Phụ trang 21
Thủ bản Chiến sĩ Đức Kitô
Cuốn Enchridion Militis Christiani của Erasme được ấn hành lần đầu năm 1504 tại Anvers, Bỉ. Ấn bản năm 1518 tại Paris đã thành công vang dội. Theo Pierre Chaunu, Thủ Bản Chiến Sĩ Đức Kitô là quyển sách được đọc nhiều nhất, được in lại nhiều nhất trong 30 năm đầu thế kỷ XVI. Tác giả không nhắm đến gì khác hơn là giúp Kitô hữu đọc Kinh Thánh, ở đó có tất cả mọi qui tắc hướng dẫn đời sống[92].
Tác giả giới thiệu tác phẩm của mình “như thể một con dao găm nhỏ” đặt vào tay các tín hữu mà ông gọi là “chiến sĩ của Đức Kitô”. Theo tác giả, cuộc sống là một cuộc chiến đầu không ngừng. Con người được cấu tạo do ba thành phần: thể xác, linh hồn và tinh thần. Với thể xác, con người tương tự loài vật. Thánh Phaolô gọi đó là xác thịt hay con người bên ngoài, tức là những khuynh hướng tự nhiên. Với linh hồn, con người là người, có thể sống theo xác thịt hay theo tinh thần. Với tinh thần, con người có thể sống đức hạnh. Thánh Phaolô gọi đó là thần khí hay con người bên trong, tức là khả năng sống theo lời Chúa dạy. Linh hồn luôn luôn phải chọn lựa giữa hai cờ hiệu: một của xác thịt hay ma quỉ, một của tinh thần hay Đức Kitô. Phải chiến đấu chống lại xác thịt để sống đức hạnh. Hai võ khí cần thiết để chiến đấu là cầu nguyện và học hỏi Kinh Thánh. Tác giả nhấn mạnh cầu nguyện không phải là đọc kinh hay hát thánh vịnh thật nhiều, nhưng là nâng tâm hồn và tinh thần lên với Thiên Chúa; và học học Kinh Thánh không phải là nghe giảng hay đọc các sách bình giảng, nhưng là tiếp xúc trực tiếp với Lời Chúa qua chính các bản văn. Đức Kitô là trung tâm mọi sự. Chung quanh ngài có ba vòng: vòn thứ nhất là các giáo sĩ với nhiệm vụ chiếu tỏa Đức Kitô cho hai vòng ngoài; vòng thứ hai là vua và giới quý tộc, tức là hàng lãnh đạo dân sự, với nhiệm vụ phải duy trì công lý; vòng thứ ba là quần chúng tín hữu. Bên ngoài ba vòng đó hoàn toàn là các tật xấu. Ông đề ra 22 qui tắc hướng dẫn. Trước hết là 7 qui tắc căn bản được gọi chung là “triết học của Đức Kitô”: tin những điều Kinh Thánh dạy là cửa dẫn đến với Đức Kitô, bước theo Đức Kitô với lòng kiên trì, quảng đại và phó thác, Đức Kitô là đối tượng duy nhất của mọi hoạt động và việc cầu nguyện, đừng dừng lại ở sự vật nhưng nâng tâm hồn lên những thực tại vô hình, Đức Kitô là mẫu và gương. Vì con người yếu đuối không thể theo trọn vẹn được triết học của Đức Kitô, nhưng phải cố gắng đừng phạm tội và đừng làm điều xấu. Sau cùng là 15 qui tắc ngắn gọn, cổ điển và không có gì độc đáo, dành cho những lúc gặp khó khăn và thử thách. Trong khi trình bày, tác giả đả kích một cách châm biếm cách cầu nguyện của các tu sĩ và các lễ nghi của hàng giáo sĩ mà ông gọi là “chủ nghĩa Do Thái”.
Theo Mark Rotsaert, linh đạo của Erasme được phổ biến rộng rãi ở Tây Ban Nha nhờ bản dịch cuốn Thủ Bản Chiến Sĩ Đức Kitô sang tiếng Tây Ban Nha được ấn hành tại Alcalá năm 1526. Đây không phải là một bản dịch hoàn toàn trung thành. Người dịch muốn thích ứng cái nhìn của Erasme với nhạy cảm tôn giáo của người Tây Ban Nha: chẳng những tránh những điều gây sốc mà còn muốn giúp những người đơn sơ nhất rút ra được ích lợi tối đa. Vì thế, tất cả những đoạn không chắc chắn hoặc nói quá mạnh đều bị loại bỏ. Tuy nhiên, bản dịch vẫn giữ phần tác giả đả kích các tu sĩ[93].
So sánh Linh Thao của thánh I-nhã với Thủ Bản Chiến Sĩ Đức Kitô của Erasme, trước hết người ta thấy có một số điều khá giống nhau: linh đạo qui Kitô, các qui tắc hướng dẫn đời sống thiêng liêng, và đặc biệt hai từ khá quan trọng của Linh Thao đã có từ Thủ Bản: hai cờ hiệu và bình tâm. Có lẽ đó là khuynh hướng và các từ khá chung của thời đại. Tuy nhiên, Đức Kitô của Thủ Bản là một thần tượng lạnh lùng và xa vời, còn Đức Kitô của Linh Thao là một Thiên Chúa đồng hành với con người và mời gọi con người đồng hành. Tác giả Linh Thao là nhà thần bí và theo tinh thần của Devotio Moderna. Trong khi Thủ Bản đề ra một lối sống thờ ơ với Hội Thánh, Linh Thao dẫn người ta đến dấn thân vào hoạt động tông đồ của Hội Thánh. Bầu khí chiến đấu của Thủ Bản rất căng thẳng, trong khi cuộc chiến đấu của Linh Thao quyết liệt hơn, nhưng lại êm đềm hơn. Ngoài ra, khác với Erasme, thánh I-nhã không hề đả kích Hội Thánh hay một thực hành nào trong Hội Thánh. Có lẽ cả hai cùng muốn Hội Thánh đổi mới, nhưng Erasme giống cơn bão hơn, còn thánh I-nhã giống làn gió nhẹ hơn. Tóm lại, Thủ Bản nặng về luân lý hơn, trong khi Linh Thao nặng về thần bí hơn.
Theo Festugière, Thủ Bản Chiến Sĩ Đức Kitô đầy tinh thần Kitô giáo, thấm nhuần Kinh Thánh, đặc biệt giáo huấn của Thánh Phaolô. Tuy nhiên, tác giả không phải là một nhà thần bí và không theo tinh thần của Devotio Moderna[94]. Hình như vì thế tác giả đả kích nhiều khi chua chát và thâm độc đời sống các tu sĩ và hàng giáo sĩ. Đây chính là điều khiến tác giả lúc đầu bị nghi ngờ, sau đó bị kết án.