Thánh I-nhã : Tự do để yêu mến và phục vụ (VII)

Tại sao thánh I-nhã quyết định đi Salamanca[77]? Có lẽ trước hết vì Salamanca nằm ngoài thẩm quyền Tổng Giáo Phận Toledo, vì thế ngài vẫn có thể hoạt động tông đồ. Thứ đến, đại học Salamanca thuộc hạng cổ kính hạng nhất ở Tây Ban Nha, đặc biệt nổi tiếng về thần học, nên ngài có thể tiếp tục việc học.

Ricardo García-Villoslada gọi Salamanca thời ấy là Athena, nghĩa là thủ đô trí thức, của Tây Ban Nha[78]. Trái với Alcalá được coi là khu vực cởi mở, Salamanca được coi là thành trì của những tư tưởng bảo thủ nhất về giáo lý ở Tây Ban Nha. Alcalá có thể nói là ‘đất’ của dòng Thánh Phanxicô, trái lại Salamaca là ‘đất’ của dòng Thánh Đaminh. Trong khi thánh I-nhã di Valladolid, bốn người bạn cùng chí hướng của ngài đến Salamanca trước. Khoảng đầu tháng 7 năm 1527 ngài đi bộ hơn 100 km từ Valladolid đến và xin ở trọ gần nhà thờ dòng Thánh Âutinh cùng với họ. Vì đang mùa nghỉ hè, đại học đóng cửa, nên ngài và các bạn bắt tay vào hoạt động tông đồ như ở Alcalá.

Thánh I-nhã nhận một cha dòng Thánh Đaminh ở tu viện San Esteban làm linh hướng. Tu viện ấy được coi là ‘viên ngọc’ của Salamanca chẳng những vì kiến trúc tu viện nói chung và ngôi nhà nguyện nói riêng, mà các cha Đaminh ở đó được coi là những người cầm cần nảy mực về giáo lý ở Salamanca. Có thể vô tình ngài đã lọt vào đúng nơi lẽ ra nên kính nhi viễn chi. Từ cách ăn mặc đến cách làm việc tông đồ của ngài và các bạn cùng chí hướng không qua khỏi mắt các vị được coi là cảnh sát của Hội Thánh.

Ở Salamanca, kẻ hành hương xưng tội với một cha Dòng Đaminh ở tu viện San Esteban. Một hôm, khoảng 10 hay 12 ngày từ khi kẻ ấy đến, cha giải tội nói với kẻ ấy: “Các cha trong nhà muốn nói chuyện với anh.” Kẻ ấy đáp: “Nhân danh Thiên Chúa, con xin vâng.” Cha giải tội nói tiếp: “À, Chúa Nhật này, anh đến đây ăn cơm trưa, nhưng tôi báo trước là các cha muốn biết nhiều điều về anh đấy.”    Vào Chúa Nhật, kẻ ấy cùng với Calixto đến. Sau bữa ăn, cha tu viện phó (cha tu viện trưởng đi vắng), cha giải tội và một cha khác nữa, tôi nghĩ vậy, cùng với họ vào một nhà nguyện. Cha tu viện phó, rất dễ thương, khởi đầu nói là các cha nhận được những báo cáo tốt về đời sống và cung cách của họ; họ rao giảng theo cách thức tông đồ, nhưng các cha mong được biết thêm chi tiết về tất cả những điều ấy. Trước hết, cha hỏi họ đã học hành thế nào. Kẻ hành hương đáp: “Trong tất cả chúng con thì con được học nhiều nhất.” Rồi kẻ ấy trình bày rõ ràng là mình đã học được ít thôi và thiếu nền tảng nữa. Cha tu viện phó hỏi: “Vậy các anh giảng gì ?” Kẻ hành hương đáp: “Chúng con không giảng, chỉ nói chuyện với năm bảy người cách thân mật về những điều thuộc về Thiên Chúa, thí dụ sau bữa ăn, với mấy người mời chúng con.” Vị tu sĩ hỏi tiếp :”Nhưng các anh nói những điều về Thiên Chúa thế nào? Đó là điều chúng tôi muốn biết.” Kẻ hành hương nói : “Chúng con nói về nhân đức này nhân đức kia, luôn luôn ca ngợi; lúc khác lại nói về tật xấu này, tật xấu kia, luôn luôn kết án.” Vị tu sĩ lại nói :”Các anh không được học mà nói về nhân đức và tật xấu sao? Chỉ có hai trường hợp người ta nói được như vậy: hoặc là được học, hoặc là do Chúa Thánh Thần.”[79]

Kiểm tra tương tự

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

[Giới thiệu sách] Hạnh Các Thánh Dòng Tên

Các Thánh và các Chân Phước trong Dòng Tên chính là những người đã đạt …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *