Thánh I-nhã : Tự do để yêu mến và phục vụ (VII)

               Cách sống nghèo, chăm việc đạo, phục vụ người đau yếu bệnh tật của thánh I-nhã chẳng bao lâu thu hút các bà đạo đức. Hai bên gặp được nhau khác nào Bá Nha gặp Tử Kỳ! Thế là ngài với họ thường xuyên gặp gỡ và hội họp để chia sẻ và cầu nguyện.

               Một nhân chứng khai trước ban thanh tra giáo lý là đủ hạng người đến nhà tế bần gặp thánh I-nhã: phụ nữ đã kết hôn hay còn độc thân, người già, người trẻ, sinh viên, tu sĩ… Ngài hướng dẫn họ về đời sống thiêng liêng, có khi riêng từng người, có khi chung từng nhóm 10-12 người. Ngài gọi đó là giáo lý Công Giáo hay Linh Thao. Một phụ nữ tên là Menciá de Benavente cho biết: “Ngài nói với họ về các tội trọng, năm giác quan, các khả năng của tâm trí; ngài giải thích rất hay; ngài dùng Tin Mừng, thánh Phaolô và các thánh khác để cắt nghĩa. Ngài bảo họ mỗi ngày xét mình hai lần, trước một bức ảnh đạo, nhớ lại mình đã phạm những tội gì; ngài khuyên họ xưng tội và rước lễ hằng tuần.”[58] Theo một nhân chứng khác tên là Maria de la Flor, ngài đã gặp gỡ bà trong vòng một tháng; trong tháng ấy, bà xưng tội và rước lễ hằng tuần. Chưa bao giờ bà thấy sốt sắng như vậy, nhưng không biết do đâu. Tuy nhiên, tuần kế tiếp, bà rất buồn, nhưng vững lòng trông cậy Chúa. Bà thấy được rất nhiều ích lợi. Bà được ngài giải thích về ba khả năng của tâm trí, về công phúc người ta có thể lập được khi bị cám dỗ, về việc người ta từ chỗ phạm tội nhẹ đến chỗ phạm tội trọng, về 10 điều răn và các hoàn cảnh, về các tội trọng và năm giác quan và các hoàn cảnh liên hệ đến tất cả những điều ấy.”[59] Hẳn đó là tuần thứ nhất của Linh Thao.

               Ngoài ra, ngài chính thức có một nhóm bạn cùng chí hướng. Trong thời gian ở Barcelona, thánh I-nhã gặp được ba người trẻ cũng ước ao giúp đỡ các linh hồn như ngài: Calixto de Sa (hình như quê ở Segovia, Tây Ban Nha, đã hành hương Giêrusalem năm 1524, trước khi gặp thánh I-nhã); Lope de Caceres (quê ở Segovia, Tây Ban Nha, từng giúp việc cho phó vương xứ Catalonia); và Juan de Arteaga (quê ở Estepa, Tây Ban Nha). Nhưng hình như tại Barcelona ngài chưa tha thiết gì lắm với các bạn cùng chí hướng, nên không thấy nhắc đến lần nào, và cũng không đem theo khi đi Alcalá. Có lẽ chính họ tự ý đến Alcalá. Chẳng những bắt chước cách sống khắc khổ và đạo hạnh của ngài, họ còn bắt chước ngài cả về các ăn mặc nữa. Ít lâu sau, tại Alcalá Jean Reynald, tên thường gọi là Juanico, gia nhập nhóm. Đây là một thiếu niên người Pháp, tiểu đồng của phó vương Navarra, phải vào nhà tế bần vì bị thương và gặp thánh I-nhã. Sau đó, Juanico bỏ quần áo đẹp, mặc quần áo giống thánh I-nhã và các bạn cùng chí hướng. Trong cuộc điều tra ngày 19.11.1526, hai vợ chồng người quản lý nhà tế bần Antézana cho biết một số chi tiết về nhóm bạn cùng chí hướng của thánh I-nhã. Cả nhóm mặc áo nâu dài đến gót chân. Juan và Calisto ở lò bánh mì Andrés Davila; Cáceres và Castro ở nhà một người tên là Fernando de Para. Hằng ngày Cáceres đến nhà tế bần ăn bữa trưa và bữa tối với thánh I-nhã; sau đó cả hai đi học. Vì nhiều người đến gặp, gây trở ngại cho việc học, thánh I-nhã xin bà vợ viên quản lý đừng cho khách gặp[60].

Kiểm tra tương tự

Giới thiệu sách mới: VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI TU – MỘT ĐÓNG GÓP CỦA LINH ĐẠO I-NHÃ

Sự vâng phục là một trong ba lời khấn mà các tu sĩ phải tuân …

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *