[Mở lòng] – Thứ Hai sau Chúa Nhật I mùa Chay

Đức Giê-su đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt 9,35-36).

Trong những bài cầu nguyện trước, Đức Kitô đã mời gọi chúng ta bước vào thinh lặng để gặp Cha. Đức Kitô cũng dạy chúng ta kinh Lạy Cha để cầu nguyện với Cha, Đấng nhân hậu và luôn xót thương nhân loại. Trong tuần này, chúng ta cùng suy niệm và khám phá lòng thương xót của Thiên Chúa trong cuộc đời mỗi cá nhân, cũng như trong thế giới của chúng ta.

Giờ đây chúng ta đọc đoạn Kinh Thánh trên. Dù chỉ có vài hàng, nhưng Mát-thêu đã diễn tả rất sống động lòng thương xót của Thiên Chúa qua hành trình sứ vụ của Đức Kitô.  Nhưng tại sao Đức Kitô lại thi hành sứ vụ đó? Đức Benedicto XVI giải thích rằng, vì hôm nay Thiên Chúa cũng nghe tiếng kêu gào của rất nhiều người, những người đang khao khát niềm vui, mong ước an bình và tình yêu. Họ cảm thấy mình luôn luôn bị bỏ rơi. Nhưng Thiên Chúa không bao giờ cho phép bóng đêm của sợ hãi cứ vậy mà hiện diện trong  những sự bất hạnh vô cùng, trong cô đơn, trong bạo lực, trong đói khổ, mà rất nhiều con người thuộc nhiều thành phần khác nhau đang phải chịu đựng, cả những người trưởng thành lẫn những trẻ em. Như Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II, vị tiền nhiệm của tôi đã viết rằng, thực sự Thiên Chúa đã đặt ra một giới hạn cho sự dữ. Giới hạn đó chính là lòng nhân hậu của Ngài. Tất cả tâm tình đó đã thúc đẩy tôi đặt lời Phúc Âm sau đây: “Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương” (Mt 9,36).

Như thế chúng ta nhận ra một điều rất căn bản: Thiên Chúa chúng luôn lắng nghe lời kêu xin của con người. Khi chúng ta mở lòng kêu xin, thì Ngài sẽ ghé tai lắng nghe chúng ta. Ở đây chúng ta hãy nhớ lại lời thánh vịnh của Đa-vít: “Hãy biết rằng: CHÚA biệt đãi người hiếu trung với Chúa; khi tôi kêu, CHÚA đã nghe lời” (Tv 4,4) Thật vậy, làm sao Thiên Chúa của tình yêu lại có thể ngoảnh mặt trước những cuộc đời đang quằn quại đau khổ, đang bị bóng đêm chế ngự, đang thui thủi một mình trên đường đời, đang sợ hãi trước quyền lực của sự dữ.

Trong ngày cầu nguyện hôm nay, khi đọc đoạn Thánh Kinh ngắn ngủi, tôi dừng bước và mường tượng rằng, tôi đang có mặt trong đám đông, và tôi là một con người nhỏ bé yếu đuối và đang đau khổ nhiều. Kìa Đức Kitô, Ngài nhìn thấy tôi trong đám đông. Ngài nhìn tôi, nhưng không phải bằng cái nhìn tội nghiệp chóng qua, hay bằng cái nhìn lướt qua và chẳng thèm để ý gì, mà Ngài nhìn tôi bằng đôi mắt của tâm hồn xót thương. Vâng, Ngài chạnh lòng thương tôi, an ủi tôi, lắng nghe tôi tâm sự, chia sẻ với tôi gánh nặng tôi đang mang, và cuối cùng Ngài đã đưa tay để cứu độ tôi. Tôi cảm thấy thế nào về cuộc gặp gỡ mà Đấng giàu lòng thương xót dành cho tôi. Ơn cứu độ của Ngài có ý nghĩa gì đối với tôi?

Ra khỏi sự mường tượng, tôi trở về lại với mình. Tôi rút ra điều ích lợi cho chính mình qua phần suy gẫm về lòng thương xót của Chúa.

Cuối cùng, tôi tâm sự với Chúa và đọc Kinh Lạy Cha để kết thúc giờ cầu nguyện.

  • Bài tập sống trong tuần: Mỗi ngày, tôi chú ý tập “mở mắt” nhìn và khám phá lòng thương xót của Chúa qua một sự kiện cụ thể trong cuộc sống. Có thể sự kiện đó liên hệ đến tôi hoặc đến người khác. Cuối ngày, trong giây phút hồi tâm, tôi ý thức cám ơn Chúa về lòng thương xót của Ngài mà tôi đã khám phá trong ngày hôm nay.

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế, S.J.

Kiểm tra tương tự

Tại sao nước Mỹ có ít bậc hiển thánh và chân phước?

  Có vị thánh nào gốc người Mỹ không, hay tất cả đều từ nơi …

Nghĩa trang Công giáo: Tuyến đầu chống lại nỗi sợ thế tục về cái chết

  Ông Peter Nobes, người quản lý các nghĩa trang Công giáo thuộc Tổng giáo …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *