Mến Yêu Hằng Ngày, 23-07-2021

MẾN YÊU HẰNG NGÀY

Thứ 6, 23-07-2021 (Mt 13,18-23)

“Vậy anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống. Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường. Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời: khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay. Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì. Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục.”

SUY NIỆM

Hôm nay chúng ta được mời gọi đến với sự diễn giải về dụ ngôn người gieo giống. Có sự khác biệt lớn giữa bản gốc của dụ ngôn và bản diễn giải. Trong khi dụ ngôn tập trung vào người gieo hạt và những thành quả người ấy đạt được thì phần diễn giải lại tập trung nhiều hơn vào những mảnh đất mà hạt giống được gieo vãi.

Cách diễn giải này phản chiếu kinh nghiệm của Giáo Hội sơ khai khi truyền rao Tin Mừng. Bốn mảnh đất đại diện cho bốn loại phản ứng với Lời Chúa mà nó được gieo vào. Theo mạch văn của đoạn Tin Mừng, bốn môi sinh này được xếp theo cấp độ tăng tiến: nơi vệ đường, nơi sỏi đá, nơi bụi gai và nơi đất tốt. Đó cũng chính là những cấp độ trưởng thành trong cảm nghiệm thiêng liêng về Lời Chúa. Đồng thời cũng thể hiện sự đa dạng của những mẫu người nghe và sống Lời Chúa.

 

Mảnh đất đầu tiên nơi được ví như hạt giống rơi bên vệ đường. Lời Chúa chưa bao giờ được bắt đầu ở nơi đó vì đã bị gạt đi bởi những ảnh hưởng tà ác vây quanh. Ở nơi trần gian của chúng ta hôm nay, nó không dễ dàng gì để cho Lời đâm sâu bởi nhiều sự cạnh tranh của các cơn cám dỗ.

Mảnh đất thứ hai như hạt giống rơi trên đá sỏi. Lời Chúa được đón nhận với lòng hăng hái, người Kitô hữu trở nên sùng kính và mau mắn hơn. Nhưng nếu có trở ngại nảy sinh làm cho đời sống người Kitô hữu trở nên khác với những gì họ mong đợi, họ dễ dàng gục ngã. Như Tin Mừng đã nói, những ai không bám rễ Lời Chúa, đức tin không thể ăn sâu vì nó không thực sự được đồng hóa. Đây hẳn là trường hợp của nhiều người trong Giáo Hội sơ khai, những người nhiệt tình đón nhận Kitô giáo nhưng khi sự bách hại xảy đến, họ sẵn sàng vứt bỏ đức tin của mình. Thời đại hôm nay cũng không thiếu những bách hại như thế, đòi hỏi chúng ta phải chọn lựa theo thế gian hay theo Lời.

Mảnh đất thứ ba nơi hạt giống rơi vào bụi gai. Mối lo ngại về nhiều thứ và sự lôi cuốn của những thứ vật chất tốt đẹp dần dần bóp nghẹt lời hứa của chúng ta với Phúc Âm trong sự trọn vẹn. Chúng ta không thực sự đóng góp để xây dựng Vương Quốc trên trời và thay đổi thế giới, thay vào đó chúng ta ngồi trên hàng rào của sự ngăn cách và cố gắng tận dụng tối đa cả hai thế giới. 

Cuối cùng là mảnh đất tốt nơi hạt giống được gieo xuống. Những người nghe Lời, đón nhận Lời, làm cho nó thấm nhuần vào đời sống mình qua tư tưởng, lời nói và việc làm, từ đó sinh hoa kết quả dồi dào. 

Phản tỉnh: hãy tự vấn lòng xem mình thuộc loại đất nào khi đón nhận Lời Chúa. Ta có để cho Lời Chúa triển nở trên mảnh đất hồn ta không? Đôi khi ta quên bẵng mùa gặt đời mình, chẳng chăm chút tưới tiêu cho mảnh đất ấy, nên những hạt giống Lời được vãi gieo bị những gai góc phù vân, của cải vật chất và đam mê trần thế làm cho chẳng còn cơ hội để nảy sinh trong lòng ta nữa. Nhưng ước gì nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, ta quyết tâm dọn sạch lòng mình khỏi đá sỏi, gai góc – là những bộn bề lo toan của cuộc sống, biến nó trở nên môi sinh tốt, sẵn sàng đón nhận Lời Chúa với tâm thế vui tươi hoan hỉ, hòng làm nó trổ sinh nhiều hoa trái trong đời sống ta.

—-//—–//—-

Biên dịch: Nhóm Bạn Đường Linh Thao

Nguồn: https://livingspace.sacredspace.ie/o1166g/

Kiểm tra tương tự

Tông Đồ Cầu Nguyện, 30-12-2024

TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 30/12/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG ​  Trưởng thành trong …

Giáng Sinh trong Nghệ Thuật – Tàn sát trẻ thơ vô tội

Guido Reni vẽ vào năm 1611. Hiện được trưng bày trong Pinacoteca Nazionale di Bologna. …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *