[Mến Yêu Hằng Ngày]: 1.10.2019, Mt 18,1-5

MẾN YÊU HẰNG NGÀY

Thứ 3, 01-10-2019 (Mt 18,1-5)

Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” Đức Giê-su liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời. Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy.”

SUY NIỆM

Bạn có ngạc nhiên không khi thấy các môn đệ của Đức Giêsu tranh cãi xem ai là người lớn nhất trong số họ? Chẳng phải chúng ta cũng giống như vậy sao? Lòng khát khao vinh quang và địa vị dường như là một điều được sinh ra cùng ta khi lọt lòng. Ai mà chẳng có tham vọng trở thành một “ai đó” được bao người ngưỡng mộ hơn là một “chẳng ai cả”? Ngay cả trong Thánh Vịnh cũng nói về vinh quang mà Chúa đã dành sẵn cho con người: “Chúa ban cho con người chẳng kém thần linh là mấy, ban vinh quang vinh dự làm mũ triều thiên.” (Tv 8,6) Và ngay khi các môn đệ còn đang tranh cãi, Đức Giêsu đã làm một hành động mang ý nghĩa tuyệt vời, đó là gọi một em nhỏ đến gần Ngài để chỉ cho các môn đệ thấy ai mới là người thực sự lớn nhất trong Nước Trời.

Một em nhỏ thì có thể dạy chúng ta điều gì về sự vĩ đại đây? Trong thế giới cổ đại, trẻ em không có bất cứ quyền lợi, địa vị hay đặc quyền nào cả. Theo giai tầng xã hội, các em là “tầng đáy chót” và bị sai bảo giống như người giúp việc hoặc người hầu trong nhà. Vậy hành động của Đức Giêsu có ý nghĩa gì? Đức Giêsu đã đưa một em nhỏ lên trước mắt các môn đệ qua việc Ngài để em ở nơi bên phải mình, một vị trí danh dự đặc quyền. Ai là người lớn nhất trong Nước Chúa? Là người có con tim khiêm nhu và hạ mình. Thay vì đòi hỏi các quyền lợi, người ấy lại sẵn sàng bỏ đi lòng kiêu hãnh ngạo mạn và vinh quang bản thân để nhận lấy vị trí thấp bé của một người tôi tớ, như vị trí của trẻ em trong xã hội thời đó vậy.

Đức Giêsu, chính Ngài đã nêu gương và trở nên hình mẫu cho chúng ta. Ngài đã “đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mt 20,28). Trong thư gửi tín hữu Phi-líp-phê, thánh Phao-lô đã viết rằng: Chúa Giêsu “đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.” (Pl 2,7) Chính thế, Ngài đã tự hạ mình dù vị trí của Ngài là bên hữu Thiên Chúa Cha, đã mặc lấy thân phận thấp hèn trần trụi, ôm trọn gánh nặng kiếp người để nâng chúng ta lên, mặc cho chúng ta tấm áo thần thiêng sáng láng của Ngài.

Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường.” (Gc 4,6) Nếu chúng ta muốn được đầy tràn sự sống và ân sủng của Chúa, thì chúng ta cần loại khỏi chính mình tất cả những gì ngăn cản ta đến với Chúa, đó là thói tự mãn, tị hiềm ghét ghen, ích kỉ vun vén, tham lợi hám danh, mê vinh đắm vọng. Thiên Chúa muốn những động mạch trống rỗng để Ngài có thể đổ đầy vinh quang, sức mạnh và tình yêu của Ngài vào đó. Liệu bạn có sẵn sàng hạ mình và phục vụ như Chúa Giêsu đã làm không?

Lạy Chúa Giêsu, ân sủng Ngài chứa chan vô tận. Ngài trao ban nhưng không cho những con tim khiêm nhường tự hạ, và cho chúng con tự do để yêu thương, phục vụ nhau một cách vô vị lợi. Xin cho tình yêu của con dành cho Ngài được thể hiện trong sự phấn khởi hăng say làm điều tốt cho người khác.

—-//—-//—-

Biên dịch: Nhóm Bạn Đường Linh Thao

Nguồn: http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/2019/sep30.htm

Kiểm tra tương tự

Tông Đồ Cầu Nguyện, 02-01-2025

TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 2/1/2025 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG Bước đi trên con …

Mến Yêu Hằng Ngày, 02-01-2025

MẾN YÊU HẰNG NGÀY Thứ 5, 02-01-2025 (Ga 1,19-28) Và đây là lời chứng của …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *