thương. Qua lời cầu nguyện và hành động cụ thể, chúng ta có thể kết nối mọi người từ các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau, giúp nhau đón nhận, mở rộng tinh thần này, và hành động để giảm bớt đau khổ cho những ai khổ đau.

 

BƯỚC 9. MẠNG LƯỚI CẦU NGUYỆN VÀ PHỤC VỤ CHO NHU CẦU CỦA NHÂN LOẠI

“Vì lòng mến Xi-on, tôi sẽ không nín lặng, vì lòng mến Giê-ru-sa-lem, tôi nghỉ yên sao đành, tới ngày đức công chính xuất hiện tựa hừng đông, ơn cứu độ của thành rực lên như ngọn đuốc. Giê-ru-sa-lem hỡi, trên tường thành ngươi, Ta đã đặt lính gác, suốt ngày đêm, chúng sẽ chẳng bao giờ nín lặng. Hỡi những người có phận sự nhắc nhở Ðức Chúa, anh em đừng nghỉ ngơi.” (Is 62,1.6)

“Ông lại gần và thưa: “Chẳng lẽ Ngài tiêu diệt người lành một trật với kẻ dữ sao? Giả như trong thành có năm mươi  người lành, chẳng lẽ Ngài tiêu diệt họ thật sao? Chẳng lẽ Ngài không dung thứ cho thành đó, vì năm mươi người lành trong đó sao? […] Ðức Chúa đáp: “Nếu Ta tìm được trong thành Xơ-đôm năm mươi [hay bốn mươi, hay ba mươi, hay hai mươi, hay mười] người lành, thì vì họ, Ta sẽ dung thứ cho tất cả thành đó.” (St 18,22-33)

“Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Ðức Giêsu, và với anh em của Ðức Giêsu.” (Cv 1,14)

“Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Ðền Thờ thiêng liêng, và hãy để Thiên Chúa đặt anh em làm hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người, nhờ Ðức Giêsu Kitô.” (1 Pr 2,5)

“Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến.” (Lc 10,1)

“Chúc anh em được bình an! như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. (Ga 20,21)

Mạng Lưới Tông Đồ Cầu Nguyện là một liên kết cầu nguyện toàn cầu với ý chỉ cầu nguyện mỗi tháng của Đức Thánh Cha. Những ý chỉ này đề cập đến những thách thức khó khăn của nhân loại và của Hội Thánh. Những ý chỉ này thể hiện những băn khoăn trăn trở của Đức Thánh Cha trong thế giới ngày nay. Chúng ta muốn để những ý chỉ này định hướng hành động và lời cầu nguyện của chúng ta trong suốt tháng ấy.

Mạng này được lập ra bởi những người sẵn sàng cộng tác với công cuộc của Chúa Giê-su qua những hi sinh hằng ngày của mình ở bất cứ nơi đâu hay bất kì hoàn cảnh nào. Lời mời gọi sứ vụ này là ngọn lửa giúp chúng ta, những tông đồ được gửi đến từ con tim Chúa Cha để đến với con tim của thế giới.

Trong số những người đầu tiên được mời gọi trở thành một phần của mạng cầu nguyện này là những tín hữu Công giáo từ các quốc gia có nền văn hóa khác nhau và từ các cộng đoàn tu hội khác nhau. Mạng lưới Tông đồ cầu nguyện góp phần làm thêm sự phong phú đa dạng cho sự hiệp nhất Giáo Hội. Các thành phần khác cũng được mời gọi gọi tham dự vào mạng lưới này theo nhiều cách như: những khó khăn thử thách được nêu ra trong ý chỉ hàng tháng của Đức Giáo Hoàng thúc đẩy ta cộng tác với những tín hữu khác, với những người phục vụ cho tình yêu và công bằng thế giới.

Biên dịch: Nhóm Bạn Đường Linh Thao

Nguồn: https://clicktopray.org/en/a-way-of-the-heart

Kiểm tra tương tự

Suy Tư Tin Mừng CN4PS: Cách Mục Tử Giêsu Chăm Sóc Con Người

Yêu thương ai đó, chúng ta sẽ biết cách chăm sóc người ấy với nhiều …

Tin mừng, phúc âm hay tin lành?

Chúng ta đồng ý với nhau rằng Kinh Thánh là quốn sách chứa đựng 73 …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *