Miguel Canyelles: quê tại Manresa, lúc 8 hay 9 tuổi đến Barcelona ở với bà Pascual trong 3-4 năm, lúc thánh I-nhã ở đó. Lúc ở Giêrusalem về, thánh I-nhã vẫn mặc quần áo khi đi. Ở nhà bà Pascual, ngủ trên phản gỗ, không có nệm; bà Pascual cho nệm, nhưng ngài không nhận. Ngài nói chuyện rất thánh thiện, ‘đánh động tâm hồn’, ai nghe cũng lấy làm gương sáng[7].
Theo Juan Pascual thánh I-nhã nổi tiếng là thánh thiện và bác ái, vì thế nhiều người đến thăm và giúp đỡ. Hằng tuần ngài xưng tội với cha Diego de Alcántara, một tu sĩ thánh thiện dòng Phanxicô, cha giải tội của bà Pascual[8].
Theo Ricardo García Villoslada, thánh I-nhã dự lễ hằng ngày tại nhà thờ giáo xứ Đức Mẹ Biển[9]; thỉnh thoảng đi nhà thờ Chính Tòa[10], đặc biệt viếng nhà nguyện Santa Eulalia ở tầng hầm bên dưới cung thánh, nơi chầu Thánh Thể ngày đêm[11].
Thánh I-nhã xin ăn: hằng ngày tại nhà thờ Đức Mẹ Biển: hiện nay có tòa thánh I-nhã và bảng lưu niệm: tại đây, thánh I-nhã thường ngồi ăn xin. Miguel Canyelles cho biết mỗi tuần theo bà Inés Pascual đến nhà bà Guiomar Gralla hay các mệnh phụ khác để xin, … “nếu chỉ mình ngài thì khó xin được”[12]. Tại sao thánh I-nhã hành khất, mặc dầu đã được bà Isabel Roser lo mọi chi phí? (1) Chắc chắn ngài không thiếu thốn và không làm phiền các ân nhân bao nhiêu, vì nhu cầu ngài rất đơn giản; (2) Ngài muốn sống nghèo thực sự; (3) Ngài muốn chịu sỉ nhục để thắng tính ham danh; (4) Ngài muốn giúp đỡ những nguòi nghèo khác (nhà bà Inés Pascual chẳng bao lâu biến thành nơi mỗi buổi chiều ngài phân phát đồ ăn và tiền bạc cho người nghèo, khiến việc buôn bán gặp trở ngại: ngài phải chuyển việc giúp họ đến nơi khác).
“Lúc ở Manresa, kẻ ấy bị đau dạ dày, nên phải mang giày. Từ khi khởi hành đi Giêrusalem, kẻ ấy thấy dạ dày trở lại bình thường. Vì vậy trong thời gian đi học ở Barcelona, kẻ ấy ước muốn làm việc hãm mình như xưa. Kẻ ấy khoét lỗ ở hai đế giày, và càng ngày càng khoét rộng hơn, nên khi cái lạnh mùa đông đến, giày không còn đế nữa, chỉ còn phần trên phần trên thôi.”[13] Ngài vẫn coi việc hãm mình như một phần tất yếu của đời sống nghèo.