Thánh I-nhã : Tự do để yêu mến và phục vụ (kết)

 

Phụ trang 27

 

Venezia

 

            Venezia là một thành phố gồm hơn 100 cù lao, nằm ở ngoài khơi miền đông bắc nước Ý. Vào năm 2000, Venezia có 360 ngàn dân.

Khu vực bờ biển gần Venezia đã có người ở từ trước công nguyên. Vào thế kỷ V và VI, vì có nhiều cuộc xâm lăng, dân chúng chạy trốn ra các cù lao rồi định cư luôn. Năm 568, Venezia gồm 12 thị trấn. Năm 584, sau khi đế quốc Rôma Phương Tây sụp đổ, Venezia được đế quốc Rôma Phương Đông công nhận: trên danh nghĩa thuộc Byzance, trên thực tế độc lập. 12 thị trấn bầu một Hội Đồng gồm 12 đại biểu để quyết định mọi việc. Năm 697, Hội Đồng bầu Thống Lĩnh tiên khởi, gần như một tổng thống trong chế độ cộng hòa.

Năm 827-829, các nhà buôn đem về từ Alexandria (Ai Cập) điều được coi là hài cốt của thánh Marcô. Đền thánh Marcô được khởi công năm 830. Vị thánh này được tôn làm bổn mạng của Venezia, và quảng trường trước cửa đền trở thành trung tâm sinh hoạt chính yếu của thành phố. Nhờ địa thế hiểm trở và uy thế của đế quốc Byzance, Venezia không bị các đoàn quân xâm lăng và tàn phá như các khu vực khác trong nước Ý. Nhờ thương mại quốc tế phát triển, Venezia dần dần trở nên giàu mạnh. Vào thế kỷ XII, Venezia chiếm đóng nhiều hòn đảo trên Địa Trung Hải và có lần chiếm đóng cả Byzance. Vào thế kỷ XV, giám mục Venezia được nâng lên hàng thượng phụ. Tuy nhiên, cũng từ thời gian ấy, Venezia thường xuyên có chiến tranh với thành phố Genova ở phía đông, nên mức độ phát triển chậm lại. Trong suốt hai thế kỷ XVI và XVI, Venezia phải chiến đấu chống lại đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ, nên suy yếu nhanh chóng. Tuy về chính trị, quân sự và thương mại, Venezia không còn đóng vai trò quan trọng nữa, nhưng văn hóa, thành phố vẫn là một trung tâm hàng đầu của Châu Âu.

Vào thời thánh I-nhã, Venezia tuy đang trên đà suy yếu, nhưng vẫn là đơn vị mạnh nhất trong các miền thuộc nước Ý. Với đoàn thương thuyền hơn 3000 chiếc, Venezia buôn bán khắp Địa Trung Hải, cả với Anh và Hà Lan. Song song với nền kinh phồn thịnh là hai tệ nạn lớn: trong Hội Thánh các giáo sĩ tìm bổng lộc hơn lo chăm sóc đoàn chiên; ngoài xã hội thì đĩ điếm tràn lan.

Dầu vậy, Venezia vẫn được coi là gắn bó với Đức Thánh Cha và có đời sống luân lý cao hơn các nơi khác ở Ý. Một thực tế trái ngược khác: Venezia vừa là thành trì của phong trào Tin Lành ở Ý, vừa là điểm xuất phát của trào lưu canh tân Hội Thánh. Những dòng tu giáo sĩ đầu tiên trong Hội Thánh xuất phát từ Venezia: năm 1524 dòng Teatino của thánh Gaetano, năm 1530 dòng Somasca của thánh G. Emiliani, và năm 1533 dòng Barnabitas của thánh Antôn Maria Zacaria. Ngày 4.10.1532, giám mục Gian Pietro Carafa gởi Đức Giáo Hoàng Clêmentê VII bản điều trần về nguy cơ lạc giáo xâm nhập Venezia. Theo đó, nguyên nhân là sách vở lạc giáo tràn lan, trong khi các linh mục, có những người chưa đầy 16 tuổi, không muốn hoặc không có khả năng giảng dạy. Bản điều trần xin Đức Giáo Hoàng có biện pháp đối phó.

Năm 1797, Napoléon xâm chiếm và gắn Venezia vào nước Áo. Từ đây, Venezia chấm dứt thời kỳ độc lập. Năm 1805, sau khi chiếm toàn bộ nước Ý, Napoléon gắn Venezia vào nước Ý trong khi toàn bộ Ý lệ thuộc nước Áo. Năm 1814, sau khi Napoléon bại trận, Venezia hợp nhất với miền Lombardia thành vương quốc Lombardo-Venezia. Năm 1866, Venezia được gắn vào nước Ý độc lập.

 

Kiểm tra tương tự

Giới thiệu sách mới: VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI TU – MỘT ĐÓNG GÓP CỦA LINH ĐẠO I-NHÃ

Sự vâng phục là một trong ba lời khấn mà các tu sĩ phải tuân …

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *