Thánh I-nhã : Tự do để yêu mến và phục vụ (VII)

Phụ trang 19

 

Bà Isabel Roser,

nên làm mẹ hơn làm con thánh I-nhã

 

               Trong thời gian lưu trú lần đầu ở Barcelona năm 1523, thánh I-nhã đã gặp và biết bà Isabel Roser, một phụ nữ đạo đức và giàu có. Bà là con một gia đình thế giá ở Barcelona. Bà kết hôn với ông Roser, một người giàu có. Hai ông bà không sinh được người con nào. Về cuối đời, chồng bà bị mù. Căn nhà xinh đẹp của ông bà đối diện với nhà thờ Saints-Just-et-Pasteur hiện nay vẫn còn, tuy đã được sửa sang.

               Chính bà kể lại cho cha Ribadeneira biết bà gặp thánh I-nhã trong trường hợp nào. Một hôm bà cùng với chồng đến nghe giảng, có lẽ tại nhà thờ Saints-Just-et-Pasteur, bà thấy thánh I-nhã ngồi giữa đám trẻ con trên tam cấp ở bàn thờ: “Tôi nhìn đi nhìn lại, dường như có một hào quang quanh mặt ngài, và tôi nghe tiếng nói trong lòng mình: ‘Mời người này, mời người này!’ Ban đầu tôi chưa tin, nhưng khi ra khỏi nhà thờ, tôi bối rối. Về đến nhà, tôi kể lại cho chồng, thế là ngay lập tức chúng tôi trở lại nhà thờ và mời ngài về nhà dùng cơm. Sau khi ăn, ngài ngài nói chuyện thiêng liêng làm chúng tôi rất xúc động.”

 

Có thể chia mối quan hệ giữa bà và thánh I-nhã thành ba giai đoạn.

1. Từ 1523 đến 1543

Trong 20 năm, thánh I-nhã coi bà là ân nhân và bà coi thánh I-nhã như một vị thánh.

Trong thời gian khoảng 20 ngày ở Barcelona lần đầu, bà là người mộ mến thánh I-nhã và giúp đỡ ngài về vật chất. Một chi tiết: ngài đã xin được chỗ trên một chiếc tàu đi Rôma, nhưng vì bà can, ngài ở lại để đi tàu khác. Chiếc tàu ngài định đi vừa ra khỏi cảng thì bị đắm.

               Ở Giêrusalem về, hẳn là liên lạc giữa thánh I-nhã với bà Roser được tăng cường nhiều mặt: bà giúp đỡ ngài về vật chất để ngài học hành, ngài giúp đỡ bà về đời sống thiêng liêng. Sau này, khi thánh I-nhã ở Paris, chính bà là một ân nhân quan trọng, và nhiều lần ngài viết thư cho bà. Tuy nhiên, qua các thư của thánh I-nhã gởi cho bà, chúng ta biết càng ngày bà càng hay than thở hơn. Khi đến Rôma, ngài tiếp tục viết thư cho bà biết tin tức về mình và các bạn.

               Ngày 8.11.1541, chồng bà qua đời. Lúc đầu, bà dự tính vào tu ở đan viện Thánh Clara tại Barcelona. Nhưng rồi nghĩ đi nghĩ lại, bà quyết định đi Rôma để được tu trong Dòng Tên mới thành lập. Được tin này, thánh I-nhã vừa bối rối vừa phân vân, nhưng không ngăn cản được bà. Sau khi thu xếp công việc, bà mang theo một số tiền khá lớn, và rủ thêm Isabel de Josa, một người bạn, và Francisca Cuyllas, vốn là người giúp việc của bà, cùng đi. Bà báo cho thánh I-nhã: “Tôi đã quyết định đến Rôma gặp cha trước khi chết.”

2. Từ 1543 đến 1546

Tháng 4 năm 1543, bà xuống tàu đi Rôma. Theo một nữ tu kể lại trong cuộc điều tra phong thánh, khi gặp bà ở Rôma, thánh I-nhã lấy hai tay ôm đầu và nói: “Chúa ơi, bà Roser, ai đưa bà tới đây?” Bà trả lời: “Thiên Chúa và cha.” Ba người phụ nữ được cho ở tạm tại một nhà riêng.

               Đúng trong thời gian ấy, thánh I-nhã đang bận tâm lo cho các cô gái hoàn lương ở Rôma, nên ngài nhờ ba chị em đến ở nhà Thánh Martha để giúp. Họ thực sự được coi như nữ tu, bà Roser làm bề trên. Ít lâu sau, một phụ nữ Rôma, tên là Lucretia de Brandine, nhưng thường được gọi là “La Capucine”, vốn mộ mến thánh Phanxicô Xavier, cũng xin gia nhập nhóm. Được ít lâu, bà Roser hỏi thánh I-nhã chị em sẽ khấn và gia nhập Dòng Tên thế nào. Ngài thực sự chưa biết nên làm gì. Bà Roser đã lớn tuổi, quen tiêu dùng như người giàu, ít chịu nghe ai, và chẳng hiểu bao nhiêu về đời tu! Thánh I-nhã lần lữa suốt hai năm. Bà tự mình đi xin phép Đức Giáo Hoàng: chẳng những chị em được khấn mà chính thánh I-nhã phải nhận lời khấn nữa. Tối hôm trước lễ Giáng Sinh năm 1545, bà nhường tài sản cho Dòng Tên, nhưng thánh I-nhã lại cho bà được quyền sử dụng, rồi hôm sau, tại nhà thờ Đức Mẹ Trên Đường, bà cùng với Francisca Cruyllas và Lucretia de Brandine tuyên khấn như sau:

               Tôi ký tên dưới đây là Isabel Roser, góa phụ, trước mặt Đức Trinh Nữ Rất Thánh Maria, thánh Giêrônimô vinh hiển và toàn thể triều đình thiên quốc trên Thiên Đàng, và trước mặt những người hiện diện nơi đây, xin hứa và tuyên khấn trọng thể với Thiên Chúa toàn năng, và với cha I-nhã, Bề Trên Dòng Tên, thay mặt cho Thiên Chúa, trọn đời sống thanh bần, theo như cha sẽ ra lệnh cho tôi, khiết tịnh và tuân phục theo cách sống sẽ được ấn định cho tôi. Tại Rôma, trong nhà thờ Đức Mẹ Trên Đường, lễ Chúa Giêsu Giáng Sinh năm 1545.

               Trên nguyên tắc, như vậy là Dòng Tên nữ chính thức thành hình, theo lệnh Đức Thánh Cha. Tại Barcelona, người ta hãnh diện, và nhiều người thèm muốn được như bà Roser.

               Nhưng rồi nhiều chuyện phiền hà liên tiếp diễn ra. Cả cha Polanco lẫn cha Ribadeneira (hai người kể rất nhiều chuyện liên hệ đến thánh I-nhã) đều kể ngắn gọn về chuyện bà Roser. Cha Ribadeneira gọi bà là một phụ nữ “rất tử tế và rất đức hạnh”. Cha Polonco gọi nhóm phụ nữ ấy là “rất đạo đức”. Nhưng về những phiền hà cụ thể đối với thánh I-nhã thì cả hai cùng không nói rõ. Cha Hugo Rahner cho biết một vài chi tiết. Có lần thánh I-nhã đau ốm, bà Roser tự nguyện đi săn sóc: hầu như ngày nào ngài cũng phải kiên nhẫn nghe bà than thở và giúp bà khỏi các bối rối. Rồi bà gọi mấy người cháu từ Barcelona đến Roma mà không hỏi gì thánh I-nhã. Một cha Dòng Tên người Pháp gởi cho bà Roser một lá thư, không biết trong thư nói gì, nhưng cả ba chị em cùng giận dữ.

               Sau khi suy nghĩ cặn kẽ, vào đầu tháng 4 năm 1546, thánh I-nhã quyết định xin Đức Giáo Hoàng giải lời khấn cho ba phụ nữ, và được phê chuẩn miệng. Nhưng hình như ngài vẫn còn do dự. Đến mùa hè năm ấy thì ngài quyết định dứt khoát và xin văn kiện chính thức của Đức Giáo Hoàng. Ngày 1.10.1546, văn kiện chính thức được công bố. Cha Nadal được thánh I-nhã ủy nhiệm liên lạc với bà Roser về quyết định giải lời khấn. Trong lá thư gởi bà dịp ấy, thánh I-nhã viết:

               “Quả thật là để tôn vinh Thiên Chúa hơn, tôi ước ao đáp ứng những ước nguyện tốt lành của bà và giữ bà trong lời khấn tuân phục tôi, như từ ít lâu nay, bằng việc tận tình lo cho phần rỗi và sự hoàn thiện của linh hồn bà. Tuy nhiên, một mặt vì ốm đau liên miên, mặt khác vì phải lo những việc tôi có trách nhiệm đặc biệt đối với Thiên Chúa và Đức Thánh Cha, nên tôi thấy lực bất tòng tâm. Xét theo lương tâm, tôi cũng thấy việc lo đặc biệt cho những phụ nữ dấn thân trong lời khấn tuân phục là điều không thích hợp đối với Dòng. Cách đây sáu tháng, tôi đã trình bày cặn kẽ điều này cho Đức Thánh Cha. Vì thế, tôi xét là để tôn vinh Thiên Chúa hơn, nên đình chỉ và chấm dứt việc giúp đỡ bà với tư cách là một người con thiêng liêng khấn tuân phục tôi. Nhưng bà vẫn sẽ là một người mẹ hiền và tốt đối với tôi như từ xưa đến nay, để tôn vinh Thiên Chúa hơn. Vậy, để phục vụ Thiên Chúa hơn, để ca ngợi và tôn vinh Đấng Nhân Hậu Đời Đời, trong mức độ quyền hạn của tôi và nếu không đi ngược lại quyền bính của cấp trên, sau khi đã suy xét đến nơi đến chốn, tôi xin trao cho Đức Thánh Cha hướng dẫn và quyết định về bà, nhờ đó linh hồn bà sẽ được bình an và phấn khởi, để tôn vinh Thiên Chúa hơn.”

               Bà Roser vừa giận dữ vừa khóc lóc. Thậm chí bà đòi lại số tiền 465 ecus đã tặng Dòng. Nhưng thánh I-nhã cho bà xem sổ sách: bà đã chi tiêu nhiều hơn cả số tiền ấy. Một số người, kể cả vài ba Giêsu hữu, kết án thánh I-nhã. Tuy nhiên, không gì lay chuyển được ngài. Tháng 5.1547, ngài xin được Đức Thánh Cha ra tông thư không để cho phụ nữ gia nhập Dòng Tên.

               3. Từ 1547 đến 1554

               Sau khi được giải lời khấn, bà Roser còn ở lại Rôma thêm mấy tháng, có thể vì còn hy vọng xoay chuyển tình hình, hoặc phải chờ tình hình ở Barcelona yên tĩnh hơn. Trước khi trở về Barcelona, bà Roser đến xưng tội với thánh I-nhã, rồi xin lỗi ngài.

               Tại Barcelona, bà Roser trước hết đến sống trong một cô nhi viện và chăm sóc các em bé bị bỏ rơi. Hình như theo lời khuyên của thánh I-nhã, đầu năm 1550, bà gia nhập tu viện Saint Jerusalem của các nữ tu dòng Thánh Phanxicô tại Barcelona. Trong lá thư viết cuối năm 1547 gởi thánh I-nhã, bà gọi ngài là “cha rất thánh thiện và rất đức hạnh”. Trong những thư sau đó gởi ngài, bà vẫn gọi ngài như vậy, lại tự xưng là “nữ tỳ bất xứng nhưng rất quý mến cha”, và cho ngài thấy bà yên vui trong cuộc sống tu trì. Bà qua đời bình an trong Chúa tại đó năm 1554.

 

 

Kiểm tra tương tự

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

[Giới thiệu sách] Hạnh Các Thánh Dòng Tên

Các Thánh và các Chân Phước trong Dòng Tên chính là những người đã đạt …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *