Thánh I-nhã : Tự do để yêu mến và phục vụ (VII)

 

Phụ trang 20

 

Nữ tu Teresa Rejadell,

được thương nhưng không được chiều

 

               Chị Teresa Rejadell là một đan nữ thuộc đan viện Thánh Clara ở Barcelona. Chắc chắn thánh I-nhã đã biết chị trong thời gian hai năm 1524-1526 ngài ăn học tại thành phố này. Ngoài việc học hành, ngài còn hoạt động tông đồ bằng cách gặp gỡ các phụ nữ đạo đức và linh hướng cho một số nữ tu với tham vọng cải tổ tu viện của họ. Chính đan viện Thánh Clara lúc ấy rất cần được cải tổ, và người tha thiết nhất với việc cải tổ là chị Teresa Rejadell.

               Đan viện Thánh Clara được thành lập năm 1233 thuộc dòng Thánh Clara, nhưng từ năm 1427 lại đổi theo luật Thánh Biển Đức. Mặt khác, từ lâu đan viện này trực thuộc quyền Tòa Thánh, không bị giáo quyền địa phương chi phối, mà Đức Giáo Hoàng thì ở xa, nên kỷ luật đan viện khá lỏng lẻo. Tuy nhiên, có một nhóm 11 nữ tu tha thiết ước mong đan viện được cải tổ cả về đời sống thiêng liêng cũng như về cơ cấu pháp lý. Có thể nói chị Teresa là linh hồn của nhóm này. Gặp được thánh I-nhã, chị như cá gặp nước, trò gặp thầy. Nhưng chẳng bao lâu sau, ngài rời Barcelona, để dần dần trở thành vị sáng lập Dòng Tên, và từ năm 1538 cư trú vĩnh viễn tại Rôma. Dầu sao, chỉ được gặp ngài trong một thời gian ngắn, nhưng không bao giờ chị quên được ngài và mãi mãi ước mong được ngài hướng dẫn.

               Lá thư đầu tiên thánh I-nhã viết cho chị mà chúng ta còn giữ được đề ngày 18.6.1536 tại Venezia. Ngài trả lời một lá thư chị đã gởi ngài trước đó về đời sống thiêng liêng. Cha Hugo Rahner cho rằng lá thư này là “chứng từ cổ điển về các nguyên tắc của giáo thuyết thiêng liêng” của thánh I-nhã. Điều được nhấn mạnh và được phân tích kỹ lưỡng nhất là việc nhận định thần loại. Ba tháng sau, ngài viết cho chị về cầu nguyện chiêm niệm. Với hai lá thư này, người ta nhận thấy rõ ràng thánh I-nhã là một bậc thầy về đời sống thiêng liêng.

               Bẵng đi 7 năm, thánh I-nhã mới lại gởi lá thư thứ ba cho chị Teresa. Trong thời gian ấy, Dòng Tên đã chính thức hiện diện tại Barcelona. Cha Araoz, người đứng đầu Dòng Tên ở Tây Ban Nha, trực tiếp gặp gỡ và giúp đỡ chị và nhóm cải tổ. Từ nay, vấn đề không phải là đời sống thiêng liêng của riêng chị nữa, mà là việc cải tổ đan viện. Năm 1546, hình như vị đan mẫu tân cử, con một gia đình thế giá, được bầu do việc mại thánh. Chị Teresa và một số chị muốn cải tổ cảm thấy theo lương tâm không thể tuân phục một bề trên được bầu bất hợp pháp như vậy. Cha Araoz chủ trương tách nhóm muốn cải tổ khỏi đan viện, đặt họ trực thuộc các Giêsu hữu. Đó chính là điều chị Teresa tha thiết, ít là cho riêng chị. Lúc ấy, thánh I-nhã chưa có kinh nghiệm về các “nữ Giêsu hữu” nên ngài khá bối rối. Hơn nữa, chính vua Felipe II của Tây Ban Nha đích thân đề nghị ngài giúp cải tổ các đan viện vùng tây bắc. Bà Isabel Roser, lúc ấy mới đến Rôma, cũng nài nỉ ngài chấp thuận.

Lập trường của ngài dần dần rõ hơn: ngài giúp cải tổ vì đó là nhu cầu khẩn cấp, nhưng không lập ngành nữ trong Dòng Tên. Sau khi xin Đức Thánh Cha giải lời khấn cho bà Roser, ngài hoàn toàn dứt khoát. Trong thư gởi chị Teresa vào tháng 10 năm 1547, ngài không hề đả động gì đến việc chị đề nghị ngài đón nhận nhóm đan sĩ cải tổ của chị vào Dòng Tên. Trong thời gian từ 1548 đến 1549, cha Araoz ở Barcelona hơn một năm để cải tổ đan viện Thánh Clara, theo yêu cầu của vua Felipe II. Chính cha ấy vẫn muốn và nuôi hy vọng thánh I-nhã sẽ thay đổi ý kiến. Tháng 3 năm 1548, thánh I-nhã cho biết Đức Thánh Cha đã ban hành văn thư không cho Dòng Tên nhận ngành nữ, nên không thể làm khác được. Dầu vậy, đầu năm 1549, chị Teresa cùng với bà bề trên Jeronima Oluja tiếp tục kêu van thảm thiết. Bà viện mẫu tân cử bị xét là mại thánh nên bị huyền chức. Chị Teresa cho biết nhóm đan nữ cải tổ không phải là nữ tu Dòng Phanxicô, cũng không phải là nữ tu Dòng Biển Đức, nhưng là những nữ tu “tông đồ”, tức là các “Giêsu hữu nữ”. Đáp lại, cha Polanco viết cho cha Araoz: những dự tính như vậy đi ngược lại Hiến Chương Dòng.

Thánh I-nhã gởi cha Araoz đi Valencia, nhưng từ đó, cha ấy vẫn khuyến khích chị Teresa kiên nhẫn xin và chờ. Một số Giêsu hữu Tây Ban Nha cũng xin thánh I-nhã thương nhóm nữ tu. Ngài trả lời: Các Giêsu hữu “phải luôn luôn nhắc một chân lên để sẵn sàng chạy”. Dầu vậy, nhóm nữ tu cứ viết thư đi viết thư lại để nài van. Bà viện mẫu mới được phục chức cho là nhóm nữ tu cải tổ ngoan cố nên phạt nhịn ăn. Nhưng đến tháng 5 năm 1549, tình hình thay đổi hoàn toàn. Bà viện mẫu lại bị cách chức. Đan viện sẽ theo luật Thánh Phanxicô, và nhóm chị Teresa được coi là nòng cốt. Chị lại xin thánh I-nhã thương! Hình như chị học được với ngài là phải “ước ao đến hơi thở cuối cùng”. Chị than thở với thánh I-nhã: Sống như chúng con hiện nay thì không gọi được là sống! Nhưng thánh I-nhã khuyên chị hãy giữ luật thánh Biển Đức và tuân phục các bề trên. Chị than: “Hình như chỉ còn Thiên Chúa nâng đỡ chúng con thôi.”

Biết là không thể lay chuyển được thánh I-nhã, chị Teresa vâng lời ngài để thực sự cải tổ đan viện. Sau hai năm, đã có những bước tiến rõ rệt. Năm 1552, chị Teresa trình bày với ngài về những bước kế tiếp. Chị không nhắc đến việc xin được nhận vào Dòng Tên nữa. Công việc chưa thực sự đâu vào đâu thì chị qua đời năm 1553. Trước khi nhắm mắt, chị tha thiết xin thánh I-nhã lưu ý và ưu ái đan viện Thánh Clara.

               Đan viện Thánh Clara về sau được cải tổ nghiêm túc. Vào đầu thế kỷ XVIII, hằng tuần đan viện gởi đến cho cộng đoàn Dòng Tên gần đó mấy ổ bánh mì để nhớ đến thánh I-nhã và biết ơn ngài đã ban cho đan viện bánh thiêng liêng.

 

Kiểm tra tương tự

Giới thiệu sách mới: VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI TU – MỘT ĐÓNG GÓP CỦA LINH ĐẠO I-NHÃ

Sự vâng phục là một trong ba lời khấn mà các tu sĩ phải tuân …

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *