Thánh I-nhã : Tự do để yêu mến và phục vụ (VII)

               Trước hết là những việc âm thầm. Martín Saenz de Goyas, đồng hương Azpeitia của thánh I-nhã hằng năm vẫn đến dự hội chợ tại Alcalá. Một hôm, ông thấy ngài ở đại học ra cùng với các sinh viên, nên theo dõi. Ngài vào một căn nhà một lát rồi ra. Ông cũng vào và gặp một bà góa nghèo. Ông hỏi bà cho biết người vừa rôi là ai, ở đâu, đến làm gì. Bà trả lời không biết là ai và ở đâu, nhưng mỗi ngày người ấy đến thăm và bố thí. Ông xin bà nói với thánh I-nhã: nếu cần tiền, ngựa, hay điều gì khác, ông sẵn lòng giúp. Khi nghe vậy, ngài nói với bà: “Tôi mang ơn bà rất nhiều và xin Chúa trả công cho bà, nhưng từ nay tôi không đến được nữa.” Cuối cùng thì người đồng hương cũng gặp được thánh I-nhã và về Loyola kể lại cho gia đình ngài biết[55]. Có một sinh viên thuộc số những người quên tôn trọng luật Chúa và danh dự gia đình: thánh I-nhã mấy lần đến gặp gỡ để thuyết phục nhưng không thành công. Một người khác tuy còn trẻ mà đã có phẩm chức trong một nhà thờ Chính Tòa quan trọng ở Tây Ban Nha, nhưng sống không phù hợp với giáo luật và các giới răn. Cách sống bừa bãi công khai của người ấy trở thành gương xấu khiến cho một số sinh viên bắt chước. Sau khi cầu nguyện nhiều, thánh I-nhã quyết định đến gặp. Ngài được người ấy tiếp trước mặt một số người khác, nhưng ngài xin được nói chuyện riêng. Ngài thẳng thắn trình bày ý kiến. Lúc đầu người ấy giận dữ, nhưng thánh I-nhã đã từ tốn và khéo léo nên cuối cùng được mời ở lại dùng bữa tối. Sau đó, người ấy đề nghị ngài cỡi la và cho các gia nhân tiễn về tận nhà. Ngài từ chối cỡi la, nhưng chấp thuận để các gia nhân cầm đuốc đưa ngài về. Trên đường, ngài lẩn trốn được.[56]

               Lúc ấy, một trào lưu canh tân đời sống thiêng liêng do dòng Thánh Phanxicô khơi dậy trong giới bình dân ít học đã lan rộng nhiều nơi ở Tây Ban Nha. Tại Alcalá, có nhiều phụ nữ, thường được gọi là các bà đạo đức[57], họp thành từng nhóm vừa lo việc kinh lễ vừa lo việc bác ái. Đa số họ thuộc dòng ba Thánh Phanxicô hay dòng ba Thánh Đaminh. Mục đích nhắm đến là đón nhận ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần. Muốn vậy, tín hữu phải hồi tâm và cầu nguyện để dần dần tâm trí siêu thoát những điều hữu hình, đạt đến tình trạng yên tĩnh nội tâm và phó thác. Tuy nhiên, một số người lệch lạc chủ trương tiếp xúc trực tiếp với Chúa Thánh Thần, không cần qua giáo quyền hay nghi lễ, tức là coi nhẹ vai trò trung gian của Hội Thánh. Nhóm này được gọi là Alumbrados (những người được soi sáng hay thần khải). Trái với nhóm Erasmus sống khá phóng túng, nhóm Alumbrados rất ngoan đạo và nghiêm túc. Có thể nói họ là những người thánh thiện. Họ thường hội họp nhau để cầu nguyện ngoài khuôn khổ những sinh hoạt chính thức tại các giáo xứ. Thực ra rất khó phân định ranh giới trong phong trào này.

Kiểm tra tương tự

Giới thiệu sách mới: VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI TU – MỘT ĐÓNG GÓP CỦA LINH ĐẠO I-NHÃ

Sự vâng phục là một trong ba lời khấn mà các tu sĩ phải tuân …

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *